Chơi chim cu gáy xưa nay vẫn là cái thú tao nhàn của nhiều người. Nhưng để bẫy được loài chim này, luyện nó gáy tự nhiên như chim ở ngoài thiên nhiên hoang dã là điều không dễ dàng. Người chơi cu gáy cũng phải ứng xử ra sao để trở thành người sành chơi và có văn hóa.
Ông Sâm tìm địa điểm đẹp để đặt bẫy.
70 tuổi mải mê bẫy chim cu gáy
Nhắc tới dân chơi chim cu gáy ở Hà thành không thể không nhắc tới ông Triệu Tử Sâm ở ngõ 624/12/109 Minh Khai, Hà Nội. Ở cái tuổi xưa nay hiếm vậy mà chỉ cần nghe ở đâu xuất hiện chim cu gáy là ông Sách lồng lên đường bẫy cho bằng được. Nể phục về bảng thành tích bẫy chim cu gáy của ông, dân chơi chim cu gáy Hà thành gọi ông với cái tên thân mật “Sâm sư phụ”.
Ai có dịp đi qua đầu ngõ 624/12/109 Minh Khai thì không thể không dừng lại nghe dàn đồng ca chim cu gáy của ông Sâm. Mặc dù ngôi nhà khá trật trội nhưng ông vẫn dành những khoảng không cho những chú chim cu gáy mà ông yêu thích. Trong ngôi nhà nhỏ ấy, người đàn ông có dáng vẻ cao lớn nhưng lại rất hiền lành này đang bận rộn với mấy chú chim cu gáy mà ông chăm bẵm.
Thấy có khách tới chơi nói chuyện về loài chim cu gáy, ông hồ hởi kể: “Con “8/3”- ông Sâm bẫy được tại phố 8/3” – (PV) “giọng thổ rền” chỉ là một trong hàng chục chú chim gáy mà ông bẫy được. Ông Sâm mê chim cu gáy như điếu đổ, sống quá nửa đời người thì gần như ông dành trọn để gắn bó với loài chim đồng quê này.
Nghe Cu gáy nhớ hồn quê!
Đưa bàn tay to bè, xù xì, tháo mảnh gỗ lũa buộc hờ hững cửa lồng, nhẹ nhấc ra chiếc chén rồi đổ lưng thóc trộn hạt kê, đỗ xanh, vừng, ông Sâm chia sẻ: “Tình cảm của tôi dành cho loài chim cu gáy, ngoài truyền thống của gia đình, còn bởi sắc màu nâu đất của lông chim – màu của ruộng đồng giản dị, mộc mạc”.
Chiếc bẫy đã hoàn thành.
Mê chim cu gáy như vậy nên với ông Sâm, lịch trình một ngày cho “công tác” nuôi chim của ông đã chiếm khá nhiều thời gian. Buổi sáng, buổi chiều, đi luyện chim ở một địa điểm nhất định. Buổi trưa, tranh thủ tắm cho chim. Ngoài ra là thời gian cho chúng ăn, vệ sinh chuồng… Nhìn chung, một ngày ông Sâm mất ít nhất bốn, năm tiếng đồng hồ. Đó còn chưa tính đến những chuyến đi xa nhiều ngày khỏi Hà Nội để “săn – bẫy” những chú chim hay.
Nói rồi ông Sâm kể tiếp: Quê ông ở làng Triều khúc, Hà Nội nhưng tuổi thơ của ông thì lớn lên tại phố Khâm Thiên. Ngay từ những ngày còn rất nhỏ, ông hay được bố mẹ cho về quê chơi.
Ngày ấy, quanh làng Triều Khúc còn có những cánh đồng lúa bát ngát. Vào những buổi chiều quê ấy, ông được thả hồn với hương lúa, những cơn gió mùa hè mát lộng và đặc biệt là được nghe tiếng chim cu gáy rền vang. Không biết từ bao giờ, tiếng chim cu gáy đã ăn sâu vào tiềm thức của ông. Vì quá mê tiếng chim cu gáy mà bố ông đã phải mua hẳn mấy con chim về để ru ông ngủ. Khi trưởng thành, dù ở đâu và làm gì thì tiếng chim cu gáy vẫn song hành với cuộc sống của ông…
Chu chim cu gáy mồi có giọng thổ pha.
