Chia sẽ của mẹ Hồ Thị Hải Âu: NĂNG LỰC TẬP TRUNG CAO ĐỘ ĐỂ HỌC TOÁN

NĂNG LỰC TẬP TRUNG CAO ĐỘ ĐỂ HỌC TOÁN – 
CẦN CÓ CHIẾN LƯỢC VÀ PHƯƠNG PHÁP RÈN LUYỆN CHO TRẺ 

VÌ PHẨM CHẤT NÀY KHÔNG TỰ NHIÊN MÀ CÓ! 
**************
I/ TRƯỚC HẾT, CHA MẸ NÊN TỪ BỎ TẬP QUÁN TƯ DUY NGỤY TẠO!

Mình trích dẫn câu này, bạn đọc xem có thấy quen không nhé: “Ôi, con nhà mình chán lắm cơ, bài khó thì làm được, bài dễ lại sai. Nó rất thông minh, chỉ tội cẩu thả và thiếu tập trung thôi!”. 
Trong nhiều cuộc trao đổi giữa các cha mẹ với nhau về tình tình học tập môn toán của các cháu, ở nhiều giai đoạn trong suốt 12 năm học phổ thông của con gái, mình vẫn thường nghe câu này. Nghe mãi thành quen, giờ chỉ cần ai nói câu đầu: “Nó thì thông minh…” là mình có thể biết ngay câu cuối sẽ thế nào.
Từ ngày Minh Khuê vào tiểu học, đến giờ mình vẫn thường nghe câu nói quen thuộc ấy, từ những người hoàn toàn xa lạ, chưa hề quen biết nhau. Bạn có thấy lạ không? Bạn có thấy một dòng chảy âm thầm mà sâu bền trong cách tư duy của những cha mẹ Việt giống nhau như thế nào không? 
Trước ngày Minh Khuê sang Mỹ để gia nhập vào cộng đồng Harvard University, hai mẹ con lại được nghe câu nói quen thuộc ấy, chúng mình nhất trí không biết đặt nó vào loại câu cảm thán tiêu cực hay cảm thán tích cực. Nó được hai mẹ con đồng tình ném vào cái sọt bin có dán nhãn “Kiểu tư duy ngụy tạo”.
Minh Khuê bật cười nói: “Ở Việt Nam, “năng khiếu bẩm sinh” bao giờ cũng được đính kèm với hai thứ “cẩu thả” và “không tập trung”. Có cảm giác như các cha mẹ phải đính kèm hai thói xấu đó sau từ “thông minh” mới lột tả hết “đẳng cấp” năng khiếu bẩm sinh của con họ. Và, chỉ cần “thông minh bẩm sinh”, chỉ cần “năng khiếu bẩm sinh” thôi là đủ để phân loại đẳng cấp, nếu thiếu hai thói quen xấu là “cẩu thả” (đối lập với phẩm chất cẩn thận, nghiêm túc) và “không tập trung” thì có vẻ yếu tố “thông minh bẩm sinh” xem ra không được nhấn mạnh đúng mức? 
Đây là một khía cạnh tâm lý “tự hào đương nhiên về yếu tố nòi giống” luôn được làm mạnh lên, luôn là một liều thuốc an thần, giúp cho các bậc cha mẹ bớt bất an theo kiểu suy luận: “Nó thông minh bẩm sinh, giá trị mà con nhà khác, dù có tiền cũng không mua được, kiểu gì rồi con mình cũng nên người, các cụ nói không sai: “Con vua thì lại làm vua” mà!” 
Mình đồng ý với Minh Khuê về nhận định này, bổ sung một gợi ý có tính tham chiếu: Cũng giống kiểu suy luận “Là văn nghệ sỹ thì phải bẩn thỉu, nhếch nhác, rượu chè bê tha, say xỉn, bồ bịch nhăng nhít… nếu khác đi thì danh xưng “nghệ sỹ” sẽ không được “xịn”!
Phải chăng, tâm lý tự thôi miên, tự huyễn tưởng, con cái “sở hữu” trí thông minh bẩm sinh”, ngay từ trong GEN, được kế thừa nòi giống từ gia phả lịch sử xa xăm nào đó, vân vân, khiến nhiều cha mẹ tự ru ngủ mình trong mê lộ của thói tư duy ngụy tạo. Lâu dần, bản thân họ cũng không còn khả năng nhận ra sự vô lý của lối tư duy đó, không thoát khỏi lối tư duy đó, mắc dính vào nó… rồi mặc định một cách nhìn kỳ lạ: “Người thông minh thì thường đại khái, cẩu thả, không nghiêm túc, còn những kẻ kém thông minh thì mới phải cần cù, chăm chỉ”, thế mới có câu thành ngữ: “Cần cù bù thông minh!” 
