Chim sơn ca là loài chim nhỏ sống trên mặt đất, thường có giọng hót mê hoặc và kiểu bay liệng kì dị. Như nhiều loài chim sống trên mặt đất khác, phần lớn các loài sơn ca có các vuốt chân sau dài, được người ta coi là giúp chúng ổn định hơn khi đứng.
Chim sơn ca có kích thước bé bằng chim sẻ. Giò của sơn ca phủ vảy cả hai mặt trước, sau (dưới kính lúp). Cạnh sau của giò tròn mà không sắc như những họ khác thuộc bộ sẻ. Giò và ngón chân có cấu tạo thích nghi với môi trường sống dưới đất. Giò khá dài, khoẻ, móng chân ở móng cái thường dài và thẳng. Mỏ hình chóp, mép mỏ trên và dưới trơn, mút mỏ trên có vết lõm. Cánh dài, nhọn có 9 hay 10 lông cánh sơ cấp. Đuôi có 12 lông. Bộ lông thường xỉn, màu nâu hung hay nâu, rất khó phân biệt với đất và cỏ khô. Chim đực, cái có bộ lông giống nhau hay hơi khác nhau. Các lông gáy thường dựng lên thành mào lông ngắn. Thức ăn chính là côn trùng và hạt cỏ dại. Làm tổ trên mặt đất trong các bụi cỏ. Mỗi lứa đẻ 3 – 5 trứng. Thời gian ấp trứng từ 12 – 16 ngày. Họ này phân bố rộng trên thế giới gồm 47 loài.
Chim sơn ca là loài chim có tập quán sinh hoạt dưới mặt đất là chính (không thể đậu và chuyền trên cành cây).
Có thể nói là cả 3 miền của Việt Nam đều có chim sơn ca nhưng hay nhất thì có sơn ca tại Bãi Cháy (Quảng Ninh): vừa lớn con, đẹp, giọng hót thì tuyệt; sơn ca Huế: lớn con, lông màu vàng nghệ, trán nổi vân; sơn ca Đà Nẵng: vân khía hót cũng hay; sơn ca Bà Điểm, Long Thành: hơi nhỏ con, màu lông tối, rất nhát, nuôi lâu dạn nhưng hót cũng tương đối hay.
Phần lớn các loài sơn ca có vẻ ngoài kém nổi bật. Chúng ăn sâu bọ và hạt. Chim sơn ca là biểu tượng cho hạnh phúc, hy vọng, may mắn, tự do, niềm vui, tính sáng tạo và ngày mới. Chim sơn ca từ trước đến nay đã được các nhạc sĩ, văn sĩ đưa vào trong âm nhạc và văn học như một hình tượng của sự trong trẻo, thanh khiết, tự do, hạnh phúc và tuổi trẻ.
Chim sơn ca có giọng hót rất tuyệt vời, liên thanh không đứt đoạn. Bay cao trên trời xanh vang vọng thánh thót, lưng lửng chân trời văng vẳng gió đưa, là đà trên ngọn cỏ ríu rít líu lo, chạy nhảy trên mặt đất rì rào êm dịu… Vũ điệu cũng không kém phần hấp dẫn – tung mình thẳng cao mất hút trên tròi cao, chỉ còn thấy một chấm đen nho nhỏ với tiếng hót vang vang, rồi từ từ hạ dần xuất hiện rõ nguyên hình, chập chập vỗ liên hồi cánh, lơ lửng lưng trời giữ yên một chỗ vang vọng tiếng hót, lại chao liệng xuống lướt ngang ngọn cỏ thanh thanh giọng hót, đứng trên gò đất phong phóng giọng sơn đồng, chạy dài trên đất líu lo líu rít. Chính nhò những đặc điểm trên mà hiện nay nuôi chim sơn ca làm cảnh đã trở thành một thú chơi tao nhã được mọi người ưa chuộng.
Lựa chọn chim sơn ca
Thường những người nuôi chim sơn ca chọn chim non để nuôi, chim già rất khó thuần hóa. Khi chim non mang về nuôi ta nên chọn cho đúng chim trống. Chim Sơn ca trống và mái có màu lông khá giống nhau vì thế khó phân biệt. Theo kinh nghiệm của một số người chơi chim sơn ca lâu năm thì chim trống có đầu, ngực và vai to hơn chim mái. Lông ở lườn chim trống nhiều hơn (vì chim mái trong mùa đẻ rụng bớt các lông tơ ở lườn để ấp trứng), ở ngực sơn ca trống, lông thường chẻ đôi. Lúc đi lại, nhảy nhót, chim sơn ca trống thường “thò lên thụt xuống” (nghĩa là nó cứ đi một hai bước thì đầu nó lại thò lên thụt xuống) và phát ra tiếng kêu “tít tít, cheo cheo” khá trong trẻo, gần giống tiếng hót. Trong khi đó chim mái thì phát ra những tiếng “xèo xèo” rè và đục hơn. Ta nhốt một vài chim non trong lồng khi đập tay vào chim trông thường ngóc đầu và phóng lên, còn chim mái thì chúi đầu xuống tỷ lệ này có thể đạt 80%.
