Thú chơi chào mào

Một nét văn hóa lành mạnh
Mỗi sáng sớm, tại khu vực giao nhau giữa đường Lê Lợi – Ngô Quyền – Pasteur, người ta lại nghe thấy tiếng hót ríu rít của chim chào mào. Đó chính là trường chim Yến Phi. Ở đây, ai có chim thì mang đến thi đấu, ai không có chim thì đến xem, lâu dần trở thành một nét văn hóa. Anh Phạm Tuân, nhà ở đường Yết Kiêu (TP Nha Trang), đã 10 năm chơi chim, cho biết, công viên Yến Phi là sân chơi chim tự phát. Lúc đầu khoảng 50 người chơi, rồi tăng dần lên, đến nay có khoảng 200 người, tập hợp đủ các thành phần xã hội từ giáo viên, công an, luật sư đến anh bán cafe, xe thồ…
Gọi là trường chim vì ở đây có thi thố đàng hoàng, và ngày nào cũng thi: sáng từ 6 giờ đến tận 10 giờ, chiều từ 2 giờ đến tận 5 giờ. Luật chơi ở đây cũng hết sức… nghệ sĩ. Ai cũng có thể mang chim đến chơi. Xếp tất cả lồng chim cạnh nhau để thi tiếng hót hay, tiếng ché khoẻ, phong cách chơi hay…. Chim nào hót hay, ché mạnh, phong cách đẹp thì thắng. “Tiếng hót, tiếng ché và phong cách chơi của chim là do anh em chơi chim tự bình chọn, thỏa thuận với nhau, chỉ ra tiêu chí rõ ràng khó lắm. Tuy tiêu chí không rõ ràng nhưng chưa bao giờ anh em chơi chim chào mào lại cãi lộn nhau vì vấn đề này, vì ai cũng tự hiểu chim hót thế nào là hay, ché thế nào là mạnh, phong cách chơi thế nào là đẹp…”, anh Trần Lý Chiêu, một dân chơi chim chào mào lâu năm cho biết.

Chim chào mào khi được xếp cạnh nhau để thi hót thì sẽ dẫn đến đè giọng nhau, con nào giọng yếu sẽ sợ, xù lông, hoảng loạn. Những con bị như vậy, theo tiếng lóng của dân chơi chim là bị lỏ (không hót được), bông gòn (xù lông)… Hình phạt đối với những con này là bị treo lên cành cây hoặc để riêng ra một góc, cấm thi đến khi nào lấy lại được giọng, hết xù lông. Dân chơi chim chào mào lâu năm chia sẻ kinh nghiêm: Phải đến trường chim mới chọn mua được chim hay, vì nhiều con ở nhà hót rất hay, ché rất mạnh, nhưng khi ra trường chim thì lỏ, bông gòn..

Anh Huỳnh Thái Dương cho biết: “Ngày nào cũng cố gắng sắp xếp thời gian vào buổi sáng để mang chim ra khoe. Dần dần thành thói quen, rồi đâm ra nghiền. Khi nào bận liên tục 2-3 ngày không mang chim ra thi đấu được thấy khó chịu lắm, mà chim bị nhốt ở nhà trông nó cũng… buồn thiu luôn”. Mọi người thường nói vui đây là thú “khoe chim”, vì nuôi chim mà để ở nhà một mình mình ngắm thì rất khó chịu. Vì vậy cứ sáng sáng, mọi người lại mang chim đến trường chim Yến Phi để khoe. Sau đó, gọi ly café cóc, một ổ bánh mì rồi ngồi ngắm chim thi đấu, bình luận trao đổi về chim không biết chán.

Khoe chim cũng lắm công phu

Một dân chơi chim lâu năm cho biết, nuôi chim chào mào tuy dễ nhưng cũng nhiều công phu. Lúc đầu mua chim non (khoảng 50 – 70 nghìn đồng/con) về chăm sóc khoảng 6 – 8 tháng là có thể cho đi thi đấu. Tuy nhiên trong quá trình nuôi phải có biện pháp huấn luyện tiếng hót, tiếng ché thì sau này thi đấu mới hay được. Mỗi người có mỗi phương pháp khác nhau, tuy nhiên dân sành chơi chim thường treo lồng chim con cạnh lồng một con chim đã trưởng thành, hót hay, ché mạnh để chim non học tiếng hót, tiếng ché…

