Ngày xuân “say” điệu hót chào mào

Ngày xuân “say” điệu hót chào mào

NDĐT- Chào mào là loài chim bình dị, dân dã, có giọng hót ngân vang. Mấy năm trở lại đây, chơi chim chào mào đã trở thành thú chơi tao nhã của một bộ phận người dân Hà Thành. Các câu lạc bộ kết nối bằng cuộc thi giọng hót chim chào mào liên tục được tổ chức. Nhiều việc làm ý nghĩa được khởi xướng từ các câu lạc bộ chào mào như quyên góp “Chung sức xây dựng Biển Đđông”, góp quỹ xây cầu, xây trường, giúp đỡ các gia đình chính sách…

Hội thi giọng hót chim chào mào “Câu lạc bộ Đức Giang và những người bạn”.
Hội thi giọng hót chim chào mào “Câu lạc bộ Đức Giang và những người bạn”.

Đệ nhất thú chơi chào mào

Đã thành thói quen, ngày nào cũng vậy, trời hửng sáng, anh Nguyễn Lê văn, 34 tuổi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Chào mào Đức Giang mang ba chiếc lồng chim quý ra treo trước ban công khu nhà tập thể. Cho chim ăn, rửa chuồng, thay nước… Xong ngần ấy việc, anh Văn đốt điếu thuốc, thưởng ngoạn từng giọt thanh cao trong vút của bộ ba chú chào mào.

Anh Văn tâm sự: “Người ta chơi cá rồng, kỳ nhông, gà tre, còn tôi chọn mấy chú chào mào này đây. Trong các giống chim trời cá nước, chào mào là loài chim dân dã, gần gũi nhất. Nghe giọng hót, dáng dấp, điệu bộ của chim làm cho cuộc sống mình trở nên tươi vui hơn. Các cụ nói chơi có hội, bán có phường. Đến nay, anh em CLB đã có hơn 20 thành viên, đủ các thành phần, từ kỹ sư, bác sĩ quân y, doanh nhân, nhà giáo… hễ ai có niềm đam mê chim chào mào là đều có thể tham gia”.

Anh Văn khoe, năm 2014, Hiệp hội Chào mào miền bắc trở thành hội viên của Hội Sinh vật cảnh Việt Nam, CLB Chào mào Đức Giang cũng là thành viên. Thắp lửa đam mê chính là các buổi giao lưu và các cuộc thi giọng hót chim chào mào được tổ chức hằng tháng của các CLB.

Đầu tháng 2, tiết trời Hà Nội lạnh buốt, nhưng từ sáng sớm, trường Tiểu học Thanh Am, quận Long Biên (Hà Nội) đã chật kín xe cộ vì tại đây diễn ra “Cuộc thi giọng hót chim chào mào CLB Đức Giang và những người bạn”. Đi vào hội trường nhà thi đấu tôi ngỡ đang lạc vào vườn chim hàng trăm con đang râm ran tiếng hót. Không kể là người CLB, ai cũng có thể đem chim chào mào đến dự thi miễn là đóng phí 200 nghìn/lồng. Tiếng loa ban tổ chức the thé mời khán giả và các đấu thủ vào vị trí.

Anh Phạm Ngọc Tuyến, chủ nhân của chú chim chào mào dự thi, tỏ vẻ tiếc nuối “Thường thì phải tổ chức ngoài trời, có không gian rỗng rãi, chim thuần, thánh thót hơn. Tổ chức trong nhà vì chật chội, lại có đèn nê-ông nên chim dễ xấu hổ, hoảng hốt”. Thấy tôi giơ máy ảnh bấm liên hồi, anh Văn vỗ vai nhắc khéo “Đừng bật đèn flash chim dễ sợ, mất tinh thần thi đấu”.

Anh Văn thuộc đội nhà, ban tổ chức nên trọng tài hôm nay là các thành viên gạo cội thuộc CLB Chào mào Hoàng Mai và Ninh Hiệp. Anh Thắng, một trọng tài, cho biết: “Khí thế của các chú chào mào hôm nay rất đẹp, giọng hót hay”. Tôi thắc mắc “Giữa một rừng chim như vậy, mỗi trọng tài sẽ chấm khoảng 30 lồng. Vậy các anh lấy tiêu chí nào để chấm?”