(*) Các bậc cha mẹ bị mắc dính vào tập quán tư duy ngụy tạo, hẳn sẽ nuối tiếc vô cùng khi họ biết rằng, khoa học giáo dục cũng như chính những “tài năng bẩm sinh”, khi thành công cũng đã thừa nhận rằng, thông minh hay “năng khiếu bẩm sinh”, tùy mức độ, nhưng cùng lắm yếu tố này cũng chỉ chiếm từ 10%-20% quyết định của thành công, 10% là yếu tố thầy giáo/người huấn luyện, còn lại 70%-80% là do các phẩm chất nỗ lực của cá nhân như: sự khổ luyện bền bỉ, thái độ nghiêm túc, khả năng hứng chịu áp lực, tính kiên trì, đức tin, lòng đam mê, tình yêu cháy bỏng, vân vân, quyết định. 
Nguy hiểm hơn, chính từ lối tư duy ngụy tạo, niềm tự hào sở hữu “trí thông minh bẩm sinh” khiến cho nhiều cha mẹ đã có thái độ “kỳ thị” ngược rất nực cười. Suốt 12 năm phổ thông, không ít lần, sau các cuộc thi lớn bé về môn Toán mà Minh Khuê tham gia, cô bé đều đạt được những kết quả khả quan, thậm chí là xuất sắc. Những lúc ấy, hai mẹ con mình đã nhận được những lời chia sẻ na ná thế này: “Ôi, con nhà mình chán lắm cơ, bài khó thì làm được, bài dễ lại sai. Nó rất thông minh, chỉ tội cẩu thả và thiếu tập trung thôi! Con gái nó cần cù chăm chỉ, thành ra lại hóa hay”; Một người khác đế vào: “Chưa biết mèo nào cắn mỉu nào, cứ phải lên cấp 3, bọn con trai nó thông minh lắm, nó bứt lên ngay ấy mà…” hoặc “Này nhé, thông minh và tài ba là từ chỉ dành cho bọn con trai thôi…” vân vân.
Hay, ngược lại, có bậc cha mẹ lại “quay lưng” với môn toán, “kỳ thị” kiểu này: Sao cứ phải giỏi toán? Mình ngày xưa cũng dốt toán, sợ học toán thế mà bây giờ cũng ổn, có phải cứ học giỏi toán mới là thông minh đâu? Ở Mỹ có thế đâu? 
(*) Dẫu sao, hai cách kỳ thị ấy, thực ra lại cho thấy một sự lúng túng giống nhau của các bậc cha mẹ: họ bị nhầm lẫn về mục tiêu, mục đích rèn con học toán – họ tự trói chặt hiểu biết của mình vào suy nghĩ: cho con học (may mắn mà học giỏi thì tốt quá!) môn gì đó cuối cùng là để phục vụ cho nghề nghiệp trong tương lai!
Với hiểu biết của mình, mình có quan điểm rõ ràng: Toán học là phương tiện, là môn học (cùng với 5 nhóm môn khác) chứa đựng nhiều tiềm năng để rèn luyện TỐ CHẤT TỔNG LỰC, PHẨM CHẤT TỔNG LỰC cho một cá thể – để cá thể đó có được cốt lõi minh tuệ, vững vàng hơn SO VỚI CHÍNH NÓ NẾU KHÔNG ĐƯỢC RÈN LUYỆN VÀ BỒI DƯỠNG ĐÚNG CÁCH. 
Dấu vết của lối tư duy ngụy tạo thể hiện rất rõ, khi bạn nghe những người ngồi quán bia hơi chém gió, “Mẹ kiếp, thằng ấy ngày xưa đi học ngu bỏ mẹ, bọn tớ toàn gọi nó là con lừa, chỉ được cái chăm, thế mà bây giờ nó nhà lầu xe hơi, vợ đẹp… còn mình thì vẫn là thằng làm công ăn lương. Đúng là đời có số, chả biết thế nào mà lần!”. 
Trong tâm thức người Việt đã có một lối mòn suy luận như sau: tư duy ngụy tạo từ cha mẹ truyền lại cho con cái, thông qua những thói quen, tập quán ứng xử thường ngày như kể trên, chính điều đó là mảnh đất mầu mỡ để nuôi dưỡng thói ngạo mạn vô lối ở trẻ, đặc biệt là trẻ trai (ta đương nhiên thông minh) mặc dù những phẩm chất xã hội như sự chuyên cần, tính tập trung cao độ, thái độ nghiêm túc, vân vân không được rèn luyện gì. Mang cái ngạo mạn (ngã mạn) ấy vào đời và vấp ngã, thất bại liên tiếp, tạo ra tâm lý bất mãn, đổ lỗi cho ngoại cảnh. Lúc này, biểu hiện của thói ngạo mạn, chém gió, phán xét, chẳng qua chỉ là cách để che giấu sự tự ty kém cỏi của bản thân trước dòng chảy “vô thiên vị” của xã hội. 
