Đặt lại câu hỏi

 //image.freepik.com/free-photo/hand-holding-question-mark_1134-114.jpg

Các cha mẹ đến với tôi để hỏi nhiều câu hỏi, nhưng tất cả các câu hỏi đều có thể được rút gọn về một mẫu số chung: “Làm sao để con tôi hành xử như mong đợi của tôi?”

Rất nhiều cha mẹ chưa hiểu rằng dạy con cũng là một hình thức tu tập tâm linh. Tại sao? Tu tập tâm linh không hề tách biệt với đời sống, không hể tách biệt với các hoạt động thường ngày. Thậm chí tâm linh nên được xem là phần cốt lỗi định hướng cho cách chúng ta nhìn nhận bản thân, nhìn nhận người xung quanh, và cách chúng ta sống và đối xử với nhau. “Chúng ta là ai?” là một câu hỏi cực kỳ quan trọng; và câu trả lời cho câu hỏi này sẽ quyết định cuộc sống của chúng ta.

Tại sao băn khoăn của nhiều người trong số chúng ta mới chỉ dừng ở “Làm sao để con tôi nghe tôi?” Câu trả lời: đó là bản ngã của bạn, vì bạn vẫn còn đang vướng vào việc dùng con như một cách để làm mình vui mà chưa hiểu rằng niềm vui ở trong chính mỗi người. Không ai có thể làm cho ai vui. Và nếu ai đó có thể đem lại niềm vui cho bạn, đó chỉ là bạn nghĩ vậy, vì bạn đang đi tìm kiếm vui ở bên ngoài.

Tôi cũng thường đặt ra câu hỏi cho họ: “Tình yêu đích thực là gì? Làm sao để biết ta đang thực sự yêu con, hay ta chỉ đang bị chi phối bởi sự ích kỷ của bản thân?” Nhưng quan trọng hơn, tôi thi thoảng quên đưa ra câu hỏi này: “Con cái bạn có thực sự cần bạn phải liên tục chỉ cho con cái gì là đúng không? Bạn có biết một đứa trẻ cần gì nhất không? Bạn có biết tại sao cha mẹ bất mãn với con nhỏ, nhưng những đứa nhỏ vẫn chạy đến bên cha mẹ chúng cho dù cha mẹ chúng khó chịu với chúng?”

Đó là bởi vì tình yêu của trẻ nhỏ mới thuần khiết. Những hành vi và lời nói khó chịu của cha mẹ chưa có khả năng khiến chúng ghét bỏ cha mẹ. Nhưng đó chỉ là khi bản ngã chưa phát triển – trong 1 tới xấp xỉ 2 năm đầu. Sau đó, nếu cha mẹ tiếp tục lấn tới mà choán hết không gian phát triển của đứa trẻ bằng những “nên” và “không nên”, thì nó sẽ gây tổn thương nghiêm trọng cho đứa trẻ. Đứa trẻ sẽ dần tự tách mình khỏi cha mẹ nó vì nó không cảm thấy được yêu thương, không cảm thấy được hiểu, không cảm thấy an toàn.

Đứa trẻ cần gì? Đơn giản lắm: Đủ thức ăn (không phải bị ép ăn, không phải thừa mứa thức ăn), đủ áo quần (không phải là quần áo đắt tiền hay thời trang), một ngôi nhà (không cần phải là nhà to, hoành tráng), và đồ để chơi (không cần là đồ đắt tiền, chỉ chai lọ và đồ thật an toàn còn vui hơn).

Rồi sau đó là gì? Nó cần được an toàn về thể chất và tinh thần. Nó cần được HIỂU. Nó cần được YÊU THƯƠNG, vỗ về, chơi đùa cùng. Khi nó được yêu thương thì nó thông minh. Thông minh là hệ quả phụ của yêu thương, chúng ta có hiểu điều đó không? Tôi đoán là không. Nếu có thì chúng ta đã không đánh đổi yêu thương lấy thông minh.

Khi đứa trẻ được yêu và chấp nhận hoàn toàn như một cá thể độc nhất vô nhị, nó tự yêu thương bố mẹ nó và hợp tác với bố mẹ nó.

Đã sao nếu con nhỏ của chúng ta không chịu ăn rau? Đã sao nếu nó chưa biết chịu chải răng? Đã sao nếu nó khóc? Đã sao nếu nó có những đòi hỏi?

Chưa ai bảo với bạn rằng những việc đó nhỏ bé quá chừng. Nếu con không theo ý ta, đó có phải là cái gì đó khủng khiếp lắm không? Mỗi khi con làm gì khiến ta phật ý, ta hãy thử tự bảo với mình: “Rồi sẽ qua thôi! Có gì đâu mà phải phản ứng nhỉ?”

Khi ta phản ứng, ta tự biến những việc rất bình thường thành vấn đề, và đó là cách vấn đề nảy sinh. Vấn đề sinh ra từ cách chúng ta phản ứng với sự việc, chứ bản thân sự việc không phải là vấn đề. Mối quan hệ của chúng ta với con nhỏ thể hiện con người của ta, không phải con.

Đã đến lúc chúng ta tự giải thoát cho mình khỏi những câu hỏi nhỏ để đặt câu hỏi lớn. Thông minh không phải ở câu trả lời, mà sự thông minh thể hiện ở câu hỏi. Một trong những câu hỏi lớn nhất là: “Làm gì để rửa sạch tâm, để từ đó ta nhìn thấu mọi biểu hiện của đời sống, và qua đó ta có thể thực sự yêu thương con?”