Lai rai chuyện đời: Khó như… đặt tên

Mấy vị phụ huynh ngồi nói chuyện với nhau, một người nói:

– Đặt tên để làm khai sinh cho con cháu tưởng dễ nhưng khó, tưởng đơn giản nhưng phức tạp … các ông ạ !

– Đúng vậy ! Ngày xưa các cụ đặt tên cho con cháu thường đơn giản, mộc mạc, ví dụ như Cu, Cò, Cún, Bi, Bống, Ếch, Nhái, Khoai, Mít, Ổi… Bây giờ những tên ấy thường gọi thân mật ở nhà, đi học có tên khác. Ngày nay đặt tên có rất nhiều cách, đặt cả tên ta, tên Tàu, tên Tây, tên Thánh … Nhiều người đặt tên cho con xong lại phải đặt lại vì “phạm húy”, trùng tên với cô dì chú bác … Còn cách đặt tên thì có rất nhiều người đặt theo 12 con giáp, có người đặt tên theo sự kiện lịch sử, theo hệ trong gia phả …

– Tôi cũng thấy thế! Việc đặt tên là một nhu cầu tất yếu, trước tiên dùng để phân biệt các cá thể trong cộng đồng, sau nữa là một “phù hiệu” gán cho mỗi con người kèm theo những ước vọng của những người thân và cả cộng đồng. Tên họ của con người trở thành một đặc trưng văn hóa. Do vậy việc đặt tên không nên tùy tiện vì nó phản ánh trình độ nhận thức và có tác động mạnh mẽ đến tương lai của người được đặt tên thông qua những tác động tâm lý sâu sắc. Cái tên sẽ đi theo suốt cuộc đời của người mang nó, ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai về sau…

– Ừ, đúng thế…

– Có nhiều bậc cha mẹ lao tâm khổ tứ để đặt tên cho con, nhưng ngược lại có những người lại rất tùy tiện, đơn giản trong việc này. Chẳng hạn người ta đặt tên thô tục, tên xấu để “dễ nuôi”. Đối với một số người có dáng vẻ bề ngoài xấu xí, người ta thường dùng những từ đại loại như “đầu óc ngu si, tứ chi phát triển” để miêu tả; đối với người có hình dáng cao, người ta hay dùng từ lêu khêu để miêu tả, người có hình dáng thô lỗ, mặt mũi hung tợn lại gọi là đầu gấu, hung thần, thiên lôi…

– Cũng… có lý.

– Những tên gọi này thường đem lại cảm giác thô tục, làm người khác dễ hiểu nhầm, cho rằng những người có tên này thiếu giáo dục, thô tục, bặm tợn… Lại có những cái tên gọi lên nghe rất dữ, có cái nghe như muốn cãi nhau, có cái u u minh minh… khiến người ta cảm nhận ác hơn là thiện, xấu hơn là đẹp!

Nghe vậy, một vị cười khà khà rồi nói:

– Đúng là có những tên gọi ở nhà, tên nhũ danh như đầu đất, cu đen, mèo hoang… nếu đứa trẻ sau khi lớn lên vẫn dùng những tên như thế sẽ rất bất ổn. Ngoài ra, có một số tên gọi thật tốn sức, đau cả mồm, nghe cũng mệt tai, nếu không khéo có thể đọc sai, nghe nhầm. Nguyên nhân là đặt tên dùng những chữ không thuận tai, nghe như “đang hô khẩu hiệu”, thanh điệu lên xuống thất thường. Có người lại đặt tên trùng với việc phân các đời thứ bậc, tạo nên những tranh chấp không cần thiết hoặc gây trở ngại về mặt tâm lý, ảnh hưởng đến quan hệ xã hội thông thường.

– Tôi thấy có người thích đặt những tên lạ, khác người. Đặt tên bằng những từ lạ, khó hiểu đa số là muốn tự làm cho mình có vẻ quan trọng, nhưng thực ra cũng rất bất cập. Có những tên đặt để mà đặt, giải thích cũng chẳng có nghĩa gì, khi viết cũng khó khăn, đọc cũng khó đọc. Bạn bè cùng đi học nhiều khi còn viết nhầm, gọi nhầm tên. Có em đi học ít khi bị thầy cô giáo gọi lên kiểm tra vì tên rất… khó đọc, nhất là khi học ngoại ngữ với giáo viên nước ngoài. Như thế cũng bị thiệt thòi trong giao tiếp. Ngoài ra còn có những người khi đọc đến tên không phân biệt được nam hay nữ. Điều này không có vấn đề gì lớn lắm, nhưng nếu không cẩn thận sẽ có thể bị nhầm lẫn, đặc biệt là nhầm lẫn giới tính.

– Đúng vậy! Một chàng trai khỏe mạnh, lực lưỡng mà khi đọc tên lại nghe thấy yểu điệu thục nữ, ngược lại một cô gái liễu yếu đào tơ khi nghe tên như thấy có sức mạnh của cơ bắp, hùng dũng thì cũng buồn cười. Thời trước, có gia đình mâu thuẫn với hàng xóm hay với ai, còn lấy “tên cái” của bố mẹ nhà ấy đặt tên cho con cháu mình, để khi giận dữ réo tên chửi cho “sướng mồm” ! Ở phương Tây thì yêu quý ai, họ lấy tên người đó đặt tên cho con mình…

Vị phụ huynh lớn tuổi nhất kết luận:

– Như trên chúng ta đã nói, họ tên của con người là một đặc trưng văn hóa. Nói chung, họ là do tổ tiên truyền lại, có một số vận thế không thể thay đổi, nhưng tên do cha mẹ đặt cho nên có thể lựa chọn. Do vậy việc đặt tên cho con cháu cần phải nghiêm túc, thận trọng, đảm bảo nhã nhặn, hàm súc, rõ ràng, nếu mới mẻ, sáng tạo thì càng tốt. “Nhã nhặn” là nhìn đáng kính, nghe thân thiện, gọi thân thương, không thô thiển; “hàm súc” nghĩa là ý tứ sâu sắc; “rõ ràng” là gọi thuận miệng vui tai, gây sự chú ý với người khác; “mới mẻ” là vượt trội hẳn người khác, không giống người, chỉ một mình ta có. “Mới mẻ” khác với “lạ” đấy các ông nhé!…