KĨ THUẬT NUÔI CHÍCH CHÒE LỬA SINH SẢN TRONG MÔI TRƯỜNG NUÔI NHỐT

Tôi khá thành công trong việc ghép đôi sinh sản chích chòe lửa trong môi trường nuôi nhốt, một phần là để thõa mãn thú vui nghe tiếng hót chích chòe lửa (CCL), một phần là được ngắm nhìn bộ đuôi dài dập dìu đập lên đập xuống. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy một chú CCL dáng đẹp, đuôi dài, đuôi lụa nhưng không biết sàn cầu đập đuôi. Bạn có thể tìm thấy một chú CCL hót tốt, sàn cầu, đập đuôi nhưng không được đuôi dài… Đó là quy luật tự nhiên thôi, để được một chú chim chơi ưng ý thì ngoài khả năng tài chính ra bạn phải có yếu tố may mắn và có cơ duyên để có thể sở hữu một chú chim như thế. Cũng giống như việc chọn lọc gà chọi, bồ câu cảnh hay các loại vẹt quý hiếm … thì ta phải ghép đẻ và chọn lọc qua nhiều đời. Sau đây tôi xin trình bày kinh nghiệm ghép đẻ, nhân giống và chọn lọc theo kinh nghiệm của bản thân tôi để các bạn có thể tham khảo khi quyết định nhân giống đàn chim của mình.

Để ghép cặp CCL sinh sản không khó, nhưng “nghề chơi cũng lắm công phu”, ta phải chuẩn bị từ trước thì mọi việc mới suông sẻ.

LƯU Ý:Toàn bộ hình ảnh sử dụng trong bài viết này đều là hình chụp thực tế từ các cặp đôi CCL sinh sản của tôi, không phải là hình sưu tầm.

I/ CHỌN GIỐNG:

– Trống: Nếu có điều kiện bạn nên chọn những con trống có nết tốt, đẹp về hình dáng và nết chơi (ở đây ta chưa bàn đến giọng vì giọng ngoài bẩm sinh ra thì chim con còn phải được học và rèn luyện từ môi trường). Nên chọn những chim trống thi đấu có giải đã về vườn, chim đang thi đấu không nên ghép đẻ vì sẽ làm yếu chim, chim chơi không bền.

– Mái: Tướng thon gọn theo chuẩn “đầu xà cổ thắt”, có nết đập đuôi và hót như trống. Nếu bạn xác định ghép đẻ đuôi dài thì bạn phải chọn mái đuôi dài vì chim non sẽ hưởng phần lớn đức tính từ chim mẹ chứ không phải chim bố.

*** Để hiểu rõ vấn đề này ta cần nói đến kiến thức đã học từ thời phổ thông, chim thuộc họ gia cầm vì thế bộ nhiễm sắc thể (NST) giới tính cũng đối lập với các loài khác. Chim bố mang NST: XX. chim mẹ mang NST: XY (ngược lại với con người, đàn ông mang NST: XY, phụ nữ mang NST XX), để nhớ việc này một cách đơn giản hơn thì bạn chỉ cần nhớ trên quả đất này có 4 loài Chim, Cá, Bướm, Tằm mang NST ngược lại với con người. Sự di truyền và các tính trạng của loài chim tương đối phức tạp… balah balah… ta không nhắc đến trong bài này. Tuy nhiên rút gọn lại cho việc chứng minh các tính trạng trội di truyền từ khoa học cũng như kinh nghiệm thực tế hàng trăm năm nay từ việc cản mái cho gà chọi thì ta đúc kết ra rằng muốn có chim non tốt thì phải chọn mái tốt.

II/ CHUẨN BỊ:

1/ Thúc chim căng lửa:

Để chim có một thể trạng khỏe mạnh, thoải mái thì ta phải chăm sóc cặp chim đã được chọn lựa ngay khi vừa thay lông xong. Để thúc cho chim căng lửa thì ta phải có chế độ chăm sóc về dinh dưỡng, tắm nắng, tắm nước, ngủ nghỉ khoa học. Trong phạm trù bài viết này tôi không đề cặp đến về đề làm sao để chim căng lửa và khỏe mạnh, tôi chỉ nói sâu vào vấn đề ghép cặp.

