Công thức nấu ăn: Tuot De Tony

Công thức nấu ăn: Tuot De Tony

Cà chua là loại quả được sử dụng nhiều nhất trong chế biến thức ăn, dù Tây, Tàu, Âu, Á…Nguồn gốc từ Peru, Nam Mỹ, sau đó cà chua theo chân người Tây Ban Nha đến Việt Nam rất muộn khoảng thế kỷ 17-18. Như vậy, thời vua Lý vua Trần, dù là vua chứ cũng chưa có ăn được cà chua mà giỏi lắm là cà pháo, canh mùng tơi rau dền chứ hẻm có cà rốt súp lơ gì cả.

Cà chua là “nhà máy dinh dưỡng” với mọi loại vitamin và khoáng chất, trừ cà chua xanh chúng ta không nên dùng vì họ cà nói chung đều có chất solanin, có thể gây ngộ độc, chất này sẽ biến mất hoàn toàn khi cà chín tức chuyển sang màu. Ăn cà chua chín rất rất tốt cho sức khỏe, nếu là cà chua sạch thì nên ăn sống, xay sinh tố húp. Tony lúc ở châu Âu, suốt ngày ăn đồ Tây, chả có rau rác gì, thế là bị apple fertilize (táo bón). Cái qua phòng bạn người Ý chơi, thấy nó ăn nên bắt chước, ngày nào cũng ăn vài quả, nên tiêu hóa rẹt rẹt, da dẻ đẹp tươi trắng hồng như Ụ pa Hàn Quốc. Người Ý khôn lắm, họ biết cà chua là sản phẩm làm đẹp người nên món ăn nào họ cũng ăn rất nhiều cà chua, đó là bí quyết của vẻ đẹp của trai thanh gái tú thành Rome. Người Ý đẹp nhất châu Âu vì họ sử dụng cà chua gấp 3 lần các dân tộc khác. Người Hồng Công, dù cũng gốc Hoa, nhưng đẹp và khỏe mạnh gấp chục lần người đại lục vì họ tiêu dùng cà chua kinh khủng.

Hôm nay mình học chế biến món tương ớt để chấm thịt, cá khô, mực khô, mì gói…:

Cà chua: 1kg, gọt vỏ, bỏ ruột và hạt. Ớt: 2-4 lạng tùy người thích ăn cay hay không. Xẻ rãnh, bỏ ruột/hạt, không cần gọt vỏ. Ai gọt vỏ quả ớt được thì cứ gọt. Tỏi: 1 lạng, lột sạch (tỏi đã ngâm giấm sẽ ngon hơn tỏi tươi). Dấm, muối: 1 muỗng canh. Đường 2 lạng. Rượu đế (trắng): 2 muỗng canh.

Đem cà chua và ớt, tỏi luộc với 1 lít nước, cứ bỏ vô 1 ít rồi vớt ra, bỏ cái sau vô, đừng bỏ vô luộc cùng 1 lúc nước không đủ ngập. Luộc khoảng 2 phút là được. Sau đó bỏ TOÀN BỘ nguyên liệu trên kể cả nước luộc vào máy xay sinh tố, xay cho mịn. Sau đó bỏ vào nồi, bắc lên bếp, mở lửa nhỏ từ từ và đảo kẻo bị cháy khét. Khi nó sôi lục bục thì là OK, mọi vi khuẩn trong đó đã chết, mình sẽ tắt bếp, để nguội. Vì có rượu/giấm/tỏi/ớt gây ức chế vi khuẩn mốc meo nên có thể bảo quản được 3 tháng không cần tủ lạnh.

Nếu bạn nào làm đóng chai bán thì thêm 2 muỗng cà phê citric acid (axit chanh) hoặc 1gram (1/2 thìa nhỏ loại natri benzoate) để bảo quản được khoảng 1 năm trong chai đóng kín. Có thể thêm ½ muỗng cà phê màu thực phẩm ăn được ký hiệu là Yellow Sunset hay Ponceau 4R (hàng Ấn Độ) để giữ màu bền, đẹp và lâu. Hiện chỉ có mấy nhãn hàng tương ớt trên thị trường thôi, mình vẫn chen chân được. Làm nhãn hàng “Tuot de Tony” đi (tuot là tương ớt, chứ hẻm phải “tuột”, tui chỉ đường cho làm ăn mắc mớ gì đòi tuột tui?)

Bữa nay, có 1 bạn khởi nghiệp trồng cà chua ở Đà Lạt nhưng sản lượng nhiều quá, không ai mua phải đổ cho bò ăn. Bò thì không có nhu cầu làm đẹp, thấy uổng quá nên CLB con dượng ở Tp HCM đem về bán kiếm tiền gây quỹ Hành Bổng.

Bạn trồng ở Đà Lạt này nói cà chua con trồng là cà chua sạch. Mua nhớ bắt nó quéo tay thề nghen, hiền dịu kiểu chị Tấm ấy. “Cà mày không sạch, tao vạch mặt ra”. Còn bạn nào mua để bán lại thì cũng bắt chước cái Tấm mà rao như vầy “Con cà con kẹt, không mua cà chụy, chụy khoét mắt cho”.