Dưới nắng hè gay gắt, những cánh đồng vàng khô thì loài chim cu xuất hiện từng bầy, chúng cất tiếng “gù gù…” và gáy “cúc cu cu…” vang dội. Miền quê trở nên yên tĩnh và thanh bình khi đàn chim cu kéo về, đó cũng là mùa “gác cu” (giăng bẫy bắt chim cu), thú chơi dân dã nhưng lắm công phu. Nhờ những “tay thợ gác cu” mà người dân thành thị có thêm niềm vui nuôi chim cu gáy, có dịp để nhớ quê hương đồng nội.
Người ta phân thành ba loại chim cu là cu đất, cu ngói và cu xanh. Cu đất (còn gọi là cu cườm) có chấm đen quanh cổ. Cu ngói không có cườm, lông màu vàng hung. Cu xanh là loại cu sống ở rừng, lông có màu xanh lá (ít chuộng nuôi cảnh). Theo kinh nghiệm của người nuôi lâu năm, nên chọn chim cu có đầu nhỏ, cổ cao (thường gáy lớn tiếng hơn chim cổ lùn), đuôi thon nhỏ vót về sau và lông hậu phủ gần hết đuôi, thân hình dạng bắp chuối. Chân khô (có mốc trắng, chân đỏ son là chim non), vuông, cao vừa, lông chân phủ đầu gối, mỏ cong vừa, mắt sáng (lanh, không lồi)… Lông sát, sắc lông phớt hồng như có lớp phấn, cườm cổ nhỏ và dày. Những con thuộc hàng quý hiếm là cườm bao quanh cổ, khóe mắt có chỉ đen kéo dài, mỏ đỏ (sát thủ), có lẫn móng trắng trên chân, có lông trắng xuất hiện trên cánh… Những con chim cu có gù hậu (cườm lót) rất siêng gáy, loài này rất được săn tìm để làm cu mồi (đi gác cu). Ngoài ra người ta còn chú trọng tiếng “gù” và tiếng gáy. Tiếng gáy hay là có âm điệu, luyến láy bổng trầm. Nuôi chim con thì dễ thuần hơn nhưng chăm sóc khó, chim hoang dã đã thuần thì rất tốt.
Lồng nuôi chim cu được ưa chuộng nhất là lồng dạng bầu tròn, làm bằng tre vừa để chim xoay xở. Chim cu không thích lồng quá rộng như loài chim khác, lồng nhỏ có ưu điểm dễ thuần. Thức ăn cho chim cu chủ yếu là lúa, hạt đậu, mè… trong lồng để thêm ít sỏi nhỏ, cục đất khô để chim “bổ sung chất”. Chim cu không ưa tắm nhiều, thỉnh thoảng phun mưa, ngoài ra cần hạ thổ lông chim bằng cách đặt lồng chim xuống nền đất, nếu có thời gian thì cho chim vào lồng rộng rồi úp trực tiếp vào nền đất, tốt nhất là đất có trùn chỉ, rơm rạ. Luyện tiếng gáy bằng cách đặt thêm chim cu máy gần lồng cu trống hay đem lồng đến gần chim cu gáy hay…
Lồng chim đặt nơi mát mẻ, không đặt nơi hắt nắng, quá hốc khô, cần có áo phủ lồng khi cần thiết, vệ sinh lồng chim sạch sẽ. Chim cu khỏe khoắn, nếu chăm sóc không tốt, thời tiết bất lợi chim cũng bị bệnh, thường là đau mắt và tiêu chảy. Khi bệnh có thể tăng cường thêm thức ăn giàu dinh dưỡng (cám công nghiệp), quan sát thấy hai cánh chim bị ướt là chim bị đau mắt (lấy cánh dụi mắt), có nhiều phương pháp trị, có thể dùng thuốc nhỏ mắt loại cho người (thông thường, liều ít hay pha loãng), nước chanh, lấy bông gòn lau khô mí. Nên tới cửa hàng chim cảnh để mua thuốc, không trị bệnh chim bằng thuốc cảm loại cho người uống. Đồng thời, theo kinh nghiệm của nhiều người, khi chim bệnh nên hạ thổ lồng (đặt lồng trên chậu cây, hay khay đất, chú ý đất phải ẩm khô và sạch) hay cho chim vào lồng úp xuống mặt đất, nếu ở thành thị có dịp về quê nên mang ít đất ruộng, rẫy (lấy ít đất vùng chim sinhsống càng tốt).