Các tình huống đời thường hoàn hảo cho việc dạy ngôn ngữ, và ngôn ngữ lại là công cụ hoàn hảo để mô tả và để hiểu trải nghiệm sâu hơn đối với trẻ nhỏ.
Mình đưa ví dụ với tiếng Anh. Các quy tắc này áp dụng với mọi thứ tiếng khi trẻ đang học nói.
VÍ DỤ 1: HỌC TỪ CHỈ KÍCH CỠ
Thi thoảng bạn Siêu Tăm (25 tháng) xem cái video trứng với chị Bư, có hình các quả trứng đồ chơi, và nghe thấy trong video nói: “small, big, bigger, biggest!”
Bạn thường xuyên nghe chị Bư nhắc lại (chị Bư đã hiểu nghĩa), bạn nhìn vào video cũng đoán đoán là có ý nghĩa gì đó, nhất là khi bạn nghe thấy từ small được nói khẽ nhất, rồi âm lượng tăng dần, và được chị Bư chỉ trỏ nhiều lần vào các thứ trong khi lặp lại 4 từ đó liên tiếp.
Xếp 4 thứ theo kích cỡ từ nhỏ dần tới lớn dần, mẹ luôn nhắc lại với bạn những từ đó (vì thấy bạn rất thích, cứ nhắc lại lúc mà bạn chưa hiểu. bạn chỉ thấy nói như thế rất vui.) Dần dần, sau khoảng 1-2 tuần, qua rất nhiều bài học thực tế, bạn hiểu small và big là hai từ chỉ kích cỡ, và cũng phần nào hiểu ý nghĩa của các từ so sánh.
bây giờ, khi mẹ giơ hai vật có kích cỡ khác nhau, và hỏi “which one is small?” hoặc “which one is big”, bạn có thể chọn được đúng vật. tương tự, mẹ có thể hỏi: “which one is smaller?/bigger?”, và bạn vẫn chọn đúng.
Status: thành công. Tới thời điểm bạn nói được, bạn sẽ tự nói.
VÍ DỤ 2: HỌC TỪ CHỈ MÀU SẮC
Các sách dạy về màu sắc có thể gây khó khăn cho trẻ, vì sách thường trình bày rất nhiều loại hình ảnh đồ vật hoặc con vật đa dạng. Vì vậy, đương nhiên trẻ sẽ bối rối khi có một con vịt và một con chó khi mẹ chỉ vào chó và nói “this is white”, chỉ vào vịt và nói “this is yellow”. Một em bé sẽ rất bối rối: ý mẹ là white là tử chỉ chó? và yellow là từ chỉ con vịt?
Khi dạy màu sắc, để tránh gây ra nhầm lẫn, các vật đưa ra phải giống hệt nhau về mọi đặc tính, ngoại trừ màu sắc.
Siêu Tăm rất thích bóng bay. vì vậy, nhà mình mua bóng bay về thổi, và mình tranh thủ dạy màu sắc. Vừa được học, vừa được ném bóng, vừa được chạy nhảy các em bé rất thích. Đây là cách lý tưởng để dạy: lồng ghép ngôn ngữ vào hoạt động mà bé thích, chứ không phải ép bé tham gia một hoạt động mang tính “học” mà người lớn đặt ra.
Trong khi chơi với con, con sẽ học được những câu như: “Can you give this balloon to your sister (kèm với cử chỉ của mẹ)?”, “Can you get the red balloon?”, “Can you catch this?”, “Watch me, Siêu Tăm!”, “Come here”,…
Mình cũng không nghĩ con học được mấy, vì trẻ 2 tuổi mất khá nhiều thời gian để học màu sắc (trẻ nhỏ hơn thì chưa sẵn sàng về nhận thức). Thi thoảng vui vui, mình hỏi con “what color is this?”, con không nói được hoặc nói không đúng thì mình trả lời hộ. trẻ nhỏ đang học nói rất thích nhắc lại những gì người lớn nói.
Tự dưng tới một ngày đẹp trời khi bạn tầm 25 tháng, sau vài tuần, bạn trả lời đâu ra đấy.
STATUS: thành công.
Bây giờ có thêm nội dung để nói chuyện với bạn. Bạn có thể trả lời các câu đơn giản như: “Who’s this? What’s this? What is she doing? What are you doing? Do you like eating this? Do you want to play? What color is this?”
Đây là các nội dung đơn giản để có một cuộc hội thoại với trẻ 2 tuổi. Nó rất đơn giản, nhưng chính vì đơn giản nên không phải người lớn nào cũng thích hợp với vai trò dạy ngôn ngữ cho trẻ. nó là công việc rất thách thức. bạn sẽ hiểu rõ tính thách thức của công việc này khi một mình bạn chịu trách nhiệm dạy con bạn duy nhất một thứ tiếng (như tiếng Anh) mà không có sự trợ giúp của bất kỳ ai khác.
NHỮNG GÌ MÀ QUÁ TRÌNH ĐÒI HỎI
Quá trình học đòi hỏi sự sáng tạo và điều chỉnh liên tục của người dạy, cũng như khả năng quan sát và nhạy cảm với trẻ.
Sự sáng tạo ở đây không phải là nghĩ xem trẻ nên làm gì hay chơi trò gì, mà là sự ngẫu hứng tận dụng mối quan tâm của trẻ. Sự sáng tạo còn là cách người lớn điều chỉnh cách trình bày nội dung, cách mời trẻ con tham gia, cách chơi đùa cùng trẻ.
Càng vui và càng liên quan tới trẻ thì trẻ càng học. Học không hề tách biệt với các hoạt động, mà là tinh thần của mọi họat động của trẻ. Một người lớn không hiểu trẻ sẽ cho rằng đời sống chẳng có gì cho trẻ học, do đó chỉ có lớp học mới giúp được trẻ.
Lớp học thông thường là cái tách biệt với đời sống. Nó được tạo nên vì mục đích dạy trẻ, và cũng chính vì mục đích mà nó thường can thiệp thô bạo vào quá trình học của trẻ.
Không thể kiểm soát quá trình học của trẻ mà chỉ có thể tạo ra môi trường khuyến khích trẻ tham gia, qua đó trẻ sẽ tự học từ những người xung quanh và qua khám phá thế giới (đồ vật, chức năng đồ vật, các đặc tính của các đồ vật,…)
Mỗi trẻ học và thay đổi theo cách duy nhất ở tốc độ duy nhất. Không thể thay đổi điều này, mà chỉ có thể học cách chung sống một cách hài hòa với những gì là tự nhiên ở trẻ.
Bạn muốn dạy được trẻ, bạn phải dành thời gian cho trẻ và dành ít nhất vài năm để thích nghi với cách học và tính cách của từng đứa trẻ. Không cần quá lo lắng.
Sự khác biệt giữa người biết dạy và không biết dạy là lòng yêu thương đích thực dành cho trẻ.
ps. bé Tăm phát triển TV bình thường, vì bé vẫn học cả tiếng Việt theo cách y như vậy, kèm theo đọc sách. hiện giờ, câu dài nhất mà hắn nói được là: “không thích bố trêu Tăm đâu!!!!”