Có người bảo, người Việt mình có ai không gốc gác từ nông dân? Đã làm nghề nông, khó lòng không gắn bó với loài chim mộc mạc, thường bay về cùng những mùa lúa chín vàng…
Nếu đặt một chiếc lồng cu gáy cạnh những lồng hoạ mi, yến, yểng…, mới thấy chú chim cu “quê kệch” lắm. Ấy thế mà trong giới chơi chim, một ông chủ có nhiều loại chim quý thế nào, nhưng không có một chú cu gáy, vẫn bị coi là thiếu, là chưa sang…
Chim cu gáy chỉ mang trên mình một màu nâu đất và chỉ được làm duyên bởi một vòng nhỏ quanh cổ, dân gian quen gọi là “vòng cườm”. Cuộc sống người dân Việt tự nghìn đời nay gắn với những mùa lúa. Mỗi đận lúa chín vàng, chim gáy lại rủ nhau bay về. Hình ảnh từng đàn chim cu gáy sà xuống ruộng lúa, gọi nhau, gọi bạn bằng những tiếng “cúc cu” trở nên thân thuộc với mỗi người. Có lẽ, từ những vụ lúa đầu tiên cư dân Việt trên đất nước này, những chú cu gáy đã bay về và có lẽ, nó là loài chim sớm nhất được người Việt thuần từ loài chim hoang dã, để trở thành một thú chơi.
Cái màu nâu đất giản dị của nó khiến người ta nghĩ đến tấm áo nâu của ông bà, cha mẹ bạc màu mỗi buổi làm đồng về, màu của ruộng đồng, mà từ đó hạt lúa của khoai lớn lên nuôi sống con người. Chim cu gắn bó với tâm hồn người Việt là vì thế. Đến tiếng gáy của những chú chim cu, cũng không cầu kỳ, yểu điệu như mi hay yến, nó dân dã, bình di y như vẻ bề ngoài, “cúc cù cu cu…”.
Chim cu gáy gần gũi với ký ức của nhiều người Việt.Thường chú chim cu nào gáy càng dài, càng được quý. Đi sâu hơn nữa, các kiểu gáy của chim cu rất đa dạng, người ta phân biện là tiếng bổ hai, bổ ba, tuỳ thuộc vào độ dài cũng như nhịp ngắt mà người nuôi lâu năm để thi đấu mới hiểu hết được.
Về âm thanh, tuỳ theo độ bổng trầm, chim cu gáy bốn âm cơ bản là âm thổ, âm đồng, âm son và âm kim. Gắn bó với người Việt, với những người am tường, một chú cu gáy có âm thanh hay, có giá trị không dễ gì sánh được. Người dân vùng Ninh Bình vẫn kể, thời trước, có một vị cha xứ mê chim gáy đến nỗi, khi thấy có một chú cu gáy có tiếng gáy hay, đã thuê một thợ bẫy cu gáy, cho ăn ở như điều kiện ăn ở của mình trong mấy tháng ròng để bẫy cho bằng được! Đến khi bẫy thành công, người thợ còn được phần thưởng hậu hĩnh đáng giá cả gia sản.
Người sành chơi cu gáy không mấy ai không biết chuyện một vị quan cao lộc hậu ở tổng Hà Đông trước kia, từng có một đôi chim mà ông gọi bằng hai cái tên mỹ miều: kim xuyến, ngọc trai. Nguyên đôi chim đó được đánh đổi bằng chính những thứ đồ quý giá kia. Có lần, gặp một chú chim cu gáy hay hơn cả đôi của mình, ông quyết hỏi mua bằng mọi giá. Nhưng người có lòng thường dễ gặp bạn tri âm, ông đã được người ta tặng lại chú chim mà không đòi hỏi một thứ gì. Thế mới biết, những người chơi trọng nhau thế nào.
Thú chơi chim ngày nay đã ít nhiều khác xưa, một phần vì người Việt du nhập không ít loài chim lạ. Nhưng vị trí của chú cu gáy không hề thay đổi. Trong những vườn cảnh có những chú chim đắt tiền nhất, vẫn có những chú cu gáy, ngay trong những con phố chật chội nhất của Hà Nội, nhiều người vẫn dành những góc nhỏ cho những lồng chim cu.
Có người bảo, người Việt mình có ai không gốc gác từ nông dân? Nếu không phải ông bà bố mẹ, thì ắt ngược lên vài đời nữa, cụ kỵ cũng là nông dân. Đã làm nghề nông, khó lòng không gắn bó với loài chim mộc mạc, thường bay về cùng những mùa lúa chín vàng… Chẳng biết cái lý ấy có đúng không, nhưng giữa phố thị ồn ào, một tiếng “cúc cù cu”, dễ khiến lòng người ta tĩnh lại, để nhớ đến một cánh đồng bát ngát, đến những rặng tre rì rào
báo đất việt