Xin chào toàn thể ACE đam mê chào mào, nhằm giúp cho ACE mới tham gia vào nghề chơi chào mào có được những thông tin cơ bản về cách chọn nuôi, chăm sóc, tập dợt, …. Tôi xin giới thiệu đến các bạn bài viết: “CÁC VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ CHÀO MÀO BỔI”.
Dưới đây vừa là trao đổi, vừa là đặt vấn đề, có thể có những ý kiến chủ quan của tôi không đúng, các bạn thoải mái trao đổi lại.
I/.Bình thường phải mất khoảng 6 – 12 tháng nuôi và tập dợt thì mới có được một con chào mào để chơi. Các giai đoạn có thể chia ra như sau:
1/ Chim bổi mới bắt về:
+ Đối với chim bẩy đấu, ít nhất phải mất 3 tháng để “trấn an”, tập cho ăn cám, bước đầu làm quen với “kiếp tù chung thân”. Giai đoạn này thì rất cực và bực, phải trùm áo lồng thường xuyên chỉ để hé 1 khe nhỏ thôi, hạn chế tối đa việc tiếp xúc với nó, hạn chế việc di chuyển lồng chim, cứ để nó tự thích nghi, rồi hé dần áo lồng ra.(trường hợp chim ít nhảy, chịu hót thì trùm áo ½ lồng vài ngày cho chim quen với lồng. Sau đó hé ra từ từ cho đến khi không trùm áo nữa). Đối với chim mua ở tiệm thì đa số chim không quá nhát do đã được chọn lọc và nuôi nhốt 1 thời gian trước khi mang ra tiệm bán. Khi mua về nuôi ta vẫn trùm áo lồng nhưng tùy theo từng con mà có cách trùm áo lồng hợp lý, nếu chim không quá nhát và nhảy tung lồng thì cũng không nên trùm áo lồng nhằm tránh làm cho chim thêm nhát vì ít tiếp xúc với bên ngoài. Chú ý trong thời gian này (tùy theo bản chất từng con chim nhát nhiều, nhát ít, có con về nuôi vài ngày là đứng lồng) mà ta nên tập cho chim tắm nước và phơi nắng (phương pháp tập cho chim tắm tôi sẽ trình bày ở phần khác).
2/ Trường hợp chọn chim bổi già rừng:
+ Nếu mới bắt đầu chơi CM thì theo tôi là không nên chơi chim bổi già rừng, vì dễ nản lắm. Lúc mới bắt về còn mướt mát thế mà sau một thời gian ngắn thôi là nhìn em chim nó xác sơ, đầu mào, đuôi cánh toe toét hết. Nhác thấy bóng người là nhẩy thúc tưng bừng. Tuy nhiên nếu bạn thích chọn nuôi bổi già rừng thì có một số đặc điểm để có thể nâng cao xác xuất chọn được một con chim hay.
Việc chọn được một con ưng ý trong lồng bổi đã khó rồi, việc bắt ra cho đúng là nó là điều khó gấp chục lần – khi mà lồng bổi có cả trăm con, đến gần là chúng bay tán loạn lên, chủ quầy bắt ra đâu có gì đảm bảo đó đúng là con chim bạn chọn. Vì vậy, khi chọn được chim rồi, bạn phải để ý một đặc điểm nhận dạng đặc biệt nào đó để yêu cầu chủ quầy bắt ra cho đúng con chim bạn chọn (một vệt phân trắng dính trên cánh hoặc là một cọng lông tơ vướng ở ngón chân chẳng hạn).
Khi chọn chim thì cần ngồi im mà nhìn, hạn chế cử động. Thông thường nên chọn vị trí ngồi cố định, dễ quan sát, và thời gian ngồi từ 30’ đến 2h. Đi lựa chim trong lồng bổi mà xông xáo quanh lồng thì có mà cả ngày chẳng lựa được con nào. Bạn nên đi chọn vào lúc khoảng 9h30 – 10h sáng hoặc 2h30-3h chiều là tiện nhất, vì lúc này đa phần chim đã no rồi, nó ít bay nhảy nếu không bị động lồng, với lại giờ đó mà có con nào còn mon men đi tìm ăn thì nên bỏ qua đi, con đó yếu quá không tranh lại mấy con khác ngay trong lồng bổi thì còn để ý làm jì!? Hơn nữa đi chọn vào giờ đó thì nắng ấm làm bộ lông của nó ôm vào người hơn dễ chọn dáng hơn.
+ Chọn bổi già thì bạn cần phải nhìn tướng con chim, thấy nó cân đối, đẹp là được. Mình chim thon, dài, được quả lưng hơi gù thì đẹp. Chim bổi trong lồng tập thể thì không lộ nhiều thông tin cho mình chọn đâu. Chỉ cần xem mào có dài, dầy không. Bộ yếm càng đậm càng tốt. Chọn chim có mặt to nhưng không bị xù lông, mình dài, đuôi, cánh dài là đẹp. Đầu mào, đuôi phải còn nguyên, không toét ra là chim khôn, hoảng bay thúc lồng nhưng biết giữ cho không bị tổn thương (Lồng bổi thì thường được bọc = lưới ruồi nên chim ít bị toác đầu nhưng nếu chim đần thì bộ đuôi vẫn bị xơ).
Chân nhỏ, cao, ngón chân to, dài, móng phải còn nguyên (chắc rồi, chứ mà bàn chân 4 ngón cưa 2 còn 2 thì nói chi nữa …!??), móng to, ngắn và cong đều là đẹp. Chọn chim mỏ mảnh,mỏ phải ngắn, hai mép rộng, xương hàm bạnh ra là tốt. Chọn hai mí đều nhau, gọn. Khi nhắm được một con rồi thì bạn nên so sánh nó với mấy đứa chung quanh, thấy nó có phần nhỉnh hơn thì yên tâm bắt nó ra được rồi.
