Cách nuôi và thuần dưỡng choè than non

Chào các Bác, đã lâu rồi không tham gia viết gì ở diễn đàn. Nay ngồi có chút rảnh rỗi viết 1 bài múa rìu qua mắt thợ, có điều gì chưa chuẩn các Bác góp ý thêm nhé?
Hôm nay em nói về cách nuôi than non!
Mùa này than non rất nhiều. Chợ chim, trên tất cả các diễn đàn, hội , nhóm facebook đều bán chim non, nhiều vô kể.

Điều đầu tiên khi chọn chim là việc chọn trống – mái. Cái này nhiều rồi em không mô tả chi tiết mà chỉ nói ngắn gọn là chim trống nhìn dữ tướng hơn chim mái, đầu to, lông đầu đen , hoa ngực đậm hơn, gốc mỏ đen xậm hơn và mắt méo. Nếu cùng 1 tổ thì rất dễ để nhận biết, con nào lông đen hơn các con còn lại là chim trống.

Thứ hai là về tố chất: Nên chọn những con dài đòn, mỏng mỏ, mỏ đen , hay kêu choè choè và nhanh nhẹn , đối với chim đứng cầu rồi thì để ý cái đuôi , hay đánh đuôi và nhảnh nhót linh hoạt. Đối với con đang nằm ổ thì chọn lấy con to nhất, khoẻ mạnh mà bắt.

