Nhìn nhận trẻ cho đúng

Chắc hẳn bạn đã từng thấy các bậc cha mẹ, ông bà và nhiều người lớn khác bàn tán, so sánh trẻ nhỏ với nhau – ngay trước mặt chúng hoặc khi không có mặt chúng.

Lắm khi chúng ta chỉ bàn cho vui miệng. “Thế nào? Cháu nhà bà bao nhiêu cân? Bé nhỉ? Mà bà có nhớ cháu bà L không? Trông mặt xấu ghê. Mẹ nó thì ABC. À ừ đấy, uống sữa hãng XX đó. Mà đứa cháu nhà bà H thì … Nó còn quấy khóc kinh. May mà cháu nhà tôi ngủ ngoan lắm….”

Với tôi, đó là những chuyện tán gẫu tạo ra năng lượng xấu.

Tôi từ chối việc nói chuyện về các con tôi hay bất kỳ đứa trẻ nào theo cách đó cũng như tham gia vào các cuộc bàn luận dạng đó.

Nếu bạn quan sát đủ tinh, bạn sẽ thấy cách mọi người nhìn nhận trẻ nhỏ thể hiện hết sức rõ ràng qua cách họ nói chuyện VỀ trẻ (không cần phải quan sát trực tiếp cách họ đối xử với trẻ để biết).
Chúng ta coi trẻ là gì? Là thứ để ta kiểm soát, là con rối để ta giật dây, hay một con người? Là một con người cũng có nhu cầu, mong muốn, cảm xúc và ý chí tự do cũng như ta, hay chỉ là một cái bình để ta thích đổ gì vào thì đổ, hay một cục đất nặn ta thích uốn thành gì thì uốn? Là con người nhỏ bé đang học để một ngày kia sẽ trở thành người làm chủ số phận của mình, hay chỉ là kẻ đày tớ sống để thực hiện những mơ ước dang dở (và thường lắm phần lệch lạc) của cha mẹ?

Nếu ta cho rằng trẻ bướng bỉnh, có khi nào đó là do ta không chịu tôn trọng ý muốn của trẻ?

Nếu ta cho rằng trẻ ích kỷ, có khi nào đó là do ta đã không cho trẻ thấy chia sẻ đích thực là như thế nào? Có khi nào chính ta đã tạo nên sự ích kỷ đó?

Nếu ta cho rằng trẻ lười biếng, có khi nào đó là do ta đã không cho trẻ cơ hội để tự làm mọi việc?
Nếu ta cho rằng trẻ dốt nát, có khi nào đó là do ta đã không cho trẻ cơ hội để thông minh?

Những đứa trẻ chậm nói (ngoài một lượng trẻ do bẩm sinh mà vậy) là do người lớn đã không chú ý nói chuyện với chúng. Những đứa trẻ chậm chạp trong giao tiếp (khó diễn đạt điều mình muốn nói, thiếu khả năng thấu cảm, không nhạy cảm với cảm xúc của người khác) là do người lớn đã không chú ý tương tác với chúng cho đúng cách.

Ta có thể nhìn ra rằng đứa trẻ mà ta có chính là do ta chịu trách nhiệm giáo dục hoàn toàn – chỉ ta và không ai khác?

Ta có hiểu hết tầm ảnh hưởng của mối quan hệ giữa trẻ và cha mẹ tới nhân cách của trẻ không?
Vì nếu ta không hiểu, thì ta sẽ không nhận hết trách nhiệm. Và khi ta không nhận hết trách nhiệm, khi ta còn có thể đổ lỗi cho một ai đó, thì ta né tránh trách nhiệm thật dễ dàng.

Trích tạm môt đoạn trong Liberated Parents, Liberated Children (của Adele Faber và Elaine Mazlish) cho các cha mẹ nhé:
_ _ _
“Không có đứa trẻ nào là đứa trẻ ích kỷ. Chỉ có đứa trẻ cần được trải nghiệm niềm vui và sự hào phóng.

Không có đứa trẻ nào là đứa trẻ lười biếng. Chỉ có đứa trẻ không có động lực và cần ai đó tin tưởng rằng đứa trẻ ấy có thể trở nên chăm chỉ khi nó quan tâm tới điều nó làm.

Không có đứa trẻ nào là đứa trẻ hậu đậu. Chỉ có đứa trẻ mà sự vận động của nó cần được chấp nhận cũng như cơ thể nó được luyện tập.

Trẻ em – tất cả trẻ em – cần được người lớn ghi nhận những gì tốt đẹp nhất ở chúng và bỏ qua hoặc tái định hướng những gì tệ nhất ở chúng.

Và ai có thể thực hiện được công việc đầy thách thức này?
Những người cha, người mẹ.

Ai khác ngoài cha mẹ có thể sẵn sàng tự thay đổi chính mình để rồi khiến đứa trẻ thay đổi?

Ai khác ngoài cha mẹ có thể có tinh thần đủ lớn để nói với một đứa trẻ đang mắc lỗi, “Việc đã xong là xong. Bây giờ là bây giờ. Bắt đầu lại nào.”
_ _ _