Tìm giải pháp thuần chim bổi vừa khoa học lại hiệu quả.

Related image

Cách thuần cu cườm bổi theo kinh nghiệm mà bạn Salệhà đã chia sẻ (dộc cho nhừ tử, hết nhảy nổi nữa thì thôi, hoặc cắt cánh, buộc chân con chim bổi rồi thả xuống đất, lấy chân mình hích hích cho nó đi bộ trong sân nhà…) tôi cũng đã từng được nghe một vài nghệ nhân có tuổi đề cập đến. Suy cho cùng thì nó cũng có lý. Xin được suy luận, lý giải theo vài dẫn chứng như sau:
Thứ nhất:Ông bà ta có câu “Thương con cho roi, cho vọt” đây là kinh nghiệm trong cách dạy dỗ những đứa trẻ bướng bỉnh, ngổ ngáo, bất trị. Thấy có hiệu quả nên một số nghệ nhân áp dụng luôn cho những chú cu cườm bổi thuộc hệ này.
Thứ hai:Ngày xưa, những bật chí nhân quân tử thường có nguồn gốc từ những kẻ hàn vi, vô danh tiểu tốt. Muốn “Văn võ song toàn” thì phải dùi mài kinh sử, tập luyện võ công, tự trầm mình trong bể khổ, trong môi trường khắc nghiệt nhất. Nói chung, muốn thành tài đều phải trải qua một quá trình khổ luyện, hành xác để trở nên cứng cỏi, bản lĩnh, nếu sau này gặp phải gian nan thử thách nhất định không dễ bị khuất phục (vì đã chai đòn).
Tất nhiên, kinh nghiệm của bạn Salệhà, có thể tôi hoặc những người khác áp dụng không thành công và ngược lại. Nhưng có thể nói đây cũng là một kỹ thuật cổ điển về thuần chim bổi để anh em cùng hội tham khảo.
Theo tôi, hãy nên thuần chim bổi theo cách hàng ngày tiếp xúc cho chim ăn đúng bữa, vừa đủ khẩu phần. Cách này vừa khoa học, vừa hiệu quả. Bởi là loài vật nên không thể bắt ép chim cu cườm thực hiện hành vi theo lý trí (mà thực ra chúng làm gì có lý trí). Muốn tập luyện, thuần dưỡng chúng, ta phải dựa vào bản năng và phản xạ có điều kiện của loài vật để dạy dỗ, thuần dưỡng. Bản năng mãnh liệt nhất của loài vật nói chung, loài chim nói riêng là hễ khi đói thì phải tìm cho được cái ăn, khát thì phải tìm cho được thức uống. Lúc đói, khát chim sẽ “quên” sợ sệt, hay nói cách khác là cái cảm giác đói, khát chiến thắng sự sợ sệt, nhút nhát. Chim sẽ thích nghi dần, dạn dần, từ từ tiến lại gần con người để có thể gắp mổ được thức ăn, nước uống, để có cái cho vào hầu dìu, vào bao tử, để khỏi bị cồn cào. Nếu không thì làm sao chịu nổi! Đúng không quý vị?
Còn phản xạ có điều kiện là cứ mỗi khi chủ nhân đến gần thì được ăn uống no nê, ngon miệng nên lâu dần thành thói quen hễ thấy người (chủ nhân) đến gần là chúng mừng rỡ, đón chào. Có nhiều con cu cườm tinh tướng, sau một thời gian ngắn được thuần dưỡng theo cách này, chúng đã dám giỡn mặt với con người, sẵn sàng mổ tay, đá tay, gáy gù khí thế mỗi khi thấy chủ nhân xuất hiện.
Nhiều con chim cu cườm được chủ nhân thường xuyên cho đi rừng đánh bẫy, lâu dần đã tạo thành phản xạ có điều kiện nên hễ nhìn thấy chủ nhân chuẩn bị đồ nghề cho một chuyến đi rừng là chú cu mồi sung lên, gáy gù phấn chấn, ý chừng như muốn thúc dục chủ nhân hãy mau mau lên đường cho chú ta có dịp thoả chí tan bồng, được đấu đá với những kỳ phùng địch thủ ở bên ngoài thiên nhiên, hoang dã.
