Có rất nhiều cách thức để tiếp cận trẻ nhỏ trong quá trình giáo dục chúng. Homeschooling (giáo dục trẻ tại nhà) không phải là một phương pháp giáo dục. Nó chỉ có nghĩa là: thay vì phụ thuộc vào hệ thống giáo dục và các giáo viên, cha mẹ tự giáo dục con tại nhà, tự chọn lựa cách thức, và tự xác định mục tiêu.
Có rất nhiều cách thức giáo dục, trong đó phổ biến nhất là cách thức giáo dục truyền thống (được áp dụng tại đa số trường học), tiếp đến được biết đến nhiều là các phương pháp “mới” như Montessori, Reggio, Steiner,… Một gia đình chọn giáo dục con tại nhà có thể chọn cách thức giáo dục truyền thống, hoặc giáo dục trẻ tự định hướng hoặc bất kỳ phương pháp nào. Nhiều phương pháp có nhiều điểm chung hơn là chúng ta tưởng. Không nên quá vướng mắc vào tên gọi để cho rằng chỉ có một phương pháp là đúng.
Mỗi một phương pháp có cách nhìn nhận trẻ và vai trò của người lớn trong quá trình giáo dục trẻ. Các phương pháp cũng đặt ra mục tiêu có thể khác biệt ít nhiều, và chọn cách thức tương tác với trẻ theo cách khác nhau. Tùy vào cách nhìn nhận trẻ, từng phương pháp sẽ trao trẻ nhiều lựa chọn – hoặc không có lựa chọn nào cả. Lựa chọn của trẻ càng nhiều thì vai trò của người lớn càng mang tính hướng dẫn và hỗ trợ, hơn là chỉ huy. Lựa chọn của trẻ càng ít thì vai trò cùa người lớn càng mang tính chi phối, kiểm soát và chỉ huy trẻ. Càng nhìn nhận là trẻ không biết gì, thì người lớn càng tìm cách nhồi nhét trẻ vào một khuôn mẫu có sẵn. Ngược lại, càng nhìn nhận trẻ là những cá thể riêng biệt, luôn học hỏi, khám phá ngay cả khi không có ai giảng giải, thì người lớn càng tôn trọng quá trình phát triển tự nhiên của trẻ và không đặt ra khuôn mẫu nào cả.
Trong bài này, Phương xin giới thiệu về cách thức mà Phương chọn và đã có trải nghiệm với hai con nhỏ tại nhà trong vài năm vừa qua là giáo dục trẻ tự định hướng (còn gọi là giáo dục trẻ chỉ huy). Kinh nghiệm của Phương hiện giới hạn với các con ở độ tuổi nhỏ, nên xin phép chỉ đưa ví dụ trong độ tuổi dưới 6.
LỰA CHỌN HAY KHÔNG LỰA CHỌN?
Theo phương pháp giáo dục truyền thống, định hướng giáo dục là toàn quyền của người lớn: Người lớn quyết định nội dung học, cách thức học, thời lượng học. Trẻ em không có lựa chọn nào ngoài lựa chọn theo người lớn. Trẻ em bị đánh giá là “hư”, “chậm”, “không tập trung”, “không vâng lời”, “không tôn trọng giáo viên” khi chúng không theo được mong đợi của người lớn, hoặc không thích thú với nội dung học hoặc cách thức được học.
Với giáo dục trẻ chỉ huy, định hướng là của chính trẻ em: Người lớn sẽ quan sát xem trẻ thích thú với điều gì, thích tự mày mò cái gì, đặt câu hỏi về cái gì, mong muốn làm được điều gì; người lớn chỉ đóng vai trò hỗ trợ, hướng dẫn khi trẻ cần được giúp, ở bên cạnh trẻ với vai trò là người đồng hành. Không có trẻ hư, chậm, không tập trung, không vâng lời, mà chỉ có những đứa trẻ biết nó muốn làm gì, muốn tập trung vào cái gì, và phát triển ở tốc độ riêng của chính nó.
