Những ngày mùa hè oi ả hay ngày mùa khô hanh nóng mang đến một thử thách không nhỏ đối với các bà mẹ: Làm thế nào để con luôn thoải mái, mát mẻ, không “bốc mùi” với mồ hôi và bứt rứt vì nổi rôm sảy?
Thời tiết khô nóng không chỉ khiến các bé khó chịu, bức bối trong những lớp quần áo mà còn dễ bị hăm, rôm sảy và gia tăng khả năng cháy nắng, say nắng. Đối với bé mới sinh, ngủ sâu trong thời tiết nóng bức cũng dễ có nguy cơ bị mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh hơn. Chính vì vậy, các mẹ nên chú ý hơn đến việc chăm sóc bé trong những ngày nóng.
Chọn đúng loại quần áo
Nếu đang ở trong nhà, hãy cho con mặc quần áo rộng rãi, mỏng nhẹ và được làm từ những chất liệu tự nhiên như cotton chẳng hạn. Những loại vải như cotton sẽ thấm hút mồ hôi tốt hơn vải dệt từ sợi nhân tạo. Nếu ra ngoài trời, bố mẹ có thể cho bé mặc quần áo dài tay, đội nón rộng vành để che đầu và mặt, đồng thời tránh để da bé tiếp xúc với ánh nắng khi mặt trời đã lên cao vì các tia sáng có hại có thể xuyên qua các đám mây và gây nguy hiểm cho làn da của bé.
Luôn để bé ở nơi thoáng khí
Khả năng tự điều hòa thân nhiệt của bé không tốt như người trưởng thành nên bé rất dễ bị tăng nhiệt độ khi trời nóng bức. Đó là lý do các bác sĩ nhi khoa khuyến cáo bố mẹ không nên để bé ở một mình ở những nơi không thoáng khí như xe hơi hay phòng kín, chỉ một vài phút trôi qua, bé có thể phát sốt hoặc bị nguy hiểm đến tính mạng.
Sử dụng địu và xe đẩy loại mỏng, nhẹ
Trong khí hậu nhiệt đới, bố mẹ nên chọn những loại đai, địu hay xe đẩy bằng chất liệu mỏng và thông thoáng. Ngay khi mẹ nhận thấy những dấu hiệu nóng bức ở bé như mặt đỏ, đổ mồ hôi, bứt rứt và quấy khóc, hãy cho bé ra khỏi địu hay xe đẩy ngay.
Cho bé uống đủ nước
Khi chăm sóc bé, bố mẹ nên chú ý, dù cho không có mồ hôi chảy ra trên trán bé, nhiệt độ cao vẫn có thể khiến con mất nước. Những dấu hiệu báo động tình trạng mất nước bao gồm da ửng đỏ, nóng, bồn chồn, bứt rứt, thở nhanh. Ngay lúc này, bé cần được bù nước bằng cách cho bú, uống sữa hoặc nước. Lưu ý, trẻ dưới 6 tháng tuổi không nên uống nước mà chỉ dùng sữa. Trong mùa hè hoặc ngày nóng, bé cần được uống nhiều hơn bình thường khoảng 50%.
Vui chơi ngoài trời một cách khôn ngoan
Nếu có dự định đi chơi ngoài trời, bố mẹ hãy tránh khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều. Đây là lúc ánh sáng mặt trời có sức “công phá” làn da cao nhất.
Tìm những bóng râm
Khi bố mẹ và bé vui chơi ở bãi biển hay công viên, hãy tìm nơi “trú ẩn” an toàn khỏi ánh nắng gay gắt như bóng cây, ô dù, hay một chiếc chòi. Nếu thường xuyên đi du lịch, sao bố mẹ không tự sắm cho mình một chiếc lều vải để cả nhà cùng thoải mái ngồi trong đó nghỉ xả hơi và tránh bị nắng làm phiền nhỉ? Và nhớ tìm “bóng râm” cho đôi mắt, đó là những cặp kiếng mát thích hợp với độ tuổi của từng thành viên trong gia đình nhé.
Dùng kem chống nắng
Kem chống nắng là lá chắn bảo vệ làn da mỏng manh của bé trước những tác động tiêu cực từ các tia trong ánh nắng mặt trời. Đối với các bé dưới 6 tháng, một lượng nhỏ nhất theo hướng dẫn sử dụng trên sản phẩm sẽ giúp hạn chế tối đa tình trạng kích ứng da.
Ngoài ra, mẹ có thể cân nhắc sử dụng thêm các loại sản phẩm làm dịu da trong trường hợp bé bị nổi sảy, nhưng với trường hợp da bị cháy nắng thì nên đưa bé đến gặp bác sĩ.
Sử dụng quạt và máy lạnh hợp lý
Quạt máy và máy lạnh là hai thiết bị cần thiết để giảm bớt sức nóng nhưng liệu bố mẹ đã sử dụng chúng hợp lý chưa?
Đối với quạt:
-Không để quạt thổi trực tiếp liên tục vào người bé mà nên để quạt quay.
-Không để quạt thổi vào người bé khi đang ra mồ hôi
-Hạn chế dùng quạt hơi nước vì độ ẩm quá cao có thể gây ẩm mốc
Đối với máy lạnh:
-Không nên đưa bé vào phòng máy lạnh đột ngột ngay sau khi ở ngoài trời nóng vào nhà.
-Không để bé nằm điều hòa quá 4 tiếng.
-Tránh để máy lạnh phả thẳng vào đầu hay mặt bé
-Nên để một chậu nước dưới điều hòa để làm không khí trong phòng bớt khô.