Trong quá trình thúc cho chim căng lửa, từ khi thay lông xong thì đến khi căng lửa tùy vào nết chim mà ta mất 1-3 tháng. Trong thời gian vào lửa cho chim ta thường xuyên treo chim trống và chim mái gần nhau nhưng không được thấy mặt nhau, chỉ khi nào cho tắm thì ta cho chúng thấy mặt nhau. Để mái cạnh lồng tắm khi trống tắm và ngược lại. Điều này sẽ giúp chim nhận dạng và nhớ mặt nhau ở cái thưở ban đầu lưu luyến ấy. Sau khi chúng tắm xong thì lại treo cạnh nhau nhưng không thấy mặt để chúng gọi nhau thêm phần thiết tha. Điều này cũng tương tự như việc ta bỏ đói để thuần chim vậy, khi chim có thói quen tắm là gặp mặt bạn tình thì chúng sẽ thêm phần quyến luyến với nhau và dễ dàng chịu nhau khi ghép cặp.

Khi chim đã căng lửa và bắt đầu vào giai đoạn sinh sản thì ta dễ dàng thấy những biểu hiện sau :

– Trống: hót lớn giọng, kéo thuốc lào cả ngày, tùy theo nết chơi mà có những biểu hiện sàn cầu đập đuôi. Bung xòe, hót múa khi kè mái…

– Mái: hót lớn giọng, sàn cầu đập đuôi tùy theo nết. Kè trống thì líu tíu nhũi đầu, chặp chờn đôi cánh hướng về phía trống, bu lồng đòi sang trống …

Trong giai đoạn thúc lửa thì bổ xung canxi cho chim mái bằng cách cho ăn thêm các loại vitamin khoáng chất bổ sung canxi, hoặc nan mực, vỏ hàu, vỏ cua biển mài thành bột trộn trực tiếp vào cám. Ở thời điểm thúc lửa cho chim tôi dùng Insect Essentials để bổ sung vitamin và khoáng chất cho cả trống và mái, riêng chim mái tôi sử dụng thêm vitamin EasyBird Complete Pet Supplement bổ sung thêm protein cho chim mái sung mãn khi sinh sản. Đây là một yếu tố quan trọng quyết định chất lượng trứng của chim khi sinh sản.

2/ Môi trường, chuồng trại:
Để CCL sinh sản điều quan trọng nhất ta phải có một Aviary (AVI) rộng rãi, thoáng mát và tuyệt đối yên tĩnh, có chút nắng sáng thì càng tốt. Một avi tối thiểu để CCL sinh sản thì cần phải đạt độ DxRxC là 100x60x80cm. Còn bản thân tôi thì thường làm AVI 160x80x200cm để cặp chim rộng rãi và thoải mái hơn (bạn có thể tham khảo hình AVI của tôi phía dưới)

Sau khi đã trang bị AVI, bạn dùng lưới trồng lan bịt kít các mặt, chỉ chừa cửa tiếp tế thức ăn và nước uống cho chim, đây là những thứ bạn nên trang bị trong một AVI sinh sản

– Cầu cho chim đậu: nên chọn loại cầu ngang, CCL cần môi trường thoáng đãng để bay nhảy nên trong 1 AVI tùy theo thể tích mà bạn bố trí số cầu phù hợp. Tuy nhiên dù AVI lớn hay nhỏ bạn vẫn phải chú ý 3 nguyên tắc
+ Cầu thấp: cách mặt đất khoảng 20-30cm để chim quan sát đấy avi, bắt mồi, tắm …
+ Cầu trung: tiện lợi cho quá trình bay nhảy cho chim
+ Cầu cao: CCL là loài chim có tính lãnh thổ rất cao, vì thế thường chọn nơi cao nhất để đứng sổ giọng khẳng định lãnh thổ.
– Khay nước tắm
– Khay đựng dế: bạn nên mua khây trồng rau mầm được bán ở các cửa hàng cây cảnh, khi về bịt kít lỗ thoát nước và cho vào 1 lớp đất trồng cây vừa phải, gieo vào 10-20 hạt rau muống, trên miệng dán băng keo bóng để dế không bò ra được. Sau khi bạn thay nước uống nước tắm cho chim thì cứ rưới 1 ít vào chậu thả dế, rau muống sẽ nảy mầm và dế sẽ ăn loại rau sạch mà chính mình trồng. Điều này sẽ rất tiết kiệm dế chết, dế ốm vì dưới môi trường đất ẩm và có rau xanh thì dế luôn khỏe mạnh và mập mạp.
– Khay nhỏ đựng sâu: trong giai đoạn ghép đẻ thì sâu luôn phải luôn có sẵn
– Hủ đựng cám: chỉ một ít cám, vì khi ghép đẻ chim thường ít đụng tới cám. (đã có trường hợp chim thuần của tôi sau khi ghép đẻ và bắt ra lồng tre thì phải tập ăn cám lại)
– Tổ chim: Bạn nên đặt ít nhất 2 tổ chim vào 2 nơi kín đáo trong AVI, nơi khuất và kín gió để chim làm tổ. Bạn có thể dùng muỗng dừa khô, lẳng hoa, hộp giấy khoét lổ … để làm tổ chim.
– Rơm: chuẩn bị sẵn 1 khây rơm, cọng chổi, lẵng hoa khô …. bất cứ thứ gì dạng sợi để chim dùng làm nguyên liệu lót tổ.

