Ngừng lại đã. Tôi biết bạn đang nghĩ gì. Bạn đang nghĩ “đừng có giật tít, và đừng nói linh tinh nữa. Khó bỏ bố!”
Tôi sẽ nói nó khó bởi những rào cản trong suy nghĩ, lý luận, hình dung và niềm tin cứng nhắc của cha mẹ, chứ không khó để dạy đứa trẻ.
Đứa trẻ luôn mở mình đón nhận mọi cơ hội học hỏi. Tuy vậy, người lớn không hiểu cái học ở trẻ con, và lại vô tình dùng quá trình học của trẻ để làm công cụ kiểm soát trẻ. Vì vậy, cái khiến cha mẹ và thầy cô căng thẳng là mong muốn kiểm soát trẻ và sự không chấp nhận được trẻ.
Điểm chung của những người thầy giỏi và cha mẹ giỏi đều là xác định hỗ trợ chứ không kiểm soát, chấp nhận trước khi muốn giúp, hiểu trước khi dạy.
Nếu bạn không hiểu đối tượng bạn đang dạy, thì bạn sao mà dạy được? Nhiều người trong chúng ta vội vã nghĩ ra đủ thứ để dạy trẻ, nhưng bạn chỉ cần quan sát một người lớn trong vòng 5 phút tương tác với trẻ là đủ để bạn biết mức độ hiểu trẻ của người đó đến đâu qua cách người đó tương tác với đứa trẻ.
Bước đầu tiên trong giáo dục trẻ là: hãy tập để tự do khỏi cái tôi của bạn đi.
CÁI TÔ TO OÀNH
Chỉ đơn giản thế này thôi nhé. Khi đứa trẻ không muốn thử món gì, điều ấy đơn giản là nó không muốn thử vào lúc ấy. Nhưng một người lớn có cái tôi to oành sẽ nói: “Này, mẹ đã vất vả nấu cho con một món cực kỳ ngon, sao con có thể phản ứng như thế nhỉ? Con ăn đi!” Một người lớn khác thì nói: “Con thử xem, nó ngon không?” Tưởng như họ đang hỏi một câu hỏi, nhưng hóa ra lại là câu hỏi … tu từ. Nó nhăn mặt đáp: “Không!” Và người lớn nói: “Đừng vớ vẩn. Chẳng biết ăn gì cả. Kém thật. Rõ là nó rất ngon. Có dở hơi thì mới không ăn cái thứ này!”
Có rất nhiều phản ứng tương tự trong các hoàn cảnh khác. Ví dụ như:
– Con đi học thấy sao?
– Con không thích ạ.
– Cái gì? Đi học tốt cho con, đừng có nói linh tinh.
– Nhưng con không thích.
– Vớ vẩn. Có bạn có bè. Thế con có thích bạn X không?
– Có ạ.
– Thế sao không thích đi học? Bạn nó cũng đi học. Thử hỏi xem các bạn có thích không?
– (Đứa trẻ không muốn nói chuyện nữa)
Bạn cứ quan sát đi. Và bạn sẽ thấy: trẻ con không hề ghét ăn, không hề ghét học. Nhưng nó sẽ ghét ăn, ghét học, khi nó tỏ vẻ không thích một thứ gì đó và người lớn dùng cơ hội đó để dạy dỗ nó, để bảo với nó là nó sai và họ thì đúng.
Nó chán ngấy cái trò đó, và nó sẽ không thèm nói chuyện nữa.
Có ai hiểu nó đâu?
Vì vậy, đừng hỏi sao nhiều trẻ em khi tới độ tuổi tới trường không còn muốn nói chuyện với bố mẹ. Bố mẹ chúng chẳng hiểu gì chúng cả. Chúng chỉ thích tán phét với bạn bè vì chúng nó hiểu nhau.
