Nên nhìn nhận cảm xúc tiêu cực ra sao?

cảm xúc là một phần quan trọng của chúng ta. nhưng từ bé đến lớn, chúng ta được dạy rằng cảm xúc không quan trọng. phải phớt lờ chúng, đặt chúng sang một bên mà học, mà làm, mà sống.
từ rất nhỏ, khi trẻ con khóc, người ta đã nói với chúng: đừng có khóc! có gì mà phải khóc? thôi nhé, khóc tiếp không ai chơi với đâu.

chúng ta lớn lên như thế: phủ nhận cảm xúc, che giấu cảm xúc, chạy trốn cảm xúc, đánh giá cảm xúc, mong muốn được vui và trốn tránh nỗi buồn.

điều nghịch lý lớn nhất là: càng có khả năng cảm nhận nỗi đau sâu sắc hơn, ta càng cảm nhận được hạnh phúc lớn hơn; càng đối mặt với khổ đau để hiểu ý nghĩa của nó, thì ta càng sớm biết hạnh phúc đích thực; càng chạy trốn khổ thì khổ lại càng theo, mà dám đứng lại cùng nỗi khổ thì nỗi khổ sẽ tự đi mà không cần ai phải đuổi nó hay chối bỏ nó.

* * *

trước kia, khi nghe ai nói lời nhận xét khó nghe với tôi, tôi thường nuốt nó vào, giận quá đến mất khôn, cứ ôm chặt lấy sự tổn thương. sự tổn thương bị bưng bít kín quá, bị chôn vùi sâu quá, không có chỗ để thở, và không hàn gắn được. giấu kín thì nó càng ngày càng loét ra.

dạo này tôi ít ra ngoài. ra ngoài thì ít đi một mình. thường đi “3 mình” với lũ trẻ, người ta thấy tôi là mẹ hai đứa, không bàn tán nhiều hay nhận xét gì. nhưng cứ đi một mình, người ta lại nhìn, lại soi, nói thẳng cả những lời nhận xét khó nghe về bề ngoài của tôi. giận cá chém thớt. tôi chỉ là một phụ nữ trẻ nhỏ bé, vô hại. tưởng tượng tôi là một gã đàn ông to lớn xem?

hôm nọ, lâu lắm rồi tôi mới lại một mình ở ngoài đường và nghe được những lời nhận xét như thế từ người lạ. trước kia, tôi sẽ tức giận lắm. hôm đó tôi chỉ hít những lời đó vào, và thở nó ra. tôi nhìn thấy nỗi khổ và chán chường trên khuôn mặt của những người nói những lời mà bản thân họ không ý thức được là lời gây tổn thương – một phụ nữ, một đàn ông, đều tầm 50-60 tuổi. tôi hiểu những lời đó chỉ là nỗi khổ của họ. họ không thể nói với tôi: “cháu à, tôi khổ quá.” họ chỉ có thể ném cho tôi một câu nhận xét về tôi – không phải vì tôi đáng bị như thế, không phải vì muốn nói chuyện với tôi, không phải vì họ hiểu tôi, mà vì tôi là một phụ nữ trẻ nhỏ nhắn, vô hại, một đối tượng an toàn để trút nỗi bực dọc và chán ghét cuộc đời để giúp họ bớt khổ trong 20 giây.

đơn giản như vậy thôi mà.

rất lâu tôi mới hiểu hết, hiểu thực sự qua trải nghiệm. và khi tôi hiểu thì tôi không còn phản ứng. tôi không thấy đau. tôi chỉ bước đi, và hiểu hơn bao giờ hết rằng mình phải xử lý được cảm xúc và nỗi khổ của mình. nếu không thì việc đầu tiên mà tôi sẽ làm khi gặp bất kỳ ai là phóng chiếu nỗi khổ của tôi lên họ. đấy là cách nhanh nhất để trở thành gánh nặng đè lên người khác.

* * *

bạn sẽ thấy ở đất nước này có rất nhiều người khổ – khổ vì không có khả năng tự giải quyết các vấn đề nội tâm của chính mình, và sau đó chọn cách nhanh nhất là trút lên người khác. như đổ thêm dầu vào lửa, giận dữ càng bùng phát mạnh hơn chứ nào ít đi. như chơi ping pong, khác cái là chơi rất nhiều hiệp cùng một lúc, chơi tứ tung không chọn đối tượng, chơi mà hoàn toàn không biết mình chơi, chơi với quả bóng mang tên cơn giận.

cảm xúc tiêu cực như một vết cắt, một chỗ sưng tấy. khi bị chảy máu, ta chăm sóc cơ thể của ta, chứ ta không có thời gian mà đi trách móc người khác. ta không ngồi lý giải với cơ thể: “kéo sượt qua có một tí, thế mà cũng chảy máu?”

cơ thể cực kỳ thông minh, và cảm xúc cũng hoạt động theo cơ chế thông minh tương tự như thế.
cách giải quyết sai khá phổ biến là: chúng ta đối mặt với người đã làm tổn thương ta, và ta bắt họ nhận lỗi. chúng ta cần phải giải quyết nỗi đau với chính mình, chứ không phải với ai cả.
khi cảm xúc tiêu cực đến, đừng đẩy nó đi, đừng phớt lờ nó, đừng đấu trí với nó. thay vào đó, hãy tĩnh lặng, thở, và cảm nhận nó với toàn bộ cơ thể của bạn. khi nó biết nó được chấp nhận, nó sẽ tự đi. càng thô bạo đẩy nó đi, nó càng lì lợm.

sau khi giải quyết xong cảm xúc đó, bạn hãy tự hỏi mình: cảm xúc đó đến để dạy cho tôi bài học gì? nếu bạn thấy bài học đó không phải là yêu thương, thấu hiểu, và giúp bạn nhìn thấy rõ hơn chính bản thân bạn, thì bạn chưa hiểu nó.

nếu bạn có con, bạn hãy dạy con từ nhỏ. hãy chấp nhận cảm xúc của con, và dạy con chấp nhận cảm xúc của chính con. đứa trẻ cần giữ liên hệ với cảm xúc của chính nó, để hiểu chính nó, để giúp nó khoẻ mạnh, giúp nó hạnh phúc và cân bằng. trí thông minh cảm xúc thậm chí còn là yếu tố quyết định thành công trong cuộc sống cao hơn nhiều so với điểm số.