Những trẻ vì sự thiếu hiểu biết của người lớn, được nuôi dưỡng thói ngạo mạn từ bé, dần rơi vào tâm trạng của kẻ mang chủ nghĩa thất bại tự ty, yếm thế, đôi khi biến thái thành sự hằn học, cay nghiệt.. vì càng sống, càng ôm cái ngã mạn ấy, càng nhận ra cái gọi là “thông minh bẩm sinh” mà không được rèn luyện giáo dục chẳng đem lại bao nhiêu giá trị cho anh ta trước xã hội. 
II/ RÈN LUYỆN PHẨM CHẤT TẬP TRUNG ĐỂ HỌC TOÁN
(*) KHÔNG NHẤT THIẾT PHẢI CÓ NĂNG KHIẾU BẨM SINH MỚI HỌC GIỎI TOÁN
Đánh giá năng lực tư duy logic của con để tìm phương pháp học tập có hiệu quả nhất – mục tiêu số một của việc cần học toán tốt chính là để tăng cường tố chất toàn vẹn cho con (6 môn trụ cột có ý nghĩa bồi dưỡng phẩm chất tố chất toàn vẹn cho một cá thể: Toán – Nhân văn – Piano – Hội họa – Ngoại ngữ – Thể thao). Theo tinh thần đó, không chỉ môn toán, mà với bất cứ môn học nào, mình cũng không áp đặt một kỳ vọng cụ thể về tương lai, nên lộ trình thật kiên định, bền bỉ, thư thái, an nhiên và gặt hái được nhiều lợi lạc trong việc rèn luyện tích lũy những phẩm chất tố chất não bộ, phẩm chất tố chất xã hội cần thiết cho con! 
Lớp vỏ đại não (hay còn gọi là vùng tư duy của Đại não) chủ về tư duy logic là phần hoàn tất sau cùng trong quá trình tiến hóa của con người; nó phát triển từ khi con người cần ngày một nhiều hơn những công cụ lao động tinh vi để hỗ trợ cho hoạt động kiếm ăn, sinh tồn và bảo vệ duy trì nòi giống. Do đó, tư duy logic là tư duy ý chí, chủ động và thực tiễn. 
Kiểu tư duy logic, đương nhiên khác hẳn so với kiểu tư duy toàn vẹn, hình tượng, dự cảm, tình cảm, biểu trưng và không cần sát thực tiễn, đầy tính chủ quan trong cách nhìn, cách cảm (hay còn gọi là “Vùng tình cảm của đại não” (Não cho bú). Đây là dạng tư duy sống động, bản năng, tiềm năng được phát triển rực rỡ khi con người còn chưa quan tâm đến công cụ lao động, sinh tồn dựa vào tự nhiên là chính, nên mặc dù có sự nhạy cảm, mẫn cảm tuyệt vời của loài thú, nhưng tư duy kiểu này thiếu hẳn phẩm chất thực tế, khách quan và cụ thể. 
Bán cầu đại não phải chủ về tư duy hình tượng và bán cầu đại não trái chủ về tư duy logic thực tiễn, khách quan. 
Những chỉ dẫn của khoa học giải phẫu não, đã cho mình một minh triết rằng, trẻ nhỏ dưới 10 tuổi, đều có cảm hứng với tư duy hình tượng, tư duy toàn vẹn, sống động nhưng thiếu thực tiễn, thiếu chủ động, thiếu khách quan. 
Trẻ dưới mười tuổi là biểu hiện đẹp đẽ của quá trình tiến hóa của loài người ở giai đoạn HỒN NHIÊN, chúng thích kiểu tư duy đẹp đẽ, trực quan sinh động, đầy dự cảm, biểu cảm, đầy dấu ấn chủ quan và phóng chiếu. Ngược lại chúng rất ghét kiểu tư duy chủ động ý chí, tư duy thực tế, cụ thể cứng nhắc và không toàn vẹn… đó là kiểu tư duy của bán cầu đại não trái – tư duy logic. 
Hiểu biết về “thế mạnh” tư duy của não bộ qua từng thời kỳ phát triển, đã cho mình nhận thức, đại đa số (trừ những trường hợp cá biệt, không mang tính phổ quát) trẻ em rất ghét học toán bởi sự khô khan, cứng nhắc, đòi hỏi kiểu tư duy ý chí, chủ động, thực tế, cụ thể mà không có vẻ đẹp sinh động nào trong đó. 
Thực tiễn, trong nhiều phỏng vấn những người trưởng thành, đã thành công là nghệ sỹ biểu diễn piano cổ điển (âm nhạc bác học) và các giáo sư, viện sỹ toán học cơ bản… thì mình thấy, ngay cả những con người đã dâng hiến và theo đuổi sự nghiệp của mình suốt đời, đã thành công vang dội, hoặc có một bề dày cống hiến đáng kính phục , thì thuở bé thơ họ cũng rất ngại và ghét hai môn đó, lý do đưa ra rất ngắn gọn: Rất khô cứng, rất nhàm chán và đòi hỏi rất nhiều khổ luyện… không phù hợp với bản tính thích tự do khám phá, tò mò của trẻ nhỏ. 