VÍ DỤ: CHUYẾN ĐI SIÊU THỊ
Tôi còn nhớ hồi nhỏ khi tôi tầm 8-9 tuổi tôi rất thích thú với các chuyến đi siêu thị khi những siêu thị đầu tiên xuất hiện ở Hà Nội.
Với người lớn, đi siêu thị là để mua thứ gì. Với trẻ nhỏ, đi siêu thị là một sự khám phá và cả một chuyến phiêu lưu. Nó không vào đó để mua gì. Nó chỉ thích lượn một vòng, nhìn ngắm, sờ vào các thứ, đặt câu hỏi về thứ nó không biết.
Khi người lớn không hiểu, họ sẽ bảo: “Thôi, đi siêu thị làm gì? Cần gì đâu mà mua? Đừng vớ vẩn nhé. Tôi hết tiền rồi.” Khi đứa trẻ vào siêu thị đi loăng quăng để khám phá, người lớn với cái tôi to oành nói: “Này, đứng lại, không được đi”, “Này, đừng động vào cái đó”, “Này, đừng linh tinh”, “Nào, đi nhanh lên”.
Người lớn không tạo cơ hội cho đứa trẻ khám phá mà lại vô tình cản trở nó bởi một lẽ đơn giản: với họ, đó là chuyến đi cho nhanh để mua đồ. Với trẻ, đó không phải là chuyến đi mua đồ. Đó là hạnh phúc, là vui chơi, là loăng quăng ở một nơi không phải là nhà, là thay đổi không khí.
Nếu bạn không hướng dẫn và cho trẻ cơ hội để hợp tác, đương nhiên mọi thứ có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát, và con bạn có thể chạy ra ngoài tầm mắt lúc nào không biết. Sau đây là một số cách để có một chuyến đi siêu thị vui vẻ với trẻ 1-5 tuổi:
1 – Hãy cho bé một cái giỏ để bé kéo. Nếu bé không muốn kéo, hãy vui vẻ với chuyện đó. Nếu bé kéo nửa chừng và bỏ, hãy vui vẻ với chuyện đó.
2 – Hãy cho bé cầm thứ gì đó hộ bạn. Trẻ nhỏ thích cảm giác chúng có vai trò quan trọng và được cha mẹ tin tưởng. Nếu chúng đang cầm dở và nói “mẹ ơi, con mỏi quá”, hãy vui vẻ với chuyện đó và “giải phóng” bé khỏi trách nhiệm.
3 – Bạn có thể cho bé vào xe đẩy to để ngồi. Đi tới đâu, bạn lại chỉ cho bé tới đó, giới thiệu với bé những thứ trước mặt bé, đặt câu hỏi cho bé. “Cái này màu gì nhỉ?”, “Đây là dầu gội này”, “Đây là khăn mặt này”,…
4 – Với các bé lớn hơn, hãy cùng bé đi tìm thứ gì đó. “Con giúp mẹ tìm xà phòng được không? Con nhặt 2 bánh xà phòng cho vào giỏ nhé!”
5 – Các bé nhỏ rất thích xem mọi thứ. Chúng thích cảm giác được chạm vào mọi thứ để xem cảm giác ra sao. Hãy cho chúng sờ và cầm mọi thứ lên. Hãy cho chúng thời gian, và nhớ nhắc: “Con nhớ cất lại lên giá nhé!” Có thể sẽ mất một vài lần để hướng dẫn, và bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy con bạn cất lại mọi thứ đúng chỗ một cách gọn gàng. (Trẻ nhỏ rất thích phân loại mọi thứ và xếp cho đẹp!)
6 – Hãy cho bé nhiều thời gian để vui vẻ. Thay vì nghĩ các bé cần phải nhanh lên, hãy chuyển hướng suy nghĩ sang bạn và nói với chính bạn: “Mình cần sống chậm lại!”
