Trẻ sơ sinh từ khi ra khỏi bụng mẹ đã có thể tiếp xúc và thể hiện những cảm xúc của mình. Tuy những nhận thức của trẻ sơ sinh trong thời gian đầu là chưa ý thức nhưng đó chính là cơ sở để phát triển cho trẻ sau này.
Người mẹ và gia đình cần chú ý, lắng nghe và hiểu nhịp điệu của bé như cử động, tiếng khóc, tiếng ê a … Lắng nghe nhịp điệu của con bạn trong tuần đầu của bé là trách nhiệm của mọi người mẹ để có thể hiểu và yêu thương, chăm sóc bé tốt hơn.
1. “Ngôn ngữ” của bé trong những tuần đầu sau sinh
Nhịp điệu của trẻ sơ sinh được thể hiện qua việc bé rất muốn nói chuyện với người khác. Những tiếng bập bẹ đầu tiên của con bạn không hề vô nghĩa mà chính là tiếng nói đầu tiên của bé, là mối dây tình cảm liên kết bé với cha mẹ, mong muốn khám phá cuộc sống xung quanh.
Từ khi mới sinh, nếu cha mẹ nói chuyện với bé trong khoảng cách tầm mắt bé, bé sẽ mấp máy môi, nhép miệng để trả lời. Từ tuần thứ hai, bé đã phát ra các âm không rõ ràng. Các âm này phát triển thành vốn từ của bé vào tuần thứ 3. Đặc biệt ở tuần thứ 4, bé đã biết khi nào bạn đang trò chuyện và biết cách trả lời khi bạn nói với bé.
Việc này là do ngay từ khi ở trong bụng mẹ bé đã nghe được âm thanh. Vì thế khi tiếp xúc với ngôn ngữ ngoài đời bé sẽ biết cách phản ứng lại.
2. Tiếng khóc của trẻ
Nhịp điệu của bé ngoài thể hiện ở việc phát ra âm thanh còn được biểu hiện qua tiếng khóc. Tiếng khóc của trẻ biểu hiện tình trạng sức khỏe và tinh thần, nhất là đối với trẻ sơ sinh vì chưa sử dụng được ngôn ngữ nên chỉ có thể dùng tiếng khóc để báo hiệu những mong muốn hay việc cần làm.
Khóc là phần giao tiếp quan trọng của trẻ trong tuần đầu sau sinh và cả những năm đầu đời sau này. Trẻ có thể khóc do mệt mỏi, đói, muốn được mẹ chú ý, muốn được ẵm bế dạo chơi,…
Đặc biệt, khi sức khỏe của bé thay đổi theo chiều hướng xấu, bé thường khóc từng tiếng ré, ngắt quãng và dai. Các bậc cha mẹ phải chú ý theo dõi tiếng khóc của trẻ để biết được nhu cầu và tình trạng sức khỏe của con mình.
3. Cử động của trẻ những tuần đầu sau sinh
Cử động cũng thể hiện nhịp điệu của trẻ. Ở những tuần đầu tiên sau sinh, bé đã biết phản xạ từ vô thức tới có điều kiện. Khi bạn đưa ngón tay cho bé, bé sẽ biết nắm lấy ở cuối tuần thứ nhất sau sinh. Khi bạn đưa đồ chơi trước mặt bé, bé sẽ biết với tới lấy.
Một số bé thường dùng động tác ngoắc tay để biểu hiện điều mình muốn nói. Có nhiều trường hợp các bé hay bị giật mình, đó là do tinh thần của bé yếu, cha mẹ cần tránh cử động mạnh và bất ngờ. Những hành động của trẻ sơ sinh không chỉ vô cùng đáng yêu và dễ thương mà còn chứa rất nhiều ý nghĩa.
4. Ý nghĩa của việc lắng nghe nhịp điệu con bạn
Việc lắng nghe những nhịp điệu của con bạn ở những tuần đầu sau sinh có ý nghĩa quan trọng trong việc giao tiếp và phát triển toàn diện của trẻ. Hiểu được nhịp điệu của trẻ giúp cha mẹ có thể ứng xử phù hợp với điều bé mong muốn, giúp bé trấn an và biết mình luôn được bảo vệ. Lắng nghe nhịp điệu của bé cũng sẽ giúp bé phát triển khả năng ngôn ngữ sau này. Bạn đã nhận ra rằng em bé của mình rất đáng yêu, từ hình dáng đến nhịp điệu chưa? Hãy tạo ra mối dây gắn kết yêu thương sâu sắc giữa mẹ và con ngay từ những tuần đầu sau sinh nhé
Theo www.chimcanhviet.vn