Ông Nguyễn Quang Trung giới thiệu lồng nuôi các lứa cu gáy non |
Là người đã có gần 30 năm nuôi chim cảnh các loại, ông Nguyễn Quang Trung (57 tuổi) cũng rất đam mê vẻ hiền lành, tiếng gù đặc trưng của loài cu gáy. Bằng kinh nghiệm nuôi lâu năm, ông Trung nhận thấy, chim cu gáy sống từng đôi, một trống một mái theo chế độ “đơn thê”, gắn bó chung thủy. Chúng đi ăn từng đàn, có lãnh thổ riêng, có một con trống có dáng hình đẹp đẽ, có tiếng gáy tuyệt vời.
“Sau thời gian nuôi, tôi thấy loài chim cu Gáy có cách sinh hoạt, tha rác làm tổ, tìm kiếm thức ăn, ấp trứng, bón thức ăn cho con… giống như chim bồ câu, bởi có thể do chúng cùng họ. Do vậy tôi mạnh dạn ghép đôi, làm lồng ấp cho chim mái, theo dõi quá trình ấp trứng và nở con. Những lứa đầu tiên ra ràng mạnh khỏe khiến tôi quyết định xây dựng khu nuôi ấp tập trung nhưng để chúng tự cặp đôi, sinh sản như trong tự nhiên và đã cho kết quả rất tốt, mình chỉ bắt chim non ra chăm sóc riêng theo từng lứa để xuất bán”- ông Trung chia sẻ.
Nhận thấy có thể nuôi ấp được cu Gáy, từ 10 năm trước, ông Trung đã đầu tư hơn 30 triệu đồng làm một khu nuôi có diện tích 100m2, quây kín lưới thép, trong khu nuôi ông thiết kế hồ nước, trồng cây lưu niên như nhãn, vải, làm lồng cho chim ấp… giúp chim có điều kiện sống như ngoài môi trường tự nhiên.
Người nuôi chim cu gáy cũng cần phải biết “xem tướng” chim. Theo đó, chim Cu mà đuôi vót, tức là ở bắp đuôi thì lớn, chót đuôi thì nhỏ lại, mới là con chim tốt và khôn. Chim có gián cánh, tức là có lông trắng ở trên một cánh hay cả hai cánh cũng là chim tốt nên chọn nuôi. Chim có móng trắng gọi là bạch đề: chỉ cần có một móng trắng hay nhiều móng trắng, là con chim quí hiếm. Chim trống có mỏ đỏ, là chim sát thủ, tức là chim rất dữ, chọn làm mồi mang đi bẫy rất hiệu nghiệm. Nhưng theo ông Trung, quan trọng nhất vẫn là tiếng gáy, “bổ lèo” của mỗi con chim.
Chim cu gáy thường ít bị bệnh dịch, bệnh thi thoảng hay gặp là chim bị phân nát, chủ yếu do chim có tinh thần không ổ định như bị chim khác gáy lấn át, bị mèo, chuột…. làm cho sợ, lâu ngày sinh bệnh, hoặc do nguồn thức ăn, nước uống không hợp vệ sinh hay khẩu phần ăn không hợp lý (thức ăn mà chim không thích) cũng là nguyên nhấn gây bệnh. “Hiện tôi bán 500 nghìn đồng/đôi chim cu nhỏ, 700-1 triệu đồng/đôi già. Vì luôn có chim con rời ổ theo lứa nên nguồn cung đều đặn, tôi không tính cụ thể nhưng trừ chi phí thức ăn, mỗi năm cũng cho thu nhập khá. Khách hàng chủ yếu ở Hà Nội, Hòa Bình và các tỉnh lân cận thích nuôi dòng cu gáy giọng “thổ” của địa phương – ông Trung chia sẻ thêm.