Chim cu gáy là loài chim cảnh khá phổ biến. Tuy nhiên đa phần người nuôi hiện nay mới chỉ tập trung vào nuôi cu gáy trống, chưa chú trọng đến kỹ thuật nuôi cu gáy mái sinh sản, khiến tỉ lệ trứng nở và con non sống sót không cao. Bài viết dưới đây, Thú Kiểng sẽ giới thiệu tới anh chị em chơi chim chi tiết kỹ thuật nuôi cu gáy sinh sản, và cách chăm sóc chim cu gáy non.
Phân biệt cu gáy trống mái
- Hãy quan sát đồng tử phần màu đen trong mắt của cu gáy, nếu chúng nhỏ và mờ thì là cu gáy trống, còn to và đậm màu thì là chim mái.
- Con trống thường có thân mình to lớn hơn con mái.
- Con trống có đầu vừa to vừa không được tròn trịa, lông thì có lấp lánh màu xanh. Ngược lại đầu con mái vừa nhỏ lại vừa tròn, lông thì thường màu xám.
- Ức chim cu gáy trống to hơn, nhìn “lực lưỡng” hơn con mái.
- Cườm ở phần cổ thường có màu đậm, rõ hơn nếu là con trống, con mái thì nhạt màu hơn.
- Mỏ và mũi chim trống to, cao hơn chim mái
- Phần chân thường chim trống dài và rắn hơn, khỏe hơn, to hơn con mái.
- Một trong những điểm dễ phân biệt là phần lông phía đuôi của chim cu. Nếu là con trống, lông ở phần sừng thường có màu tối (thường là xám đen). Nếu là con mái thì là màu sáng (thường là màu trắng). Ngoài ra, có thể quan sát khi chim đang đứng, nếu lông nằm ngang thì là con mái, hướng xuống thì là trống.
- Kiểm tra phần xương chậu của chim, nếu là con trống khoảng cách vùng xương này sẽ nhỏ, ngược lại nếu là mái chúng sẽ có khoảng cách to hơn (vì chúng phải sinh sản).
- Quan sát nếu chúng hay gù thì là con trống, nếu không hay ít gù thì là con mái.
- Nếu chúng không ngừng hoạt động, hay có những biểu hiện như khiêu khích “đối thủ”, hung hăng thì đích thị nó là con trống.
- Về chất giọng, con trống thường gáy to hơn con mái, giọng hay hơn, luyến láy nhiều hơn.
Trên đây là một số điểm khác biệt đã được đúc kết từ nhiều nghệ nhân có dày dạn kinh nghiệm trong việc nuôi và chăm sóc chim cu gáy. Sau khi đã phân biệt được con trống mái, bạn có thể sử dụng chúng cho đúng mục đích.
Đối với chim trống bạn có thể dùng để dùng làm chim mồi, để đá, giao đấu. Còn chim mái có thể dùng để sinh sản. Vậy kỹ thuật nuôi cu gáy sinh sản có khó không?
Chăm sóc cho cu gáy mái đẻ
Cần phải chuẩn bị tổ đẻ cho chim. Tổ có thể tận dụng các vật dụng trong nhà như rổ, rá bằng nhựa hoặc tre. Dùng rơm hoặc xơ dừa, cơ mướp … để ở dưới tổ. Đặt tổ ở nơi yên tĩnh, đủ nhiệt độ để chim ấp.
Tuyệt đối không sờ vào trứng, vì như thế chim sẽ nghe thấy mùi lạ và chim sẽ bỏ không ấp nữa.
Số lượng trứng đẻ mỗi ngày ít hơn so với gà, trung bình khoảng 2 – 3 ngày/2 trứng, thời gian ấp khoảng 2 tuần, 9 – 10 lứa/năm. Với loài cu gáy này, cả con trống và con mái cùng ấp.
Trường hợp, con mái bỏ ấp 2 – 3 ngày thì nên không nên cho chúng ấp nữa, mà chăm sóc chúng bằng cách cho chúng ăn theo khẩu phần ăn như quy trình. Có như thế chúng mới nhanh sinh sản lại (thông thường là khoảng 5 – 6 ngày).
Thời gian chim sinh sản vẫn cho chúng ăn cám như bình thường. Có thể bổ sung thêm canxi bằng cách nghiền nát vỏ trứng trộn vào thức ăn cho chúng ăn hàng ngày.
Chăm sóc chim cu gáy con
Cu gáy con từ lúc mới sinh cho đến khoảng 5 ngày tuổi cần phải được quan tâm chăm sóc cẩn thận. Vì thời gian này chúng chưa tự ăn được, do đó bạn phải mớm thức ăn cho chúng, liều lượng ít chia ra 2 – 3 lần/ngày. Nước cung cấp cho chim lúc nào cũng phải đầy đủ.
Thức ăn giai đoạn này chủ yếu là gạo, thóc và một số loại thức ăn khác.
Sau khoảng 1 tuần, nếu chim con đã tự ăn được thì có thể cho ăn từ 3 – 4 lần/ngày, không cần nhai thức ăn ra nữa.
Sau khoảng 3 tháng, hãy vặt hết phần lông đuôi của chúng. Giai đoạn này hãy bổ sung các loại thức ăn như mè (vừng), các loại đậu, … để bồi dưỡng cho chim nhanh nổi.