Ông bà ta có câu: “Có thực mới vực được đạo”, điều này rất đúng và vận dụng rất hiệu quả trong việc tập cu bổi bằng cách tiếp cận cho ăn, cho uống hàng ngày để chúng quen dần với con người, mau dạn, nhanh nổi. Song, xin đặc biệt lưu ý với quý vị, thuần chim bổi theo cách này chỉ thích hợp với những người thường xuyên có mặt ở nhà và thật sự chú tâm còn với những ai thường xuyên đi làm vắng nhà (mà nhất là đi…nhậu) thì phải hết sức cẩn thận, lỡ quên cho chim ăn uống thì rất nguy khốn! Điều tối kỵ nhất là thiếu nước uống, chim mà bị bỏ đói một ngày thì vẫn gắng gượng được chứ chỉ cần bị bỏ khát trong vòng nửa ngày đồng hồ thì hết phương cứu chữa, chết không kịp trối!
Còn một điều nữa cũng cần phải hết sức chú ý khi ta bắt tay vào thuần dưỡng những con chim bổi mới bẫy về. Hãy nhớ: “Giục tất bất đạt”. Đừng vội áp dụng ngay các kỹ thuật tập cho chim dạn, bởi lúc này điều quan trọng nhất là làm cho chim bổi chịu ăn, chịu uống để có thể sống được cái đã, nhất là trong lúc chúng còn “hồn xiu, phách lạc”, khi chúng mới rời quê hương, xứ sở của chúng về ở với ta trong một môi trường sống hết sức mới mẽ, lạ lẫm. Trước hết phải bằng mọi giá dụ dỗ làm sao cho chim bổi chịu ăn thức ăn, uống nước uống do ta cung cấp. Có thể nói đây là giai đoạn khó khăn nhất trong quá trình thuần dưỡng một con chim bổi.
Theo chỗ tôi được biết, đã có nhiều nghệ nhân mất rất nhiều công sức, “chùn chân mỏi gối” mới phục bẫy được con chim bổi cực hay. Những tưởng có thể thuần và sở hữu được một con chim hay sau này. Chưa kịp thoả cơn hoan hỉ thì chỉ vài ngày sau đã thấy nghệ nhân này vừa khóc, vừa mếu đưa tiễn chú chim bổi cực hay kia về nơi chín suối! Hỏi ra mới biết, chú chim bổi xấu số kia coi khinh loài người, quyết chí tuyệt thực cho đến chết, dẫu cho chủ nhân dâng đầy đậu, mè, kê, lúa; nước lọc, nước khoáng và thậm chí cả Ken (!). Cứ tưởng như thế thì chim sẽ chịu ăn uống mà sống, nào ngờ vẫn không lay chuyển được lòng dạ sắt đá của con chim bổi cực hay này nên đành bó bột!
Thực ra, với những con chim bổi mới bẫy về mà không chịu ăn, uống, không phải là ta đã hết cách và đành chịu đứng nhìn nó chết. Điều cốt lõi là ta phải sớm phát hiện ra con chim bổi đang tuyệt thực để tập trung tâm lực cứu sống nó. Những ngày đầu tiên nên theo dõi chặt chẽ, nếu con chim bổi không chịu ăn uống, chỉ loi choi soi lồng tìm đường thoát thân, hoặc đứng im một chỗ, cú rũ, xù lông, rụt đầu, ngoẻo cổ, phân thì chỉ có một bệt trắng như vôi tường lẫn với một bệt xanh như mật gà thì biết ngay là nó đang tuyệt thực.
Lúc này ta nên nhốt con chim bổi vào một cái bội (lồng, giỏ) rộng, không có đáy, úp xuống đất như nhốt gà, nước uống nên đựng trong cái dĩa (đĩa) trẹt để chim dễ nhìn thấy, dễ uống, còn thức ăn thì vãi ra dưới đất, cả đậu, mè, lúa, kê, nếu chim quen khẩu vị nào thì chúng chọn ăn loại thức ăn nấy.
Cho đến nước này mà vẫn có những con chim không chịu ăn, uống gì thì đúng là khí tiết ngút trời. Xin quý vị hãy xuất luôn độc chiêu cuối cùng là bắt chim cầm trên tay, lấy thức ăn, nước uống dâng vào tận miệng cho nó liên tục trong thời gian mươi bữa, nữa tháng gì đó (như cách nuôi chim con 1 tuần tuổi). Tôi nghĩ, dẫu có chai sạn, bướng bỉnh cỡ nào đi nữa, những con chim bổi như vậy chắc cũng phải từ từ quy thuận, ngoan ngoãn tự giác ăn uống.
Nếu biết chắc đó là một con chim bổi cực kỳ hay thì ta nên có sự đầu tư công phu, tương xứng. Sau này khi nó đã trở thành con chim mồi thiện chiến thì đúng là ta đã không bõ công, và có như vậy thì mới được tiếng thơm là biết “chiêu hiền, đãi sĩ” và không bị mang tiếng là “vùi dập nhân tài”!
Chúc quý vị bằng hữu thành công!