Người cười, chim nhồng “khóc”

Kỹ nghệ “săn” chim con
Thời điểm này, đang là mùa sinh sản của chim nhồng và cũng là lúc người dân ở huyện miền núi Tây Trà vào mùa săn chim nhồng con. Về các địa phương ở huyện miền núi Tây Trà, không khó để người đi đường bắt gặp những “chiếc bẫy” chim nhồng được treo trên những ngọn cây ở bìa rừng và ở nhiều nơi khác.
Theo quan sát của chúng tôi, những “chiếc bẫy” thực ra là những chiếc tổ giả được làm bằng ống gỗ dài khoảng 40-60cm, rộng 10cm, 2 đầu bịt kín. Các chiếc tổ giả này, được treo trên ngọn những cây rừng lớn nằm ở vị trí thuận lợi, để dụ chim nhồng vào mùa sinh sản đến đẻ trứng. Chờ khi trứng nở được khoảng 1- 2 tuần thì người đặt tổ sẽ đến bắt chim con mang về bán.

Nói về kỹ nghệ dụ chim nhồng “độc đáo” này, anh Hồ Văn Lên (40 tuổi)- một trong những tay săn chim nhồng có kinh nghiệm ở xã Trà Xinh cho biết: Chim nhồng thường làm tổ trong các bọng cây và có thói quen quay về tổ cũ để đẻ trứng vào mùa sinh sản hàng năm. Dựa vào đặc tính này, người dân làm những chiếc tổ giả giống như bọng cây để dụ chim nhồng vào đẻ trứng. Vùng thường được chọn để đặt tổ là những cây lớn nằm ở vùng bìa, hoặc sườn núi. Người ít thì đặt 2-3 tổ, nhiều người đặt 9-10 tổ.

