Để dạy con hiệu quả: yêu thương là một quá trình nỗ lực

Nếu bạn đặt câu hỏi “Làm sao để trẻ học hiệu quả?”, giống khi bạn đặt một câu hỏi tương tự với nhiều vấn đề khác, sẽ có rất nhiều ý kiến được đưa ra, và không ít các ý kiến mâu thuẫn cũng như các tranh cãi nảy lửa. Ý kiến khác nhau là một chuyện rất bình thường. Chúng ta chỉ nghe được ý kiến của người khác, nhưng ít khi nhận ra rằng ý kiến này là một mắt xích trong hàng ngàn mắt xích tạo nên hệ thống niềm tin của người đang nói – hệ thống này lại được tạo dựng bởi vô số kinh nghiệm quá khứ, gene, cách được dạy dỗ khi còn nhỏ, văn hóa gia đình, văn hóa cộng đồng và nhiều yếu tố xã hội khác, … (chưa nói đến hormone cũng như chế độ ăn và các chất kích thích! – vâng, hormone và các chất có trong thức ăn, đồ uống hoàn toàn có khả năng ảnh hưởng đến hành vi của bạn. Hãy nghĩ đến tuổi dậy thì khi các thay đổi hormone lớn diễn ra và trẻ 14, 15 tuổi bỗng trở nên bướng bỉnh, nổi loạn!).

Thay vì tranh cãi, chúng ta nên hiểu rằng, nếu đánh giá dựa trên hệ thống niềm tin của người đang nói thì ai nói cũng đúng cả! Chỉ có điều bạn đang đánh giá dựa trên cái gì mà thôi. Nếu lắng nghe kĩ, bạn sẽ thấy kiểu gì bạn cũng có thể đồng ý – do điều ai đó nói có thể được hiểu theo rất nhiều cách. Đôi khi chúng ta tranh cãi vì ngôn từ, chứ không phải những bất đồng!

Mình vừa nói vậy để thuyết phục bạn cố gắng nghe mình phải không nhỉ? Tin mình đi, không phải đâu :))

Có phải tại trẻ?

Quay trở lại vấn đề chính – làm sao để trẻ học hiệu quả – vấn đề cốt lõi nằm ở cách tiếp cận với trẻ, không phải ở trẻ. Rất nhiều người tin rằng – cũng như đúng/sai hoặc trắng/đen – đơn giản chỉ có những đứa trẻ thông minh và có những đứa trẻ ngu dốt. Để biết chúng thông minh hay ngu dốt, họ cho rằng chỉ cần nhìn xem chúng hiểu vấn đề có nhanh không. Những người này quên mắt rằng mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt – một cách tiếp cận này có thể có kết quả cao với đứa này, có một chút kết quả với đứa khác, và chẳng có kết quả gì với một đứa thứ 3.

Hãy tưởng tượng cảnh học ở trường khi một lớp có đến 50 đứa trẻ và chỉ có 1 cô giáo. Ở lứa tuổi tiểu học hoặc mẫu giáo, điều đó có nghĩa là 1 cách tiếp cận duy nhất mọi lúc mọi nơi ở trường đối với mọi đứa trẻ trong lớp. Đổ lỗi cho trẻ là dốt là con đường dễ dàng để không phải đối mặt với những khiếm khuyết không tránh khỏi trong hệ thống.

Có lý hay không khi chúng ta chỉ thử đúng một cách, cách đó không có tác dụng, và ta kết luận rằng nguyên nhân là đứa trẻ? Giống như khi bạn cố gắng trồng cây mà cây không mọc. Bạn có kết luận ngay rằng đó 100% tại hạt giống không? Có thể. Nhưng cũng có thể do bạn dùng loại đất xấu, ánh sáng mặt trời thiếu, nước không đủ, v.v…

Vì vậy, dù con bạn đi học ở trường hay không, cha mẹ có một lợi thế không thầy cô giáo nào trên lớp có. Đó là tương tác 1-1 để thực sự hiểu trẻ để có thể điều chỉnh cách tiếp cận của mình. Có thể con bạn thích vừa chạy nhảy vừa học? Vừa học vừa nói? Vừa học vừa la hét vì thích thú nữa? Đa phần trẻ em là như vậy. Có thể con bạn tập trung hơn vào buổi tối. Có thể con bạn tập trung hơn khi được ra ngoài trời. Có thể con bạn cần nhiều thời gian, và nội dung được lặp đi lặp lại hàng ngày. (Đối với trẻ bé, lặp đi lặp lại là chuyện hoàn toàn bình thường. Kể cả với người lớn, bạn nghĩ chúng ta có thể nhớ được điều gì khi chỉ được học một lần hay không?) Có thể con bạn thích đọc sách. Có thể con bạn tập trung hơn khi có ít người hơn. (Đa phần chúng ta là như vậy.) Và rất nhiều khả năng khác.

Để dạy trẻ thành công, cần phải yêu thương trẻ

Cha mẹ cũng có một lợi thế không một ai khác có được – đó là tình yêu thương dành cho con cái. Tuy nhiên, khi nhắc đến “yêu thương”, thường có nhiều cách hiểu.

