Khi chồng mê chơi chim cảnh, truyện tranh

“Hôm trước mình quên không cho con sáo ăn, thế là ông ấy giận vợ đến bây giờ. Trưa nay mình cũng chẳng nấu nướng gì, cho ăn bún trừ cơm”, chị Dung vừa ăn trưa tại quán bún vừa kể chuyện nhà.

Người phụ nữ sống ở quận Hoàng Mai, Hà Nội kể, vài năm gần đây sau khi đứa con út thi đỗ vào trường chuyên Amsterdam, ông xã mới “đổ đốn” như thế. Có lẽ do yên tâm về chuyện học hành của con mà chồng chị cho phép mình được theo đuổi niềm đam mê chim, cá. Đi đâu về đến nhà, việc đầu tiên của anh Hoàng là chào hỏi mấy chú cá vàng trong bể cá và con sáo trong lồng treo ngoài hiên. Nếu thấy mấy con thú cưng của mình vui vẻ khỏe mạnh, anh Hoàng tươi tỉnh mặt mày, hôm nào “các bạn ấy có vẻ lờ đờ, anh giận lây sang cả vợ con.

Đi công tác, cuộc điện thoại đầu tiên của anh gọi cho vợ cũng là nhắc chị chăm chút lũ chim và cá thay mình. Sợ vợ không để ý, anh còn cẩn thận dặn chị phải xúc bao nhiêu thìa thức ăn cho cá, bao nhiêu thìa thức ăn cho sáo, phải thay nước uống cho con sáo như thế nào. Chị Dung phàn nàn, vợ nhức đầu có khi anh không biết nhưng lũ chim cá hắt hơi sổ mũi thì chồng lo cuống cuồng.

Sáng chủ nhật của anh Hoàng gần như đương nhiên dành riêng cho con sáo. Hôm đó, vợ con có muốn rủ anh đi ăn nhà hàng hay vào trung tâm giải trí cũng khó. Anh còn bận mang lồng chim ra công viên gần nhà để nó thi hót với những con chim khác. Anh cũng tham gia hội chơi chim và chơi cá cùng mấy chú em trong công ty. Thỉnh thoảng, cả hội lại mang thú cưng lên công ty khoe hay tổ chức đến nhà nhau ngắm nghía và bình luận về chim, cá, kèm theo đó là những bữa bia rượu.

“Nhiều lúc mình cũng thấy ghen với mấy cái con vật không biết nói đó. Chồng mình đầu tư cho nó có khi còn nhiệt tình hơn cả ngày trước cưa cẩm mình”, người vợ phàn nàn. Chị nhớ hôm chồng muốn đổi nhà cho con sáo, ra chợ Mơ gần nhà không kiếm được cái nào ưng ý, giữa trưa nắng, bụng thì đói mà vẫn phóng xe lên tận chợ cách nhà 15, 20 km chỉ để mua một cái lồng. Bù lại có mấy con này giữ chân, ông chồng có vẻ về nhà sớm hơn. “Thôi thì cũng tự an ủi”, chị Dung cười.

choichim-jpg-1363597241_500x0.jpg
Chơi chim là thú vui của nhiều bậc mày râu ngày nay. Ảnh:Phan Dương.

Chị Mai (quận Phú Nhuận, TP HCM) thì ngán ngẩm bởiông chồng quá mê chơi cờ tướng. Anh có thể chơi cả ngày không chán. Ngoài bộ cờ bằng gỗ thỉnh thoảng lôi ra chơi với mấy bác hưu trí trong xóm, những lúc không có bạn chơi, anh lên mạng, vào các room và dán mắt vào màn hình đến quên hết mọi việc trên đời. Điều khiến chị Mai khó chịu nhất là cậu con 3 tuổi cứ kiếm cớ ba chưa vào bàn ăn hay ba chưa lên giường để trì hoãn việc ăn cơm và đi ngủ. Khi vợ con hối thúc, anh đều bảo phải chơi hết ván, nếu không sẽ bị hạ level.

