Vài lời thưa:Hôm nay đứng nhìn những cánh đồng vụ đông sau khi nước rút chỉ còn lại bùn đất, bỗng nhớ tới bài này đăng trên Tạp chí “Xứ Thanh” cách đây 10 năm (2007). Lần ấy viết nhân nhớ về một trận trận đại hồng thuỷ trước đó 10 năm (1997). Thế rồi, 10 năm sau (2017), một trận đại hồng thuỷ nữa lại tràn qua xứ Thanh.Bài viết không có gì đặc sắc. Đăng lại để thấy chu kỳ 10 năm đáng sợ thế nào. Ngẫm thêm, lại thấy buồn cho thân phận người nông dân Việt Nam. Cảnh đồng đất mất mùa năm 2017 giống hệt năm 2007; năm 2007 giống hệt 1997, và năm 1997 chẳng khác gì năm 1976; hôm nay chẳng khác gì hơn 40 năm trước!
Như vậy, đến hôm nay đã là HAI MƯƠI NĂM NGHE LẠI “TIẾNG CHIM CU GÁY”!
MƯỜI NĂM NGHE LẠI “TIẾNG CHIM CU GÁY”
(Nhân trận đại hồng thuỷ vừa tràn qua xứ Thanh, 2007)
Thực ra, “Tiếng chim cu gáy” của nhà thơ Mạnh Lê đã vọng về từ hơn ba mươi năm trước. Nói mười năm, bởi tôi đọc “Tiếng chim cu gáy” in lại trong tập “Một cuộc đời sông” của ông lần đầu năm 1997(1).
Hồi ấy, rất tình cờ, tôi thấy trên bàn làm việc của cha tôi có tập thơ với lời đề tặng còn nhuận mùi mực của tác giả. Tập “Một cuộc đời sông” có khá nhiều bài hay, nhưng riêng “Tiếng chim cu gáy” đã gieo vào trong tôi một niềm xúc động thực sự.
Xúc động, bởi chỉ trước đó mấy hôm,“Bão tan nước rút, đồng khô cạn”,hơn 40 ngàn ha cây vụ đông đang lên xanh mơn mởn, bỗng chốc chỉ còn lại những xác ngô, khoai tây, nằm ngổn ngang trên đất.
Tôi về Hà Trung phản ánh và hướng dẫn khắc phục lũ lụt. Một anh nông dân đang nghỉ bên mảnh ruộng ngập phù sa, bùn đất-mảnh đất mà trước đấy vài tuần, anh đã đổ bao mồ hôi, của cải để hi vọng có một vụ ngô đông vàng sân, đầy gác.
Ngồi bên ruộng cùng chung điếu thuốc, tôi đọc bài “Tiếng chim cu gáy”. Anh nông dân thốt lên: “Ai làm thơ hay quá! Chắc viết về Hà Trung bọn tôi rồi đó. Chú chép kỷ niệm tôi đi!”.
Thế là giữa cánh đồng chiều se lạnh Hà Trung vừa qua cơn lũ, tôi-một anh cán bộ khuyến nông mới vào nghề-chép lại bài thơ “Tiếng chim cu gáy” của Nhà thơ Mạnh Lê, tặng cho một người làm nghề cày ruộng:
TIẾNG CHIM CU GÁY
Bão tan nước rút đồng khô cạn
Ngước mắt nhìn ra đã tháng mười
Mưa lũ mùa này không cứu nổi
Đồng ta còn đất với ta thôi!
Tay lượm mấy cành khô sót lại
Nhen ngọn chiều lên sưởi ấm đồng
Cúc cu…lảnh lót từ đâu tới
Tiếng gáy bùng lên giữa chiều không…
Chim mãi gáy dồn. Chim cứ gáy
Chim nói điều chi với lửa đây
Mùa màng trắng đất còn chi nữa
Tay nắm vào tay…chim có hay?
Mắt lại nhìn ra nơi góc ruộng
Một bầy chim gáy gật gù nhau
Vợ ta lầm lũi vung tay cuốc
Hẹn với lời chim đến vụ sau…
Chim ơi cứ hót, em cứ cuốc
Đời ta chân ruộng giữ cho ta
Cái tiếng nồng nàn hơi thở đất
Cho tới muôn sau vẫn thế mà…
Đồng Sú làng Chè, thu 1976
Khi đọc “Tiếng chim cu gáy” (1997), tôi nghĩ, sẽ phải viết một cái gì đó về bài thơ. Tôi muốn thay những bóng dáng cần cù, lầm lũi trên cánh đồng sau mưa lũ cảm ơn người thơ tri kỷ của nông dân, đã cất lên những tiếng thơ bùi ngùi mà xiết bao hy vọng đó. Nhưng rồi cuộc sống vội vã, tất bật cứ cuốn đi khiến “Tiếng chim cu gáy” dẫu đã ngân vang, thúc giục trong tôi cũng lắng chìm dần trong ồn ã của bao âm thanh khác.
Cho đến hôm nay (2007), sau 10 năm, một trận đại hồng thuỷ lại tràn qua đồng đất xứ Thanh. Và khi“Mùa màng trắng đất còn chi nữa”, “Tiếng chim cu gáy” ngày xưa lại bỗng vọng về tha thiết hơn:
Tay lượm mấy cành khô sót lại
Nhen ngọn chiều lên sưởi ấm đồng
Cúc cu…lảnh lót từ đâu tới
Tiếng gáy bùng lên giữa chiều không…
Nhà thơ Mạnh Lê thuộc hàng cha chú của tôi. Bản thân tôi rất ít tiếp xúc và không hiểu gì về ông trừ cái dáng bề ngoài khá khắc khổ. Nhưng tôi biết đến ông qua thơ.
