Lời nói có sức mạnh vô cùng lớn. Những lời cha mẹ nói với con khi còn nhỏ có thể khắc sâu trong tâm trí con đến suốt cuộc đời. Do đó cha mẹ cần cẩn trọng với những lời nói ra của mình.
Cha mẹ nói những lời yêu thương và thông thái có thể dẫn đường cho con, giúp con trở nên tốt hơn. Ngược lại cha mẹ nói lời giận dữ, hoài nghi sẽ khiến con nghi ngờ bản thân lâu dài.
Những câu nói tưởng như vô hại của cha mẹ lại có thể gây tác động tiêu cực, thậm chí khiến con tự ti, tổn thương sâu sắc và mất cảm giác an toàn.
Dưới đây là 12 câu nói mà cha mẹ nên tránh nói với con trẻ và câu nói thay thế mà chuyên gia khuyên cha mẹ nên dùng.
1. “Bố mẹ rất tự hào về con!”, “Làm tốt lắm!”
Câu nói này nghe có vẻ vô hại nhưng lại là một cái bẫy nguy hiểm. Khi cha mẹ khen con trong mọi việc kể cả nhỏ nhất như ăn xong một bữa cơm hay vẽ một bức tranh, thì lời khen sẽ trở nên vô nghĩa.
Thay vào đó, hãy khen con những điều cụ thể, liên quan đến những thành tựu con đạt được, và khuyến khích con tự biết tự hào vì việc con đã làm tốt.
Câu nói thay thế: “Con hẳn phải rất tự hào vì tác phẩm của mình” hoặc “Con giải câu đố này nhanh quá!”
2. “Đợi lát nữa bố/mẹ con về…”
Khi con mắc lỗi, nhiều bố/mẹ hay nói câu “Đợi lát nữa mẹ/bố con về (sẽ xử lý con)” như một lời đe dọa.
Tuy nhiên câu nói này vô tình đã “trì hoãn” hậu quả hành vi sai trái của con, và đến khi mẹ/bố trở về nhà, con đã quên mất chuyện xảy ra trước đó rồi.
Bên cạnh đó, việc lấy vợ/chồng mình ra để dọa con sẽ biến vợ/chồng bạn bỗng nhiên thành “vai ác”, cũng như làm giảm uy quyền của bạn trong việc nuôi dạy con cái.
Hãy tự mình xử lý và giải thích cho con vì sao con không nên làm như vậy và việc đó khiến bạn buồn lòng ra sao.
Câu nói thay thế: “Con đừng làm như vậy nữa. Nó làm bố/mẹ buồn lắm vì…”
3. “Ngày hôm nay của con thế nào?”
“Ngày hôm nay của con thế nào?” thực tế là một câu hỏi sáo rỗng, và thường thì câu trả lời bạn nhận được cho câu nói này cũng sẽ chỉ dài 1 đến 2 từ mà thôi.
Nếu bạn thực sự muốn biết một ngày của con mình như thế nào, hãy nỏi câu hỏi cụ thể hơn để khuyến khích con trả lời chi tiết và dài hơn.
Câu nói thay thế: “Hôm nay con có chuyện gì vui nhất?”
4. “Chưa ăn cơm xong thì không được ăn tráng miệng.”
Câu nói này sẽ làm tăng giá trị của món tráng miệng, giảm niềm vui của việc thưởng thức bữa ăn, khiến nó trở thành nhiệm vụ, trách nhiệm cần hoàn thành.
Hãy thay đổi cách diễn đạt, để con cảm thấy cả cơm và đồ tráng miệng đều ngon, nhưng chúng cần được ăn theo thứ tự nhất định.
Câu nói thay thế: “Đầu tiên mình ăn cơm trước, sau đó mình sẽ ăn tráng miệng.”
5. “Nhanh lên!”
Khi bạn thúc giục con làm việc gì đó nhanh hơn, bạn sẽ làm tăng căng thẳng, áp lực cho con, khiến con sợ muộn hoặc lỡ việc gì. Hãy đổi cách diễn đạt nhẹ nhàng hơn để con cảm nhận được bạn và con là cùng một đội.
