Việc luyện tập chim mồi kể ra cũng rất tốn công, với người thiếu kinh nghiệm thì lại càng khó khăn hơn. Trong nghề chơi, mấy ai có duyên may mà nuôi con chim đầu tiên đã là chim mồi rồi. Một số người mới chơi tìm cách đi tắt đón đầu mua lại chim mồi của người khác nhưng nếu thiếu kinh nghiệm hoặc không gặp người chơi tận tình giúp đỡ cũng có thể gặp phải những con mồi không hay, để phòng bất trắc, ngay cả những người đã có chim mồi hay rồi thì cũng không ai ngại việc nuôi thêm mồi dự phòng … vì vậy việc tập mồi để chơi là một việc không thể không làm của người chơi chim gáy mồi.
Việc chọn, nuôi, luyện tập chim mồi trong diễn đàn đã có rất nhiều ý kiếm trao đổi kinh nghiệm, hôm nay mình chỉ muốn đề cập thêm một vấn đề mà mình thấy trong thực tiễn diễn ra như sau:
Chim gáy có tính độc tôn rất cao, khi trong nhà đã có một con mồi hay rồi thì những chú chim bổi, chim mồi lỡ và có thể cả mồi thuần cũng hay nhường chú mồi hay về giọng gáy mà các chú chỉ gáy ở ba thời điểm trong ngày: sáng, trưa, chiều mà thôi.
Vậy thì giải pháp nào cho việc luyện thêm chim gáy mồi khi trong nhà đã có mồi cứng?!
Thưa các bác! qua thực tế thì mình thấy như sau: cứ nuôi các chú khác bình thường bên cạnh chim mồi nhưng chăm sóc cho thật tốt, thời gian đầu chúng sẽ im như thóc, nhưng sau này chúng sẽ bắt đầu gáy trộm,… có thể là một năm hoặc hai năm sau, vào mùa bẫy các bác tranh thủ mang nó ra rừng cũng với mồi nhưng nhớ là treo mồi rất xa nó, chim rừng gáy, chim mồi gáy và có thể nó không gáy nhưng không sao cả, kệ nó.
Vài ba hôm đầu có thể nó còn giãy giụa nhiều,… nhưng nó sẽ tiến bộ lên tuỳ theo thời gian được mang ra rừng luyện tập nhiều hay ít. Đến khoảng dăm hôm được mang ra rừng, nó sẽ bắt đầu gáy gọi vài tiếng là ta đã thành công bước đầu rồi đấy, có thể chim rừng nghe nó gáy sẽ đến doạ, cũng chẳng sao cả (tất nhiên nếu ta có điều kiện đuổi chim rừng đi thì tốt hơn), thời gian sau thấy bóng chim rừng nó sẽ biết thúc ( gáy trận), thậm chí có con đã gù,…
Vâng! chỉ cần có thời gian mang chim bổi ra rừng tập mươi hôm như vậy thì các bác sẽ thấy nó nổi nhanh đáng kể, tuy nhiên khi về nhà thì nó vẫn cứ nhường con mồi già thậm chí có con cả ngày chẳng thèm lên tiếng, nhưng không sao vì nuôi chim mồi là để chúng thể hiện việc gáy, gù và bắt bổi ở ngoài rừng, ở nhà ta chỉ cần một vài con gáy thôi là cũng tạm được rồi!
Với cách làm trên, trong mùa bẫy năm nay, mình đã tập được thêm được ba con bổi nữa nổi thành mồi lỡ, trong đó có 2 con đã được chính thức gọi là mồi (vì một con đã bắt được 3, còn con kia đã bắt được một con bổi). Cũng cần phải nói thêm rằng, những con mồi mới nổi này, tạm thời ở nhà nó sẽ nhường con mồi già và hay nhất nhưng theo thời gian, mức độ tiến bộ của chúng sẽ thu hẹp khoảng cách với con mồi già và đến lúc đó thì ngay ở nhà nó cũng sẽ chơi hay ngang ngửa với mồi già cho mà xem!
Cũng là một cách tập thể thao và lại được hòa nhập với thiên nhiên, việc tập mồi không cốt bắt được chim rừng mà lợi dụng tiếng chim rừng để tập cho chim nhà hay lên và đặc biệt giúp ta hứng khởi trước những chú chim bổi vốn trước đây rất hay trong rừng đang được chính tay ta chăm sóc nuôi dưỡng, để những tiếng chu, lèo, dặm, vấp, gù chống đấu,… của chúng sẽ được tái hiện lại trong tương lai gần như chính bản thân chúng đã từng có.