Ở giai đoạn chuẩn bị cho những trận đấu thì việc ‘bế quan tỏa cảng’ lại càng quan trọng. Và lúc nào anh cũng dặn dò vợ con cách cái lồng chim của anh 3 mét!
Nếu như việc chọn chim thể hiện con mắt tinh tường của người mua thì công đoạn thứ hai (nuôi dưỡng, rèn luyện) này thể hiện khả năng, đẳng cấp của người chủ bởi nó là cả một nghệ thuật.
Bởi lẽ, theo anh T. dù chàng (họa mi chọi) có thành tích, kinh nghiệm trận mạc tốt đến đâu nhưng nếu không được nuôi dưỡng đúng cách cũng sẽ trở nên vô dụng.
Điều đầu tiên ông chủ cần làm cho chàng mộc là cho chàng làm quen với môi trường sống. Một người chuyển từ nơi này đến nơi khác còn sốc huống chi là chàng đang ở môi trường rừng núi chuyển tới nơi phố thị.
Thay vì nghe tiếng suối chảy róc rách, tiếng chim hót líu lo, tiếng động quen thuộc của rừng xanh thì chàng phải làm quen với con người, tiếng còi ôtô, tiếng nhạc sập sình, những thứ chàng chưa bao giờ biết tới và thấy dị ứng vô cùng…
-Chàng đặc biệt sợ những âm thanh này, nên nếu không cẩn thận, chàng sẽ nhảy loạn xạ đâm vào lồng và tự làm rách mặt mình dẫn đến hoảng loạn…
Anh T. chia sẻ như vậy và cho biết thêm rằng, vì lý do đó, dân chơi chim lo nhất là chàng bị ngã nước – tức là bị sốc với môi trường sống mới.
Không cẩn thận, tiền bạc, công sức săn tìm của họ sẽ đổ sông, đổ bể.
Chàng có thể thích nghi sau 2 – 4 tháng cũng có thể 1 năm, điều đó phụ thuộc nhiều vào khả năng của người nuôi dưỡng chàng.
Tuy nhiên, để có thể tham gia chiến đấu được, chàng cần qua một mùa thay lông.
Về ăn, chàng không quá kén nhưng đồ ăn của chàng cũng chẳng phải dạng vừa. Thông thường, chủ sẽ cho chàng ăn gạo trộn trứng gà. Nhưng trứng gà phải là trứng gà ngon.
Anh nửa đùa nửa thật: – Nhiều khi nó còn ăn ngon hơn cả mình!
Ngoài ra, người nuôi cũng cho chàng ăn thêm mồi tươi như thịt bò, châu chấu, dế mèn… để bổ sung dinh dưỡng.
Nhưng dế mèn phải bắt từ tự nhiên, thường là từ trong Sài Gòn hoặc trên vùng núi, bởi nếu là dế nuôi ăn thức ăn công nghiệp, mùi vị không thơm ngon là chàng không thích.
Với lại, anh T. cũng cho hay, ‘nhốt chàng vào lồng là đã xử tệ với chàng, tách chàng khỏi tự nhiên nên đồ ăn, thức uống cho chàng phải là những thứ tự nhiên’. Vậy thì, tội gì chàng không hưởng thụ.Chiếc lồng to để luyện thể lực cho họa mi chiến
Tuy nhiên, giống như một võ sĩ quyền anh, chàng không phải muốn ăn bao nhiêu cũng được, mà phải dựa trên kế hoạch, lộ trình của chủ.
Chủ sẽ cho chàng ăn để làm sao chàng khỏe nhất, cơ thể săn chắc nhất, đáp ứng được nhu cầu tập luyện và chinh chiến.
Mỗi chủ nuôi lại có những ngón đòn, những phương pháp luyện tập khác nhau cho ‘bảo bối’ của mình.
Chủ phải quan sát, phải tìm ra thế mạnh, tính nết của chàng để mà phát huy dựa trên những gì mà chàng thể hiện.
Nếu ưu thế của chàng là đánh mỏ, chàng sẽ được luyện mỏ; ưu thế của chàng là đánh chân, chàng sẽ được luyện cho đôi chân thật khỏe, bộ móng thật lợi hại.
Người ta luyện mỏ bằng cách cho chàng ăn những đồ ăn cứng, mỏ phải cắn xé hàng ngày… Còn luyện chân, người ta cho chàng nhảy lồng phóng, lắp cầu nhỏ cho chàng để buộc chàng phải dùng móng chân mà quắp lấy chiếc cầu, nếu không muốn bị ngã.
Ngoài ra, họ cho chàng nhảy lồng đất chữ nhật, bên dưới sàn lồng, họ dải một số loại đất phù sa pha lẫn cát vàng để chàng mài móng, không để móng quá dài sẽ khó khăn cho việc khóa đối thủ.
Loại đất phù sa pha cát vàng để mài móng cho chim
Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả, nhiều phương pháp khác vẫn trong vòng bí mật. Bởi như anh T. khẳng định: – Dân chơi chim họ giấu nghề em ạ. Kinh nghiệm chủ yếu là do mình tự đúc kết thôi.
Có thể nói, giai đoạn quan trọng của họa mi chọi là lúc chàng căng lửa – đây là giai đoạn chàng dữ nhất và đánh nhau hăng máu nhất.
Khi ở giai đoạn căng, tính khí chàng cũng thất thường lắm. Lúc chớm căng, chàng thích hót, hót rất nhiều nhưng đến lúc chàng nhảy lồng liên tục, nhìn thấy đồng loại là muốn lao vào đánh nhau thì mới là lúc độ căng của chàng đạt đỉnh.
Tuy nhiên, cũng có những chàng chim khi căng nhất lại trở nên trầm tính, lầm lì, nằm sàn như ấp trứng dù chàng có trứng đâu mà ấp. Thỉnh thoảng chàng chồn chân, bực dọc trong người lại nhảy lên, nhảy xuống.
Vì thế, chủ nuôi phải thật hiểu tính nết chàng mới có thể đưa ra những nhận định chính xác.
Mùa chàng họa mi chọi căng nhất thường là khoảng 1 tháng trước và sau Tết âm lịch. Đây cũng là thời điểm diễn ra nhiều giải đấu chim chọi lớn nhất.
Và ở giai đoạn chàng căng, chuẩn bị cho những trận đấu thì việc ‘bế quan tỏa cảng’ lại càng quan trọng bởi nhiều khi chỉ một vài động tác của người lạ, một vài âm thanh lạ có thể khiến chàng kinh động và khiến công sức của người chủ nuôi thành ‘sôi hỏng bỏng không’.
Có ông chủ, thời gian chàng chuẩn bị đi đấu, không đi làm, chỉ ở nhà chăm chàng; có người khác như anh T. thì lắp camera giám sát chàng ngày đêm, thi thoảng mở ra xem như các bà mẹ thời gian đầu cho con đi nhà trẻ.
Và lúc nào anh cũng dặn dò vợ con cách cái lồng chim của anh 3 mét!
Còn tiếp…
>> Ký sự chơi chim (kỳ 1): ‘Chàng’ mù khét tiếng bất khả chiến bại xứ Kinh kỳ