Chào mào 1 chân – Thiết mộc chân

Chào mào 1 chân – Thiết mộc chân

_Lang thang trên mạng thấy truyền thuyết về chào mào thiết mộc chân hay quá,mang về cho anh em đọc chơi

Chào Mào Thiết Mộc Chân (TMC) – Một triết lí nhân sinh

Tên chim: Thiết Mộc Chân.

Gốc chim: Nha Trang.

Đặc điểm & Thành Tích: được tóm tắt bên dưới.

*Tiểu sử của Thiết Mộc Chân qua các thời kì:

_Chim bẫy được vào năm 2000 tại xã Ninh Tây, Ninh Hòa, Khánh Hòa. Khoảng km96 quốc lộ 26( Đường đi từ Ninh Hòa lên Đak Lak) Anh Tí là chủ đầu tiên, cũng là người bẫy được chim. Đây là con chim Đèo, khi bẫy được là chim má trắng.

_Khi chim bắt đầu đỏ má, chủ chim cho đi dợt ở trường chim Ninh Hòa( chỉ là quán nước nhỏ bên đường), chủ quán nước là ông què một chân, chống nạn. khi thấy ông này chống nạn , chim nhát như con bổi, nhiều lần vậy, ổng tự bắt ra bẻ chân.

_Sau đó chim không chơi nữa, vào mùa lông sau chủ chim cho đi bẫy , khu vực này ai đi bẫy kiểm lâm sẽ thả chim, nhưng con què không bị thả vì chủ chim bắt bỏ vào chai nước, vào rừng khuất bóng kiểm lâm thì thả chim vào lồng bẫy. Tiếng hót dài, réo rắt, chim rừng cứ thế kéo nhau về, lại thêm cái chân bị tật, vừa thu hút sự tò mò,” thấy yếu thế muốn đá cho bỏ ghét”, chim rừng lũ lượt dính bẫy. Con què bẫy chim rất hay, ngày đó chủ chim có thu nhập thêm từ nghề bẫy chim. Chim tuy què vẫn làm lợi cho chủ, nó tàn nhưng không phế.

Nhưng lúc rãnh rỗi không đi rừng, anh bắt trứng kiến cho chim ăn, chỉ lựa những trứng sữa cho chim. Chim, người quấn quít như đôi bạn.

_Sau đó chủ chim cứ cho chim đi bẫy liên tục , và thỉnh thoảng ghé qua trường chim ông què, ở đây, khi con một giò chơi cả ngày, chủ chim cũng ngồi đó với bánh mì, mì gói, xem chim chơi cả ngày, ngồi xem một giò chơi không muốn đi đâu. Xã Ninh Tây, Ninh Hòa những năm 2000 chỉ có rừng , rẫy, bụi và nắng nóng. Cuộc sông khó khăn, chủ chim quyết tìm về quê nhà Nha Trang.

_Chủ chim không trồng trọt nữa, mà trở về Nha Trang mang theo chim. Cùng mang theo với con què có một con hay tuơng đương , nhưng về đây, bản lãnh con què mới bộc lộ hết, càng chơi càng hay. còn con kia chơi không hay nữa, chủ chim bán lên Daklak.

_Khoảng đầu năm 2005, chim què một giò về Nha Trang, Con chim như mang theo sự hoang dã rừng núi về đây.Chim chơi hay quá, Nghe giọng ché người ta nổi da gà. thấy độ bền mà đổ mồ hôi. nhiều người biết, nhưng ngẫm đi ngẫm lại người ta tặc lưỡi, “chim què mà mua chi”, nhưng chủ của nó thì không có ý bán, và chưa bao giờ kêu giá bán. Anh muốn giữ lại chim , dù chim có què quặt, nhưng với anh chim là kỉ vật tinh thần từ thuở còn hàn vi.

