Để dạy con hiệu quả: Có mặt trong giây phút hiện tại cùng con

 
bạn Bư và bố bạn… 

Cho dù bạn muốn dạy con nội dung gì, nguyên tắc dạy trẻ bé rất đơn giản – đó chính là nói chuyện với trẻ khi cha mẹ và trẻ cùng nhau tham gia các hoạt động khác nhau trong đời sống hàng ngày. Các họat động có thể rất đơn giản: ăn cơm, đánh răng, đi bộ ngoài đường, ra hàng cà phê, đọc sách, chơi ở các khu sân chơi,…

Thành công luôn là những bước nhỏ được thực hiện hàng ngày, kết quả được tích lũy ngày qua ngày và trở nên rõ ràng sau một thời gian dài. Nhưng đôi khi các bước này lại quá nhỏ, khiến chúng ta xem thường tầm quan trọng của chúng, và làm chúng ta dễ tin rằng nếu ta bỏ qua 2,3 hôm cũng không sao. 2 hay 3 hôm rồi sẽ biến thành 1 tuần, 1 tháng,… và rồi mãi mãi bị phớt lờ do thói quen.

Vì chúng ta thường chỉ để ý tới những thay đổi lớn ngay tức thì, chúng ta dễ bị mê hoặc bởi những quảng cáo và các sản phẩm không thực sự có tác dụng. Ví dụ: chỉ cần con bạn tham gia một khóa học 2 tháng với học phí vô cùng phải chăng, con bạn sẽ học được kĩ năng này kia, sẽ có những thay đổi lớn khiến trẻ từ không biết gì sẽ có được kĩ năng hoàn hảo; chỉ cần mua một bộ đĩa DVD là con bạn có thể học và nói được tiếng Anh hay biết đọc dễ dàng; hay đối với phụ nữ, chỉ cần uống thuốc giảm cân, không cần tập luyện, là sẽ có ngay cơ thể hoàn hảo và chất lượng cuộc sống do đó cũng sẽ được cải thiện mà không cần phải làm gì;…

Khi dùng những sản phẩm hay tham gia các khóa học ngắn ngủi mà không thấy kết quả, không ít người cho rằng chắc là tại họ hoặc tại con cái họ mà không hiểu rằng các nhà quảng cáo đã đánh trúng suy nghĩ “không cần nỗ lực, chỉ cần bỏ tiền, sẽ có người giúp ta làm được”.

Nếu ta không giúp ta thì không ai giúp được ta cả.

Để dạy con hiệu quả, bên cạnh việc dành thời gian cho con hàng ngày, chúng ta còn cần phải nỗ lực có mặt trong giây phút hiện tại với con. Bất kì ai trong chúng ta cũng dễ cầm lấy điện thoại, iPad hoặc xem tivi – những cách giải trí dễ dàng giúp đầu óc bớt căng thẳng hoặc bớt cảm giác chán chường, giúp đầu óc “bận bịu”. Vấn đề không phải là bạn dành thời gian bao nhiêu cho con, mà là chất lượng của thời gian bạn dành cho con mình.

Sau đây là một số cách để cha mẹ thực sự có mặt trong giây phút hiện tại với con:

Quyết tâm không đụng đến các thiết bị điện tử khi đang dành thời gian cho con. Thi thoảng nếu có tin nhắn hoặc có việc quan trọng phải dùng điện thoại hoặc iPad, bạn hãy nói xin lỗi với con, yêu cầu con chờ, và giải quyết việc của mình trong thời gian ngắn nhất có thể.

Tích cực nói chuyện với con. Hãy lắng nghe và trả lời các câu hỏi của con bạn. Nói chuyện với con cũng đòi hỏi sự tham gia chủ động và tích cực từ phía bạn. Trong các tình huống hàng ngày, hãy hỏi xem con bạn nghĩ gì, muốn gì, đang cảm thấy ra sao, tại sao lại cảm thấy như vậy,…

 Nghe nhạc, hát và nhảy cùng con. Để thay đổi không khí, bạn có thể bật nhạc. Bạn cũng có thể để trẻ chọn bài hát nếu trẻ muốn chọn. Hát và nhảy cùng con là một cách hay, đỡ “nhàm chán” cho nhiều cha mẹ.

Đọc sách cùng con. Đọc sách là một cách thú vị để có những cuộc chuyện trò với con. Bạn có thể chọn những quyển sách dạng truyện, hoặc những quyển mang tính chất giới thiệu thông tin được thiết kế riêng cho trẻ em. Sách giúp bạn và con có nhiều chủ đề phong phú để cùng nói chuyện. Để thay đổi không khí, thay vì đọc sách ở nhà, thỉnh thoảng bạn có thể đọc sách cho trẻ ở hàng cà phê hoặc ngoài trời.

Kể chuyện cho con nghe. Trước khi đi ngủ, bạn có thể dành 15 phút kể chuyện cho bé. Đây có thể là câu chuyện hoàn toàn do bạn nghĩ ra, trong đó nhân vật chính là bé. Bạn có thể kể chuyện theo cách này đối với trẻ 3 tuổi trở lên, vì trẻ lên 3 bắt đầu ý thức rõ ràng khái niệm nguyên nhân-hệ quả, cũng như có khả năng tập trung lâu hơn. Câu chuyện bạn kể có thể chẳng thú vị với người lớn, nhưng sẽ được trẻ rất yêu thích. Trước giờ ngủ, khi xung quanh hoàn toàn yên ắng và đèn đã tắt, trẻ cũng dễ tập trung hơn và sẽ chăm chú lắng nghe bạn!

Mỗi khi ra ngoài, mình luôn bắt gặp các cha mẹ kè kè chiếc iPad hoặc iPhone, và họ cũng cho phép con họ sử dụng thời gian rảnh theo cách tương tự. Điều này khiến mình nhận ra rằng mình không bao giờ muốn làm một người mẹ như vậy. Một cái màn hình có thể giúp bạn đỡ “bận” với con, nhưng không bao giờ thay thế được tình cảm của bạn thể hiện cho con. Một lớp học hay một cô giáo, hay các bộ quần áo đẹp, đồ chơi đắt tiền cũng không bao giờ làm được điều đó. Còn gì tội hơn một đứa trẻ thiếu thốn tình cảm của cha mẹ, đặc biệt là khi cuộc sống vật chất thừa mứa?

Hãy dành thời gian cho con để hiểu con và dạy con tốt hơn, và quan trọng là để trẻ cảm thấy được trân trọng bạn nhé!