(*) Đọc đến đây, chắc hẳn bạn sẽ an tâm hơn khi biết rằng, đâu chỉ con bạn mới sợ và ngại học toán – Đó là tất yếu của quy luật phát triển não bộ theo lứa tuổi, là quy luật phổ quát và chúng ta nên chủ động quán chiếu để vạch ra một lộ trình hợp lý, thấu đáo, không mơ hồ, nhằm hỗ trợ con cái bước qua từng giai đoạn học toán một cách hữu ích, nhẹ nhàng và hiệu quả nhất!
(***) Cá nhân Minh Khuê , từ nhỏ đã bộc lộ xu hướng thuận tay trái và mình không có chủ trương “nắn” con gái thuận theo tay phải, nhằm phù hợp với nhiều sắp xếp mặc định của xã hội loài người văn minh. Điều này, cho thấy, Minh Khuê sẽ có những lợi thế nhất định trong việc rèn luyện trí thông minh toàn vẹn như tư duy hình tượng, tư duy không gian, nhậy cảm về ngôn ngữ, âm nhạc, nhậy cảm về màu sắc, nhạy cảm với những hành vi phi ngôn ngữ để cảm nhận về một con người vân vân… Tuy nhiên, bạn ấy có thể sẽ gặp hạn chế và trở ngại nhất định trong việc học toán, kiểu tư duy thực tế, chủ động, ý chí và khách quan. 
Chủ động nhận thức được những điểm mạnh, điểm yếu trong xu hướng tư duy của con gái, mình tự vạch ra một lộ trình để giúp con gái tăng tiến dần mọi phẩm chất của con được hoàn hảo nhất trong bản thể DI TRUYỀN – đúng như nhà giáo dục học Dewey đã nói: “Giáo dục là lần khai sinh thứ hai!” 
Nói về quan điểm sở trường sở đoản, hay nói cách khác là “thế mạnh” và “hạn chế” của mỗi cá thể, trong thành ngữ của người Ý có câu rất sâu sắc: “Sức chứa rượu của chiếc thùng gỗ sồi được quyết định bởi thanh gỗ NGẮN NHẤT, mọi thanh gỗ DÀI HƠN đều trở nên vô nghĩa và chiếc thùng trở nên vô giá trị nếu những thanh dài không cưa bằng thanh gỗ NGẮN NHẤT. 
Cuộc đời cũng vậy, phẩm chất của một cá thể, sức vươn của một nội lực sẽ quy định bởi yếu tố SỞ ĐOẢN của anh ta. Do đó, việc chú trọng để nâng cao, tăng cường, bồi dưỡng để sở đoản ngày càng cải thiện, tiệm tiến đến những yếu tố sở trường, chuyển hóa thành sở trường, có giá trị tương hỗ thúc đẩy những yếu tố khác có cơ hội phát triển tốt nhất.
III/ LỘ TRÌNH VÀ CÁC GIẢI PHÁP ĐỂ GIÚP MINH KHUÊ RÈN LUYỆN NĂNG LỰC TẬP TRUNG CAO ĐỘ, NĂNG LỰC TƯ DUY THỰC TIỄN TRONG HỌC TOÁN
Lộ trình rèn luyện năng lực tư duy thực tế, năng lực tư duy logic, cụ thể, khách quan của Minh Khuê để học toán tốt hơn, gồm 3 dự án sau , thứ tự cũng chính là thứ tự thực hiện trước sau theo thời gian: 1/ Học và luyện đàn piano kiên định theo trường phái âm nhạc bác học. 2/ Dạy con luyện tập với phương pháp tư duy logic thú vị, giúp con có cách tư duy đơn giản, bản chất và không bị mắc dính vào những suy nghĩ mặc định trước đó. 3/ Viết chính tả số điện thoại: Rèn luyện kỹ năng tập trung cao độ, kỷ luật, và tư duy thực tế, khách quan cải thiện rõ rệt khả năng hấp thụ môn toán của Minh Khuê.
1/ HỌC VÀ LUYỆN ĐÀN PIANO THEO TRƯỜNG PHÁI ÂM NHẠC BÁC HỌC. 
*Từ những nghiên cứu khoa học đã chứng minh, sự tuần thục và hoàn chỉnh trong phát triển của hai bán cầu đại não người có liên quan chặt chẽ với hoạt động của hai tay: Bán cầu đại não phải – chủ về tư duy hình tượng, tính toàn vẹn, khái quát, tư duy hình ảnh, nghệ thuật, ngôn ngữ … có liên quan đến sự thuần thục của tay trái; Bán cầu đại não trái – chủ về dạng tư duy logic, tư duy phân tích, tuyến tính, toán học, khoa học, siêu hình… có liên quan mật thiết đến sự thuần thục của tay phải!