Câu nói thay thế: “Bố/mẹ con mình nhanh lên nào” hoặc “Bố/mẹ con mình thi xem ai đi giày nhanh hơn nhé!”
6. “Để bố/mẹ yên!”
Nếu bạn gạt con sang một bên như vậy, dần dần con sẽ cho rằng việc nhờ bố mẹ giúp đỡ hoặc cho lời khuyên là vô ích, vì bố mẹ lúc nào cũng bận.
Khi trẻ không nhận được đủ sự quan tâm từ bố mẹ khi còn nhỏ.
Câu nói thay thế: “Có việc gì vậy con?” hoặc “Đợi bố/mẹ 1 phút làm xong việc này rồi mình nói chuyện được không?”
7. “Con thật đáng xấu hổ!”
Con có thể quá nhỏ để hiểu xấu hổ nghĩa là gì. Cụm từ vô nghĩa đó không giúp trẻ hiểu rằng mình đã làm gì sai. Ngoài ra việc hạ nhục trẻ có thể khiến trẻ hung hăng hơn.
Hãy giải thích cho con rõ rằng hành vi của con sai ở đâu và làm thế nào để tránh mắc lỗi tương tự trong tương lai.
Câu nói thay thế: “Việc con làm khiến bố/mẹ thấy rất buồn, bởi vì…”
8. “Đừng khóc nữa!”
Khóc là điều hoàn toàn bình thường, ngay cả khi bạn cảm thấy lý do con khóc rất vớ vẩn. Câu nói “Đừng khóc nữa” sẽ gạt đi cảm xúc của con, khiến con cảm thấy cảm xúc của mình không quan trọng và không dám bày tỏ cảm xúc nữa.
Thay vào đó, bạn cần phải thể hiện sự quan tâm của mình bới con, rằng bạn muốn giúp đỡ con.
Câu nói thay thế: “Có chuyện gì vậy con?” hoặc ‘Chuyện gì đã làm con buồn?”
9. “Chẳng có gì phải sợ cả!”
Câu nói này sẽ chẳng làm con bạn bớt sợ hơn nếu con đang sợ hãi. Nó còn truyền tải thông điệp rằng bạn đang đánh giá thấp cảm xúc của con.
Thay vào đó, hãy tỏ ra đồng cảm với con, trò chuyện cùng con về nỗi sợ và nguyên nhân.
Câu nói thay thế: “Bố/mẹ biết con đang sợ, bố/mẹ ở cạnh con đây.”
10. “Vì bố/mẹ đã nói rồi!”
Câu nói này không giúp trẻ hiểu vì sao con phải làm gì hay không làm gì theo mệnh lệnh của bạn. Nó khiến con cảm thấy con không có quyền làm bất cứ điều gì và luôn chịu sự kiểm soát của bạn.
Thay vì ra lệnh, hãy đưa ra những lời hướng dẫn đơn giản và giải thích ngắn gọn nguyên nhân đằng sau câu nói của bạn.
Câu nói thay thế: “Đến giờ tắt TV đi làm bài rồi.”
11. “Bằng tuổi con bố/mẹ đã làm được việc này rồi!”
Mỗi đứa trẻ sẽ phát triển theo cách khác nhau. Đừng bao giờ so sánh trẻ với người khác, kể cả chính bạn.
Thay vào đó, hãy dạy con cách làm những việc con chưa biết làm.
Câu nói thay thế: “Để bố/mẹ dạy con cách làm nhé.”
12. “Bố/mẹ thật thất vọng vì con”
Câu nói “Bố/mẹ thất vọng vì con” cũng giống như “Con làm bố mẹ quá thất vọng”, khiến con cảm thấy con không đáp ứng được kỳ vọng của bố mẹ.
Hãy giải thích hành động của con khiến bạn cảm thấy thế nào mà tránh dùng từ “thất vọng” hay “làm thất vọng”.
Câu nói thay thế: “Việc con làm khiến bố/mẹ buồn lắm, vì…”