III/ GHÉP CẶP VÀ SINH SẢN:

Sau khi đôi trẻ đã căng lửa, đầy nhiệt huyết thì ta cho chúng ghép cặp, tốt nhất là vào mùa sinh sản, mùa sinh sản của CCL thường vào tháng 02 âm lịch kéo dài đến tháng 09 âm lịch. AVI đã chuẩn bị xong, ta cho khoảng 5K dế vào khay, 5k sâu gạo và 1 ít cám, 1 khay nước tắm vào avi và thả chim trống vào trước. Mặc dù là chim thuần nhưng khi thay đổi môi trường nuôi nhốt thì ít nhiều gì chim cũng hoảng, khi vừa thả vào chim sẽ nhảy nhót mọi nơi ngóc ngách của avi để khám phá, chiều tối thì chim sẽ tìm vị trí kín đáo để ngủ. Theo quan sát của tôi thì khi chim chọn vị trí ngủ thì sẽ ngủ ở nơi đó theo thói quen và ít thay đổi.Sang ngày thứ 2 thì bạn treo nguyên lồng chim mái vào AVI, chim trống sẽ kè bu lồng chim mái và tìm vị trí cầu đậu gần lồng chim mái để hót múa gù mái, mái khi căng lửa cũng sẽ nhấp cánh ưng thuận. Theo tôi quan sát thì một số chim trống còn có hành động gắp dế và sâu móm cho chim mái trong lồng ăn. Khi bạn đã thấy hội đủ các yếu tố này thì bạn mở lồng cho chim mái bay ra và đem lồng tre ra, chỉ trong ngày đôi trẻ đã quấn quít với nhau.

* Nếu trường hợp cả 2 chim đều căng lửa nhưng không chịu nhau, cắn nhau thì bắt buộc bạn phải đổi trống khác. Vì bản năng CCL ở tự nhiên từ khi sinh ra đến chim chuyền là đã tách cha mẹ sống riêng lẻ và tự tìm lãnh thổ cho mình. Đến mùa sinh sản thì chim trống hót vang để dụ chim mái, sẽ có những trường hợp 2 con trống đá nhau chí tử, con chiến thắng sẽ được ở lại để hót múa gây sự chú ý cho chim mái. Nếu chim mái chịu thì sẽ cho trống đạp mái và xây tổ, nếu mái không chịu thì mái cũng sẽ bay đi và chim trống tiếp tục đi tìm một đối tượng mái khác để kè.

* Nếu trường hợp cả 2 chim đều chịu chung sống với nhau đến 2-3 tuần nhưng không có các biểu hiện đạp mái, lót tổ thì bạn bắt riêng trống mái ra, chăm sóc tiếp và đổi cặp cho chúng. Vì nếu bạn có để tiếp thì hầu như tình trạng đó vẫn kéo dài chứ chúng cũng sẽ không sinh sản.

Sau khi trống và mái quen nhau, hiện tượng đạo mái sẽ xảy ra rất nhanh, sau khi đạp mái thì trống và mái sẽ cùng nhau xây tổ. Trong quá trình xây tổ trống vẫn tiếp tục đạp mái, quá trình xây tổ sẽ kéo dài 3-4 ngày. Ta có thể tóm tắt quá trình ghép đẻ, sinh sản, ấp trứng của CCL như sau :

– Ngày 1: ghép đôi
– Ngày 2: trống đạp mái
– Ngày 3-6: tha rơm lót tổ
– Ngày 7-11: đẻ trứng đầu tiên và nếu bạn chăm chim mái tốt từ trước, đủ canxi thì chim mái sẽ đẻ mỗi ngày 1 trứng

– Ngày 12-21: chim mái vào tổ ấp, nếu khí hậu ấm áp như miền nam thì chỉ cần 10 ngày là trứng nở, lạnh hơn 1 tí thì 11-14 ngày. Nếu qua ngày thứ 14 mà trứng không nở thì trứng đã hỏng do trứng không có cồ, hoặc mái không biết đảo trứng … Lúc này ta lấy trứng ra và chăm tiếp để mái đẻ lứa khác.
– Ngày 22: chim non đầu tiên chào đời, mái sẽ tiếp tục ấp những trứng còn lại thêm 1-2 ngày nữa. Kể từ ngày chim non đầu tiên ra đời chim mái chỉ ấp thêm tối đa 3 ngày, nếu trứng không nở thì mái sẽ bỏ ổ không ấp nữa.