_Anh Sơn Núi, Tư khi đó là hai người chơi trường kì cựu, mới canh chủ đi làm, lên nhà đưa tiền cho vợ rồi bắt chim,” con chim này què một chân, xui lắm”, rồi đưa cho chị vợ một triệu, bắt chim đi. Trước khi bắt chim Sơn núi đã có lần nhậu với chủ chim. Từ đây, con què, một con chim tật nguyền, nhà quê trở thành huyền thoại.

_Một thời bẫy được nhiều chim,

Thuận duyên theo chủ về tìm quê hương.

Một thời phiêu bạt tha phương,

Cuộc đời gian khó mà thương chim què.

_Hôm nay chủ mới bắt đi,

Ngày mai ra giữa Yến Phi đấu trường.

Cuộc đời oanh liệt can trường,

Ngày xưa có nhớ quê hương ông què.

_Khi về tay anh Tư, anh này chơi trường nên có nhiều đối thủ, lời ra tiếng vào “què mà mua, dư tiền” , có nhiều lời thách đấu từ chủ khác, người ta chuẩn bị chim thả, chim kết, chim non để đấu nhưng cứ đưa ra chim càng nhiều, con què nó ché càng ác. một ngày chim đi đấu nhiều nơi.

Nhiều năm theo chủ chinh chiến núi rừng, nó tích lũy thể lực và bãn lĩnh ,giờ đây gặp nhiều đối thủ thành phố không phải là vấn đề với nó, những con chim rừng hung hăng , ranh mãnh nó còn khuất phục, huống hồ… Các sư điểu Nha Trang đầu năm 2005 một phen rúng động. Chào mào Nha Trang có Vua mới khi con Cánh trắng đã ra đi theo tiếng gọi của đồng tiền.

_Khi đặt chim ra công viên Yến Phi, người ta kéo hết ra Công viên chơi, Trường chim Ngô Sĩ Liên không ai chơi nữa.

_Xuyên suốt trong đấu trường, khi vừa đặt lồng xuống, lập tức cả trường chim xôn xao, ” thấy què quặt, tưởng dễ xơi, ba bốn con chụm đầu vào ché”. Con nào chưa ché, thấy con què là ché, con nào má trắng một mùa cũng ché, con nào lâu nay ché nhỏ thì gặp con què lại ché to. các chủ chim thấy vậy dồn hết chim về nó. Đáp lại, nó chỉ bay nhảy trong lồng, chưa ché lại ngay, Khi tiếng ché thưa dần, con què bắt đầu ché xen vào, nó ché rải rác, sau đó ché dày lên, con nào ché nhiều nhất nãy giờ, đáp lại con què ché con đó nhiều nhất,…chim nào không chịu nổi, chủ chim xách ra ngoài, người khác lại ” điền vào chỗ trống”, cứ thế cho đến khi tàn trường. Người ta thích đấu với con què vì con nào đấu được với nó thì mới được gọi là hay. Ở Nha Trang lúc này, chim hay chỉ xoay quanh con què, tức là không đấu được với con què, không phải là chim hay. Trường chim Yến Phi là của con què.

Lúc này anh Út Chủ trường chim CV Yến Phi mới đặt tên là Thiết Mộc Chân. Không có ông què bẻ chân. Thì không có Thiết mộc chân.

Nếu được làm lại, mình cũng sẽ chọn què một chân, không chọn hai chân. Vì hiếm có nên mới quý. chân què quặt mà chơi xuất sắc càng làm tăng giá trị con chim.

Những ngày đẹp trời ở Yến Phi, khi vui vầy, các AE hay nói với nhau:” phải chi Thiết mộc chân nó có hai chân chắc hay hơn nữa”, rồi có người xen vào “có tật có tài, hai chân chắc gì nó hay đâu”, hay có người nói” nếu có hai chân nó giá trị lắm”, rồi người khác lại tranh,” Cả trăm con hai chân có con nào chơi lại nó không”.

Thôi thì cứ mặc người nói , cái hay và nổi tiếng luôn có cái giá của nó.