7 – Đôi khi trẻ sẽ đòi mua đồ chơi. Đây là cơ hội tốt để nói: “Con đã có khá nhiều đồ ở nhà. Hơn thế, đồ này rẻ và dễ hỏng. Mình nên mua đồ gì tốt hẳn và sử dụnng được lâu dài.” Trẻ 3+ có thể hiểu những gì bạn nói. Nếu con vẫn đòi mua, bạn nên làm rõ giới hạn với con để con hiểu. Những gia đình có con hay vòi vĩnh thực ra là những gia đình đã quá nhân nhượng và tạo thói quen vòi vĩnh cho trẻ.
Hai đứa con của tôi chưa bao giờ đòi có thứ gì. Hồi con lớn hiểu chuyện một chút (3+) và sắp lên 4, tôi có nói với con khi con muốn mua vương miện: “Này, sắp đến sinh nhật của con rồi. Khi nào tới sinh nhật, mình sẽ mua. Con cứ nghĩ thêm nhé!” Sự chờ đợi có lợi cho bé. Bé cần học rằng không phải thứ gì muốn là cũng sẽ có được liền. Tôi nghĩ bé đã vui hơn khi được mua vương miện đúng ngày sinh nhật.
8 – Rất có thể bé sẽ có nhiều câu hỏi cho bạn khi đi siêu thị. Hoặc nếu không, bạn có thể tận dụng cơ hội để nói chuyện với con. Hãy lắng nghe câu hỏi và nói chuyện. Bé cần bạn lắng nghe và làm bạn hơn là sự giảng giải và kiến thức.
Nhiều cha mẹ lo lắng khi con đặt câu hỏi cho họ. Họ không biết phải làm gì vì trong thâm tâm cứ muốn đưa ra một câu trả lời thật chính xác, thật khoa học. Con cái chúng ta không cần một chuyên gia với kiến thức chuyên môn đầy mình hay một nhà khoa học. Con cái chúng ta cần một chuyên gia tâm lý. Và bạn có thể tập để trở thành chuyên gia tâm lý của con bạn.
9 – Khi ra tới quầy tính tiền, hãy yêu cầu bé giúp bạn lấy các thứ từ giỏ để đưa cho bạn hoặc để bé tự đặt đồ lên quầy khi bé đã lớn hơn. Gia đình tôi không lấy túi ni-lông khi ra ngoài hàng đã nhiều năm nay. Các hành vi và thói quen của bạn đều là bài học quan trọng cho bé.
10 – Điều này lẽ ra nên được xếp trước các điều ở trên: Khi có hai bé, bạn có thể cho bé nhỏ vào xe, và rủ bé lớn cùng đẩy xe. Việc này có thành công hay không một phần phụ thuộc vào cách bạn đối xử ngang bằng với các bé. Nếu bạn thường xuyên thiên vị bé nhỏ và cái gì cũng bắt bé lớn nhường cho bé nhỏ, thì có thể bé lớn sẽ từ chối.
* * *
Hôm nay vào siêu thị, lúc bé lớn phát hiện ra chỗ trứng sô-cô-la (loại mà ông ngoại hay mua cho, còn tôi thì không mua), bé reo lên và bé nhỏ cũng nhìn thấy. Tôi cau mày vì nghĩ là bọn nó sẽ đòi mua trứng. Bé nhỏ chạy ra cầm trứng lên. Tôi đứng quan sát xem nó làm gì. Hóa ra nó chỉ muốn cầm lên, nghịch nghịch, lắc lắc, rồi nhấc lên rồi lại đặt xuống. Tôi đã hiểu nhầm ý định của con tôi. Các phụ huynh thường xuyên hiểu nhầm con như vậy, rồi sinh ra gắt gỏng, khó chịu, giảng giải.
Tôi viết bài này vì hôm nay tôi vừa cho hai con vào siêu thị chỉ để … đi chơi một vòng. Nhìn mọi thứ dưới con mắt trẻ thơ thú vị lắm.
Bạn nên thử!