Thứ ba về thức ăn, giai đoạn đầu mới bắt về các Bác cứ cho ăn sâu rồng nhỏ, nhỡ, chọn con lột trắng thì tốt, kết hợp với dế, chú ý khi ăn nhúng qua nước đẫm vào và đút. Than non nên cho ăn nhiều nước một chút để mau lớn. Các Bác chả cần phải hoà cám Ba Vì làm gì, cứ 2 con này mà cho nó ăn trong mấy ngày đầu. Khi đứng cầu cứng cáp rồi, thì khi nó há mồm đòi ăn, các bác cho nó ăn kèm vài viên cám (Cám có thể là loại Ba Vì hoặc cám số 1 của các loại cám bán trên thị trường). Cứ thế , khi nó bắt đầu giai đoạn mổ, các Bác cho nó mổ viên cám , vẫn cầm cho nó mổ và kéo ra , kèo vào, làm như thế cho nó ăn 1-2 hôm có cám . Chỉ đến hôm thứ 3 , để đói và cóng cám đầy nó sẽ tự mò đến học mổ và ăn cám. Giai đoạn này rất quan trọng , làm như thế là nó biết ăn cám viên luôn và có thể bỏ đút dần, mặc dù vẫn há mồm đòi đút thêm 1-2 tuần nữa. Không chỉ than, choè đất và lửa làm thế này đều mổ cám ăn luôn, mà ko mất công hoà cám với mồi tươi rồi qua giai đoạn cám ướt , cám khô …
Than đồ ăn giai đoạn này khá dễ dàng, cứ cho cám, sâu rồng và dế là khoẻ mạnh , sang hơn thì trứng kiến, cào cào … cũng không cần cầu kì quá
Khi biết mổ rồi chim khoẻ mạnh và lanh lẹ sẽ nhảy nhót, bay, bám suốt vì giai đoạn này là giai đoạn học chuyền, học bay. Đây mới là giai đoạn quan trọng nhất hình thành tố chất con chim mà em muốn chia sẻ đó là tránh cho chim tật (ngoái, ngửa, lộn, soi nóc …)
Như trên tiêu chí chọn chim là phải chọn con nhanh nhẹn, mồm kêu liên tục, nhảy nhót liên tục, nhưng chính cái này lại là yếu tố sinh tật cho con chim nếu chúng ta không biết cách và cẩn thận với nó. Do nó quá nhiều năng lượng và cơ thể bắt đầu tiết ra hóc môn sinh học để thể hiện bản năng tự nhiên, con chim bay nhảy cực nhiều và miệng luôn kêu, bất cứ cái gì lạ nó đều phản ứng , đôi khi là sợ hãi, nó thường bay lên nóc lồng bám trên đó, hoặc bám vanh, vẫy cánh … Đa phần là như vậy, có 1 số ít con thì nhẹ hơn, nhưng chim càng hay sau này thì giai đoạn này nó bộc lộ càng mạnh. Chính giai đoạn này là giai đoạn dễ hỏng con chim nhất. Các tật ngoái, lộn phát sinh ở giai đoạn này. Cách đề phòng:
– Không nuôi trong lồng nhỏ, vì thiếu không gian nó sẽ tìm cách để nhảy, để trốn và ngoái lộn chỉ trong chốc lát . Tốt nhất là nhốt trong lồng sizze 40-42cm. Đặc biệt không nhốt trong lồng tắm. lồng vuông tập trung đối với những con quá linh động.
– Khi có hiện tượng nhảy nhiều, ngoái, lộn phải bắt ra cắt cánh, cắt đuôi ngay lập tức. vẫn nuôi trong lồng size rộng để nó không thể nhảy từ cầu lên bám vanh được, vài cú ngã sẽ làm nó sợ và chỉ dám nhìn mà không dám nhảy, 2 bên thành cầu sát lồng để ngay 2 cái cặp quần áo để nó không đứng sát lồng được . Chú ý, dưới bố lồng phải để giấy dầy 1 chút và cầu chọn loại gỗ vừa chân chim, khi cắt cánh và đuôi , con chim sẽ mất thăng bằng, những cú nhảy của nó không thành công lên cầu và vanh lồng có thể làm nó bị mất móng, nên hết sức chú ý đến các phụ kiện trong lồng tránh những cú nhảy mạnh nguy hiểm tới móng của nó. Chú ý một số người cho nó vào hộc nhốt mộc , nhỏ để phòng tránh ngoái, lộn do nghĩ không gian nhỏ nó sẽ không thể ngoái lộn, làm như vậy là sai hoàn toàn nhé, Con chim non sẽ bị stress và phản ứng để thích nghi , cứ chỗ sáng là lao ra và tìm cách bật ngược , nên càng tăng nguy cơ ngoái lộn, ngoài ra còn gây hoảng cho nó vì trong không gian chất hẹp nó ít có cơ hội nhìn thấy những thứ bên ngoài.
– Học giọng: Đây cũng là giai đoạn quan trọng nhất trong việc con chim học được những giọng nào. Giai đoạn này các bạn nên có 1 chiếc máy nghe MP3 nhỏ, copy các file choè than hót vào và cho chạy liên tục từ sáng tới trưa, 2h chiều thì tắt đi, 6-7h sáng bật lại, nên đổi file liên tục để nó học đa dạng tiếng. Ban đầu các bạn chỉ chọn những file hót chuyện thôi, mở từ từ với âm lượng vừa phải, sau đó hót nhẹ, cứ như vậy trong vong 1-2 tháng, đảm bảo con chim của bạn sẽ đa dạng giọng hót khi trưởng thành, ngoài các âm thanh của choè than, bạn cũng nên cho các tiếng chim khác , và thêm tiếng suối, tiếng rừng trên youtube để con chim của mình nó gọt giọng cho trong trẻo và đa dạng
Học tắm: Tuỳ con chim, nhưng đa phần choè than thích tắm, con nào thích tắm chả cần dậy, nhìn thấy nước là phi sáng tắm ngay, còn con nào khó tắm thì phải cho nó học thích nghi dần với không gian lồng tắm bằng cách ghép nối lồng với lồng tắm, trong lồng bỏ hết cóng thức ăn , chỉ để nước, trong khay tắm cho sâu vào đó và để như thế, nó sẽ sang ăn sâu và quay về uống nước, để 2-3 ngày với những con dát ko dám qua lồng tắm. Sau thời gian đó khi con chim đã ra về thành thục, các bác cho ít nước vào khay tắm và bỏ cám vào lồng , nó sẽ ăn cám, khát nước và sẽ sang uống nước, thấy nước nó sẽ dò dẫm tập tắm, để thế thêm 2 ngày nữa cho nó quen. Đảm bảo không có con nào không sang tắm và sợ tắm nữa. Cách này đến đất khó tắm còn tắm nói gì đến con than.
Cố gắng dành nhiều thời gian với con chim từ giờ cho tới lúc thay lông lần đầu. Nếu có cội thì nên cho nó tham gia nhưng treo ở xa chỉ nghe thấy tiếng nhỏ và không mở áo lồng.
Chế độ ăn thời gian này cũng chỉ cám và ít sâu dế thôi không cầu kì gì cả
Đến giai đoạn mọc lông đen, chú ý mồi tươi nhiều hơn 1 chút , có trứng kiến, đặc biệt cào cào hàng ngày thì rất tốt, chú chim sẽ ra lông đẹp.
Choè than có tính học lại rất nhanh cả về giọng hót lẫn hành động cơ thể, vì thế nếu có 1 chú chim múa hót hãy để nó quan sát từ xa, hoặc cho nhìn tivi , laptop nhưng nhớ mở tiếng rất nhỏ thôi, không nó sẽ sợ.
Tránh xa những con lộn ra nhé!
Xong lông có thể cho đi cội chơi, nhưng tuỳ vào tố chất con chim của mình mà dần hoà nhập, không nên ép quá nhé.
Còn về vấn đề xù, chụp là một vấn đề mà anh em chơi than ức chế nhất! Em sẽ chia sẻ ở 1 bài khác

Chúc các Bác có con choè than ưng ý!