Trong quá trình nuôi, thức ăn của chim cũng góp phần quan trọng trong việc ảnh hưởng đến “phong độ” thi đấu của chim. Thường dân chơi chim hạn chế cho chim ăn thức ăn chế biến sẵn bán ở các cửa hàng, mà tự đi kiếm mồi trong tự nhiên cho chim ăn như: côn trùng, cào cào, trứng kiến… Có khi phải vào rừng, lên miền núi, ra đồng… tìm. Nổi tiếng trong lĩnh vực này anh Phương “tổ kiến” (Nguyễn Tuấn Phương, 50 tuổi). Anh Phương chơi chim từ năm 11 tuổi, với đủ các loại chim, nhưng sau đó chuyển hẳn sang nuôi chim chào mào vì dễ nuôi lại có sân chơi lành mạnh. Gọi là Phương “tổ kiến” vì anh có tài đi chọc trứng kiến nuôi chim. Lúc cao điểm anh Phương nuôi cùng lúc 53 con chào mào, vì vậy ngoài giờ cho chim đi thi đấu anh lại lặn lội đi tìm tổ kiến để lấy trứng nuôi chim. Có những lúc anh bị kiến cắn xưng hết người, hay axit từ tổ kiến ăn mòn hết đầu ngón tay nhưng vẫn không ngăn được niềm đam mê nuôi chim của anh.

Dân chơi chim không chỉ tìm, huấn luyện được chim hay mà còn cố gắng sưu tầm cho được chiếc lồng độc đáo. Anh Huỳnh Thái Dương có chiếc lồng độc đáo mà dân sành chơi chim nhìn thấy phải hết lời ca ngợi. Chiếc lồng được anh đặt tận ngoài Huế, với những hình thù, đường nét rất cầu kỳ. Chất liệu được làm toàn bộ bằng tre, móc treo trạm trổ hình con chim phượng hoàng, thân lồng trạm tám vị tiên (bát tiên) đang ngồi đánh cờ, 3 cầu cho chim đậu là hình 3 ông Phúc – Lộc – Thọ. Tuy nhiên không phải ai cũng may mắn để có một chiếc lồng như ý như anh Dương.

Những con chào mào có tiếng hót hay, ché khỏe được dân chơi chim nể phục như: Thiết mộc chân, Cà pháo, Rồng mập, Thần điêu đại hiệp, Sà lách, Xoáy lưng… Trong đó nổi tiếng nhất vẫn là Thiết mộc chân và Thần điêu đại hiệp. Thiết mộc chân (bị tật một bên chân) có tiểu sử khá đặc biệt: Chim này lúc đầu của một người chuyên đi bẫy chim ở huyện Ninh Hòa (Khánh Hòa), và con Thiết mộc chân được dùng làm chim mồi (nhiều người cho rằng vì nguyên nhân này mà sau này Thiết mộc chân ché rất khỏe). Sau đó, Thiết mộc chân được ông chủ tên Tư mua để đi đấu trường, và từ đó nổi tiếng khắp Bình Định đến TP Hồ Chí Minh vì tiếng ché khoẻ không có đối thủ. Sau đó, do sơ sẩy, anh Tư để Thiết mộc chân bị gẫy một chân, sau khi chữa lành Thiết mộc chân hót không hay nữa. Do mê Thiết mộc chân, anh Trần Lý Chiêu đã bỏ 3,5 triệu đồng nài nỉ anh Tư mua đưa Thiết mộc chân về. Anh Chiêu đã được đền đáp xứng đáng bởi từ khi về tay anh Chiêu, Thiết mộc chân bỗng lấy lại phong độ. Con Thần điêu đại hiệp được nhiều người mê bởi “phong cách chơi ra cánh như my (họa my), gặp đối thủ ngóc đầu lên ché”. Thần điêu đại hiệp thường được xếp đứng giữa bởi tiếng ché quá mạnh, làm những con xung quanh khiếp đảm. Điểm “khác người” của Thần điêu đại hiệp là khi ngủ ngóc đầu thẳng lên trời, trong khi các con khác thì chéo đầu lại sau cánh.

Thú chơi chim ngày càng phổ biến ở TP Nha Trang (Khánh Hòa). Tuy nhiên, đa số trường chim ở đây đã bị biến tướng thành cá độ ăn tiền với số lượng lớn, làm mất đi thú vui tao nhã này. Những nơi chơi chim lành mạnh như trường chim ở công viên Yến Phi thật sự vô cùng hiếm hoi, cần được trân trọng.