Tôi biết các cha mẹ khác nhau có ưu tiên khác nhau. Không nên bàn đúng sai.
Đối với gia đình tôi, trong việc nuôi dạy con, tôi và chồng tôi đều (thầm lặng) nhất trí rằng hạnh phúc của các con tôi cũng như hạnh phúc của cả gia đình là quan trọng nhất.
Hạnh phúc này có nghĩa là:
1 – Mọi thành viên trong gia đình tôn trọng nhau như nhau. Cha mẹ coi trọng ý thích và ý muốn của con, con coi trọng ý thích và ý muốn của cha mẹ – với điều kiện các ý thích, ý muốn này không gây ảnh hưởng đến những người khác. Cha mẹ không coi mình có quyền hơn con để ép con và ra lệnh cho con môt cách vô lý chỉ vì “Mẹ là mẹ, nói phải nghe”. Nói sai thì sao phải nghe? Vì vậy, tôi khuyến khích con tôi tự suy nghĩ và quyết định cho mình, đừng để bị người khác lấn ép cho dù đó là ai, kể cả đó là tôi. Điều này có nghĩa là bất kì ai sai đều có trách nhiệm nhận lỗi và xin lỗi các thành viên còn lại.
Việc tôn trọng này bao gồm cả tôn trọng cảm xúc. Nếu con tôi cảm thấy sợ sệt vì một chuyện tưởng rất vớ vẩn, tôi không được phép phản ứng “Dở hơi à? Bị làm sao mà sợ?” Tôi có trách nhiệm chấp nhận cảm xúc của con tôi, và ôm con tôi một cái thật chặt.
2 – Mọi thành viên trong gia đình đều có quyền thể hiện mình, được có tiếng nói và quyền quyết định. Vợ chồng tôi được phép khuyên con, phân tích tình huống cho con, cho con vài lựa chọn. Quyết định là của con. Tuy nhiên, trẻ nhỏ không biết hậu quả của một số hành vi, nên trong những trường hợp vi phạm nguyên tắc đạo đức hoặc an toàn thì cha mẹ có toàn quyền quyết định: Không ăn cắp, không xả rác, không đánh người khác, không đi ra giữa đường, không tè bậy v.v…
Câu chuyện là: Một lần đi vào một cửa hàng, bé lớn buồn tè quá mà không có nhà vệ sinh. Chồng tôi dẫn bé ra đường để “đi tạm” nhưng bé nhất quyết không chịu, khăng khăng về đến nhà mới tè.
Các nguyên tắc này cũng có nghĩa là một quyết định ảnh hưởng đến tất cả chỉ được phép chấp thuận ở gia đình tôi chỉ khi nó là giải pháp được đồng thuận bởi tất cả các thành viên. Không có thành viên nào được phép khóc nhè hoặc dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp. Bố mẹ có quyền quyết định, song phải cân nhắc quyền lợi của con cái.
3 – Các thành viên có trách nhiệm dành thời gian cho nhau, nói chuyện với nhau, hiểu nhau để yêu thương nhau và gần gũi nhau. Điều này có nghĩa là giới hạn thời gian sử dụng thiết bị điện tử, cha mẹ tập trung dành thời gian với con khi đang chơi với con, và luôn luôn lắng nghe con khi con nói. Chúng tôi không ậm ừ cho qua những gì con nói, và cũng không lảng tránh những câu hỏi hóc búa của con.
4- Các thành viên chấp nhận nhau và yêu thương nhau cho dù có bất đồng. Nếu con tôi không nghe tôi, tất nhiên có lúc tôi cảm thấy không thoải mái. Nếu sau đó tôi mắng con thì tôi sai – nên tôi sẽ phải xin lỗi con. Trong những lúc đó, con tôi luôn trả lời vẫn yêu mẹ và tha thứ cho mẹ. Đó là bởi vì những khi con tôi sai, tôi vẫn tỏ thái độ bất đồng nhưng tôi vẫn nói với bé “mẹ yêu con”.
* * *
Đây là các nguyên tắc chính mà gia đình tôi sống theo và cố gắng áp dụng hàng ngày.
Cho dù nguyên tắc gia đình bạn ra sao, hãy chú ý tới thái độ và cảm xúc của trẻ trong phần lớn thời gian. Đây chính là phản ánh chân thực nhất xem cách nuôi dạy con của gia đình bạn có thích hợp với bé không, và có giúp bé cảm thấy an tâm và hạnh phúc không.
Sự an toàn, hạnh phúc mới là yếu tố đầu tiên khiến trí thông minh phát triển. Nếu những điều kiện này không được thỏa mãn, trẻ căng thẳng, buồn bực, khó chịu thì các lớp học chẳng giải quyết được gì.
Gia đình tôi sẽ không bao giờ đánh đổi hạnh phúc hiện tại của gia đình và hạnh phúc hiện tại của từng thành viên lấy một tương lai bảo đảm ở đâu đó xa vời.
Với tư cách là giáo viên, tôi đã chứng kiến nhiều gia đình làm việc này: mắng nhiếc con, trách cứ con, ép con học thật nhiều để “thông minh” nhưng học mãi mà thông minh không đến. Sống còn chẳng xong, học làm sao được. Vì trẻ đã mất hậu phương vững chắc nhất: đó chính là cha mẹ.