THIẾT KẾ BÀI HỌC HAY KHÔNG THIẾT KẾ?
Cùng là học tiếng Anh, dạy theo cách thức truyền thống, người lớn sẽ đặt ra chương trình, thiết kế bài học, đặt ra mục tiêu trẻ phải nhớ hay học được gì, mong đợi trẻ phải nghe theo, phải học theo, và phải hợp tác. Người lớn không quan tâm lắm xem đứa trẻ cảm nhận ra sao, hay đang có biểu hiện gì. Cho dù đứa trẻ không thích, giờ học sẽ vẫn kéo dài cho hết thời lượng. Trong khi đó, cảm nhận và biểu hiện của trẻ mới là thước đo rất quan trọng cho thấy người lớn có hiểu trẻ hay không, và đã biết cách tiếp cận cho đúng hay chưa. Chất lượng của giờ học quan trọng hơn là bài học đã kéo dài bao lâu.
Theo giáo dục trẻ tự định hướng, người lớn sẽ không thiết kế bài học. Người lớn tận dụng chính cuộc sống hàng ngày, chơi với trẻ, chăm sóc trẻ, tận dụng các nhu cầu giao tiếp và mối quan tâm của trẻ để bám vào đó để dạy trẻ. Nếu đứa trẻ quan tâm, người lớn dạy. Nếu đứa trẻ không thích thú nữa, lúc đó giờ học đã hết. Hoặc nếu đứa trẻ không thích thú rất nhiều lần và không chịu hợp tác lần nào cả, điều đó có nghĩa là người lớn chưa hiểu trẻ và chưa biết dạy.
Giáo dục trẻ định hướng cực kỳ linh hoạt. Người lớn liên tục điều chỉnh cách tiếp cận hàng ngày hàng giờ. Mọi kinh nghiệm đều rất mới mẻ. Cái có tác dụng ngày hôm qua có thể sẽ không áp dụng được vào hôm nay: tất cả do đứa trẻ quyết định và dẫn dắt. Cách tiếp cận với trẻ này có thể không có kết quả như vậy cho trẻ khác, hoặc chỉ áp dụng được một phần. Nguyên tắc chung là điều chỉnh để cách thức tốt nhất cho từng trẻ; nhưng cụ thể, cách thức là gì thì người lớn phải tự khám phá trong chính quá trình dạy.
TÔN TRỌNG KHÁC BIỆT HAY KHÔNG TÔN TRỌNG?
Có những trẻ sẵn sàng ngồi đọc rất sớm cùng cha mẹ, lại có những trẻ cùng tuổi chỉ ngồi được 2-3 phút là chạy đi. Có những trẻ rất thích leo trèo, chạy nhảy, vận động; và lại có những trẻ quan tâm hơn đến vận động tinh. Có những trẻ e dè với người lạ, cần nhiều thời gian hơn để làm quen; và lại có những trẻ dễ gần và sẵn sàng chơi cùng ngay lập tức. Có những trẻ rất thích nghịch bẩn và đi chân đất; và lại có những trẻ cực kỳ sạch sẽ, không thích sờ vào bất cứ thứ gì bẩn cả.
Tất cả các khác biệt như vậy đều là bình thường. Giáo dục trẻ tự định hướng tôn trọng mọi trẻ, từ tính cách, tính khí bẩm sinh, cho tới cảm xúc, sở thích, xu hướng vận động và xu hướng hành xử của chúng. Theo cách này, người lớn tự điều chỉnh để giúp trẻ tốt nhất theo cách có thể: giúp chúng phát huy sở thích, cho phép chúng chọn lựa hoạt động mà chúng vui thích, cho chúng thêm thời gian để chờ tới lúc chúng sẵn sàng để học một nội dung mà chúng chưa sẵn sàng, giúp chúng với những kỹ năng cần thiết mà chúng chưa tự làm được mà rất muốn học (rửa tay, tưới cây, chăm mèo, dọn đồ chơi, rửa bát,…).
