Thuật ngữ chơi chim Hoạ Mi

MỘT SỐ THUẬT NGỮ TRONG NGHỀ CHƠI CHIM

Thưa các bạn!

Thuật ngữ chơi chim họa mi nhiều lắm, trong bài này tôi chỉ có thể đưa ra hơn một trăm thuật ngữ thường gặp nhất để ace mới chơi đỡ bỡ ngỡ. ACE nào muốn nghiên cứu sâu hơn nữa, sau này hãy tìm hiểu thêm nhé.

I- PHÂN LOẠI CHIM

1, Chim mộc (chim bổi): Chim mới bị bẫy được trong rừng, rất nhát.

2, Mộc dở: Chim đã được nuôi khoảng 10 tháng trở lại.

3, Chim thuần: Chim được thuần hóa từ một năm trở lên, đã đứng cầu ổn định.

4, Chim thuộc: Chim được nuôi trên 2 năm trở lên, đã rất thuần, ko sợ người.

5, Chim nũa: Chim đã nuôi từ 4 năm trở lên, có thể hoàn toàn bỏ hẳn áo lồng cả ngày lẫn đêm, cầm lồng trên tay chim vẫn đứng hót ổn định.

6, Chim non (oa sồ): Chim chưa biết bay, chưa biết tự ăn, bắt từ trong ổ và cho ăn bằng cách đút mồi.

7, Chim tơ: Chim chưa đến 1 năm tuổi, chưa đẻ, chưa đạp mái.

8, Chim già: Chim đã sinh đẻ dù chỉ một lần.

9, Chim bị đè: Chim sợ tiếng hót của chim khác, không dám hót nữa.

10, Ngũ trường: mỏ, thân, cánh, chân, đuôi dài.

11, Ngũ đoản: mỏ, thân, cánh, chân, đuôi ngắn.

12, Tam thiết: mỏ, mắt , chân có màu đen như sắt.

13, Tam hoàng: Mỏ, mắt, chân đều vàng

II- PHẦN ĐẦU CHIM

14, Trấu mỏ: Phần mỏ trên dài hơn mỏ dưới như hạt trấu dính ở điểm chót cùng của mỏ trên, trùm lên mỏ dưới.

15, Đoản đại trủy: Mỏ ngắn nhưng to rất thích hợp cho chim chiến.

16, Mỏng mỏ: Mỏ nhỏ hơi dài, hàm dưới mỏng. Loại này thường gia mỏ nhanh, thích hợp cho chim hót.

17, Mỏ kênh: Hai hàm mỏ không khớp nhau, khi ngâm lại để hở một khe vênh lên.

18, Hoa đầu (miến đầu ): Các vệt dăm đen trên đầu. Nhiều người cho rằng hoa đầu dày là chim nhát. Tôi thấy ý kiến này chưa hẳn đã chính xác vì có con hoa đầu rất nhiều nhưng đánh hay và gan lì ghê gớm.

19, Đầu xà: Đỉnh đầu bằng hơi lõm xuống và hơi bạnh ra hai bên. Người chơi chim chiến thích loại đầu này vì cho rằng con chim vững vàng, gan lì và có nhiều chiêu thức rất độc đáo trong chiến đấu.

20, Phương đầu (đầu vuông): Đầu to, hai bên thành song song nhau, đỉnh đầu phẳng song song với hàm. Nếu cắt một thiết diện thẳng vuông góc với trục đối xứng của đầu đi qua hai mắt ta được một thiết diện vuông. Rất được ưa chuộng cho chơi chim chiến.

21, Đầu tiêm: Đầu nhỏ hình quả táo, sống mặt thẳng với sống mỏ. Đầu này kết hợp với mắt to là biểu hiện chim nhát chỉ chơi hót, ít khi chơi chiến.

22, Mắt treo: Mắt méo mà dài kéo xếch lên về phía sau.

23, Điểm đóng mắt: Vị trí tương đối của mắt trên thành đầu. Nếu vị trí đóng mắt lệch lên trên về phía đỉnh đầu gọi là mắt đóng cao, ngược lại là mắt đóng thấp. Người chơi chim thường thích loại mắt đóng cao.

