THÚ CHƠI CHIM CẢNH Ở CÀ MAU

Chơi chim cảnh là một thú vui dân dã và là niềm đam mê của rất nhiều người. Vài năm trở lại đây, thú chơi chim cảnh dần trở nên “thịnh” ở Cà Mau. Những người có cùng sở thích đã hòa vào sân chơi lành mạnh, cùng chia sẻ, trao đổi tại Hội Chim cảnh nghệ thuật Cà Mau.

Những người chơi chim cảnh cho biết: Chim giống như bạn tri ân, tri kỷ, để trò chuyện hay tâm tình trong lúc vui buồn.

Hội Chim cảnh nghệ thuật Cà Mau có mặt từ năm 2010, hiện có trên 1.000 hội viên ở khắp các địa phương trong tỉnh, tập trung nhiều ở TP. Cà Mau. Hàng năm, Hội phối hợp tổ chức từ 6-10 cuộc thi chim hót, thi chim chọi…vv với chuẩn bộ, thanh, sắc ở nhiều loại chim khác nhau tùy theo mùa. Ông Tạ Hoàng Nguyên, Ủy viên Ban chấp hành Hội Sinh vật cảnh Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh, cho biết.

Ông Tạ Hoàng Nguyên (bên trái), Ủy viên Ban chấp hành Hội Sinh vật cảnh Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh, trao cúp vàng tại hội thi.

Chim tượng trưng cho vẻ đẹp của núi rừng, cho cuộc sống thiên nhiên nơi hoang dã. Người chơi chim tìm thấy những âm thanh nguyên sơ, trong trẻo, niềm vui từ những chú chim nhỏ nhắn. Vì thế, không kể giàu nghèo, không phân biệt nam nữ, bất kỳ những ai yêu thích chim cảnh đều tìm thấy cho mình một loài chim bầu bạn. Bằng giọng hót du dương trầm bổng, nó khiến mọi người quên đi nỗi lo toan của cuộc sống, cảm giác nhẹ nhàng và thư thái. Mỗi loài chim đều có nét đẹp, màu sắc, dáng bộ và giọng hót kỳ diệu khác nhau. Ở Cà Mau, người chơi chim chuộng nhất là chào mào, chích chòe, khứu và một số loài thích nghi môi trường sống. Những người chơi giàu kinh nghiệm có thể phân biệt được từng con chim hay qua dáng điệu, hình thể và đặc biệt là giọng hót. Tuy được coi là dân dã, chơi chim cảnh hay bất cứ thú chơi nào khác cũng đòi hỏi niềm đam mê. Chính niềm đam mê đó giúp chủ nhân của những con vật đáng yêu này không cảm thấy “phí thời gian” hay “mất công” với những điều mình đang làm.

Những lần tổ chức hội thi chim, đều thu hút đông đảo người chơi, chiêm ngưỡng.

Anh Mai Trọng Thái, thành viên CLB Vườn chim TP.Cà Mau, chia sẻ: Trong CLB chủ yếu là chơi chim chào mào, chim thuần từ 1-2 năm mới có thể “ra trận” tranh tài. Mỗi buổi sáng, tại góc quán cà phê Vườn Chim (P1, TP. Cà Mau), anh em chúng tôi hội tụ lại với nhau, mắc các lồng chim lên giàn tập luyện chim hót với nhiều giọng điệu riêng; cùng hàn huyên tâm sự, tận hưởng những thi vị của cuộc sống”.

Hội Chim cảnh nghệ thuật Cà Mau tổ chức hội thi chim chào mào hót mở rộng đến một số tỉnh lân cận

Đối với những người chơi chim cảnh, chim giống như bạn tri ân, tri kỷ, để trò chuyện hay tâm tình trong lúc vui buồn. Thú chơi chim cảnh không chỉ dừng lại ở nét đẹp nghệ thuật dân gian thuần túy, mà còn là tình yêu thương giữa người với chim cảnh, thiên nhiên, cho cuộc sống thêm hài hòa.

Lê Quyên