Cách chăm sóc chim chào mào căng lửa, dáng đẹp và hót hay

Chim chào mào là loài chim bản địa châu Á. Vì vậy, nếu không được nuôi nhốt đúng cách, chim sẽ dễ bị bệnh, biếng ăn, ít hót. Hôm nay, Coi là ghiền sẽ hướng dẫn bạn cách chăm sóc chim chào mào sao cho căng lửa, dáng đẹp và hót hay. Cùng tìm hiểu ngay nhé!

Thiết lập lồng nuôi chim chào mào

Chào mào là loài chim kiểng có kích thước trung bình, tầm 20 cm trở lên, nên bạn cần chuẩn bị 1 chiếc lồng tương đối lớn để tạo không gian cho chim nhảy nhót. Đa số chim chào mào mới đem về đều rất nhát, người nuôi phải trùm lồng, chỉ hé màn chút xíu và hạn chế tiếp xúc với chim trong 3 tháng đầu.

Sau 3-5 tháng, khi chim bắt đầu thích nghi với điều kiện nuôi nhốt, bạn nên tiếp xúc với chim nhiều hơn, treo lồng ở nhiều nơi và bắt đầu tắm cho chim.

Chim chào mào ăn gì?

Cám

Để chào mào căng lửa, hót hay bạn không thể thiếu cám trong khẩu phần ăn của chúng. Cám cho chim chào mào thường được phân thành 2 loại: cám dưỡng dùng cho chim thay lông, cám căng lửa dùng cho chim thi đấu.

  • Cám dưỡng: Thành phần chính của cám dưỡng là ngũ cốc, xay chung với trứng gà, chứa vitamin, khoáng chất, dinh dưỡng vừa đủ. Trong cám dưỡng có cả mật ong, nhưng hàm lượng rất thấp để giúp chim tăng sức đề kháng khi thay lông. Thêm 1 chút đường vào cám cho chim dễ hấp thụ. Chim chào mào trong quá trình thay lông không được ăn những thực phẩm nóng như côn trùng, thịt bò, đậu phộng, ớt, … mà thay bằng đồ mát như cà chua, đu đủ, cam, trứng kiến,…
  • Cám căng lửa cho chim thi đấu: Cám căng lửa có thành phần chính là ngũ cốc, trứng gà ta, tôm tép, trộn chung với vitamin, khoáng chất, mật ong, đường để giúp chim khỏe mạnh, sung mãn trong quá trình thi đấu. Loại cám này cũng phù hợp với chào mào có thể trạng yếu hoặc suy kiệt. Cám căng lửa nên được kết hợp với trái cây tươi chuối, ổi, táo, đu đủ, cam, cà rốt hấp chín, cào cào tươi.

Việc chủ nuôi biết cách làm cám và kiểm soát dinh dưỡng sẽ giúp chim phát triển tốt nhất. Tuy nhiên, nếu không có thời gian để tự trộn cám, bạn có thể sử dụng loại cám mua sẵn ở các tiệm bán chim kiểng.

Trái cây

Vốn dĩ, chim chào mào hoang dã chủ yếu ăn trái cây. Tùy thuộc vào cây trái bản địa mà chim chào mào có chế độ ăn mỗi nơi khác nhau. Chẳng hạn, ở Florida, chào mào ăn trái cây và quả mọng như nhót tây, bông ổi, hạt tiêu Brazil và quả sung. Còn ở Úc, chào mào ăn tạp, thực phẩm ưa thích của nó là nho, rễ cây, hoa và mật hoa. Tại Việt Nam, loại trái cây ưa thích của chim chào mào là chuối, đu đủ, cà chua, cam, táo.

Cứ 100g chuối có chứa 1,2 gam protein, 0,5 gam mỡ, 19,5 gam hydrat, 0,9 gam chất xơ, cùng canxi, photpho, sắt và các vitamin B, C, E. Chuối giúp chào mào tiêu hóa tốt hơn và tiêu diệt vi khuẩn đường ruột.

Táo giúp trung hòa được lượng muối bị dư trong cơ thể chim. Khi được ăn táo thường xuyên, chim sẽ căng lửa nhanh và đạt được hiệu quả mong muốn. Bên cạnh đó, táo còn đào thảo những chất độc trong cơ thể chào mào và rất tốt cho đường tiêu hóa.

Trong quá trình thay lông, chào mào nên được bổ sung đu đủ trong khẩu phần ăn. Đu đủ giúp đẩy nhanh quá trình này, đồng thời làm lông mới mọc ra sẽ mềm mượt hơn. Không chỉ thế, đu đủ còn có hiệu quả trong việc tách vỏ và thay lông hậu môn cho chim.

