Những chú nhím cảnh bé bỏng, đáng yêu là vật nuôi khá cuốn hút bạn trẻ và người nuôi nhím để bán vẫn có thể kiếm tiền triệu từ một việc tưởng làm chơi mà ăn thật.
Phân vân mãi trong gian hàng thú cưng ở đường Lê Đức Thọ (Gò Vấp, TP.HCM), cuối cùng Tùng Thanh vẫn quyết định lựa một con nhím pintos hai màu trắng đen. “Hamster, sóc bay hay thỏ kiểng… thì nhiều bạn đã chơi rồi. Vẻ ngoài chông gai mà nhút nhát của nhím cảnh vẫn làm cho mình thích thú hơn cả”, Thanh nói.
Chuồng nuôi nhím cảnh không cần phải rộng |
Thanh đã nuôi loại thú này hơn một năm. Thỉnh thoảng bạn vẫn đảo ra các cửa hàng, vào các trại nuôi để tìm nhưng con có màu lông nổi trội. Thanh mô tả hình dáng nhím cảnh cũng giống như nhím thường nhưng cuốn hút bởi thân hình tròn trịa, mũm mĩm và màu sắc đa dạng.
Bình thường, nhím cảnh có màu trắng, chocolate, muối tiêu. Gặp những con đột biến gien có màu hồng, màu cam, giá bán cao gấp đôi, ba lần màu thường. Vào thời điểm hút hàng, giá có thể giao động lên 500.000 – 1 triệu đồng/con. Các cửa hàng ở TP.HCM mức giá hiện giao động từ 200.000 – 300.000 đồng/con, tùy màu.
Diện tích chuồng nuôi nhím khoảng 40×30 cm |
Một gia đình nhím trong chuồng, con đực được nhốt riêng |
Tại Hà Nội, cô gái trẻ Trà Mi cũng tỏ ra khá sành sỏi với loại thú cưng này. Mi thường chọn mua ở chỗ quen có trại nuôi từ Hải Phòng chuyển lên. Tại cửa hàng lại có sẵn các thứ phụ kiện, tiện cho việc chăm sóc.
Mi kể, nuôi nhím cảnh cũng khá đơn giản, không mất nhiều thời gian, diện tích và công sức nên ai cũng có thể nuôi. Nuôi nhím chỉ cần chuẩn bị một chiếc hồ kính, nhựa cứng hoặc mica nhỏ, lót sơ lớp dăm bào lên. Thức ăn của nhím cũng khá đơn giản, chúng có thể ăn thức ăn như của mèo, sâu, các loại hoa quả.
Nhím con 4 tuần tuổi đã có thể xuất bán |
“Tuy có lông xù trông nguy hiểm nhưng nhím cảnh rất hiền, không có khả năng gây thương tổn cho người nuôi. Nhím lại ít dịch bệnh nên khâu vệ sinh không phức tạp. Nhưng phải mất một thời gian rất dài chăm sóc, vuốt ve thì nhím mới có thể quen hơi người”, Mi chia sẻ.
Tìm tới trại nuôi gần 200 con nhím ở Bình Chánh (TP.HCM), anh Nguyễn Văn Phúc cho biết mặt hàng này còn xuất đi cả Trung Quốc. Nhưng nhím nhập từ Thái Lan phải qua thời gian nuôi thuần chủng mới đáp ứng được sở thích của thị trường này. Con giống của Thái có vành tai dài, nhọn; của Việt Nam có vành tai tròn và giá bán mềm hơn.
Nhím 2 tuần tuổi thường xuyên ngủ ngày, chỉ đến đêm mới bắt đầu sục sạo khắp nơi |
Anh Phúc cho biết, nhím cái 5 tháng tuổi đã có thể phối giống sinh sản. Trung bình 1 con đực có thể phối cho 5 con cái. Nhím cái mang thai 1 tháng đến khi sinh. 1 tháng sau, nhím con bắt đầu ăn dặm được thì lại quay vòng cho nhím mẹ phối giống tiếp.
Anh Phúc hướng dẫn cách nuôi nhím |
Một nhím mẹ nuôi chừng 5 con là đạt tiêu chuẩn, từ 6 con trở lên thì không đủ sữa. Vì nuôi sinh sản nên khoảng 15 – 16 tháng thì nhím cái bắt đầu già và yếu sức. Tùy nhu cầu, nhím con nuôi khoảng 1 tháng khi đã biết ăn dặm, cân nặng 50 – 60 gram là có thể xuất bán. Những con đẹp sẽ được giữ lại làm giống để nuôi tiếp.
Thức ăn bán sẵn dành cho nhím |
Nhím vốn nhút nhát nên rất nhạy cảm, chỉ một tiếng động nhỏ hoặc gặp người lạ, nhím co tròn lại như trái bóng |
Nhím có lông màu tối thường có mắt đen. Nhím có lông màu sáng thì mắt lại đỏ |
Những con nhím màu muối tiêu có giá cao hơn màu thông thường |
Công việc chính của Phúc là xây dựng nhưng anh bắt đầu nghề phụ này đã 3 năm. Sau ngày làm việc, anh bỏ ra 1 – 2 giờ dọn dẹp cho cả trăm con. Trung bình mỗi tháng anh có thể lãi 10 – 20 triệu đồng.
(Theo Dân Việt)