Chăm chim…hơn chăm con
Thú chơi chim Họa mi chọi đã có từ rất lâu (tương truyền từ thời nhà Lý), nhưng chơi chim họa mi chọi mới xuất hiện trở lại thời gian gần đây tại Hà Thành. Đằng sau thú chơi tao nhã ấy là những công phu chăm sóc chim Họa mi của những nghệ nhân yêu loài chim quý này.
Chứng kiến cảnh những nghệ nhân chơi chim họa mi chọi đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội háo hức bình luận về tư thế, kiểu dáng của những chú chim một cách đầy tự hào, đã phần nào hiểu tình yêu của họ với loài chim quý. Nhưng khi tìm hiểu chuyện các nghệ nhân chăm sóc chim đầy công phu, tỉ mỉ hơn cả chăm sóc con mình mới thấy, thú vui nào cũng phải xuất phát từ niềm đam mê, từ tình thương yêu mới là thú chơi tao nhã, bất diệt.
Theo lời anh Vinh (Yên Phụ – Tây Hồ- Hà Nội), một “nghệ nhân” yêu thích chơi Họa mi, thì chơi chim Họa mi để có dáng hình đẹp, giọng hót hay đã khó, chơi chim Họa mi “hát hay, chọi giỏi” còn khó gấp vạn lần. Bởi khi mua chim Họa mi phải chọn lựa kỹ lưỡng, tập tành công phu từ đầu mùa thu. Chim Họa mi để chọi phải có chất “nghệ sĩ” và máu võ biền, thì huấn luyện mới thành chú chim chọi “không có đối thủ”.
Ngay cả việc cho họa mi chọi ăn phải rất cẩn thận theo món ăn riêng và cách thức riêng của từng nghệ nhân. Theo anh Nam (Ba Đình – Hà Nội), một tay chơi chim Họa mi chọi nổi tiếng khác thì chăm chim Họa mi chọi khó nhất phải tìm “thực đơn” hợp khẩu vị của chú chim mình chăm. Muốn vậy đòi hỏi người nghệ nhân phải hiểu tính chim. Bởi chim họa mi khi ăn phải đòi được nâng niu, dịu dàng, ăn những bữa cơm nóng trộn lòng đỏ trứng gà. Đặc biệt, điều đáng lưu ý là chim họa mi vốn thích được kiêu sa, nên chuồng chim phải rộng lớn, sơn son thiếp vàng. Không chỉ vậy, phải thường xuyên tắm cho chim. Bởi khi bẩn chim họa mi thường ủ rũ và ít ăn uống.
Tuyệt chiêu …chơi Họa mi chọi
Chim Họa mi vốn là loại chim thích sống độc lập, anh hùng mà ít loại chim nào sánh kịp. Nếu chim cảm thấy không thoải mãi hay bị cầm tù là tự xé toang cuống họng ra tự tử. Thậm chí, khi cuộc chọi chim kết thúc, chim thua trận thì âm thầm không hót, thời gian sau ăn uống kém đi. Anh Tiến (một thợ chơi chim có tiếng ở Thanh Xuân – Hà Nội) nhớ lại: “Hồi cuối năm ngoái, con mi chiến nhà mình thua trận, mấy ngày sau nó bỏ ăn, có đặt chim mái bên cạnh nó cũng không quan tâm”. Về sau, chăm sóc cẩn thận con mi đó lấy lại được “phong độ”, nó oai hùng hơn và làm bạt vía đối thủ”.
Để chim Họa mi có mình có tâm lý “ra trận” tốt nhất, theo anh Nam cho biết, muốn con trống hăng hái thi đá thì phải đặt lồng có Họa mi mái cạnh nó. Bởi họa mi rất chung tình, khi thấy chim mái, chim họa mi trống thường “chiến đấu” rất hay, một phần để lấy “le” với “bạn gái” phần khác để thể hiện rằng mình có thể bảo vệ được chim mái đến trọn đời.
Bất kỳ ai nuôi chim Họa mi chọi đều phải lắm được tuyệt chiêu này, nếu muốn chú chim của mình giành chiến thắng, và muốn cống hiến cho khán giả một trận đấu hay, thuyết phục. Bởi vậy, ở hầu hết các cuộc thi chim Họa mi chọi, bên cạnh mỗi lồng chim trống, người ta thường đặt chim mái bên cạnh. Anh Tiến kể một ví dụ vui, có lần khi đang chuẩn bị chiến đấu. chim họa mi của anh, ép sát thân mình, thoát ra kẻ hở của hai cửa lồng và bay về phía chỗ treo lồng chim mái tự nguyện làm “nô lệ của tình yêu”. Thế mới thấy tình yêu của họa mi là bất diệt.
Có trăm ngàn thú chơi, nhưng thú chơi họa mi chọi luôn để lại nhiều niềm vui, thú vị nhất, bởi tính cách của chim, sự công phu với nghề…Qua thú chơi này, người chơi chim cũng học được nhiều điều từ chim về tình yêu, sự anh dũng, gan dạ…