Cùng bỏ điện thoại và iPad xuống

Sáng nay ba mẹ con tôi đi ăn uống với nhau.

Nhìn sang mấy bàn bên cạnh, tôi đều thấy tội bọn trẻ. Chúng nó cũng chỉ loanh quanh 3-5 tuổi bằng hai đứa nhà tôi. Cặp mắt của mỗi bố mẹ dán chặt vào màn hình điện thoại trong tay. Có nhà mua đồ chơi cho con, đứa trẻ quanh quẩn quanh ghế, hết trèo lên lại trèo xuống, hết nhìn bố lại nhìn mẹ, rồi nhìn sang tôi. Bố mẹ nó thậm chí không bận tâm xem liệu nó có muốn mở món đồ chơi mới ra không. Nó thậm chí cũng không buồn nhìn món đồ chơi đó. 

Một gia đình khác cũng tương tự, khác cái là đứa trẻ có riêng một cái iPad để chơi.

Gia đình ngồi gần cửa chỉ có bà mẹ và con. Bà mẹ bận nhắn tin, tủm tỉm cười một mình. Đứa con ngồi ở ghế đối diện, loay hoay với cái gì đó nhưng không làm được, khóc lóc gì đó nhưng không có ai quan tâm. Lát sau nó ra ngồi cạnh mẹ. Mẹ nó đưa cho nó cái điện thoại và hai mẹ con cùng chụp ảnh selfie.

Và nhiều gia đình như thế.

Trước kia thì có lẽ tôi sẽ phán xét họ ghê lắm. Nhưng càng ngày thì tôi càng thấy rõ được nguyên nhân hơn, vậy nên tôi không phán xét nữa.

Nguyên nhân sâu xa nhất không phải là cha mẹ không quan tâm tới con, không phải là cuộc sống hiện đại với những cám dỗ và tiện nghi, không phải là những chiếc điện thoại hay wifi.
Nguyên nhân sâu xa nhất là do những bậc cha mẹ đã đánh mất liên hệ với chính bản thân họ. Họ không hiểu họ là ai, và chưa biết cách để hạnh phúc.

Nghiện điện thoại chỉ là một trong nhiều kiểu nghiện. Những cơn nghiện đều có chung nguồn gốc: lảng tránh sự thật, không dám đối mặt với bản thân và những vấn đề của bản thân, sự bối rối nhưng phủ nhận rằng mình bối rối. Người nghiện sử dụng cái nghiện của mình (màn hình, thức ăn, game, một thói quen,…) để quên đi sự đau khổ và trống rỗng trong chính mình.

Tình trạng này khá phổ biến, và biểu hiện của nó rất đa dạng.

Khi chúng ta đánh mất liên hệ với chính mình, thì chúng ta còn chưa có khả năng tự lo được cho mình. Khi không lo được cho hạnh phúc tại tâm của chính mình, thì ta làm gì có hạnh phúc để mà truyền sang cho người khác.

Khi tôi nhìn họ, tôi nhắc nhở bản thân rằng tôi phải luôn yêu thương các con. Nhưng trước hết, hãy nhớ mà chăm sóc chính mình và những hạt giống tốt đẹp trong chính mình.

* * *

hai trong những thứ đáng quý nhất không ai lấy: tình yêu thương và những cuốn sách.
bạn cứ để cuốn sách của bạn ở trên bàn ở quán trong lúc đi vệ sinh đi. bạn không phải lo. cuốn sách sẽ còn nguyên vẹn khi bạn quay lại. nhưng bạn biết điện thoại và iPad thì nên đi cùng bạn.

ta biết các giá trị đang bị đảo lộn và xào nấu như món thập cẩm khi vợ chồng ngồi cùng nhau và con cái mà không còn nhìn nhau nữa, khi những người yêu nhau thì còn mải chụp ảnh bản thân.

chúng ta không còn nói chuyện về những ước mơ, về hạnh phúc, về những niềm tin đẹp đẽ, về những gì ta tin tưởng, về những gì đáng yêu. chúng ta mải bàn những gì chúng ta ghét bỏ, ngập ngụa trong lòng tham, cơn giận, sự lo lắng, bối rối, lãnh đạm, và mong muốn sở hữu những món đồ, sở hữu người khác.