Ngoài ra, nếu chào mào của bạn bị ho, bạn nên bổ sung cam vào thức ăn của chúng. Cam chứa nhiều vitamin C rất tốt trong việc trị ho, đồng thời giúp tăng cường hệ miễn dịch.

Côn trùng

thuc-an-chim-chao-mao

Côn trùng là thực phẩm không thể thiếu trong thức ăn của chim chào mào. Dế và bọ cánh cứng nhỏ là những côn trùng lý tưởng. Ngoài ra còn có ấu trùng giun, nhộng, trứng kiến, cào cào và sâu gạo. Đó là những mồi tanh giúp chào mào bổ sung dinh dưỡng và khoáng chất. Bạn chỉ nên chọn những loại côn trùng nào mềm và nhỏ để chim dễ mổ. Tuy nhiên, trong quá trình chim thay lông, bạn đừng cho chúng ăn sâu gạo, vì lông sẽ dễ bị xơ.

Một cặp chào mào trưởng thành có thể tiêu thụ 200 gam côn trùng hoặc hơn trong bữa ăn hàng ngày. Nếu bạn có từ 3 con chào mào trở lên, bạn phải có lượng côn trùng tương ứng để đảm bảo chúng không tranh giành nhau.

Tắm cho chim chào mào

8h – 10h sáng là khoảng thời gian tốt nhất để tắm nắng cho chim chào mào. Sau khoảng thời gian này, trong nắng chứa nhiều bức xạ có thể khiến chim bị tổn thương. Nếu hôm nào nắng gắt thì bạn chỉ nên cho chim tắm nắng chừng 30 phút trong chỗ mát mẻ.

Từ 12h – 3h chiều là thời gian tắm nước cho chim, phù hợp với nhiệt độ cơ thể chào mào. Trước khi tắm cho chim, bạn nên phơi chúng tầm 5 phút để quen với nhiệt độ ngoài trời. Để tránh chim cảm lạnh, sau khi tắm xong, bạn khoan hãy trùm kín lồng mà đợi lông chim khô hẳn đã nhé.

Trong thời kỳ chim thay lông, việc tắm cho chim vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, cần rút ngắn lại thời gian. Buổi sáng, tầm 7h bạn cho chim tắm nắng khoảng 30 phút. Tắm nước cho chim lúc 12h trưa. Tắm xong bạn cho chim hong đến chừng nào lông khô hẳn rồi hãy trùm lồng. Lưu ý đừng nên cho chim ngủ sau 6h tối.

Huấn luyện cho chim chào mào

Chim chào mào hót hay, căng lửa hay không phụ thuộc vào phương pháp mà bạn huấn luyện cho chúng. Bên cạnh đó, việc được tập luyện thường xuyên còn giúp chim có sức khỏe ổn định.

Tập lực

Tập lực sẽ giúp chim dai sức, bền bỉ khi đem đi thi đấu. Từ đó, chào mào sẽ có được lối chơi ổn định, không sợ đối thủ nào. Để tập lực cho chim, bạn cần đặt cầu cóng hợp lý để chim liên tục di chuyển. Việc này sẽ giúp chào mào linh hoạt hơn, có sức khỏe tốt và tránh bị ì, thụ động.

Tập giọng

Bạn có thể mở các video chào mào hót cho chim nghe thường xuyên. Đây là cách giúp chim luyện giọng dễ nhất. Hoặc nếu quen biết chủ nuôi nào sở hữu chim chào mào hót hay. Bạn có thể mượn để chú chim nhà mình hót theo nhé.

Cho chim cọ xát với con chào mào khác

Khi thấy chim chào mào đủ cứng, căng lửa, bạn có thể mang chim đi cọ xát, nhập hội với những con chào mào khác. Tuy nhiên, bạn chỉ nên tìm những chú chim vừa tầm thôi để tránh làm chim chào mào của bạn sợ hãi. Nếu cọ xát xong mà chim ủ rũ, không ăn thì coi như công sức đổ sông đổ bể.

Chẳng hạn, sức chim chào mào của bạn chơi được tầm 2 tiếng thì bạn chỉ nên cho chim đấu tối đa tiếng rưỡi. Lúc nó đang sung mãn, hung hăng mà bị bắt ngưng giữa chừng sẽ tạo cảm giác ức chế. Vì thế, lần sau sẽ chơi hay hơn lần trước rất nhiều.

Thông qua những thông tin vừa rồi, hy vọng bạn đã biết cách chăm sóc chào mào sao cho căng lửa, dáng đẹp và hót hay. Nếu thấy video hữu ích, hãy nhanh chóng chia sẻ kiến thức này đến bạn bè của bạn. Đừng quên like và theo dõi kênh Coi là ghiền để cập nhật thường xuyên clip khác về các chú chim nhé!