Nuôi chim đã khổ và tốn kém mà còn bị bắt trộm; kẻ trộm chim lắm phen nhừ tử, có khi suýt chết trong khi người ra đòn thì dễ vướng vào lao lý; cơ quan chức năng cũng lúng túng trong việc xử lý, chế tài
“Tôi nuôi chim kiểng. Cưng chim không thua cưng vợ. Hằng ngày phải bón chim ăn, rồi tắm cho nó, huấn luyện nó bay nhảy… Vậy mà bọn trộm leo vô nhà trộm mất một con. Ở xứ này, bọn trộm chim quậy còn hơn trộm chó. Tôi mà bắt được thằng trộm chim thì tôi “xử đẹp”, chứ giao cho công an họ cũng thả nó ra thôi” – anh Trần Văn Ân, một người mê chim kiểng ở phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương – nói.
Người suýt chết, kẻ ngồi tù vì… chim
Chính việc người dân “tự xử” kẻ trộm chim đã gây nên hậu quả khó lường. Mới đây, Công an thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương tạm giữ Trương Thành Đông (SN 1981, ngụ phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên) để điều tra hành vi “Cố ý gây thương tích”. Đông bị bắt sau khi tham gia đánh kẻ trộm chim đến chấn thương sọ não.
Thông tin ban đầu, khoảng 4 giờ ngày 20-11, Đông phát hiện một người lạ (sau này biết tên là Mai Văn Sang, SN 1993, quê Đồng Nai) cầm một lồng chim đi qua nhà mình. Nghi ngờ, Đông truy hỏi thì Sang liền bỏ chạy. Lúc này, có một người đàn ông khác chạy đến báo vừa bị trộm chim. Đông cùng người này đuổi theo; đến phường Bình Chuẩn, thị xã Thuận An thì chặn được Sang. Chủ chim đánh Sang té ngã, Đông đá kẻ gian đến bất tỉnh. Người dân đã can ngăn và đưa tên trộm đi cấp cứu. Qua giám định thương tích, Sang bị chấn thương sọ não.
“Hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải, Đội Phòng chống tội phạm phường Phú Hòa, cho biết nạn trộm chim, nhất là chim chào mào, xảy ra ngày càng nhiều ở Bình Dương. Ngay cả nhà của các “hiệp sĩ đường phố” cũng bị trộm chim kiểng.
Nơi xử được, nơi không
Theo thông tin từ Đội Phòng chống tội phạm phường Phú Hòa, hầu hết những đối tượng trộm chim được bàn giao lên cơ quan công an đều chỉ bị xử lý hành chính rồi thả ra. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một cán bộ điều tra xác nhận đến nay Công an TP Thủ Dầu Một hầu như chưa khởi tố các vụ trộm chim. “Trộm chó thì xử lý được vì con chó có thể cân ký rồi quy ra tiền, còn chim thiên về giá trị phi vật chất nên rất khó định giá làm cơ sở khởi tố vụ án. Nếu con chim bị trộm từng dự thi đoạt giải và được công nhận trị giá vài triệu hay vài chục triệu đồng chẳng hạn thì mới có cơ sở xử lý” – cán bộ này nói.
Trong khi đó, thượng tá Võ Văn Hồng, Phó trưởng Công an thị xã Thuận An, khẳng định Công an thị xã Thuận An đã khởi tố hơn 5 vụ trộm chim. Theo thượng tá Hồng, cơ quan công an sẽ gặp người bị trộm để hỏi mua chim này ở cơ sở nào, giá bao nhiêu. Sau đó, xác minh giá cả, trên cơ sở này sẽ khởi tố đối tượng bắt trộm.
Luật sư Nguyễn Thị Kim Vinh, Công ty Luật LNT & Partners (TP HCM), cho biết theo quy định của tội “Trộm cắp tài sản” thì người trộm chim hoàn toàn có thể bị xử lý hình sự nếu chim bị trộm có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên. Nếu chim không có giá trị đến 2 triệu đồng nhưng kẻ trộm từng bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì hoàn toàn có thể xử lý hình sự. “Nếu người dân bắt giao, công an chưa xác minh nhân thân, lai lịch kẻ trộm mà đã vội thả thì sẽ gây bức xúc trong dư luận. Người dân cũng không nên hành hung kẻ trộm vì con chim làm sao quý bằng mạng người!”.
Chim đoạt giải dễ bị bắt trộm
Theo giới chơi chim ở TP Thủ Dầu Một, những con chim chào mào hót hay, múa đẹp, đoạt giải trong những cuộc thi thường được định giá từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng. “Những tên trộm thường trà trộn vào các cuộc thi rồi để ý những con chim đoạt giải. Sau đó, kẻ trộm sẽ rình theo đến nhà chủ chim và ra tay khi người này mang chim ra tắm nắng” – một người chơi chim chuyên nghiệp cho biết.