“Chim Sơn Ca thường sống từng đôi một, sống trên mặt đất các đồi cát hay sườn núi. Khi có chim Sơn Ca lạ đến, lập tức chim đực chiến đấu để bảo vệ lãnh thổ, nếu thua thì cặp chim đó phải tìm nơi khác trú ngụ.
Mùa đẻ trứng của chim Sơn Ca từ đầu tháng ba đến tháng năm âm lịch hàng năm. Chúng thường làm tổ ở trong các bụi cỏ thưa phía sườn khuất gió Bấc để tránh đợt rét Nàng Bân, con cái đẻ từ 2 đến 5 trứng. Chim đực và chim cái thay nhau ấp trứng, mộtcon ấp một con đi kiếm mồi, thường thì trứng được ấp khoảng 13 ngày thì nở thành chim non. Quả trứng đầu tiên chỉ nở trước quả đẻ cuối cùng một ngày. Trứng chim Sơn Ca rất kỳ lạ là chịu được nước mưa, chịu được cả ánh nắng gay gắt của ban trưa chiếu vào trứng vẫn không bị ung. Một con chim Sơn Ca có thể đẻ lần thứ hai trong mùa đẻ trứng nếu ổ trứng lần đầu bị mất hay bị con người sờ vào chúng cũng bỏ và tim chỗ khác đẻ tiếp lần hai. Khi trứng nở cả bố mẹ đều kiếm mồi nuôi con. Kinh nghiệm của dân chơi chim Sơn Ca thì chim đầu vụ ( chim nở vào đầu tháng ba âm lịch) thường là chim to, khoẻ, có tính cách và hay hót. Ở nơi chim Sơn Ca làm tổ, chúng đánh dấu khu vực bằng một mùi đặc biệt, con người không nhận ra, nhưng các động vật ăn thịt khác như Rắn, Chuột, chó, Mèo, Gà… thường lảng tránh, thậm chí cả Trâu, Bò đi ăn cỏ qua cũng vòng tránh ổ chim Sơn Ca. Nhưng nguy hiểm nhất với chim non lại là mưa lụt, nếu ổ chim non trũng ngập nước, gặp mưa lâu ngày tỷ lệ sống của chim rất thấp.
Sơn Ca hoang dã là loài vừa bay vừa hót. Từ dưới đất chim đực như một mũi tên bay vút lên trời xanh, rồi từ không trung bao la, chim vừa bay vừa hót. Khi bay lên, lúc bay tại chỗ, lúc từ từ xuống thấp, ở mỗi vị trí chúng hót các làn điệu hót khác nhau, tiếng hót lúc nghe róc rách như suối chảy, lúc khoan nhặt, lúc thôi thúc, âm vực cao làm vang động một góc trời. Từ ngàn xưa chim Sơn Ca vẫn được mệnh danh là nghệ sỹ của trời xanh”