Khi đọc “Tiếng chim cu gáy”, không hiểu sao tôi cứ mường tượng ra rằng, hơn 30 năm trước (1976), khi ấy nhà thơ đang còn là một chàng lực điền cày cuốc trên những cánh ruộng ven bờ sông Mã-vùng đất mà đến mãi sau này vẫn còn tiếp tục soi bóng vào dòng sông thi ca của ông- làm nên những “Bình vôi”, “Dô tả, dô tà”…(2)nổi tiếng.
Khi ấy, ở tuổi tráng niên, ông chính là một nông dân làm thơ, hay là một nhà thơ làm nông dân? Hay ông là chàng thi sĩ, có người vợ hiền “lầm lũi vung tay cuốc” làm ra hạt lúa củ khoai để nuôi thơ ông?
Phải là một nông dân, hoặc là người gắn bó với nhà nông, mới thấm thía nỗi đau của niềm hi vọng gặt hái đang lên xanh, bỗng phút chốc hoá thành bùn đất. Nhưng người ấy lại phải là người thơ mới biết“Nhen ngọn chiều lên sưởi ấm đồng”,và mới nghe được “Tiếng gáy bùng lên giữa chiều không…”.
Tôi thích từ “bùng lên” bất ngờ và lạ trong câu thơ. Nó thật mãnh liệt đối với loài chim cu gáy-loài chim cần cù, nhút nhát, vẫn tưởng nhầm hạt giống của nông dân là hạt rơi hạt rụng ấy-cứ đến mùa thu hoạch lại bay về từng đàn như báo hiệu mùa no ấm thanh bình.
Năm nay“Mùa màng trắng đất còn chi nữa”? Nhưng tiếng chim cu gáy “bùng lên giữa chiều không” bỗng xua đi cái không khí và nỗi niềm thất bát u ám đang bao trùm lên cánh đồng làng sau mưa lũ. Ta chẳng còn niềm vui gặt hái, chim cũng đâu còn hạnh phúc nhỏ nhoi với hạt rơi hạt rụng? Nhưng“Chim mãi gáy dồn. Chim cứ gáy”khiến ta chợt nhớ ra rằng ta còn có “vụ sau”.
Với người nông dân, đồng đất mấy mùa không bão lũ. Gieo rồi nhưng chắc gì đã được gặt? Cái dáng“Vợ ta lầm lũi vung tay cuốc”ấy, dường như đã in bóng trên cánh đồng Sú làng Chè hàng ngàn năm trước rồi. Sự “lầm lũi” chứa chất nỗi niềm ấy chính là sự chịu đựng, sức sống bền bỉ, mãnh liệt của người nông dân. Sau mỗi vụ mùa màng thất bát, họ lại gieo vào trong đất niềm hy vọng mới, bất diệt:
Chim ơi cứ hót, em cứ cuốc
Đời ta chân ruộng giữ cho ta
Cái tiếng nồng nàn hơi thở đất
Cho đến muôn sau vẫn thế mà…
Ôi cái tiếng thiết tha của loài chim màu đất! Chim sống âm thầm, hoà lẫn với ruộng đồng, nhưng tiếng gáy không thể lẫn với bất kỳ thanh điệu của một loài chim nào khác.
Tuổi thơ tôi đã bao lần bồi hồi lắng nghe cái âm hưởng buồn buồn như lời mẹ ru con buổi non trưa ấy. Nhưng lần đầu tiên tôi cảm nhận được “Cái tiếng nồng nàn hơi thở đất” phả lên từ cánh đồng thơ của Mạnh Lê. Tưởng như đồng làng sau mưa lũ đã chết cùng “mấy cành khô sót lại” kia rồi. Nhưng không! Đất vẫn rạo rực tiếng thở nồng nàn của sự sống.Còn đất, còn người là còn tất cả!“Đời ta chân ruộng giữ cho ta”.Ta sinh ra từ đất, lớn lên từ đất, chết về với đất và lại hồi sinh từ đất.
“Tiếng chim cu gáy” đã ra đời hơn ba mươi năm trước. Khi ấy tôi còn là cậu bé 7 tuổi. Hơn hai mươi năm sau (1997) tôi mới đọc lần đầu. Và sau hơn mười năm nghe lại, tôi cứ ngỡ “cái tiếng nồng nàn hơi thở đất” ấy đang vang vọng đâu đây trên những cánh đồng vụ đông năm 2007, sẻ chia khổ đau, hạnh phúc với con người:
Mưa lũ mùa này không cứu nổi
Đồng ta còn đất với ta thôi!(*)
Ngày 24 tháng 10 năm 2007
H.T.C
Chú thích:
(1)-“Một cuộc đời sông”-Thơ Mạnh Lê-NXB Văn Học-1997
(2)-Những bài thơ hay của Mạnh Lê đạt giải Báo Văn Nghệ-Hội nhà văn Việt Nam in trong tập “Một cuộc đời sông”
(*) – Bài đã đăng trên Tạp chí Xứ Thanh 2007. Nhà thơ Mạnh Lê đã mất sau một cơn đau tim, có lẽ đến nay cũng đã chừng 10 năm.