“Một ván cờ dài ngắn thế nào ai mà biết được, có hôm bé Đô La được thể ăn muộn cả nửa tiếng đồng hồ”, chị Mai kể. “Mới đầu mình cứ nghĩ ông ấy chơi ăn tiền nên mới ham mê thế. Nhưng không phải. Chỉ chơi vui thôi mà cũng cay cú ăn thua lắm. Hôm trước, mình tình cờ ngó vào đoạn ông ấy chát với một bạn chơi cùng trên mạng. Khích bác nhau, ‘bơm Nhật’, ‘mô kích’ đủ hết. Rồi văng ra cả những từ không có trong từ điển”.

Anh Trung (quận 7, TP HCM) thìđặc biệt thích đọc truyện tranh. Lập gia đình, đã lên chức bố trẻ con được 4 năm nhưng sở thích từ nhỏ này vẫn không thể bỏ được. Anh kể, hôm trước đi nhà sách, cô thu ngân cứ tròn mắt ngạc nhiên khi thấy anh mua mớ truyện tranh tốn đến cả triệu đồng. Về nhà, loại sách này chiếm cả ngăn trên cùng của giá sách. Anh phải để lên cao đề phòng con gái xếp ghế, trèo lên lấy xuống quậy phá. Anh Trung có thể thức cả đêm để đọc truyện tranh, nhiều khi say quá đến mức quên cả việc chăm sóc bà xã.

“Tất nhiên, sau những lần đấy, tôi phải làm rất nhiều việc để đền bù, thậm chí phải giành làm hết cả việc nhà”, anh chia sẻ. Vợ cũng đã có lần dọa bỏ về nhà ngoại sau một lần anh thức khuya đọc đến mức ốm và không hoàn thành dự án ở công ty. Vì thế, gần đây, anh đã giảm yêu “em” truyện tranh, nhưng vẫn rất kết Doremon cùng các loại truyện biến thể của nó – những cuốn truyện tranh yêu thích của anh ngày bé.

Một chuyên viên tư vấn tâm lý của tổng đài 1088 TP HCM kể,bà từng gặp nhiều trường hợp khách hàng gọi điện đến than thở, sao chồng mình lại mê hoa, mê cây cảnh, ham chơi đến thế, quan tâm đến mấy thú vui đó còn nhiều hơn quan tâm đến vợ con. Rất may, chưa thấy cặp vợ chồng nào ngoại tình hay ly dị vì những niềm đam mê “kiểu con nít” của các ông chồng.

Chuyên gia tâm lý nói vui: Các ông chồng thích những trò giải trí này vì lúc nào nó cũng khiến họ hứng khởi, trong khi vợ con không phải lúc nào cũng mang lại niềm vui như con mè nheo ăn vạ, con ốm đau, lười ăn, vợ giận dỗi… Đàn ông thường có nhiều thú vui hơn phụ nữ, cách giải trí của người đàn ông thường đề cao nhu cầu cá nhân trong khi cách giải trí của phụ nữ thường đề cao nhu cầu của gia đình.

Tuy nhiên, không phải vì thế mà các ông chồng được phép sa đà vào những thú vui của mình và bỏ mặc vợ con tự lo liệu cuộc sống gia đình. Bởi biết đâu khi bị dồn nén quá, chị em sẽ chán nản và đi tìm niềm vui ở chỗ khác. Còn các ông chồng nếu tốn quá nhiều thời gian và công sức cho những niềm vui cá nhân, sẽ phải ăn bớt thời gian và công sức lẽ ra dành cho vợ con hay công việc nên không hoàn thành được trách nhiệm người chồng, người cha trong gia đình cũng như công việc nơi công sở.

Theo chuyên gia tâm lý, phụ nữ không nên và không thể tiêu diệt các nhu cầu giải trí của đàn ông. Các bà vợ khéo léo nên tìm cách cân bằng nhu cầu bản thân của người chồng với nhu cầu của gia đình, có thể thỏa thuận với chồng, hãy làm xong phần việc của mình trước khi dành thời gian và công sức cho những thú vui cá nhân. Hãy nói khéo để những ông chồng mê chơi cờ hay đọc truyện tranh… chỉ dành một khoảng thời gian nhất định trong ngày hoặc trong tuần cho những niềm đam mê ấy.

Kim Anh