** Trong quá trình tiến hóa của xh văn minh loài người, xu hướng sử dụng nhiều hơn tay phải trong mọi hoạt động, thuận tay phải,đồng thời dẫn đến thực trạng các công cụ lao động, đồ vật được chế tạo, sản xuất phục vụ nhu cầu của con người đều dành cho người thuận tay phải. Thực tế này dẫn đến một hệ quả hiển nhiên là, bán cầu đại não trái được tập dượt nhiều hơn, thành thục hơn so với bán cầu đại não phải – bán cầu có liên quan mật thiết với hoạt động của tay trái. 
*** Từ hai hiểu biết khoa học trên, giúp mình nhận ra rằng, luyện tập cùng chiếc đàn piano (dương cầm) là một giải pháp tuyệt vời để giúp đứa trẻ cân bằng lại sự thuần thục của hai bán cầu đại não, khi tuổi não bộ vừa phát triển trọn vẹn (cả về thể tích, chất lượng và trọng lượng theo như khoa học đã chứng minh) ấy là lúc trẻ tròn 4 tuổi. 
Vì sao vậy? 
Vì piano là nhạc cụ đòi hỏi người tập luyện phải sử dụng hai bàn tay cân bằng ; mỗi ngón tay đảm nhiệm những nhiệm vụ và các phím khác nhau, nhưng nhìn chung, chúng đều phải làm việc ngang nhau về cường độ, độ khéo léo cũng như độ nhanh nhậy… Điều đó, mang tới một giá trị/ một hiệu ứng kép, đó là rèn luyện cho hai bán cầu đại não của trẻ sự thuần thục tương đương, không bị thiên lệch, giúp trẻ dần sở hữu một não bộ tư- duy- cân- phương hoàn hảo và hài hòa nhất của bản thể chúng!
Đặc biệt, điều này rất rõ ràng khi trẻ luyện bộ Bình quân luật (Fuga và Prelude) của nhà soạn nhạc J.Bach và các bài luyện ngón etude
**** Nếu bạn đã từng nghe nói rằng “hình tượng âm nhạc của tác phẩm” là một cụm từ quen thuộc khi bình luận về một tác phẩm âm nhạc cổ điển – bác học nào đó, thì dường như, bạn đã nhận ra sự liên quan (hay tính phụ thuộc, kết nối lẫn nhau) giữa âm nhạc bác học với hội họa, văn học, điêu khắc… vân vân, tức là sự giao thoa giữa các loại hình nghệ thuật khác với nhau là khá rõ nét. 
(*) Tuy nhiên, bạn khó lòng nhận ra mối liên hệ khăng khít giữa ÂM NHẠC HÀN LÂM BÁC HỌC VỚI TOÁN HỌC, và giữa hai lĩnh vực này có sự tương hỗ kỳ diệu khiến mình phải kinh ngạc!
(*) Nếu trong toán học cơ sở, gồm có 9 chữ số tự nhiên từ 0 đến 9; và từ 9 chữ số đó sẽ là một vũ trụ thiên biến vạn hóa các giá trị hoàn toàn khác nhau. Ví dụ: số 1 và số 2 đứng cạnh nhau, nhưng chỉ cần hoán đổi vị trí, thì giá trị của chúng là hoàn toàn khác nhau. Âm nhạc bác học – cổ điển cũng vậy: chỉ từ 7 nốt nhạc cơ bản: Đô – rê – mi – pha – xon – la – xi phối hợp với dấu thăng giáng đi kèm… đã mang tới cho nhân loại một vũ trụ bao la những giai điệu, những tác phẩm đồ sộ hoàn toàn khác nhau, điển hình là tác phẩm của các thiên tài: L. van Beethoven; Mozart; Haydn, J. Bach…
Điều này cho mình gợi ý: khác với ngôn ngữ, bạn có thể dựa vào văn cảnh, câu đứng trước, câu đứng sau, thậm chí dựa vào cả bài viết, bài nói, để đoán biết một từ bạn vừa nghe thoáng qua, mà 99% là đoán đúng! 
Ngược lại, trong toán học và âm nhạc bác học, bạn không được phép tư duy kiểu “hình tượng/hình ảnh” như thế! Bạn phải tập trung cao độ để nhận thấy sự khác biệt, hoán đổi vị trí của con số (trong toán học) hay nốt nhạc (trong âm nhạc) để nắm bắt và tin chắc chúng “mang – giá – trị” nào, chứ không thể phỏng đoán và dùng phép loại trừ như cách tìm giá trị của từ ngữ! 
Như vậy, cả toán học và âm nhạc bác học đều yêu cầu một dạng phẩm chất trong tư duy, đó là: tính tập trung cao độ; tính thực tế khách quan, không áp đặt chủ quan; tính kỷ luật tuyệt đối trong nghiên cứu/tìm tòi và khổ luyện! 
