Đúng là chẳng có cái cực nào giống cái cực nào. Đi làm con buôn, đối tượng bị miệt thị một thời, gắn liền với thành ngữ “con buôn ép giá”, bây giờ người ta gọi là doanh nhân – giống như con hát bị vua Tự Đức mắng là xướng ca vô loài, giờ được gọi là ca sĩ. Mà thật ra, ở đất nước này, làm gì có doanh nhân, chỉ có nhóm người tự nhận mình và 1 nhóm trông giống giống doanh nhân mà thôi. Nếu chỉ mở 1 cty để trở thành doanh nhân thì ai cũng làm được. Nên nghe ai nói tôi là doanh nhân, nghe buồn cười không chịu được. Hôm bữa gặp chị kia, trang điểm mắt xanh lè, môi lem luốc, vú móm lòng thòng, nói chị là nữ doanh nhân nè em, chị mới mở công ty. Có ông làm cò đất, vài năm trúng nên lên luôn đại gia, gia nhập hội doanh nhân, tức 1 nhóm người biết mặc vét, đi xe hơi và có đi quánh golf và hay đi họp hiệp hội. Hôm bữa có tham dự hội thảo nói về 3 kịch bản bất động sản của thành phố ta, thấy mấy ông ngồi họp ở Caravel Hotel mà kéo quần lên đầu gối, chắc cho mát, lòi chân phèn và lông lá 1 đống, sau đó ra đưa card nói anh là nam doanh nhân thành đạt ở Hóc Môn nè em. Đứng gần hôi nách không chịu được và đôi giày Ý nhưng vớ Trung Quốc, lâu không thay nên bốc mùi thum thủm. Nhưng thôi, khách hàng mà, ráng nịnh.
Cũng lớn tuổi nên Tony suốt ngày líu lo nịnh bợ the so-called đại gia hay doanh nhân gì đó, thì mệt mỏi vô cùng. Lúc Tony còn đi buôn sắt thép cho các đại gia xây dựng, đi nước ngoài suốt. Đạt doanh số, các đại gia được các suất đi tham quan. Ở trong nước thì kẻ hầu người hạ, lên xe xuống ngựa quen nên đi ngoại quốc (ý nói mấy nước phát triển) đại gia bức xúc lắm. Không đi ngoại quốc thì lúc trà dư tửu hậu ở VN không có gì để khoe, nên cực chẳng đã phải đi. Cặp chân chắc lâu quá không sử dụng nên teo tóp (đại gia hay vén ống quần lên là vì vậy). Nhất là khoản đi bộ, từ ga tàu điện đến chỗ cần đến, thậm chí taxi hay xe bus cũng vậy, ít khi nào ở ngay vị trí cần đến, thường phải đi bộ. Thế là các đại gia kêu mỏi chân, chê bai là hẻm bằng Việt Nam. Nhưng rút ngắn lịch trình thì không ai chịu, phải tới cho bằng được chỗ nổi tiếng đó để chụp cái hình (các cty du lịch ghi trên tour chi chít điểm tham quan mới mong bán được tour là vì vậy). Nhu cầu khoe của đại gia cao hơn nhu cầu tìm hiểu văn hóa lịch sử của điểm tham quan, nên rút kinh nghiệm, chỉ cần đưa đến và chụp hình, không cần thuyết minh làm chi cho mệt. Đi du lịch cốt để chụp hình, tụi Mỹ nó nói là Chinese-style tourism, tức du lịch kiểu Trung Quốc, hẻm biết vì sao lại gọi vậy nữa.
Một nhóm các đại gia đi chung thì phải hết sức khéo léo, vì người nọ muốn hơn người kia (A mua đồng hồ 5000 usd thì B sẽ phải mua 6000 USD để… hơn A), nên việc tiết lộ giá tiền là điều không nên với người hướng dẫn. Rồi ăn uống, sẽ phải ăn có nước mắm, chanh và ớt, dù là cao lương hay mĩ vị gì của Tây Tàu đều không hợp khẩu vị, nên vượt qua cửa ải hải quan để mang theo các gia vị này là điều phải làm. Nếu không thì phải mua ở các siêu thị người Việt or Tàu, kẻo các đại gia không hài lòng, đùng đùng bỏ về khách sạn ăn mì tôm. Đi sở thú, đại gia có thói quen khoe là tao đã kinh qua rồi mặc dù trong lòng cũng tò mò muốn coi nhưng phải nói kiểu chảnh mới được, nên phải khéo léo năn nỉ đi đến cho đủ điểm tham quan, năn nỉ 1 câu là gật đầu ngay. Ví dụ đi ngang qua chuồng hổ, đại gia Bình Dương sẽ nói nhà tao có nuôi, khỏi coi, đại gia Hà Nội sẽ nói tao có ăn thịt rồi, khỏi coi, hay đại gia Cà Mau (không muốn mình bị xem là cà chậm), sẽ nói, tao có uống… cao hổ cốt rồi, khỏi coi…. Câu hỏi mà đại gia nào cũng cười ngây ngất là “chắc sếp đã ăn thịt con này rồi ấy nhỉ”….
Thêm nữa là chuyện nhà và chuyện xe. Biệt thự và xe hơi là 2 trong 3 yếu tố quan trọng cấu thành nên đại gia Việt (yếu tố thứ 3 là chân dài-sẽ nói sau), nên các đại gia có sở thích là đi ngoại quốc rồi tranh thủ mua biệt thự cho con nó sang học, đi ngắm các siêu xe để ưng bụng thì “nói nó tính giá rồi giao về VN cho anh/chị”. Nên Tony đâu có muốn đi châu Âu đâu, ngồi máy bay mấy chục tiếng ê đít thấy mẹ, nhưng vì mấy lão đó muốn đi Ba Lê coi tháp Ép Phen, rồi qua Luân Đôn coi đồng hồ Bit Ben, rồi qua Milan mua giày da bóp da, coi xe Phe Ra Ri, đi Thụy Sĩ coi cáp treo núi An Pơ… nên phải chiều. Có điều “Á Á dạ dạ… em qua liền” (mai viết tiếp, đang ở khách sạn, đại gia gọi qua phòng coi 他们今天买的东西- đi lẹ sợ đại gia giận, quýnh quáng nên đang ở Ý, không nói tiếng Ý mà nói lộn tiếng Tàu mới ghê.