Ngoài ra, để chọn chim trống, khi mua hãy banh nhỏ miệng chim sơn ca ra, con nào có từ 3 – 5 chấm đen trên lưỡi thì khả năng là chim trống đến 90%.
Cũng có thể chọn chim theo vùng. Theo kinh nghiệm của những người nuôi chim sơn ca thì sơn ca Huế và sơn ca Quảng Ninh có màu lông hung đỏ và có giọng hót rất hay, khi thuần dưỡng được nhiều mùa thì chim càng sung mãn và hót nhiều hơn.
Lồng nuôi sơn ca
Nuôi chim sơn ca phải có lồng cao, đáy chắc chắn đựng cát, nấm để chim đứng. Nấm thì chọn nấm có mấy nấc để tập cho sơn ca đứng lên nấm. Sơn ca cần lồng cao để thăng cao, múa dễ dàng. Chim sơn ca bổi mới mua về cho vào lồng thấp (khoảng 70cm cao) có nấm thấp.
Chim đã thuộc thì tìm lồng cao khoảng 1,2m, nấm khoảng 15cm là vừa, nếu có sơn ca mà thăng được (vừa bay vừa hót) thì cũng xứng đáng để cho nó ở trong lồng 2m vì nếu lồng thấp hơn, sơn ca bay mà đụng nóc thì sau vài lần là chúng sẽ không bay thăng nữa và chỉ đứng trên nấm mà hót thôi.
Thức ăn cho sơn ca
Có thể cho sơn ca ăn những loại thức ăn sau:
– Kê bóc vỏ trộn lòng đỏ trứng gà
– Gạo (tấm) + lòng đỏ trứng gà + bột nhộng tằm + tép
– Rau xà lách, cà rốt, dưa chuột, mướp đắng…
– Cho ăn bổ sung: châu chấu…
Chế biến thức ăn: Tôm tươi rang cho hết nước, phơi khô rồi cho vào máy xay sinh tổ xay nhuyễn, kê bóc vỏ, rang cho thơm, cứ 1kg kê cho 10 lòng đỏ trứng gà, 3 trứng còn nguyên lòng trắng, 0.5kg tôm (tính theo trọng lượng tươi) đã xay nhuyễn rồi trộn đều, sau đó phơi vài nắng và rang cho chín. Nếu có điều kiện thêm khoảng 1/2 muỗng cà phê premix loại cho gà. Với cách này có thể để khoảng 3 tháng mà không bị mốc.
Chim sơn ca cũng như nhiều loài chim khác, việc thay đổi loại cám ăn đột ngột có thể khiến chúng bỏ ăn, cơ thể kém ổn định, không căng và có khi còn suy yếu, thay lông bất thường. Vì vậy bạn nên tránh việc này, nếu muốn thay một loại cám có chất lượng tốt hơn loại cám chim đã ăn quen thì cần phải thay đổi từ từ để chúng không bị sốc.
Cho chim ăn thêm cào cào non (không cho ăn sâu, kể cả sâu khô và sâu tươi) vì nếu không, chim sẽ bị xoăn lông, phải đến mùa thay lông năm sau mới hết. Lúc Sơn ca căng lửa, các bạn có thể cho ăn vài con sâu tươi cũng được nhưng chỉ thời gian căng lửa thôi. Sơn ca nuôi trong lồng, nên treo nang (mai) mực cho chim ăn để mài mỏ và để cung cấp khoáng canxi.
Tắm cho sơn ca
Chim sơn ca không tắm bằng nước mà chúng tắm bằng cát. Mỗi tuần nên thay cát cho chim 1 lần (nếu không thì 2 tuần 1 lần cũng được). Cát cho chim tắm nên dùng cát biển mịn, có thể dùng cát xây dựng nhưng phải thay thường xuyên hơn nếu không muốn chim bị rận. Khi thay cát, bạn dùng 2 lồng để sát cửa và lùa chim qua, tránh dùng tay bắt vì chim sẽ trở nên nhút nhát.