Hiểu biết khoa học này rất thuyết phục khi mình biết rằng, có nhiều nhà toán học/khoa học lừng danh thế giới, đồng thời là nhà soạn nhạc và là pianist rất “chuyên nghiệp” như:
Pythagoras – Triết gia người Hy Lạp/nhà toán học/nhạc sĩ, pianist 
Albert Einstein – nhà vật lý học/ pianist và violin 
Enrico Fermi – nhà vật lý học/chơi piano 
Richard Feynman – nhà vật lý học/ hoạ sĩ 
Werner Von Braun – nhà khoa học tên lửa/chơi piano và cello 
Edward Teller – nhà vật lý học/ Pianist 
Albert Schweitzer – bác sĩ/ pianist và chơi organ nổi tiếng thế giới đặc biệt, ông chơi những tác phẩm của J. Bach rất hay. 
Gerald Edelman – Nobel sinh học/chơi violin
và danh sách này còn kéo dài nữa, nếu bạn quan tâm tìm hiểu! 
GHI CHÚ: 
Phần (1) được trích đoạn từ bài viết: trả lời 6 câu hỏi mấu chốt để đồng hành cùng con luyện đàn piano
2/ CÙNG CON GÁI LUYỆN TẬP PHƯƠNG PHÁP TƯ DUY LOGIC, TƯ DUY ĐI THẲNG VÀO CỐT LÕI, BẢN CHẤT MỘT CÁCH THÚ VỊ và không bị mắc dính vào những mặc định trước đó.
Trong cuộc sống hàng ngày, mình nhận ra, cách để dạy con hay nhất của một người mẹ là vừa làm việc vừa cuốn hút trẻ cùng làm, cùng chơi và đưa ra những câu đố vui, dí dỏm, kiểu như: 
*Mẹ Hải Âu: Đố Khuê, con gà mái của nhà ông A, chạy qua vườn của bà B và đẻ một quả trứng, vậy quả trứng là của ai?
*Khuê: của con gà mái ạ! 
Mẹ: Ô con giỏi quá, thế mẹ tưởng là quả trứng của ông A chứ? 
Khuê: Con gà là của ông A nuôi, nhưng quả trứng thì nhất định của con gà mái chứ, ông A không đẻ được trứng mà! 
(*) Bài học tư duy logic 2:
Mẹ: Trong quân đội, ai là người đi giầy cỡ to nhất
A: Bộ binh
B: hải quân 
C: không quân
Hoặc đáp án khác có kèm lời giải thích
Khuê: ba đáp án đều không hoàn toàn chính xác ạ, theo con “ai chân to thì đi số giày to” mới là câu trả lời đúng nhất ạ! 
(*) Bài học tư duy logic 3:
Ba người chung nhau dưới một cái ô, đến nơi mà không ai bị ướt tý nào, hỏi bằng cách nào mà họ không bị ướt? 
Khuê: vì trời không mưa nên không ai bị ướt ạ! 
(*) Bài học tư duy logic 4:
Có một viên ngọc trai trong chiếc lọ pha lê, làm thế nào đẻ lấy được viên ngọc , biết rằng bạn không được vặn nút chai, và không được đập vỡ chai?
Khuê: Vậy thì con sẽ vặn cái lọ còn nút chai thì giữ yên, như vậy là con vừa lấy được viên ngọc, vừa không vặn nút chai và cũng không phải đập vỡ chai… 
Những trắc nghiệm tư duy logic kiểu này, vừa tạo nên sự thú vị vừa rèn luyện khả năng tư duy đi thẳng vào trung tâm vấn đề, không bị đánh lạc hướng bởi những mặc định trước đó. 
3/ VIẾT CHÍNH TẢ SỐ ĐIỆN THOẠI: RÈN LUYỆN KỸ NĂNG TẬP TRUNG CAO ĐỘ, KỶ LUẬT – TƯ DUY THỰC TẾ KHÁCH QUAN 
Mặc dù, dự án học piano được thực hành kiên trì, bền bỉ, đòi hỏi sự tỉnh táo của hai bán cầu đại não, đòi hỏi một tư duy tỉnh táo, thực tiễn trên bản nhạc đầy tính triết lý, nghiêm khắc, không nhân nhượng… thì cho đến lớp 4, nhiều khi Minh Khuê vẫn bộc lộ những hạn chế phổ biến như phần đông các bạn khác: bài toán khó thì làm được, bài dễ thì sai; Hoặc, các bước phát triển thì đúng nhưng đến khi giải phương trình tìm nghiệm thì nhầm lẫn con số và đáp án sai. 
Nhận ra đây là một hạn chế bộc lộ thiên hướng rõ nhất trong tư duy của trẻ nhỏ, mình quyết định tăng cường thêm một dự án nữa, nhằm rèn cho con gái phẩm chất tư duy phù hợp với các bộ môn logic, thực tiễn, tôn trọng khách quan và tôn trọng tuyệt đối tính kỷ luật nội tại của khách quan chẳng hạn như môn toán học. 
