1. Chọn tiếng gáy.
-Khi nó thấy con bổi phất ngang nó gù phóng hay gù rước mấy đạt …ta đánh giá ngay con này chơi được còn hay dở cở nào thì phải xem “hậu” nó ra làm sao!
-Khi bổi nhập tàn cây mà nó cứ cúc cu, cúc cu …hoài thì con này gọi là thúc trơn, chổ này ta phải để ý xem nó có thúc dồn hay không!(thúc dồn là tiếng sau nhanh hơn tiếng trước, càng lúc càng tăng tốc, loại này dùng được) còn nếu nó cứ đều đều một ga thì ta loại bỏ ngay, chơi nghe buồn ngủ lắm.
-Có con lại: Cù cú cu, cù cụ ; cù cú cu, cù cụ ; cù cú cu, cù cụ …loại này gọi là kèm mắc me. Nên chọn nuôi.
-Có con lại: Cù cú cu, cù cụ, cù cụ ; cù cú cu, cù cụ, cù cụ … Thúc một tiếng gù hai tiếng thì gọi là kèm đôi. Còn thúc một tiếng gù ba tiếng thì gọi là kèm ba …. khi gáy đấu với con bổi nghe ghiền. Loại này chỉ trên rừng mới còn, nên bắt mà nuôi.
-Có con: Cù cú cu, cù cụ, cù cụ, cù cụ, cù cụ, cù cụ …. thúc một tiếng gù cả dây gọi là kèm bo … loại này nghe khỏi chê … bao nhiêu cũng không bán.
– Có con: Cứ thúc hoài lâu lâu gù một tiếng gọi là kèm dặm … nghe không đã.
Trên đây ta chỉ đánh giá con mồi qua từng loại giọng kèm mà thôi còn hay hay dở thì chờ vào giai đoạn cuối xem nó có bắt được con bổi kia hay không đó mới là điều đáng nói. Con nào càng về khuya càng gù hậu nhiều thì ta chọn nuôi, cứ con bổi nhúc nhích là nó gù ngay … bổi nào mà không đá, đấu không thua bất kỳ con bổi nào cả, không có biết sợ thì ta nên chọn mà nuôi.
2. Chọn cách ứng xử.
Thực ra thì ngay từ khi bẫy, các nghệ nhân cũng đã sơ bộ đánh giá được cách ứng xử của chú mồi tương lai khi lâm trận rồi. Thường những con chim này phải đấu, chuyền cành, chuyền cây xung quanh vị trí của mồi lồng rất là nhiều để quan sát và chọc tức con mồi (nó là con chim khôn), có lúc lại bay vút lên cao như là bay đi, có lúc lại có thể sà xuống đất giả vờ kiếm ăn… cũng ở giai đoạn cận chiến các bác có thể quan sát thấy có nước sa cầu máy cánh hay không (nước này rất quan trọng với một chú chim mồi) còn những con lao vút ngay lại cành thế rồi chui tọt vào lưới ngay thì chả tính làm gì các bạn ạ!
– Khi bẫy về được rồi, sau khi nuôi nấng cẩn thận và chim đã tương đối dạn dĩ (có thể là chưa cần gáy ngay) thì cho vào lồng bẫy (hoặc lồng nhỏ) sạp (kê gần) lại với chim mồi, khi thấy chim mồi gáy mà nó xoay ngang, xoay dọc, bước lên, bước xuống cầu và sàn lồng nhẹ nhàng khoan thai tuyệt đối không chòi lồng để lăn xả ra đòi chiến với chim mồi (chim chân dài như người mẫu các bác cũng cứ sạp thế này nhé, nhiều con không chòi lồng đấu ạ, dùng làm mồi vẫn tốt đó ạ) .
3. Chọn tướng chim mồi(cái này trong các muc khác có rồi tôi thôi không nhắc lại nữa nhé!)
4. Chọn nết ăn uống và khả năng thích nghi của chim mồi!Có một số người không quan tâm đến vấn đề này, vì vậy khi có một chú mồi rồi mà không quan tâm đúng mức, chăm sóc cẩn thận có thể chim mồi sẽ không còn sức chiến đấu nữa.
Mỏ thẳng để không chòi lúa (nếu chim mỏ cong thì ống mồi phải làm miệng chum), Phải là con chim chịu lồng nghĩa là nó phải thích nghi với lồng bẫy bé nhỏ cùng điều kiện mà con người tạo ra cho nó trong lồng. Nó phải là con phàm ăn (ăn được nhiều loại ngũ cốc), ăn nhiều.(nó biểu hiện bằng màu sắc lông mượt mà) siêng gáy,…
Phải chịu nắng, phải hiền chim, dạn người, bền chim. Chim ít gù thì tiêu hao năng lượng ít nên đi bẫy được hàng tuần, không bã chim còn chim nhiều gù thì ngược lại.
5. Một số lưu ý khi chọn chim mồi
Khi chọn chim mồi lồng, các bác lưu ý giúp em là phải phân biệt được chim mồi với chim chiến ạ:
Chim mồi:Là chú chim phải có đủ các nước dụ chim rừng mà đỉnh cao là bất kì con nào khi gặp nó phải chịu khuất phục các nước dụ của nó và phải vào nằm gọn trong lưới để nhập hộ khẩu nhà ta ạ.
Chim chiến:là chú chim có nhiều nước dọa các chú khác làm cho phải sợ uy lực của mình ( bằng tiếng gù, bằng vỗ cánh, bằng chòi lồng sang để chiến,…) những chú chim chiến này nếu dùng để bẫy chim thì ít hiệu quả trong số đó có những chú có nước gù nhiều và gù gắt ạ.
Diễn Đàn Chim Cảnh Việt Nam