ĐỂ MỖI BUỔI SÁNG KHÔNG CÒN NƯỚC MẮT

Như mình đã từng chia sẻ trong nhiều lần trước, 3 khung giờ thường xuyên trở thành ‘ác mộng’ đối với các bố mẹ có con nhỏ (1-4 tuổi) là buổi sáng trước khi đi học, buổi chiều sau khi trở về nhà và buổi tối trước khi đi ngủ.
Trong loạt bài viết ĐỂ MỖI NGÀY KHÔNG CÒN LÀ ÁC MỘNG này, mình xin phép chia sẻ những kinh nghiệm bản thân mà gia đình mình đã và đang áp dụng mỗi ngày để mỗi khung giờ với chúng mình đều trôi qua nhẹ nhàng và trong vui vẻ.
ĐỂ MỖI BUỔI SÁNG KHÔNG CÒN NƯỚC MẮT
1. Ngủ sớm, dậy sớm.
Một trong những điều khó khăn của bố mẹ mỗi sáng là gọi con thức dậy. Mà bạn không biết rằng, nếu một đứa trẻ ngủ đủ, chúng sẽ thường tự thức giấc mỗi sáng.
2. Hãy chào đón con buổi sáng bằng nụ cười
Hãy bắt đầu ngày mới với sự hứng khởi, niềm vui và nụ cười. Nếu có thể, đừng quên ôm ấp, thơm hôn con mỗi buổi sáng trước khi rời khỏi giường.
3. Thỏa thuận trước khi đi làm việc cá nhân
Đánh răng, rửa mặt, thay quần áo, vệ sinh cá nhân là những công việc, đôi khi tốn thật nhiều nước mắt. Hãy dành chỉ vài phút trước khi rời khỏi giường để thỏa thuận với bé những việc phải làm tiếp theo. Luôn ghi nhớ một điều: trẻ con cực kỳ ‘mẫn cảm’ với việc thay đổi đột ngột và không biết trước việc gì sắp xảy ra. Nói rõ với con, khi con đang vui vẻ buổi sáng, rằng chúng mình sẽ chuẩn bị đi đánh răng, thay quần áo, ăn sáng… High-five, nói chuyện, thoả thuận cho đến khi nhận được sự đồng ý của con.
Một số bé sẽ đưa ra thêm vài ‘yêu sách’ như: con muốn dùng bàn chải này, con muốn dùng cốc súc miệng kia, con muốn mặc áo siêu nhân hay ăn sáng bằng ngũ cốc… Rất hi vọng bạn có thể đáp ứng yêu cầu của bé, nhưng trong những trường hợp không làm được, hãy trao đổi với con như một người lớn, nói rõ lý do bạn không làm được và hẹn sẽ thực hiện điều đó vào một ngày cụ thể.
4. Đánh răng, vệ sinh cá nhân cùng con.
Nếu có thể, đừng để bé đánh răng một mình, cũng đừng chỉ đứng nhìn soi mói con tự làm, hãy làm cùng bé. Bên cạnh việc bé cực thích có bố mẹ làm việc cùng, đây cũng là một công việc vui vẻ bạn có thể bắt đầu ngày mới với con.
5. Không nên quá cứng nhắc.
Chúng ta thường cảm thấy không hài lòng khi con không làm đúng ý mình, nhưng việc quá cứng nhắc, hò hét, quát tháo mỗi buổi sáng chỉ khiến mọi chuyện trở nên tồi tệ. Dù cho bạn không quá nhiều thời gian để hùa theo mấy trò nghịch ngợm của bé hay không có hứng thú với việc ngồi xuống giải thích cho con, nhưng hãy hít thở và tự nhắc nhở bản thân không quá cứng nhắc với những gì bé làm.
6. Cho bé sự lựa chọn.
Thật may nếu bạn không phải lo chuyện ăn sáng của con, một số trường học đã giúp bạn vấn đề này. Nhưng nếu bạn phải tự làm việc đó, hãy cho bé ít nhất hai lựa chọn. Công việc này có thể sẽ tốn của bạn thêm một chút thời gian chuẩn bị tối hôm trước, nhưng lại tránh được mười mấy phút đến nửa tiếng loay hoay với bữa ăn sáng.
Ngoài chuyện ăn sáng, sự lựa chọn cũng sẽ giúp bạn giải quyết nhanh gọn một vài vấn đề khác như: mặc quần áo, đi giày, đội mũ… Hãy ghi nhớ: trẻ con cực thích được tự lựa chọn.
7. Cho bé thời gian để chơi/ Mẹ dành thời gian cho con.
Dù là 1 phút hay 5 phút, nhưng hãy cố gắng cho con một vài phút để chơi và làm điều con muốn. Bạn có thể khuyến khích con làm xong mọi việc cần thiết trước, để đổi lấy vài phút chơi trước khi ra khỏi nhà. Nếu bạn cũng có thể dành được 1-2 phút chơi với con thì quá tuyệt. Hành động dành cho riêng con vài phút này cũng sẽ khiến con có động lực hơn để làm nhanh chóng những công việc cá nhân bắt buộc trước đó.
8. Tự chuẩn bị cho bản thân trước đó.
Nếu bạn cảm thấy quá gấp rút thời gian cho bản thân mình, hãy chuẩn bị những việc đó từ tối hôm trước. Là quần áo, chuẩn bị quần áo, chuẩn bị cơm trưa… là những công việc bạn hoàn toàn không cần để dành đến sáng hôm sau.
9. Báo trước với con giờ rời khỏi nhà.
Hãy báo trước với con giờ xuất phát, chỉ cần 1-2 phút. Hoàn toàn có thể dùng đồng hồ đếm lùi báo thức. Ghi nhớ: trẻ con ghét sự thay đổi đột ngột mà không hề được chuẩn bị trước.
10. Mang tâm thái vui vẻ của một người mẹ vui vẻ.
Không ai muốn nước mắt, gào thét, muộn giờ mỗi buổi sáng, nhưng bạn cũng không cần phải vội vàng, giục giã, lôi xềnh xệch, hay dành thời gian giải thích, nói chuyện, phạt bé. Nếu cần hình phạt, hãy dùng hình phạt nhẹ nhàng nhất là: không nói chuyện với con cho đến khi… (con nói xin lỗi mẹ/con đánh răng xong/ con tự mặc đồ xong…)
Khi bạn chuẩn bị sẵn sàng từng bước như trên và mang trạng thái vui vẻ để đối xử với bé, bé cũng sẽ vui vẻ đáp lại bạn và buổi sáng của hai mẹ con sẽ nhẹ nhàng trôi qua như thế
Các mẹ áp dụng thử nhé