– Ngày 27: chim non mở mắt, trung bình là 4-5 ngày sau khi nở thì chim non sẽ mở mắt
– Ngày 28: trổ lông ống

– Ngày 32: chim non bắt đầu rời tổ, nếu chim bố mẹ chăm con tốt, vitamin khoáng chất đầy đủ thì chỉ cần 10 ngày chim con có thể rời tổ tập bay chuyền.

Đây là ghi chép về lịch sử sinh sản của một cặp CCL của tôi gần nhất (tháng 03/2015), các bạn có thể tham khảo và đối chiếu số ngày.

* Trong quá trình chim đẻ trứng và ấp nở, bạn nên tránh quan sát tổ chim và avi, điều này sẽ làm chim dễ hoảng và bỏ ổ.

IV/ CHĂM SÓC CHIM NON:

Trong quá trình chim mái ấp trứng, chim trống sẽ đứng bảo vệ lãnh thổ, bạn phải luôn đảm bảo rằng sâu và dế lúc nào cũng phải có sẵn trong AVI, nếu thiếu hụt mồi tươi, chim cũng sẽ bỏ ổ vì bản năng nó nhận biết môi trường không đủ thức ăn để nuôi con.

Tôi có một bảng chia khẩu phần ăn dành cho chim non như sau (tính từ ngày chim nở):

– Ngày 1-5: Trong thời điểm này (trước khi mở mắt) chỉ duy nhất để dế cho chim bố mẹ mớm mồi cho con.
– Ngày 6-10: sau khi chim mở mắt thì buổi sáng mình dặm thêm trứng kiến trộn vitamin EasyBird Complete Pet Supplement để chim con bổ sung vitamin, cứng cáp, đề kháng tốt. Việc dặm thêm trứng kiến trộn vitamin được thực hiện cách ngày 1 lần vào buổi sáng và thức ăn chính cho chim non trong giai đoạn này vẫn là dế.

– Ngày 11-20: khi chim non đã bay ra khỏi tổ thì mình cho nguồn thức ăn phong phú hơn, bổ sung thêm cá lóc con (cá quả) size nhỏ nhất để chim bố mẹ mớm mồi cho con. Trong giai đoạn này mỗi buổi sáng mình cho 1 cóng trứng kiến nhỏ trộn vitamin và 2 này 1 lần cho ăn cá con. Thức ăn chính vẫn là dế.
– Từ ngày 20 trở về sau thì mỗi buổi sáng bạn vẫn cho chim non ăn một ít trứng kiến nhưng lúc này không trộn vitamin EasyBird Complete Pet Supplement nữa mà trộn trứng kiến với một ít cám (trong cám đã trộn vitamin Insect Essentials). Thức ăn chính vẫn là dế.
– Giai đoạn chim non tập mổ thì bạn giảm dần số lượng dế, tăng dần lượng trứng kiến trộn cám cho đến khi chim non mổ cứng thì tập dần ăn cám.
– Giai đoạn chim non thành chim chuyền thức ăn chính là cám, dặm thêm một ít sâu, dế, trứng kiến, cào cào … vào mỗi buổi sáng giống như chim trưởng thành.

* Trong giai đoạn chim non trong còn trong tổ thì bộ máy tiêu hóa của chim non rất kém, nếu bạn quá lo cho chim non mà cho chim non ăn mồi ngon hay đút dặm cám cho chim thì chỉ hại chim non mà thôi. Giai đoạn này chim cần thực phẩm nhiều nước để nuôi cơ thể nên dế là thức ăn tuyệt vời nhất. Sau khi chim ra khỏi tổ cũng vậy, ta vẫn phải chăm sóc mồi tươi, vitamin & khoáng chất để chim non khỏe mạnh, đề kháng tốt, không bị suy. Nếu chim non bị suy vào giai đoạn này thì rất dễ chết khi lên chuyền và tương lai cũng sẽ không có triển vọng.

Vợ tôi thường nói rằng việc nuôi chim của tôi cũng giống như việc nấu một món ăn ngon vậy. Bạn có thể mất nhiều ngày, nhiều tháng để tìm một nguyên liệu ưng ý, bạn phải mất nhiều giờ để chế biến chúng nhưng bạn chỉ mất 30 phút để thưởng thức nó. Nuôi chim sinh sản cũng vậy, mọi thứ cần chuẩn bị kĩ lưỡng trong thời gian dài thì lứa chim con thành quả mới triển vọng được.

BÀI VIẾT ĐÃ KẾT THÚC, CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐỌC.
CHÚC CÁC BẠN GHÉP CẶP SINH SẢN LOÀI CHIM CHÍCH CHÒE LỬA THÀNH CÔNG VÀ CÓ CÁC LỨA CHIM CON TRIỂN VỌNG.