ĐÁNH GIÁ HAY KHÔNG ĐÁNH GIÁ?
Giáo dục truyền thống chỉ tập trung vào kiến thức và những gì người lớn truyền đạt cho trẻ. Giáo dục trẻ tự định hướng tập trung vào quá trình khám phá của bản thân trẻ và quá trình nhận thức của chính trẻ. Giáo dục truyền thống đưa ra các tiêu chuẩn để đánh giá trẻ, trong đó có tốc độ học; giáo dục trẻ tự định hướng không có tiêu chí đánh giá đó. Tiêu chí đánh giá là dành cho người lớn, chứ không dành cho trẻ. Bất cứ điều gì người lớn làm không đúng cách đều có thể ảnh hưởng tới trẻ ngay lập tức; người lớn phải vô cùng tỉnh táo để nhanh chóng điều chỉnh chính mình.
Những gì trẻ học được là sự thay đổi diễn ra rất rõ rệt, không nên được đánh giá bằng một danh sách các tiêu chí do người lớn đặt ra, mà tính bằng những thay đổi trong cách trẻ sử dụng ngôn ngữ, cách trẻ tương tác với mọi người, tính tự lập gia tăng, sự tò mò học hỏi được duy trì, cảm giác vui vẻ được tham gia vào cuộc sống hàng ngày, khả năng nhận diện và điều tiết cảm xúc, khả năng giải quyết mâu thuẫn, khả năng chia sẻ, v.v…
Để đánh giá được cách tiếp của mình, người lớn phải quan sát chính trẻ để nhận biết được các thay đổi đang diễn ra và hiểu được nguyên nhân của những thay đổi này.
HỌC LÀ THAY ĐỔI NHẬN THỨC
Những thay đổi thực sự là thay đổi diễn ra trong nhận thức của trẻ (không thể bị kiểm soát hay đẩy nhanh, mà chỉ có thể được tạo môi trường để tới lúc thì tự “chín”). Khi thay đổi trong nhận thức, trẻ sẽ tự thay đổi hành vi. Đây là quá trình học tự nhiên, đòi hỏi rất nhiều thời gian và hướng dẫn để đem lại thay đổi thực sự.
Thay đổi giả là những thay đổi mang tính bề mặt, khi trẻ thay đổi hành vi do sợ hãi hoặc do sẽ được phần thưởng, chứ không diễn ra cho nhận thức của trẻ. Giáo dục truyền thống hay sử dụng trừng phạt hoặc phần thưởng để thúc đẩy thay đổi về hành vi, nhưng không quan tâm tới thay đổi đích thực về nhận thức. Khi không có sự trừng phạt hay phần thưởng, tất cả các hành vi lại quay lại với sự hỗn loạn ban đầu.
TRẺ SẼ TỰ HỌC VÀ THÍCH HỌC THẬT SAO?
Vâng, đúng như vậy. Hãy quan sát trẻ nhỏ tò mò về thế giới xung quanh, học nói, học đi, học bò, học ăn. Đó không phải là học sao? Khi đứa trẻ đặt một câu hỏi, chăm chú quan sát cái gì đó cố gắng tập một kỹ năng nào đó, đó chính là khi chúng tò mò và quan tâm. Đó chính là thời điểm tuyệt vời để dạy. Nhưng chúng ta đã quá quen với giáo dục truyền thống. Chúng ta thường xem nhẹ các câu hỏi của trẻ và mối quan tâm của chúng. Thay vào đó, chúng ta cứ khăng khăng cho rằng chỉ có học toán, học chữ, và học ngoại ngữ theo những sách chuẩn hay trên các chương trình chuẩn mới là học.