Việc nhớ chữ số và giá trị của những con chữ đứng cạnh nhau hoàn toàn khác biệt khi có sự hoán đổi vị trí, do đó, để không mắc phải sự nhầm lẫn khi NGHE ĐỌC CHỮ SỐ, hoặc khi NHÌN VIẾT CHỮ SỐ… là một phẩm chất cần rèn luyện, chứ nó không hoàn toàn tự nhiên có được trong tố chất của trẻ nhỏ, vốn thích lối tư duy sinh động, toàn vẹn, hình tượng và đại khái. 
Do đó, mình tìm ra một giải pháp sau: Hàng ngày, mình hoặc chị gia sư sẽ giúp con gái viết chính tả một trang danh bạ điện thoại (sách của Bưu điện Hà Nội xuất bản hàng năm). 
Viết chính tả số điện thoại không có bất cứ quy luật nào, không có bất cứ sự gợi ý của văn cảnh như trong cách “NHỚ NGÔN NGỮ”. Đây là cách mình yêu cầu con gái BUỘC PHẢI NHỚ VÀ GHI LẠI CHÍNH XÁC những con số sắp xếp tùy tiện, không có nhịp điệu, không có văn cảnh để hỗ trợ cho thói quen “võ đoán” mà TƯ DUY NGÔN NGỮ quen dùng. Bài luyện này thực sự là một thách đố ngay cả với người trưởng thành chứ không chỉ với trẻ nhỏ. Tuy nhiên, việc tập một thói quen tư duy mới cho não của trẻ lại đạt hiệu quả ngoạn mục và khả quan hơn rất nhiều so với cùng việc này đối với người trưởng thành. 
Do vẫn mang thói quen TƯ DUY GHI NHỚ NGÔN NGỮ – NHÌN NGÔN NGỮ, áp dụng vào trong quá trình rèn luyện, tập chép chính tả số điện thoại, đã khiến cho Minh Khuê liên tiếp mắc sai lầm, nhận được mức điểm -50. Việc bộc lộ khiếm khuyết này ở mức “trầm trọng” (âm 50 điểm, tương đương với 60 lỗi sai trong một trang tập chép, theo hướng dẫn nghe đọc 3 lần – chép lại vào vở), đã giúp Minh Khuê nhận ra vấn đề của bản thân trong việc học toán. 
Mình giải thích cho con rằng, điều này cho thấy, tuy con rất nỗ lực nhưng điểm chưa cải thiện vì con chưa loại bỏ được cách tư duy “GHI NHỚ NGÔN NGỮ” khi con học toán.
Xen kẽ việc “nghe đọc và chép số điện thoại”, mình yêu cầu con tập chép “nhìn số điện thoại rồi chép lại vào vở” với thời gian được rút ngắn dần. 
-Nghe đọc 3 lần rồi chép số điện thoại (một trang) vào vở, hoặc: 
-Nhìn kỹ dãy chữ số rồi chép số điện thoại vào vở (một trang danh bạ điện thoại) 
Cả hai bài luyện này, ban đầu mình khuyến khích Minh Khuê đọc nhẩm chữ số thành tiếng, mục đích là để hỗ trợ cho sự tập trung toàn giác (sự tập trung toàn bộ các giác quan), khiến việc chép được chính xác hơn. 
Sau 3 tháng rèn luyện kiên trì, nghiêm túc, hàng ngày, có chấm điểm, rút kinh nghiệm… Minh Khuê đã có những bước tiến lớn trong học môn toán, điểm số ổn định ở mức cao, không trồi sụt, tình trạng bài khó thì làm tốt, bài dễ thì mắc lỗi sai trước đó… hoàn toàn được khắc phục. Do đó, ở những kỳ thi toán phổ cập, SAT I ; SAT II, Minh Khuê luôn đạt điểm tuyệt đối một cách nhẹ nhàng vì ở mức độ nhận thức này, sự nghiêm túc, cẩn thận, biết tư duy đúng, luôn đem lại kết quả cao nhất, mà không quá sức của trẻ. 
Đi đôi với việc bồi dưỡng tình yêu, đam mê với toán học thông qua việc 
a) Chọn bạn cùng học, cùng chơi cờ với con dưới hình thức anh /chị gia sư giỏi, đam mê toán học;
b) Chọn cho con được học với những thầy cô có tâm huyết, có năng lực toán học, có năng lực sư phạm tốt. 
c) Tạo điều kiện cho con gái chơi cờ vua, cờ tướng với nhiều đối tượng giỏi cờ khác nhau như các anh chị sinh viên là kỳ thủ có giải thưởng tại các cuộc thi cờ, đặc biệt tìm cơ hội để được “tỷ thí” và học hỏi với những kỳ thủ vỉa hè đầy đam mê và nhiều mẹo mực… 
Sự tiếp cận đa dạng, bắt đầu sớm, bền bỉ khiến cho não bộ của Minh Khuê được tập rèn liên tục thói quen tư duy logic, thói quen vạch sơ đồ từ 2 đến 4 nước đi trong bán cầu đại não, thói quen nhớ và nhìn dãy số một cách nghiêm túc, thực tiễn, không bị ảnh hưởng của kiểu tư duy “ghi nhớ ngôn ngữ”. 