24, Sa nhãn (cát mắt): Là những chấm nhỏ xíu quanh đồng tử, chỉ khi nào chim thật căng, mắt hơi lồi ra mới có thể quan sát thấy nhưng cũng phải rất tinh và có kình nghiệm mới quan sát được.

24, Quầng mắt: Phần da bao quanh mắt thường có màu xanh lam, xanh lam nhạt, xanh lục hay lục nhạt

25, Chỉ mắt: Là phần lông rất mịn, màu trăng tuyết viền quanh quâng mắt rồi kéo dài ra phía sau.

26, Chỉ thẳng: Vệt chỉ trắng thẳng ra phía sau.

27, Chỉ vểnh ( chỉ xếch, thái sư ): Đuôi chỉ vểnh lên rất đẹp thường được ưa chuộng vì cho rằng có khả năng chiến đấu tốt và tính thẩm mĩ cao.

28, Chỉ cụp (hạ vĩ chỉ): Đuôi chỉ cụp xuống, những người khó tính thường không chọn loại chim có chỉ mắt kiểu này. Trong thực tế nhiều chim hót có chỉ kiểu này đã đạt giải cao trong các cuộc thi chim hót.

29, Thanh chỉ (chỉ mảnh): Vệt trắng rất mảnh.

30, Phì chỉ (Chỉ đậm): Vệt trắng đậm và rõ ràng.

31, Liên chỉ: Vệt chỉ liền cho đến hết

32, Đoạn chỉ (gián chỉ): Vệt chỉ đứt đoạn, không liền mạch.

33, Liên hoành chỉ: chỉ kéo rất dài ra phía sau, hai bên đuôi chỉ gặp nhau ở gáy. Loại này chỉ có trong lý thuyết, bản thân tôi chưa được thấy bao giờ.

III- PHẦN CỔ

34- Cổ vại (cổ trâu): Cổ to như hình vại, loại chim này thường được chọn làm chim chiến.

35- Cổ ngẳng: Cổ nhỏ mà dài, phù hợp chim hót.

IV- PHẦN CÁNH

36- Cánh trai: Cánh hình vỏ trai kéo dài phía sau ngoắt lên gần sát nhau đúng phần phao câu.

37- Cánh cắt: Cánh ngắn, lông cánh cứng và dày. Con chim có khả năng cơ động rất linh hoạt, phù hợp cho chiến đấu.

38- Cánh sã (xệ cánh): Cánh chim thõng xuống, có thể xù lông, biểu hiện của chim yếu hoặc bị bệnh.

39- Cánh vươn: Cánh chim dài mà mềm, trông khá đẹp mắt nhưng khả năng cơ động, xoay giở thấp nên hay dùng làm chim hót.

V- PHẦN THÂN

38- Mình củ đậu: Thân tròn và chắc như hình củ đậu.

39- Trường thân: Mình dài

40- Phì hoành: To ngang

41- Viên thanh: Thân tròn thuôn dần về phía sau.

42- Dày cùi: Tưởng tượng cắt ngang thân chim bằng một mặt phẳng vuông góc với trục đối xứng, đi qua điểm giữa xương ức, Sẽ được một hình Elip dựng đứng. Những con chim thế này thường có thể lực rất tốt.

43- Phiến bản: Thân dẹp

VI- PHẦN ĐUÔI

43- Đuôi lá vả: Đuôi xòe ra khi hót và nhảy như hình chiếc lá cây vả (hình quạt tròn).

44- Đuôi lá bài (đuôi thẻ): 12 chiếc lông đuôi, trong đó 6 chiếc dài bằng nhau phủ trên, 6 ngắn bằng nhau phía dưới đỡ nhau rất cứng vững. Các lông đuôi thường cụp lại, tạo cho đuôi chim gọn và cứng như hình lá bài. Loại đuôi này rất phù hợp cho chim có đòn chân vì khi chim thực hiện những chiêu thức đánh bằng chân, đuôi phải chống xuống cho vững.

45- Xòe cứng: Đuôi chim lúc nào cũng xòe ra.

46- Xòe mềm: Đuôi chim chỉ xòe khi đứng hót.

47- Phá vĩ: Đuôi bị phá gãy lông, hoặc lông xơ xác tan nát.