_Cùng thời Tmc có con Rồng Mập, sau này có Cà Pháo…, đây là hai con chim hay, có bản lãnh, từng ché tung lồng những con chim hay khác tại trường Yến Phi. Nhưng Tmc thì chưa ché con nào tung lồng, nhưng nghe tiếng ché, chim khác phải sợ mà xù lông, cụp mào. Tmc chơi chim yếu thì nó chơi vừa phải, chơi theo tốc độ chim xung quanh, gặp chim nào chơi nhanh, nó nhanh lại, Trước khi ché chim hót bọng, ra giọng dài, ngắn, giọng xa, giọng gần, lắc, gật gù rồi mới phát ra tiếng ché. nó không ché khống mà luôn ché đè lên chim khác hoặc ché trước chim một nhịp. Trước khi ché nó làm động tác ché rõ ràng.Đây là điểm đặc biệt mà ít có con nào có được, tạo nên phong cách Tmc.

Khi chim đối thủ ra cánh dài ngắn, hót bọng, Tmc cũng ra cánh dài ngắn ,giống cánh đối thủ và hót bọng theo, Nhưng khi ché, Tmc luôn ché trước hoặc ché đè lên đối thủ.

_Bạn đã từng nghe giọng ché chim chào mào, nếu bạn thấy hay, bạn cũng biết rằng giọng ché đó không thể hay bằng giọng ché Thiết mộc chân.

Tmc ché to, dài, đanh, thanh, và không bị lạt giọng. Những lúc sung mãn chim vừa ché vừa bay, Khi bay, nó kích chim khác ché, rồi nó ché lại con đó. Nó ché cho đối thủ không còn ra cánh, quay đầu mới thôi.Đây là cảm giác mạnh mà chỉ người từng nuôi nó mới cảm nhận được hết.

_Thiết mộc chân luôn nhớ được đối thủ của nó, con nào đã từng đấu với nó, gặp lại nó“chào hỏi” bằng một tiếng ché phủ đầu. Ở trường Yến Phi ngày chủ Nhật thường khoảng 70, 80 lồng, Tmc không lẫn lộn con nào. Con Rồng Mập, Tmc hễ gặp nhau là ché, hai con cùng ché, nhưng Rồng Mập ché ít hơn. Con nào để cách một lồng thì nó nhìn xuyên lồng mà ché, người chơi ngồi xem có thể cảm nhận được nó đang ché xuyên lồng, Rồi nó ché con sát lồng, người chơi nhận ra nó đang ché con sát lồng, không ché con xuyên lồng.

Tmc chơi khôn hơn nhưng con chim khác ở chỗ, khi con nào ché dày , liên tục, nó cứ để cho đối thủ ché, nó cứ bay chụp chụp, sàn cầu nhanh, chỉ ché xen vào một, hai tiếng. Khi tiếng ché con kia thưa , lúc này Tmc mới ché ngược trở lại. Bằng giọng ché to, dài. ché dày, dõng dạt.Không kịp trở tay, đối thủ chết trân, đứng xù lông cụp mào. Đặc điểm này làm Tmc không lẫn lộn con chim khác. Tạo nên sự khác biệt mà chỉ Tmc mới có.

Tmc chơi khá ổn định và dai sức.

Đối với những con chim có độ bền và dai sức, thường là con chim chơi cánh nhiều, nhưng ché không to. Tmc thường kết những con này. Điểm đặc biệt làm nên huyền thoại chào mào Tmc là ở chỗ này, Để chơi đứng con này, Tmc thường ché giọng đôi, giọng ba. Có khi là giọng bốn.

Là nó ché liên tiếp hai, ba hay bốn lần. Ché lần đầu, ra cách, xòe đuôi, mình lắc, đầu gật gù, sau đó cánh bơi và ché , cứ thế như xe đạp đang đổ dốc, còn cái trớn, nó ché lần ba, lần bốn. Ché vài lần lặp lại .Đối thủ quay đầu. cái đuôi xòe, lắc, gật, cánh bơi , giọng ché chát chúa. Nhìn chim chơi lúc này, cả trường im tiếng nói. Cả chủ chim cũng không nói được lời.