Dần dần, chính sự áp đặt và lạm dụng quyền lực của người lớn khiến trẻ liên hệ việc học với sự nhàm chán, gò bó, bắt ép. Chính do người lớn phớt lờ nhu cầu, cảm xúc và suy nghĩ của đứa trẻ dần khiến đứa trẻ muốn xa cách người lớn và không muốn thể hiện nó nữa. Nó học được bài học rất lớn rằng người lớn chỉ thích nó khi nó nghe lời, chỉ thích khi nó giả vờ, chứ không thích con người thật của nó. Sự bức bối và căng thẳng tích tụ dần, và trở thành sự chống đối. Khi người lớn không hiểu nguyên nhân của sự chống đối, họ cho rằng trẻ hư và lười học. Rất nhiều người lớn tin rằng trẻ em không thích học, và cách duy nhất là bắt ép chúng học. Những đứa trẻ chỉ bước chân vào lớp là đã bắt đầu chán học. Trẻ lớp 1, 2, 3,… và cứ như thế, đều trả lời rẳng chúng không thích học.
Khi trẻ không thích học, chúng ta phải đặt câu hỏi với chúng ta, chứ không phải với chúng.
Hai đứa con của tôi rất thích học. Cả hai đều mê mẩn những cuốn sách từ khi lên 2. Đứa lớn (5t) rất quan tâm đến chữ, số, và nhiều đề tài. Tuy nó chưa biết đọc, nó thường xuyên tự cầm sách lên và xem chăm chú những khi tôi cho đứa bé ngủ trưa. Với trẻ nhỏ, học là chơi, chơi là học, học là sống, sống là học, chơi là sống, sống là chơi. Chẳng có gì tách biệt cả.
Lắm lúc trẻ sẽ chỉ theo dõi một nửa quyển sách cùng mẹ, rồi nó nói: “Mẹ ơi, con mệt rồi.” Người mẹ nên cho nó nghỉ , chứ không phải thắc mắc: “Con làm sao vậy? Có nửa quyển, đọc nốt đi. Đọc cho ra đọc, rồi hẵng nghỉ. Chẳng nghiêm túc gì. Thế thì mai này sẽ chẳng học được hay làm được gì.”
Chính thái độ của người mẹ sẽ khiến đứa trẻ từ chối đọc vào những lần tiếp theo. Nó không muốn phải làm một thứ đã bị liên hệ với cảm xúc tiêu cực do chính mẹ nó tạo nên. Ngược lại, khi bạn nói “Con mệt hả? Muốn làm việc khác hả? Ừ, thôi đi đi con. Để khi khác”, đó chính là lúc đứa trẻ hiểu rằng nó có quyền lựa chọn. Tự nó sẽ trở nên hợp tác hơn, và sẽ tự quay trở lại đọc sách một cách vui vẻ vào lần sau vì nó biết rằng mẹ nó hiểu nó, mẹ nó sẵn sàng lắng nghe và hỗ trợ nó theo cách cần thiết nhất cho nó.
Đó chỉ là một ví dụ với sách. Mọi thứ khác đều như vậy: ngôn ngữ, điều tiết cảm xúc, ý thức trách nhiệm, ý thức tự lập, chia sẻ, quan tâm tới người khác,…
VẬY TỨC LÀ ĐỨA TRẺ THÍCH LÀM GÌ THÌ LÀM?
Không hề. Đứa trẻ cần có khuôn khổ rõ ràng, tức là các giới hạn về hành vi mà nó không được phép phá vỡ. Đây cũng là một phần của giáo dục trẻ tự định hướng. Tự định hướng không có nghĩa là trẻ tự làm mọi thứ, mà là người lớn quan sát trẻ để biết trẻ cần gì và muốn gì và hỗ trợ nếu cần. Trẻ nhỏ cần phải học về giới hạn hành vi, tức là không được gây mất an toàn cho bản thân, cho người khác, không phá hỏng đồ đạc, luôn tôn trọng mọi người và tài sản chung. (Tôi còn dạy các con tôi tôn trọng thực vật và động vật nữa.)