* * *

tôi không cho con dùng iPad thả phanh. nhưng tôi không cấm.

chiếc iPad nhà tôi thuộc về đúng một góc trong phòng. nó không phải thứ chúng tôi mang theo để khiến con ngồi ngoan ngoãn một chỗ để dễ quản lý. nó không phải thứ tôi đưa cho con để tôi đỡ phải trông con.

tôi cho phép các con tôi thi thoảng xem những bài hát chúng thích. tôi bảo chúng chuyển bài khi chúng chọn bài hát không thích hợp với trẻ con. đến khi tôi nói “hết giờ” và nhấc cái máy đi, không có đứa nào phản ứng hay khóc lóc. bọn trẻ thậm chí còn vui vẻ làm theo. Bư (chưa đến 5 tuổi) thường xuyên nói: “Mẹ ơi, hết giờ rồi mẹ” và tự cất iPad trước khi tôi kịp can thiệp.

một thứ càng bị cấm càng trở nên hấp dẫn.

nếu bạn không dùng iPad thì đã đành. nhưng nếu bạn cũng dùng, thì bạn chẳng còn uy quyền gì để bảo con không được dùng.

đối với tôi, iPad cũng chỉ là một công cụ – biết dùng vừa phải đúng lúc đúng chỗ thì nó có ích, mà dùng thả phanh, cái gì cũng xem và xem mọi lúc mọi nơi thì nó thành có hại. con tôi có thể học cách dùng iPad để đọc, để tiếp cận những thông tin hữu ích, để giải trí theo cách lành mạnh ở mức vừa phải, hoặc lạm dụng iPad.

tôi thấy các bậc cha mẹ thường chỉ băn khoăn tới vấn đề hại mắt. nhưng còn có một vấn đề tiềm ẩn nữa nguy hiểm gấp ngàn lần chuyện hại mắt:

khi bạn đưa cho con cái iPad để giải trí, bạn đang tước đi cơ hội của đứa trẻ – cơ hội trong việc học cách tự quyết định xem mình nên sử dụng thời gian như thế nào, cơ hội phát triển sở thích, cơ hội tương tác với người khác (để học ngôn ngữ, ngôn ngữ cử chỉ, cảm xúc, quan tâm đến người xung quanh, gắn kết với người xung quanh, vận động,…) Và nguy hiểm nhất, đứa trẻ mất đi cơ hội để khám phá ra nó là ai, mất đi cơ hội để hiểu chính nó.

Đứa trẻ sẽ có những nhàn rỗi, và trong những lúc đó sẽ có những lúc mà nó cảm thấy chán, nó không biết phải làm gì. Ta sợ con ta chán phải không? Nếu không có những lúc chán đó, đứa trẻ sẽ không biết cách vượt qua nỗi chán chường. Nếu không có những lúc đó, đứa trẻ sẽ không nghĩ ra cách làm sao để ở một mình. Nếu không có những khoảng thời gian yên lặng một mình, các cá nhân sẽ không bao giờ hiểu mình là ai.

Một con người không biết một mình sẽ không khám phá được nội tâm của chính mình. Sự khám phá đó mới đem lại sức mạnh nội tại.

Và nếu thiếu đi sức mạnh nội tại, thì khó khăn gì ta cũng nản, ai nói gì hay phản ứng gì ta cũng xuôi theo, gió thổi chiều nào thì ta bay theo chiều ấy, lúc nào cũng trong tình trạng bối rối, không biết mình nên sống ra sao, đi đường nào. Đây là tình trạng của rất nhiều người lớn thế hệ tôi, chứ đừng vội nói đến thế hệ trẻ về sau sau 20 năm đã lớn lên cùng chiếc iPad.

Các thiết bị điện tử và sự tiện lợi của cuộc sống hiện đại đã tạo nên một rào cản vô cùng lớn giữa các cá nhân, giữa những con người tưởng như yêu thương nhau nhưng thà nói chuyện bâng quơ với ai đó trên màn hình hay đọc một lời chia sẻ của bà mẹ, ông bố nào đó mình chẳng biết, tham gia vào những cuộc bàn luận ảo, còn hơn là nói chuyện với chồng mình và con mình.

Tự cái iPad không tạo ra vấn đề, mà cách thức nó được sử dụng đã khiến nhiều vấn đề lộ ra, trong đó vấn đề cốt lõi là sự thiếu yêu thương.