Khi nhắc đến “yêu thương”, chúng ta nghĩ đến khía cạnh cảm xúc của yêu thương. Một người có thể yêu thương bố mẹ, yêu thương vợ hoặc chồng, yêu thương con mèo nuôi ở nhà, yêu trẻ con nói chung,… Tuy nhiên, để yêu thương đem lại lợi ích cho đối tượng được yêu thương, yêu thương phải là một sự cam kết có hành động đi kèm. Nếu chỉ nói “tôi yêu vợ tôi” nhưng ngày ngày vẫn đánh đập mặc dù thi thoảng có cảm giác thương yêu thật, tôi e rằng đó không phải là thương yêu, mà ông chồng này chỉ bị nhầm lẫn nặng nề mà thôi. Nếu nói “tôi yêu người yêu tôi” nhưng suốt ngày kè kè soi điện thoại thì e đó cũng chỉ là nhầm lẫn, có thể về mặt khái niệm, hoặc ngôn từ – vì yêu thương không phải là kiểm soát. Nếu nói “tôi yêu trẻ con”, nhưng chưa  bao giờ phải thực sự chăm sóc trẻ con để hiểu chăm sóc trẻ là như thế nào, mình nghĩ chính xác hơn là “tôi thích trẻ con”.

Có yêu thương con cái thì cha mẹ mới có kiên nhẫn để dành thời gian cho con, để dạy, để lắng nghe, để nói chuyện, để sửa sai cho chính mình để có thể đối xử với trẻ theo cách trẻ xứng đáng được đối xử,… Những ngụy biện sau thường được dùng khi cha mẹ không đủ yêu trẻ để có thể dạy dỗ, quan tâm đến trẻ (và cũng thường do cha mẹ không hiểu thế nào là thực sự học):

Nó hư lắm.
Nó láo lắm. 
Nó đầu đất lắm. Không bằng thằng con nhà anh/chị ABC.
Cha mẹ hi sinh cho thế rồi, sao không chịu học?
Dạy xong lại quên. Tao không thèm dạy mày nữa.
Hôm nay lại không học? Để chờ đấy, phết đít.

Yêu thương là cả một quá trình nỗ lực không ngừng. Nó không phải một cảm giác hoặc một cảm xúc dễ dàng bị hoàn cảnh cuốn trôi. Nó cũng phải một cảm giác trách nhiệm khiến người có nó cảm thấy mình cần phải thực thi trách nhiệm đó, nhưng mỗi lần thực hiện thì thấy như bị buộc trên người cả mấy tấn đá.

Nhưng bên cạnh đó, quá trình yêu thương cũng không phải là một con đường phẳng, chỉ có tiếng cười. Có những khi giận dữ, bối rối, băn khoăn, đắn đo, nước mắt, những khoảng lặng, những sai lầm,… Nhưng nếu nó chỉ chủ yếu là những cảm giác khó chịu thì e rằng cha mẹ đã đi sai đường ở đâu đó.

Nếu bạn là một người cha mẹ yêu thương con và biết dành thời gian cho con, phần lớn thời gian con bạn và bạn sẽ luôn vui vẻ bên nhau. Nhưng cũng khó mà tránh khỏi những khoảnh khắc không vui vẻ – đây là một phần bình thường trong quá trình nuôi dạy trẻ. Vấn đề chính là: bạn rút ra được bài học gì cho bạn từ những khoảnh khắc khó chịu?

Nếu nỗ lực hàng ngày, kết quả sẽ khắc đến. Cảm giác vui vẻ thường xuyên chính là dấu hiệu cho thấy bạn đang đi đúng hướng. Trẻ luôn thể hiện tình cảm với bạn và tôn trọng bạn chính là một dấu hiệu đáng tin cậy nữa.

Phạt hay không phạt?

Không ít thầy cô hoặc cha mẹ cho rằng phải phạt, phải mắng để trẻ biết sợ thì trẻ mới biết nghe lời và mới hiểu kỉ luật gì. Nhưng khi phạt, mắng mỏ mà trẻ không hiểu tại sao lại bị phạt, bị mắng, thì những gì mà trẻ học được chỉ là không lặp lại điều đó trước mặt người đã phạt trẻ mà thôi. và một khi trẻ đã sợ bạn, trẻ sẽ đánh mất dần sự tin tưởng vào bạn và ít thực sự thể hiện mình trước mặt bạn. Kỉ luật thực sự chính là hiểu chính xác tại sao mình nên làm một số điều trong khi không nên làm một số điều khác, và thực hiện chính xác những gì mình hiểu và tin tưởng. (Rất nhiều người lớn còn chẳng có kỉ luật, đừng nói đến trẻ em!) Vì vậy, thực chất, phạt thật dễ dàng mà lại không cần thiết. Yêu thương trẻ đủ đẻ giúp trẻ hiểu tại sao mới là việc khó.

Chúc bạn luôn nỗ lực yêu thương con để nuôi dạy con thành công!