Có ngày Tmc ché ít, có ngày ché nhiều. Khi ché không ai để ý đếm có bao nhiêu tiếng ché. Chỉ đoán trung bình là trên 25 tiếng. Ai đã từng thấy Tmc chơi lúc này thì sẽ quên cái chân què của nó. Chim hai chân , dáng đẹp hót hay gặp Tmc rồi cũng xù lông, cụp mào. Con chim tuy nhỏ nhưng tiếng ché rất to. Thế mới biết , một con chim tạo nên phong cách là vậy.

Đây là khoảng thời gian hay nhất, là đỉnh cao của TMC, con chim chơi có hồn. Nó đấu con nào luôn có mục đích mà người xem cảm nhận được. nhìn Tmc chơi không ai nói được lời, cả trường im tiếng nói, chỉ xách chim về.

Sau đó chủ chim cắt ngón chân sau của chân què, chim đứng một thời gian rồi chơi lại.

Tháng 7/ 2007, chim ra Bình Định, đi 12h khuya, ra đến nơi 6h sáng, Tmc nghỉ ngơi cho chủ ăn sáng rồi vào chơi ngay, chơi sòng phẳng chim Qui Nhơn. tiếng ché hay hiếm có, giọng hót dài.

Cũng vì cái tiếng què chân mà nó mới về lại được Nha Trang. Và mình mói có cơ hội .

Sau khi đi Qui Nhơn về, chim bị gãy ngón chân do kéo phéc-ma-tua áo lồng, sau đó chim bị gãy luôn ống chân lành do bị rớt lồng,anh Sơn Núi lên băng bó vết thuơng, một tháng sau chim mới đứng cầu. Từ đó chim không chơi nữa, Tháng 2/2008 mình mua lại Tmc 3,5 triệu. Lúc này Tmc chưa từng đoạt giải , vì chưa từng đi thi.

Mình nuôi chim 8/2007. Khi biết mình muốn mua con chim hay, anh Nguyên ở sát nhà có nói” mua con một giò, đừng mua con khác đó nhen”. Khi lên nhà anh Tư, nhìn thấy con ” một giò”, mình đã có ý không mua, chim thảm quá. Chim nhỏ con , đã què , xấu lại không chơi. Nếu không có người nói trước, chắc cho mình cũng không dám nhận.Trong khi đó, Tư có con chim bổi xách ra chơi như cái máy. Mình chuyển qua mua con này, lần lữa mãi, Sơn núi lại lên, xúi Tư bán con một giò. “ Nó bị tật, mới bó chân xong, không chơi nữa, mày bán cao giá ai mua”. Tư bán liền.

Người ta lại nói” mua vì cái tiếng, chứ Tmc hết rồi”.

Thiết mộc chân luôn bị người ta ghét, vì ai cũng từng có chim là bại tướng của nó. Chủ của nó cũng bị vạ lây. Để bước lên những nấc thang cuộc đời , muốn vượt lên số phận thì luôn có giá phải trả . Đời là thế, không trừ ai, dù người hay chim. Thậm chí nó chỉ là con chim què.

Khi về tay mình trong vòng hai tháng, cứ mỗi lần sau xách ra trường là chim chơi hay hơn lần trước. Sau đó chim rớt lông.Sau mùa lông, chim bóng đẹp và lấy lại phong độ, có nhiều trận đấu hay để đời. Đây là khoảng thời gian chim đã một lần xuống phong độ, nó đã bay qua bên kia đỉnh núi, nhưng bù lại lúc này chim có bộ lông bóng đẹp , dáng đẹp nhất trong cuộc đời chinh chiến.