Trẻ nhỏ có nhiều biểu hiện tự nhiên như đánh người khác hoặc tranh giành vì chúng chưa hiểu giới hạn của hành vi của chúng. Người lớn có trách nhiệm hướng dẫn trẻ, và giúp trẻ ngừng các hành vi như thế. Quá trình thay đổi ở trẻ không phải là một hay hai ngày, mà khá lâu và đòi hỏi sự kiên trì rất lớn của người lớn. Thay đổi hành vi là do thay đổi về nhận thức. Nhận thức của trẻ phát triển qua từng giai đoạn. Có những điều mà trẻ nhỏ sẽ gật gật khi bạn nói, nhưng chúng không làm theo vì chúng chưa đủ nhận thức. Không phải người lớn cứ giải thích là trẻ sẽ hiểu. Nhiều gia đình tưởng là trẻ hư, có vấn đề, khó bảo, chỉ tập trung vào giảng giải để dạy – đều là do không hiểu trẻ.
BẠN LÀ AI THÌ CON BẠN NHƯ THẾ
Và cuối cùng, quan trọng nhất là cho dù bạn áp dụng giáo dục trẻ tự định hướng hay cách thức nào, thì trẻ đều hưởng hoặc chịu các ảnh hưởng từ bạn. Trẻ không học vì bạn nói rằng trẻ phải học. Trẻ không học qua lời bạn nói, mà học qua cách chính bạn sống và đối xử với trẻ.
Bạn căng thẳng, bực bội, thì trạng thái đó lan sang con bạn. Con bạn tự dưng trở nên khó bảo và chống đối. Ngược lại, nếu bạn thư giãn, vui vẻ, vui sống, thì trạng thái đó cũng lan sang con bạn. Con bạn sẽ tự trở nên vui vẻ, hợp tác.
Trẻ nhỏ trong độ tuổi 4-6 rất thích chiều lòng người lớn. Vì vậy, nếu người lớn để trẻ phát triển tự nhiên và cho chúng không gian để phát triển, thì chúng sẽ tự hợp tác trong khi gìn giữ được động lực tự thân. Ngược lại, nếu sử dụng phần thưởng và trừng phạt để ép chúng phát triển trái tự nhiên, chúng cũng sẽ ngoan ngoãn nghe lời, nhưng đánh mất động lực tự thân, cũng như tích tụ dần các cảm xúc tiêu cực.
Giáo dục truyền thống không đòi hỏi người dạy phải giỏi hay phải hiểu gì về trẻ em. Chỉ cần bám theo sách, đánh giá trẻ, rồi khen hoặc phạt. Giáo dục trẻ tự định hướng đòi hỏi người dạy phải học hỏi rất vất vả trong quá trình dạy trẻ thì mới đồng hành được với chúng. Không bám theo sách, không đánh giá, không phần thưởng, không phạt.
Về lâu về dài, người lớn càng áp đặt thì càng tạo ra những đứa trẻ dựa dẫm, không biết mình thích gì hay muốn gì, và không có kỷ luật. Ngược lại, người lớn càng để cho trẻ lựa chọn và tự do trong giới hạn an toàn, trẻ ngày càng tự lập, xác định được mối quan tâm của mình, và xây dựng được kỷ luật vô cùng vững chắc.
Theo giáo dục truyền thống, người lớn sẽ luôn phải kè kè đi sau trẻ, giám sát trẻ và kiểm soát chúng trong suốt quá trình học từ bé cho tới lớn; mối quan hệ giữa người lớn và trẻ thực chất không hề tồn tại vì người lớn không hề hiểu trẻ, chỉ nghĩ tới cái mình muốn mà không quan tâm xem trẻ muốn gì. Theo giáo dục tự định hướng, người lớn phải kiên trì và rất vất vả để hiểu trẻ trong giai đoạn đầu; phần thưởng là trẻ ngày càng có khả năng tự học nhiều hơn, vai trò của người lớn ngày càng giảm dần, và mối quan hệ đích thực giữa người lớn và trẻ có nền tảng vững chắc dựa trên tin tưởng, tôn trọng và yêu thương.