Sự rèn luyện có nhiều hứng thú, khám phá, tự tin, tuần tự tiệm tiến, không nôn nóng, không kỳ vọng cụ thể… khiến cho chất lượng học môn toán nói riêng và các tố chất phẩm chất như sự nghiêm túc, tư duy thực tiễn, tính kiên nhẫn, bền bỉ… của Minh Khuê có những tiến bộ vượt bậc, hoan hỷ và tươi tắn. 
KẾT LUẬN: 
Mặc dù, không phải “đúc” ở bất cứ lò luyện thi nào, nhưng Minh Khuê lần lượt thi lên cấp hai vào các lớp chuyên chọn nổi tiếng ở Hà Nội cả ba môn: Toán – Văn – Anh một cách vững vàng, dù không phải là thủ khoa. Cấp ba cũng thế, Minh Khuê không theo các lớp luyện thi nảy lửa, vẫn duy trì học tập kiên trì các môn khác nhau, Khuê vẫn lọt vào các lớp chuyên dù điểm không rất cao. 
Quan điểm của mình về các cuộc thi, là coi đó như một chiếc ba ri e cần thiết vượt qua, là một thực tế khách quan của xã hội loài người, nên không lảng tránh, chối bỏ hay phản ứng cực đoan. Quan trọng hơn, “thi cử” được hai mẹ con mình coi là tình huống hoàn hảo, để con gái tập dượt dần kỹ năng CHUẨN BỊ CHU ĐÁO, khả năng bật cao hơn, bình tĩnh hơn, nhìn rõ các đối thủ cuộc thi để khiêm nhường học hỏi, giúp con có được kinh nghiệm, ngày càng có được tâm thế vững vàng, tỉnh táo để tư duy, làm việc, sáng tạo và hoàn tất các phần việc một cách tốt nhất, ngay cả trong áp lực. 
Tuy nhiên, mình cũng hiểu, mỗi cuộc thi đều có những tiêu chí riêng để chọn lọc đối tượng theo tiêu chí đó, cho nên, xét ở góc độ học vì đam mê và giác ngộ chân lý khách quan, thì thi cử là một rào cản của tự do sáng tạo… Do đó, không nhất thiết phải vượt các cuộc thi với điểm tuyệt đối, hay thủ khoa… Bởi để đạt mức tuyệt đối hoặc tiệm cận sự tuyệt đối, trẻ cần dành quá nhiều thời gian, năng lực tư duy để học luyện, học nén, sao cho khớp nhất, thấu đáo nhất tiêu chí tuyển chọn của cuộc thi, điều này dẫn đến lãng phí tiềm năng cũng như thời gian của trẻ. Trong khi trẻ theo đuổi để kỳ vọng cao nhất tiêu chí cuộc thi, chúng đã bị đánh mất sức sáng tạo, đà sáng tạo mà lẽ ra chúng sẽ có được nếu chúng học để khám phá và đam mê. 
Thực tiễn cho mình nhận thấy, sau khi hào quang của cuộc thi đã tạm lắng, cuộc rượt đuổi trong hấp thu việc học hàng ngày, đã bộc lộ những bạn đạt điểm thủ khoa chưa hẳn đã là những bạn có sức sáng tạo, sức bứt phá ngoạn mục, đôi khi đuối dần rồi chìm hẳn. Những bạn điềm đạm với mức điểm đủ đỗ, đủ vào lớp lại có sức bật, sinh động, hứng thú với việc học hơn, hiệu quả vì thế sẽ bản chất và bền vững hơn rất nhiều. 
Chú thích ảnh: ĐẾN VỚI THIÊN NHIÊN ĐỂ NHẬN ĐƯỢC SỰ CÂN BẰNG HÀI HÒA. 
Để học tập và hấp thụ tốt kiến thức, chuyển hóa kiến thức thành tuệ giác thì điều quan trọng là phải tạo cho trẻ sự hứng thú, cảm hứng và yêu thích. Một tâm hồn rộng mở, gần gũi thiên nhiên là yếu tố quan trọng giúp trẻ luôn có được sự khỏe khoắn, quân bình của thần kinh, sức sáng tạo và đam mê của não bộ với việc học tập vì thế luôn được duy trì bền vững.

 — with Thảo Triều and Lã Hồ Minh Khuê at Thiên nhiên an lành là nơi di dưỡng tâm hồn và trí tuệ.