3/Tập ăn cám: => Cách vào cám cho chào mào bổi
+ Chào mào bổi mới bắt về, bạn phải tập cho ăn cám nếu không, nó chết chắc. Cách tập rất đơn giản – bạn lột trần truồng quả chuối ra, lấy khoảng 1/3 quả rồi bỏ vào trong cóng cám, đổ cám đầy lên sao cho lộ một phần quả chuối trên mặt cóng cám là được – cứ để như vậy chim nó ăn chuối + liếm láp cám, dần dần nó sẽ biết ăn cám.
Mất tầm 5-7 ngày để tập cho chim ăn cám. Hoặc cách khác: bạn xẻ dọc quả chuối ra, bẻ ra cho thành như một cái máng rồi đổ đầy cám vào đó cho chim ăn – thường thì ăn hết chừng 3 “máng” là chim ăn cám được rồi. Cũng có bạn tập cho chim ăn cám rất đơn giản, chỉ cần cho 1 trái chuối đả lột vỏ phần đầu + 1 cóng cám + 1 cóng nước. Chim khi ăn hết chuối ( khỏang 2 ngày) thì chim sẽ đói và quay sang ăn cám.
+ Muốn biết chim có ăn cám hay không chỉ cần nhìn vào lượng phân chim thải ra ở bố lồng. Lý do là đa số chim mua ở tiệm về là chim đã biết ăn cám.
4/Tập cho dạn: => Thuần chào mào bổi dạn người
+ Bản chất của chim hay thú hoang nói chung là nhát người, khi bị bắt giam thì chúng sợ thêm đồ vật và thú nuôi khác nữa. Vì vậy khi bắt đầu nuôi chim bổi thì trước tiên bạn phải để chim làm quen với sự hiện diện của con người, thú nuôi và đồ vật chung quanh nó.
Tốt nhất là để cho nó tự thích nghi dần dần bằng cách tủ áo như phần trên, treo ở nơi hay có người qua lại, dần dần nó thấy con người không nguy hiểm như nó tưởng. Muốn chim mau dạn thì phải để cho nó luôn luôn đói (đừng để đói quá nó chầu zời mất). Hàng ngày bạn cho nó ăn 2-3 lần, canh sao đó để khi bạn cho ăn là lúc em nó đói lả lơi, rồi cho ăn cầm hơi thôi.
Buổi sáng bạn đến vén áo lồng ra, lạnh lùng bỏ vài hạt cám hoặc một mẩu chuối vào lồng rồi bỏ đi, đi biền biệt đến trưa mới đến, vén áo lồng ra, lạnh lùng … cứ thế đến khi nào bạn đến mà nó nhón nhón lên nhìn vào cóng thức ăn – thế là bạn thành công rồi – lúc này nó mong mỏi được nhìn thấy bạn lắm … Chỉ khi nào chim bắt đầu đứng lồng rồi thì mới tập cho như vậy, chim còn quá nhát thì cứ phải từ từ. Cần lưu ý là khi cho chim đói thì phải dọn sạch sẽ bố lồng đi, nếu không đói quá nó xơi luôn … phân của nó.
+Tạo điều kiện, dụ cho chim mở miệng hót: Chim đứng trong lồng mà vươn cổ cất tiếng hót tự nhiên như ở rừng là mục đích chính của người chơi chim. Chỉ khi nào chim đã đứng lồng, coi cái lồng chim và không gian quanh nó là nhà, là địa phận của nó thì nó mới thực sự hót. Còn chưa được như thế, thì theo tôi, chưa phải là hót thực sự – mà chỉ là tiếng kêu do nhớ rừng, nhớ bầy, nhớ cặp của nó.
+ Khoảng 3 tháng nó đã bắt đầu sổ đều, nhưng còn nhát, tuy nhiên được như thế là nó đã vượt qua thử thách lớn nhất rồi.Khi nó bắt đầu sổ đều thì bạn nên thường xuyên cho nó đứng một mình, chỗ có lùm cây hoặc một chỗ khuất nào đó – càng yên tĩnh nó sẽ càng hót nhiều hơn. Giai đoạn này rất quan trọng. Đây là dịp để nó ôn lại tất cả giọng điệu vốn có của nó hồi xa xưa, hồi nó đem rêu rao khắp đồi này núi nọ – bị bặt đi một thời gian do “biến cố chính trị”, đây là lúc mà nó đem ra ôn luyện lại, lúc đầu sẽ còn ngượng ngập nhưng sẽ nhanh chóng trơn tru trở lại như hồi còn ở rừng.
5/Trường hợp chim nhát quá:
+ Khi gặp phải mấy con chim nhát quá thì bạn đừng có cố làm cho nó dạn làm gì, vì càng cố nó sẽ càng nhát thêm thôi. Con chim nó đã sợ người mà lúc nào cũng cứ lăn tăn bên nó lại còn để chỗ đông người qua lại, để xuống đất ép nó, thế thì nó càng ngày càng sợ hơn chứ dạn kiểu gì.
Trường hợp này do chim nhát quá nên dễ phát sinh tật ngoái, lộn sau này và còn nhiều tật lỗi khác nữa. Điều cần phải làm là tìm cách trấn an nó. Cho nó một khoảng không yên tĩnh, chỉ thấy thấp thoáng người cho quen dần thôi, cho nó một chỗ trú an toàn cho nó đứng đó yên tâm quan sát và làm quen từ từ. Để tự nó dạn chứ không ép, tự nó có khả năng thích nghi mà. Rồi khi sung lên thì nó sẽ dạn người dần lên.