Tháng 5/2009 hai anh phóng viên báo Thanh Niên đến trường chim viết bài, sau bài báo này, Tmc xuống phong độ. Mình đi lên rừng liên tục, có khi ở lại, chim thì để ở nhà .Nhà kế bên xây nhà, không còn chỗ treo chim an toàn , chim xuống . Cuối năm 2009 nhà mình lại xây mới, phải chuyển nhà, Nhà này không có chỗ treo ở ngoài, Mình quyết không để mất Tmc. Kết quả là Tmc vẫn còn. Nhưng sau mùa lông, chim không chơi nữa.

Thời gian này hơn một năm chim chỉ có bốn bức tường làm bạn, một điều chưa từng xảy ra với nó, vốn quen với núi rừng và phiêu bạt tha phương.

Lúc này, chim ra trường chơi yếu, cái chân tật nguyền trở thành điểm yếu chết người, nhiều con thấy Tmc yếu, cứ ché liên hồi, trong số này có con 3G của ông Thơ là ché ác nhất. Như có hận thù truyền kiếp, gặp Tmc là 3G ché, nó ché như cái máy, ché hót liên hồi. Tmc càng bay chập chờn, 3G càng ché.Chỉ ai thấy 3G ché mới cảm nhận hết.

Con 3G chỉ ché Tmc, gặp con khác chơi rất ít. Lúc này 3G nổi nhất, có người ở Hải Phòng vào mua 7 triệu nhưng chủ không bán. Ở Nha Trang lúc này, chào mào Tmc đã có “thuốc giải” là con 3G.

Chuyện gì đến cũng phải đến, một trận quyết đấu ngay tại trường Yến Phi sáng CN, có Rồng Mập, 307 của mình tham gia. Bốn lồng đặt gần nhau, như thường lệ, chỉ có 3G ché ác nhất, 3 con kia không một tiếng ché. Tmc chỉ bám lồng chụp đá 3G, 3G càng ché ác .nhưng kết quả con 3G tung lồng. 15 phút sau chủ con 3G phải” dừng cuộc chơi” mặc dù theo bản năng sau tung lồng 3G vẫn ché, nhưng là ché bỏ chạy, Cả trường im lặng, chỉ có anh Tâm dám nói to, “ tung lồng rồi”. Không ai nói nhưng ngày hôm đó ai cũng biết.

Sau đó Tmc luôn bị con 3G ché, Tiếng ché con 3G làm trường chim im lặng. Nó kết Tmc mà ché. Tính ra 3G cũng là con chim bản lãnh, nó ché Tmc vì không còn đường lùi. Gặp con khác 3G không chơi. Khi vắng Tmc , 3G chịu chết. tháng .10/2010 ông Thơ bán 3G cho ông Hào 2 triệu, 2 tháng sau ông Hào lại bán đi cũng 2 triệu, vì 3G không còn tác dụng nữa, “Tmc không còn nữa, chỉ còn con 3G lỏ”

Trong cuộc đời duy nhất Tmc chơi tung lồng con 3G, nhưng đối thủ khá bãn lãnh, quay lại ché Tmc, lần “ngã ngựa” đau của Tmc. Tmc đi lên bằng cái chân tật lỗi, nhưng cũng bị ngã đau vì cái chân này.

Lúc này Ở Nha Trang Tmc coi như đã là quá khứ. Nhưng mình tin là chim sẽ sớm chơi lại. Tháng 9/2011 lần đầu tiên Tmc lên rừng trở lại nhưng không có một bóng chào mào, sau đó lần thứ hai cũng không có chim. Nhưng Tmc cũng đã chơi lại sau hai lần thăm lại cánh rừng xưa.

Tháng 10/ 2011 chim chơi lại cho đến nay. Người ta không muốn tin Tmc đã chơi trở lại.

Những clip đưa lên diễn đàn quay đầu năm 2012, Lúc này Tmc đã già, nhưng cái chất con chim thì vẫn còn. So thời đỉnh cao cũng khoảng 25%.phong độ.