VII- PHẦN CHÂN

48- Guốc chân: Phần đầu cẳng chân gắn với bàn chân và các ngón (cổ chân).

49- Dày guốc: Guốc phát triển làm cho chân cứng vững rất lợi cho đòn chân. Chim non tuổi thường guốc nhỏ và mỏng.

50- Mã cước: Chân cao, khi chim đứng, cẳng chân vuông góc với mặt cầu. Loại này thường nhảy nhiều và thời gian thuần chim lâu hơn.

51- Cao cầu: Chân cứng vững thể lực tốt luôn nâng thân chim cao lên.

52- Móng mèo: Móng ngắn dưới 1,5cm, vòng hơi cong đều xuống, gốc móng to nên rất khỏe có lực bóp mạnh, thực hiện đòn khóa rất chắc chắn, ít vướng, ít gẫy.

53- Móng liềm: Móng dài cong nhưng mảnh, rất hay gãy và yếu.

54- Móng nứa: Móng thẳng đơ rất xấu. Trường hợp này có thể chim có tật, cần lưu ý.

VIII- MỘT SỐ THUẬT NGỮ KHÁC

55- Sàng cầu (rê cầu): Chim rê chân dọc trên mặt cầu rất nhanh.

56- Kích sổi (công chim): Dùng thức ăn nhiều dưỡng chất và chất kích thích để chim nhanh chóng căng lên, phục vụ yêu cầu thi đấu. Phương pháp này rất hại cho chim.

57- Căng sổi: Chim căng, hăng chiến nhưng khi ráp trận rất nhanh mất sức

58- Chim căng: Chim ở thời điểm có thể lực tốt nhất trong năm.

59- Căng sâu (căng bền): Thể lực tốt, dẻo dai

60- Mất lửa (tụt lửa): Chim bị giảm sút thể lực nhanh chóng, bỏ hót, bù đầu, không dám chiến.

IX- MÔT SỐ THUẬT NGỮ VÀO TRẬN HOẶC LÊN GIÀN

01 chim chọn cửa: thường không dám chọi với chim già rùng có bản lĩnh.

02 Đòn lối: chỉ các thế võ của chim chiến ( chim chọi hay rất biết lừa miếng, tấn công vào điểm yếu của đối phương ).

03 Đòn cái: chỉ đòn độc.

04 Đảo lối: thay đổi thế võ tấn công đối phương.

05 Đá biên: Chim hay mổ vào cạnh cửa ( hay là: chim giẻ rách ).

06 Đè cửa: chim ốp sát liên tục vào cửa công để lấn át đối phương.

07 Đòn sáp hồng: hai con chim lồng mỏ vào nhau lúc chọi.

08 Đòn mỏ: Dùng mỏ mổ đối phương.

09 Đòn phối hợp: khóa chim đối phương và mổ vào gáy. Anh em chơi chim thương nói văn nghệ là Đòn bố dạy.

10 Đòn khóa: dùng chân giữ chặt đối phương.

11 Hổ lao: phi từ trên cầu lao thẳng vào đối phương.

12 Bù đầu: chim sợ đối phương quá, lông gáy và đỉnh đầu dựng lên.

13 Cửa công: Tấm thanh ngăn không cho hai con chim chọi sang lồng nhau nhưng vẫn đánh nhau được.

14 Hóc lông: không thay được lông.

15 Sâu lông: ra lông bị quăn hoặc bị gãy.

16 Nũa chim: chim rất thuần, thích gần người .

17 Nũa chọi: để xa chim khác gào thét lồng lộn, mở cửa Công lại không dám đánh.

18 Móng thái: móng phía sau bàn chân ( móng hậu ).

19 móng biên: móng phía trước bên ngoài (ngón út).

20 Chim rạc: chim bị ốm lâu ngày.

21 Bã chim: mất quá nhiều sức lực để dọa dẫm nên khả năng chọi bị giảm sút nhiều.

22 Chim chiến: chuyên chơi chọi.

23 Chim hót: chỉ chơi hót, thường là không cho chọi để giữ cho bộ lông không bị xơ xác.

24 Mái chiến: mái hay, chuyên hỗ trợ chim đực khi giao chiến.

25 ghen mái: hai chim đực đánh nhau vì một con chim mái.