Khi được hỏi vì sao ông chỉ mê mẩn với loài chim cu gáy mà không mê chim khác, ông Sâm bảo: “Quê tôi bây giờ nhà cao san sát, còn đâu tiếng chim cu gáy của ngày xưa. Mỗi khi nghe tiếng chim cu gáy râm ran, cảm giác sự ồn ào, náo nhiệt của thành phố hiện đại như dịu đi, nhường chỗ cho nguyên vẹn một đồng quê yên ả với sắc vàng của lúa chín, màu xanh yên ả, thanh bình của lũy tre làng. Hơn nữa, chim cu gáy nó giản dị, sống gần gũi với người nông dân Việt Nam. Thực sự phải có tâm hồn yêu thiên nhiên, yêu đồng quê và dòng sông, mái nhà tranh thì mới có thể nuôi được loài chim gáy này…”.
Những tuyệt kĩ bẫy chim cu gáy
Ngoài 70 tuổi, nhưng dường như khắp các tỉnh miền Bắc đã in dấu giày của ông Sâm. Hễ nghe “đệ tử” nói ở đâu xuất hiện chim cu gáy về là ông mò tới bẫy cho bằng được. Tuy nhiên, để có thể bẫy thành công chim cu gáy thì phải đạt những tuyệt kĩ về cả chim mồi lẫn nghệ thuật bẫy chim cu gáy.
Treo lồng cu gáy trên cành cây để bẫy chim ngoài.
Theo ông Sâm: “Để có thể trở thành chim mồi mời gọi chim ngoài vào lồng thì con mồi phải có độ tuổi chừng 5 năm. Con chim mồi phải có giọng gáy pha, gáy thổ, khi gáy mời gọi chim ngoài phải êm. Phải có duyên gọi chim bồi về. Chim mồi phải là chim rừng ta đã đánh bắt được, nuôi lâu ngày thành quen, hết sợ bóng người, gáy tự nhiên như khi còn hoang dã.
Chim mồi phải gáy hay, gáy càng hay càng được đánh giá cao vì sẽ rất đắc lực lúc đem đi “đánh” chim hoang. Người ta lại còn phân biệt mồi “lỡ” và mồi “giỏi”. Mồi “lỡ” là thứ mới đem đi đánh một vài lần. Mồi “giỏi” hay còn gọi là mồi “chai” là thứ đã đi đánh nhiều lần, đã có bản lĩnh và quen “trận mạc”!
Do có hàng chục năm trời bẫy và nuôi chim cu gáy nên ông Sâm am hiểu từng chân tơ kẽ tóc của loài chim dân dã này. Ông kể: Chim cu gáy sống từng đôi, một trống một mái theo chế độ “đơn thê”, gắn bó chung thủy. Chúng đi ăn từng đàn, có lãnh thổ riêng, có một con trống có dáng hình đẹp đẽ, có tiếng gáy tuyệt vời. Có lẽ nó là con chim lãnh chúa. Khi vùng lãnh thổ riêng bị xâm phạm, tất đưa đến “đấu khẩu” rồi “ác chiến” giữa chủ nhà và kẻ xâm lăng. Người đi bẫy chim cu gáy (gọi tắt là đi đánh cu) sẽ căn cứ vào đặc tính ấy để lợi dụng, mà bẫy chim cu gáy.
Chú chim cu lãnh chúa đã bị sập bẫy.
Cũng theo ông Sâm ngoài chim mồi ra, yếu tố chọn địa điểm thích hợp rất quan trọng. Địa điểm thích hợp nhất là một góc nào đó ở các nương rẫy trồng các loại đậu, mè, hàng rào có cây cối để treo lồng mồi thượng, có bụi tương đối rậm để người đi đánh cu có thể ẩn núp kín đáo (vì chim cu hoang rất sợ bóng người) nhưng có thể quan sát chiến trường.