Từ đời chủ đầu tiên, Tmc chỉ là con chim què, nhưng chủ nó cũng tha thương, chủ , chim cùng khổ. Nó qùe chủ không bỏ, vì công khó anh mới bẫy được nó. Cũng vì tố chất con chim và cách đi rừng bẫy chim liên tục của chủ mà vô tình tôi luyện cho Tmc một ý chỉ và bản lãnh tuyệt vời. Chính vì trân trọng con chim mà anh vô tình có được chim hay, Chim không phụ lòng chủ.

Anh đã bẫy được nó và sống có trách nhiệm với nó kể từ khi nó bị bẻ chân, ông què con có đôi nạng để đi, còn nó…nó tàn nhưng không phế, Nó có tồn tại nhưng nó không còn gì để mất. cái chết nó không sợ vì nó đã một lần bước ra từ cõi chết. Câu chuyện của chào mào Thiết mộc chân làm chúng ta liên tưởng về vị dũng tướng:”

Trác Mộc Hợp, một trong hai thủ lĩnh dũng mãnh nhất Trung Nguyên thời bấy giờ, sau khi bại trận, hỏi Thiết Mộc Chân rằng: “Người Mông Cổ ai cũng sợ sấm sét cả, nhưng với người anh em thì không. Tại sao người anh em không biết sợ sấm sét?” – Thiết Mộc Chân trả lời: “Bởi vì ta không còn nơi để trốn”.

Và, chính vì điều này, quân lính của Thiết Mộc Chân thấy vị tướng của mình quá dũng mãnh, dám đương đầu, sừng sững giữa trời đất, trước hàng ngàn người đang rạp người xuống đất, co ro, trốn tránh.

Chuyện cũng kể rằng:”

Năm sáu tuổi, trong một lần vô tình dạo chơi trên sông Oát Nan, Thiết Mộc Chân đã cứu sống một con Hồ Ly. Sau nhiều năm rong ruổi chính chiến trên sa trường, nội chinh ngoại phạt, từng được một thiếu nữ bí danh là Ô Ân cứu mạng nhiều lần. Sau này mới biết thì ra là Tiểu Hổ Ly nhớ ơn cứu mạng nên đã hóa thành Ô Ân để đền đáp ơn xưa”

Cái chết không đáng sợ, chỉ sợ sống mà như đã chết. Hãy sống để làm đẹp cho hậu thế. Đó mới là cuộc sống có ý nghĩa.

Chúng ta hãy biết trân trọng những giá trị nhỏ, một ngày nào đó ta sẽ được đền đáp bằng giá trị lớn hơn. Nhưng ta không vì giá trị lớn hơn mà phải cố tỏ ra trân trọng cái nhỏ, mà một cách tự nhiên, cái gì dù nhỏ hay to cũng đáng trân trọng, để làm cho người khác được vui. cái nhỏ đó đôi khi chỉ là một con chim què.

Dù là một con chim nhỏ nhưng đó là giá trị tinh thần .

Trong lịch sử chim chào mào sẽ không có con chim thứ hai.

Bản lãnh như Lý Tiểu Long

Huyền thoại là Thiết Mộc Chân chào mào

Hôm này minh xin nói hết về Chào mào Thiết mộc chân, những cái hay và biến cố mình đã nói bởi vì lúc này Chào mào Thiết mộc chân không là của ai cả.

Trong suốt quãng đời chim, đi đâu , Tmc cũng thu hút người chơi ở đó. Ai cũng muốn đấu với Tmc, Bây giờ trường chim nhiều, CV Yến Phi bớt khách. Và Tmc cũng đã hết. Nhưng không ai quên được Trường chim Yến Phi, và càng không quên Chào mào 1 chân. Một con chim , một cuộc đời. Một phong cách. Và có một triết lý.

Thân chào các AE.

Sáng nay mở áo lồng không thấy Thiết mộc chân cử động nữa, nó đã ra đi mãi mãi. Một lần nữa xin chân thành cảm ơn tất cả các AE.

_Nguồn : thiết mộc chân