Để sơn ca hót hay
Để nghe sơn ca non hót, bạn phải mất một thời gian nuôi, phải qua một kỳ thay lông, thay lồng, thường phải 5 – 7 tháng với điều kiện bạn phải chọn đúng chim trống. Có nhiều con đúng chim trống nhưng chậm hót, chế độ chăm chưa thích hợp cũng phải nuôi vài tháng mới bắt đầu hót. Tóm lại, nuôi sơn ca, chúng ta nên kiên trì. Sơn ca nuôi rất khó, bình quân nuôi một bầy khoảng 30 con chim non thì sau 6 tháng chỉ lựa lại được khoảng 5 – 6 con, 5 – 6 con này nuôi khoảng 4 – 6 tháng nữa thì bắt đầu hót, nếu có chim lớn, hay thì khoảng 10 tháng là hót tương đối. Theo kinh nghiệm của một số người chơi sơn ca thì nếu muốn có được một con chim hay, bạn nên mua 5 – 10 con chim non về nuôi tập thể, sau đó chọn lựa ra (nuôi càng nhiều tỷ lệ chọn lựa được chim hay càng nhiều). Với sơn ca Huế tỷ lệ nuôi thành công cao hơn.
Trong thiên nhiên chim sơn ca thường hót vào chiều mát (4 – 5 giờ chiều), chim thường bay vút lên cao rồi dang cánh, vừa hót vừa hạ xuống, rồi lại tiếp tục bay lên… Chơi chim sơn ca tương đối khó, thời gian tính bằng năm chứ không thể một sớm một chiều mà nghe chim hót được.
Chim sơn ca tương đối dạn, nuôi chim mộc già nó vẫn hót như bình thường. Tuy nhiên thời gian đầu sẽ vất vả hơn, nếu bạn có những hành động đột ngột, ảnh hưởng tới chim thì chim sẽ nhảy loạn xạ, dễ bị hỏng móng hậu. Với chim mộc già, việc luyện cho chim ăn cám cũng lâu và khó hơn. Nhiều loài chim khi bị bắt vào lồng vẫn ăn cám nhưng ăn dè dặt, sau đó suy yếu dần mà chết. Vì vậy, nếu mới bắt đầu nuôi sơn ca thì tốt nhất nên nuôi chim non và lựa ra những con hay để giữ lại.
Sơn ca đòi hỏi nhà đủ rộng, đủ nắng gió (thường thì một ngày, chim cần phơi nắng khoảng 6 giờ, những người chơi sơn ca thường phơi nắng cho chim từ sáng sớm qua hơn 12 giờ trưa). Thời gian phơi nắng càng lâu thì chim càng mau lên, tuy nhiên bạn phải tập từ từ, vì nếu chim chưa quen, sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của chúng, và có thể chúng sẽ chết.
Nói về hình thức, một con chim sơn ca đẹp trên người phải có đốm. Về giọng hót, đòi hỏi phải luyến láy, đổi giọng liên tục từ thấp đến cao rồi lại từ cao xuống thấp, mỗi lần hót phải kéo dài ít nhất 30 hồi. Nhiều người nói rằng, chim sơn ca cứ căng là nó lên nấm hót nhưng chưa hẳn như thế, những con sơn ca hay đều lên nấm hót, vừa hót vừa búng cánh như chuẩn bị bay lên, trông rất đẹp mắt. Tuy nhiên, có những con sơn ca chỉ hót dưới nền cát. Sơn ca có thể hót từ 5 giờ sáng đến 7 giờ tối (mùa hè), cứ hót rồi lại nghỉ liên tục. Đó là điểm khác biệt so với nhiều loài chim khác.
Có được một con sơn ca thăng là rất quý. Tiêu chuẩn đầu tiên của con sơn ca thăng là khi bốc mình bay lên, nó phải dừng lại ở đỉnh lồng, bay vòng quanh, vừa bay vừa líu ríu hót, còn nếu chỉ tung mình lên rồi hạ xuống ngay là chưa được.
Để thưởng thức hết giọng hót của sơn ca, rất cần không gian yên tĩnh, không bị lẫn quá nhiều tạp âm. Vì vậy, những người chơi sơn ca sành ít khi chơi chung với các loại chim hót khác như họa mi, chích chòe, khướu, đặc biệt là yến hót, vì nếu nuôi yến chung với sơn ca thì chắc chắn chim sẽ bị lai giọng.
Nuôi chim sơn ca ít ai nuôi 1 – 2 con vì nó không sung cũng như khó luyện, nếu nuôi ít phải chịu khó đi dợt chim. Người tâ thường nuôi khoảng 5 – 6 con trở lên.
Phòng trị bệnh cho sơn ca
Bệnh tiêu chảy
Sơn ca rất ít khi bị tiêu chảy, nhưng do khẩu phần ăn không hợp lý nên sinh ra. Triệu chứng chim bị tiêu chảy là phân dính vào đít, phân nhão.
Để điều trị bệnh cần:
- Hạn chế mồi tươi, cám dư thừa chất.
- Kiểm tra thức ăn có mốc, có mùi không.
- Thay cám và nước thường xuyên.
- Cho viên vitamin B1 vào cám hoặc vào cóng nước.
- Tìm bông hoa cỏ may (buộc thành túm sát nan lồng) cho chim tuốt ăn.