Chim họa mi nguồn gốc và đặc điểm

Kỹ thuật chăm sóc Họa Mi thay lông

Chim họa mi là một trong những giống chim cảnh được chọn nuôi nhiều nhất, xuất hiện phổ biến trong hầu hết các gia đình chơi chim. Chim họa mi hót hay lại đá giỏi, nhưng rất nhát người, nhất là chim họa mi bổi mới bắt từ rừng về, vì vậy, người nuôi thường mất khoảng 2 – 3 năm mới có thể thuần hóa được 1 con chim…

Nguồn gốc

  • Tên khoa học:Garrulax canorus

  • Tình trạng bảo tồn:ít quan tâm

  • Phân bố:Miền bắc và miền trung Việt Nam; đông nam và miền trung Trung Quốc; Lào

Đặc điểm

Chim họa mi có nhiều màu sắc khác nhau tùy theo vùng, miền.

  • Các tỉnh miền Nam có loại họa mi “đất” vì màu lông nâu xỉn không mấy đẹp, hót thì âm khá vang ngắn. Chỉ có những con đặc biệt mới hay hót. Vì vậy mà họa mi chính thống được ưa chuộng hơn, tiếng hót thanh lại thường xuyên.

  • Chim họa mi Lạng Sơn có màu lông hung đỏ như màu đất đỏ ở vùng này.

  • Chim họa mi xứ Nghệ lông vàng sẫm, chân và mỏ đều vàng.

Khi chọn nuôi người ta thường chọn loại chim lông đỏ, mỏ, chân vàng.

Giọng hót của Họa Mi vừa sang vừa đanh thép. Tiếng hót đầy vẻ hiên ngang, thách thức, có khi như một khúc nhạc quân hành hùng tráng gây cho người nghe một sự hứng khởi, yêu đời. Họa Mi vốn có giọng hót thật to, thật vang, và lại siêng hót. Sau mùa thay lông xong, chim căng lửa có thể hót suốt ngày cơ hồ không biết mỏi mệt.

Kỹ thuật nuôi

Lồng.Nên dùng lồng tre không dùng lồng sắt vì chim thường tung lồng va chạm.

Thức ăn.Chọn thức ăn dễ tiêu hóa.

  • Cám cò trứng hoặc ngô trứng, ta chỉ cần cho chim ăn cám theo tỷ lệ 3 – 4 lòng đỏ trứng gà/100g cám cò (hoặc ngô). Tăng cường mồi tươi châu chấu hay dế.

  • Nói không với thức ăn tổng hợp như cám gà con vì trong cám gà con rất nhiều sắt và một ít chất bảo quản cộng với thuốc tăng trưởng nó làm rối cho vòng đời của con chim ngắn lại.

Lưu ý: Không đổi thức ăn đột ngột bởi Họa Mi sống ngoài thiên nhiên tuy ăn côn trùng là chính, nhưng vẫn được coi là giống chim ăn tạp. Khi nuôi nhốt trong lồng ta tập cho chung ăn thức ăn riêng. Và chim đã quen với một loại thức ăn nào đó thì ta nên cho chim ăn mãi thức ăn đó. Tất nhiên tùy vào từng giai đoạn sinh trưởng của chim mà có sự thay đổi thành phần thức ăn. Nhưng nhất thiết không nên thay đổi thức ăn đột ngột, vì họa mi rất dễ “dị ứng” trước mùi vị thức ăn lạ nên dễ bị suy và thường dẫn đến việc thay lông.

Cách chọn giống

  • Mắt:Nên chọn những con có đôi mắt sáng to, có thần khí, và cảnh giác nhạy bén, màu sắc mắt phải tươi, da mắt mỏng, con ngươi nhỏ, khoen mắt là vệt lông nhỏ màu trắng kéo dài ra sau ót giống mày con ngài. Cái tên chim hoạ mi cũng căn cứ cái mày ngài trắng này mà đặt ra.

  • Đầu:nên chọn chim có ngạnh để có được độ gan, lông đầu mỏng hoa đầu đậm dày để là chim có tuổi rừng

  • Mỏ:Mỏ chim phải thẳng, mỏ có gờ cạnh mới tốt.

  • Ngực:Ngực chim cần lớn bằng phẳng.

  • Lưng:Lưng qui thì tốt tức là có mái vòm gồ lên, nhìn từ ngang và từ thẳng chính diện để thấy rõ.

  • Lông:Lông mỏng tơi, không được chọn lông dày.

Một số tiêu chuẩn đánh giá mắt:

Đánh giá tướng mắt còn phải quan sát kỹ mặt nhãn cầu của chim. Chung quanh con ngươi có một loạt màu, tuỳ từng con, ta thấy có màu vàng, hồng, lam, xanh, trắng xám… gọi là nhãn đế sắc. Nếu quan sát kỹ hơn, ta thấy trong nhãn đế sắc còn có những chấm nho nhỏ khác nằm ròi rạc (cũng xuất hiện chung quanh con ngươi) tiếng trong nghề gọi là xa nhãn.

  • Kim xa nhãn:những chấm nhỏ chung quanh con ngươi màu vàng.

  • Thiết xa nhãn:những chấm nhỏ chung quanh con ngươi màu xanh ửng đen như màu sắt nguội.

  • Ngân xa nhãn:những chấm nhỏ chung quanh con ngươi màu trắng sáng.

  • Huy xa nhãn:những chấm nhỏ chung quanh con ngươi màu tro lợt.

Thanh Lam