Anh Thắng cho biết: “Ngoài khả năng cảm thụ âm thanh, kinh nghiệm quan sát, mỗi trọng tài sẽ được phát một tờ phiếu chấm với các tiêu chí như thái độ thi đấu, giọng, dáng bộ…

Các giám khảo phải cần mẫn, tinh anh, tránh bị kích động. Đặc biệt phải công tâm. Trong một buổi sáng được chia làm 10 vòng thi. Theo anh Thắng, những vòng đầu chấm đơn giản, chú chim nào mắc phải các lỗi đơn giản như rủ, tăm, rỉa là nghiễm nhiên bị hạ lồng. Chỉ vào những vòng 8,9,10, mỗi khi hạ lồng là một lần khó khăn, rất căng thẳng của tổ trọng tài vì phải chọn chú chim giành chiến thắng phải đạt các tiêu chí: ra giọng đều đặn, tối thiểu phải đủ ba âm tiết, thái độ thi đấu linh hoạt, biết nhảy cầu, chuyển cầu, rung cánh. Chim phải có độ bền thi đấu, dáng bộ thon gọn, rắn chắc, nhanh.

Mười chú chim vào vòng cuối cùng được trao giải khuyến khích, giải ba, giải nhì, giải nhất. Các giải thưởng đều có bằng khen, cờ thi đấu, giải thưởng có cả tivi, lò vi song, ấm điện…

Nghe chào mào hót, làm việc thiện

Ngày xuân “say” điệu hót chào mào ảnh 1

Trong làng chơi chim miền bắc hầu như ai cũng biết anh Vũ Văn Cầu, Chủ nhiệm CLB chào mào Long Biên, hiện đang sở hữu chú chim chào mào hơn 100 triệu đồng, cũng có mặt trong hội thi. Anh Cầu cho biết: “Chơi chim chào mào là thú đam mê nhưng cũng phải có nghề. Phải chọn giống chim tốt, tố chất khỏe, có giọng hót chóe, ngân, không biết sợ. Chăm sóc chim cẩn trọng từ chế độ thức ăn dinh dưỡng, mùa lạnh phải có thêm mật ong giữ nhiệt, tắm cách nhật, mùa hè thì tắm ngày hai lần. Chim ho, ốm phải có bác sĩ thú y. Bình thường, phải cho chim va chạm với chim khác để dạn dày nhưng trước khi thi đấu phải “ủ chim” bằng cách mặc áo trùm kín xung quanh lồng để “tích lửa”.

Bí quyết chơi chim thi đấu không nhất thiết nằm ở giá trị bằng tiền mà ở tay nghề chăm sóc. Mỗi khi “ra trận” giành chiến thắng, nghiễm nhiên những chú chim rất “cỏn con” cũng được giới chơi chim nâng giá lên đến vài chục, thậm chí vài trăm triệu. Cho nên, bất kể ai chơi chim chào mào cũng đều khát khao được cầm trong tay chiếc cờ thi đấu để ghi nhận giá trị của mình.

Dẫu đang sở hữu chú chào mào trị giá hơn 20 triệu đồng nhưng anh Văn khiêm tốn: “So với anh em mình chưa là gì cả, nhưng điều ghi nhận đó là niềm đam mê, nhiệt huyết của những nghệ nhân chim cảnh”. Từ suy nghĩ đó, anh Văn đã bàn bạc với anh em trong CLB Đức Giang dành một phần quỹ để làm công tác xã hội. Chỉ chưa đến hai năm nhưng CLB đã ủng hộ hàng chục triệu đồng để hỗ trợ đồng bào Lai Châu xây cầu cho học sinh đến trường, ủng hộ gia đình hai chiến sĩ hy sinh vì rơi máy bay quân sự ở Hòa Lạc. Trước đó Hiệp hội Chào mào miền bắc đã tổ chức hội thi Tiếng hót chim chào mào với chủ đề “Chung sức bảo vệ Biển Đông”. Ngoài quy tụ nhiều nghệ nhân, CLB có tiếng khắp miền, với giải thưởng lớn, hội thi còn quyên góp hàng chục triệu để ủng hộ các chiến sỹ đang làm nhiệm vụ canh giữ biển đảo. Còn Hội thi ở CLB chim chào mào Ninh Hiệpthì kết thúc trận đấu tổ chức bán đấu giá lồng chim, số tiền đó được quyên góp vào Hội chữ thập đỏ của địa phương.

Anh Nguyễn Đoàn Vinh, Chủ nhiệm CLB chào mào Ninh Hiệp chia sẻ với tôi: “Ra giêng, về làng anh xem Hội thi Tiếng hót chào mào do Hiệp hội chào mào miền bắc tổ chức nhé. Hôm đó sẽ quy tụ rất nhiều nghệ nhân chào mào. Chủ trương của CLB là giao lưu, vui vẻ, mở đầu năm mới an khang, thịnh vượng”.