Người lớn đang làm gì với mùa hè của con trẻ?

Gặp nhau ngày cuối năm học của con, một phụ huynh học sinh lớp 4 cho biết vừa “chốt” xong hợp đồng miệng với giáo viên dạy lớp 5 cho con trai. Chị quả quyết: nếu không học trước, sang năm con sẽ chật vật theo chương trình.
Câu chuyện kể trên có thể chỉ cảm tính từ một phụ huynh, nhưng khắp nơi đều có câu chuyện tương tự. Tâm lý sợ con thua sút bạn bè (khi thấy nhiều trẻ học hè thì phụ huynh cho con học hè) nên mùa hè có khi còn học chẳng khác lúc vào năm học chính, với thời khóa biểu dày đặc.
Trẻ chưa kịp nghỉ hè đã bắt đầu ngán ngẩm. Thật hài và thật chát đắng khi nhiều đứa trẻ cho rằng: mùa hè là mùa gì, con có mùa hè đâu!
Câu chuyện thời sự về lớp có đến 42/43 học sinh giỏi ở Bà Rịa – Vũng Tàu và câu chuyện những vụ trẻ chết đuối những ngày qua nói lên điều gì? Hai chuyện tưởng không liên quan nhau nhưng đều cùng thể hiện cái cách người lớn trong xã hội quan tâm, đầu tư cho cuộc sống con trẻ.
Người lớn đang vui cùng thành tích, điểm số, giấy khen của con. Điều này chính đáng. Nhưng cùng với đó cần quan tâm nhu cầu thể chất, tinh thần, các kỹ năng trong cuộc sống của trẻ.
Mùa hè là mùa trẻ sống cùng gia đình, là cơ hội để cha mẹ gần con hơn, có thể cho trẻ về quê, học thêm nhiều điều ngoài chữ nghĩa.
Nhưng thực tế chúng ta đang thấy gì những ngày qua? Trẻ rủ nhau đi chơi, đi tắm sông… cũng là trải nghiệm cuộc sống, nhưng sẽ là hoạt động quá nguy hiểm khi trẻ chưa có kỹ năng lường trước nguy hiểm có thể xảy đến. Lại có không ít trẻ ngồi lì với tivi, máy tính, iPad, điện thoại… thụ động hơn cả khi đi học ở trường.
Học mà chơi, chơi mà học sẽ hay, hợp lý hơn trong mùa hè. Phụ huynh đầu tư cho con học các môn năng khiếu và kỹ năng sống thiết thực, bổ ích hơn cho trẻ. Nên chọn môn năng khiếu (thể thao, hội họa, đàn…), những kỹ năng mà trẻ có thế mạnh, yêu thích để phát huy thêm sở trường. Đặc biệt với trẻ chưa biết bơi nên học để sớm biết bơi.
Trẻ cũng cần những bài học tự phòng vệ trước mọi hiểm họa xung quanh mình. Chẳng hạn như: bài học để trẻ chống bị bắt nạt, chống xâm hại, thoát hiểm… kể cả thoát khỏi mọi tệ nạn ma túy đang đâu đó quanh trẻ.
Mùa hè đúng nghĩa khi trẻ có nhiều cơ hội tiếp xúc với môi trường tự nhiên, thiên nhiên xung quanh. Bởi đây là thời điểm rất thích hợp với những chuyến nghỉ hè ở quê với ông bà, họ hàng. Trẻ sẽ sống sinh động hơn, giàu tình cảm với những người thân, với cộng đồng… Điều này ai cũng biết, nhưng mấy ai quyết tâm làm?
Thay vì tìm nơi cho con học, bao nhiêu người chọn hướng khác cho con trẻ nhà mình? Chúng ta vẫn đặt quyết tâm điểm số thành tích lên trên mọi thứ khác rất cần với trẻ. Điều này không phải là chuyện của mỗi nhà.
Đây phải là chuyện xã hội, xã hội quan tâm thật sự đến sự trưởng thành của thế hệ con em mình. Ở đó, điểm số chỉ là một phần rất nhỏ, trong khi bài học để trẻ thành thanh niên tích cực, hiểu biết, văn minh… mới là chuyện cần thiết hơn.
Điều này, người lớn chúng ta cần thẳng thắn với nhau là chúng ta chưa làm hết trách nhiệm cho tương lai của trẻ.