Người đánh cu nghi trang mồi thượng với cành lá cây, treo lồng mồi thượng trên cây trước một nhánh cây gọi là “nhánh thế”, vừa tầm với cửa lồng để cho chim hoang đến đậu có được tư thế thích hợp mà đấu gáy với chim mồi. Đậu ở nhánh thế, chim hoang có thể nhìn xuống đất và trông thấy chim mồi đất. Gài chiếc lưới đất, thả con mồi đất đã nhíp kín mắt cho đi lui đi tới để nhử. Người đi đánh cu vào chỗ ẩn núp. Chim mồi thượng sẽ cất tiếng gáy. Nếu đợi một lúc lâu chưa nghe nó gáy, người đi đánh cu huýt gió để giục nó gáy.
Con chim hoang, lãnh chúa của vùng lãnh thổ này đang nghỉ ngơi ở một nơi nào đó đột nhiên nghe tiếng gáy của chim lạ. Biết lãnh thổ riêng của mình đang bị xâm phạm, nó liền bay về, đậu ở một cây nào đó, nghểnh tai nghe ngóng. Khi biết được vị trí của kẻ xâm lăng, nó phóng đến nhánh thế. Mồi thượng trông thấy liền cất tiếng gáy thách thức, vừa gáy vừa xoay mình như con vụ. Chim hoang lãnh chúa cũng không phải tay vừa, nó xòe hai cánh ra, xù cườm, gục gặc đầu, nóng nảy, vừa chạy tới chạy lui trên nhánh thế vừa gáy liên hồi. Hai con đấu gáy sôi nổi, không con nào chịu thua con nào.
Ông đặt tên chú chim cu gáy này là con Lĩnh Nam (bẫy được nó ở Lĩnh Nam).
Con chim hoang tức tối nhảy vào lồng để ác chiến với kẻ thù. Vừa nhảy vào, bẫy liền sập và người đánh cu nhào ra để bắt. Đó là trường hợp dễ. Nhưng thường thường, người đi đánh cu gặp trường hợp khó hơn nhiều vì con chim lãnh chúa đã mấy lần dợm nhảy nhưng rồi lại thôi. Nó là con chim khôn, nó bay đi. Chim mồi thượng im tiếng.
Có trường hợp con chim khôn ấy không bay đi mà lao xuống đất, nhìn chim mồi đất rồi đi vòng quanh ở ngoài triêng lưới đất. Nó khôn lắm, rất cảnh giác với những gì lạ quanh mình. Có trường hợp con chim lãnh chúa bay đi vì cảnh giác, nhưng khi nghe chim mồi lại cất tiếng gáy, vì tức tối nó lại bay về, hai con lại đấu gáy rồi chim hoang có lẽ tức tối quá, trong phút chốc mất hết cảnh giác, nó lao vào cửa lồng, chiếc bẫy sập và nó vùng vẫy cũng không thoát ra được.
“Muốn bắt được con chim hay, người đi đánh cu phải chịu khó, kiên nhẫn, có khi phải mất cả ngày mới có kết quả. Còn gặp những con chim tầm thường, không có gì đặc biệt thì với một lưới đất, một ngày có thể bắt được năm bảy con là chuyện dễ dàng…” – Ông Sâm hồ hởi cho biết thêm.
“Chim mãi gáy dồn. Chim cứ gáy
Chim nói điều chi với lửa đây
Mùa màng trắng đất còn chi nữa.
Tay nắm vào tay… chim có hay?”
Gần như trọn đời đi bẫy chim cu gáy nhưng ông không bao giờ bắt chim non và làm thịt nó. Khi bẫy được con mới, ông sẽ gây thành chim mồi và sẽ lại phóng sinh nó. Ông quan niệm của trời sẽ lại thả về cho nơi nó sinh ra như một quy luật của tự nhiên.