“Với cách làm này, chúng tôi đã đánh lừa được không ít chim nhồng mẹ vào đẻ trứng hàng năm. Chim nhồng đẻ mỗi năm một lần và bình quân một ổ chim nhồng có từ một đến hai con nhưng thông thường là hai con, và sau hơn 10 ngày nở chúng tôi sẽ bắt chim nhồng về bán. ”- anh Lên cho biết thêm.
Những chiếc tổ giả được người dân treo trên cành của những ngọn cây cao trong rừng
Những chiếc tổ giả được người dân treo trên cành của những ngọn cây cao trong rừng.
Cùng với việc làm tổ giả, để bắt chim nhồng con các tay săn chim còn có cách bắt khác là thường nhận biết tổ chim nhồng qua hướng bay của chim nhồng vào mùa sinh sản để xác định hướng và tìm tổ. Song, cách săn này mất nhiều thời gian và phải phục kích từ đầu mùa sinh sản, nhưng không hiệu quả bằng cách làm tổ giả.
Ông Hồ Văn Luôn ở xã Trà Phong, huyện Tây Trà chia sẻ, để bắt được chim nhồng con phải “liều”, bởi lẽ loài chim này thường làm tổ ở các cây cao và có thân hình to, nên rất nguy hiểm khi leo lên những ngọn cây cao chót vót hàng chục mét để bắt chim con.
Nguy cơ tận diệt…?
Chim nhồng là loài chim khá độc đáo, vì có thể nói được tiếng người và đây là một trong những loài chim quý hiếm và đắt tiền thuộc loại bậc nhất. Để dạy cho loại chim này có thể nói được nhiều và nói sõi thì người nuôi phải nuôi chúng từ nhỏ. Chính vì vậy, vào mùa chim sản, chim non được săn lùng ráo riết.
Hiện tại, ở huyện miền núi Tây Trà chim nhồng con đang ở mức giá dao động từ 1,5 triệu đồng đến 1,8 triệu đồng/con- đây là mức giá “khủng” nhất từ trước đến nay. Với giá cả như vậy, đây là một sức hấp dẫn đối với nhiều người săn chim nên việc tìm và bắt chim non càng khốc liệt hơn.
Chim nhồng con được các thương lái săn lùng để thu mua (Ảnh tư liệu)
Chim nhồng con được các thương lái săn lùng để thu mua (Ảnh tư liệu)
Tuy việc săn bắt chim nhồng ở huyện Tây Trà vào mùa sinh sản diễn ra khá sôi động, song, để tìm mua được chim nhồng con không dễ dàng, bởi lẽ, hiện tại các thương lái đang săn lùng ráo riết ở khắp các cánh rừng và “đặt hàng” với những người chuyên bắt chim nhồng, hễ có chim non bao nhiêu thì mua hết bấy nhiêu. Nhiều thương lái còn đặt tiền cọc trước cho những người bắt chim.
Hiện tại, chưa có một con số thống kê cụ thể nào, nhưng với tình trạng săn bắt như hiện này, uớc tính, vào mùa sinh sản, mỗi ngày có hàng chục con chim nhồng con theo thương lái về xuôi để phục vụ thú chơi của nhiều người.
Để tìm hiểu về độ “hot” của chim nhồng ở vùng núi Tây Trà, chúng tôi ghé vào tiệm tạp hóa ven đường ở xã Trà Xinh với ngỏ ý muốn hỏi để tìm mua chim nhồng con, ngay lập tức người chủ quán tên Hoa bảo rằng: Giờ muốn tìm mua chim nhồng khó lắm, một phần vì giá cao và một phần vì có bao nhiêu, thương lái dưới xuôi lên mua hết nên không có đến lượt mình.
Theo bà Hoa, những năm trước đây, chim nhồng con chỉ vài trăm nghìn/con nên người dân khi bắt được chim thường đem đến các tiệm tạp hóa ở trong xã để bán hoặc đổi thực phẩm. Lúc đó, vào mùa chim nhồng sinh sản, riêng tôi cũng mua được vài chục con về thuần dưỡng và bán lại cho người có nhu cầu nuôi để kiếm lời.
Thế nhưng, trong một vài năm gần đây, chim nhồng bất ngờ được đẩy lên mức giá cao, nhiều người tìm mua nên người dân bắt được chim không bán cho mình, mà bán cho những thương lái dưới xuôi lên thu mua vì “tin tưởng” họ thu mua giá cao hơn.
Với vẻ đẹp bên ngoài và co khả năng nói được tiếng người, chim nhồng được nhiều người chọn mua về nuôi trong nhà
Với vẻ đẹp bên ngoài và có khả năng học được tiếng người, chim nhồng được nhiều người chọn mua về nuôi trong nhà
Qua tìm hiểu của chúng tôi, nhiều năm trước đây, rất ít người dân bắt chim nhồng nên chim còn nhiều, nhưng bây giờ giá chim nhồng lên cao, nhiều người “may mắn” có thể thu cả chục triệu đồng từ nghề săn chim nhồng, nên có rất nhiều người dân tham gia làm “bẫy” để săn “lộc trời”, khiến lượng chim nhồng giảm đi rõ rệt.
Ông Hồ Văn Siêng ở xã Trà Thọ cho biết, do số lượng người bắt chim nhiều nên số lượng chim ngày càng giảm đi. Trước đây, chim nhồng còn nhiều, mỗi năm ông thường bắt được 4 đến 5 cặp chim, những năm nay, ông chỉ bắt được 1 cặp chim bán được gần 4 triệu đồng.
Có thể nói, với giá chim lên cao, vào mùa sinh sản, chim nhồng mang lại niềm vui cho người săn chim vì có nguồn thu nhập cao, nhất là trong điều kiện cuộc sống còn nhiều khó khăn của người dân ở vùng miền núi. Thế nhưng, điều đáng quan tâm hiện nay là, với cách bắt chim nhồng con ngày càng tăng như hiện nay sẽ khiến cho loài chim này đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Chính vì vậy, việc quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền và có biện pháp bảo vệ loài chim này đang là điều rất cần thiết với chính quyền địa phương và các ngành chức năng.
B.Khánh