26 ghép mái: ( hay gọi là ốp mái ) Để mái gần trống cho quen nhau.

27 Căng mái: chim không đủ khỏe nhưng gặp chim mái trở nên hung tợn.

28 Mái sam ( Cave ): Hợp với rất nhiều chim đực. Rất được ưa chuộng và đắt tiền.

29 Mái chung thủy: Chỉ hợp với một vài chim trống, rất khó ghép đôi với đưc, khi đã ăn đực này rồi thì hết lòng phò tá và không cặp với đực khác. Nếu muốn ăn với đực khác phải mất rất nhiều công. Giới chơi chim thường không thích mái chung thủy.

30 Xùy mặt: mái xùy ” kêu ” khi đang nhìn thấy mặt chim đực.

31 Ti: mái phát ra tiếng “ti.ti…” và đuôi ” đập ruồi ” là tiếng mời gọi giao phối.

32 Phá vĩ: chim tự làm xơ và cụt đuôi.

33 Đấu hót: cùng hót với chim khác.

34 Lông dầu: bề mặt lông bóng như có lớp dầu.

35 Khô lông: mới thay lông hoàn chỉnh.

36 Xác lông: lông chim không có tuyết, xơ xác do thiếu chất lâu năm.

37 Chất lông dày: sợi lông dày, cứng và to.

38 Chất lông thưa ( lông mềm ): Sợi lông mỏng, mềm và nhỏ.

39 Ăn mái: chim trống đã hợp với mái ghép

40 Ăn sam: để chỉ mái có thể ghép và hớp với mọi loaị chim trống và đều có tác động tích cực (đây là đặc điểm rất quý của mái Ka ve)

41 Bạch cước: chân mầu trắng như cước, thường là chim già rừng, chim hay.

42 Bung: đang đánh, đột ngột bật vung lên vanh, tìm đường chạy

43 Ca sỹ: chim chọi nhưng không xuống sàn đánh chỉ đứng trên cầu hót. Thuật ngữ này giới chơi chim chiến dùng để mai mỉa nhưng chú chim chiến không dám xung trận.

44 Chỉ mì: chim có nốt ruồi đen ở mí mắt

45 Chim mồi: chim làm mồi để bẫy chim khác

X- THUẬT NGỮ XÉT GIẢI

46 Điểm: thời gian chim dính vào nhau ( mổ hoặc khóa nhau ), 1 phút = 100điểm.

47 Điện Quân: con chim cuối cùng trên sân chiến, không còn chim đánh nữa thì được giải điện quân.

48 Đòn quyết: đòn hiểm làm cho chim đối phương bỏ chạy.

49 Đồng hồ: dùng để tính điểm

50 Tam nguyên: 3 lần nhất trong 1 năm

51 Giải Tam khôi: 3 năm liền đoạt giải Tam nguyên.

52 Trung cách: giải sau giải 3.

53 Giải siêu mỏ: con chim có số điểm cao nhất trong tất cả các lần chọi trong 1 năm.

54 Giải Nhất Điện quân: con chim thắng tất cả các chim khác từ đầu đến cuối trận ( Ngày trước thỉnh thoảng có, nhưng bây giờ nhiều chim tốt nên rất khó đạt được ).

55 Giải Siêu nhất: đoạt 2 giải Nhất điện quân trong 1 năm.

Các bạn mới chơi họa mi thân mến!

Tôi đã trình bày với các bạn 7 bài cơ bản cần có cho người mới chơi họa mi. Đó là những kiến thức không dám nói là tối ưu nhưng chắc chắn là sự cần thiết tối thiểu để giúp các bạn đỡ bỡ ngỡ khi bước vào sân chơi này. Vì kiến thức có hạn nên khó tránh khỏi sai sót mong các bạn lượng thứ và góp ý để cùng nhau chơi vui.

Từ hôm sau chúng ta có thể cùng nhau nói chuyện vui vẻ sang cả đề tài khác cũng được. Bạn nào có ý kiến hoặc thắc mắc, có thể trao đổi ngay trên Topic này hoặc vào số điện thoai hoặc Messenger của tôi nhé.

Thân ái chào các bạn!

Chúc mọi người có được những chú chim như ý và chơi vô tư, vui vẻ!

Lâm Kiệt