Gouldian Finch – chim Bảy màu

Gouldian Finch – chim Bảy màu

Đó là loài chim cảnh tuyệt vời họ Finch, xuất xứ từ Châu Úc. Chúng sống thành từng bầy nhỏ ở những miền đồi và thảo nguyên khô nóng, nơi nhiệt độ có thể lên tới trên hơn 40 độ C vào ban ngày và hạ thấp đến 10-14 độ vào ban đêm.

Chính vì sống trong vùng khí hậu có biên độ lệch nhiệt lớn đến như vậy nên thời gian ấp trứng và đặc biệt là thời gian chăm mớm nuôi con của chúng ngắn hơn hẳn so với nhiều loài chim cùng họ.

Nhập cư vào châu Âu, châu Mĩ, và sau đó đến Châu Á: khó khăn lớn nhất với người nuôi chim cảnh là tạo được những điều kiện nuôi nhốt gần với môi trường quê hương châu Úc để cho chúng sống ổn, phát triển và sinh đẻ được. Vì thường sau khi làm quen với khí hậu, thổ nhưỡng mới, chúng chỉ chịu bắt cặp đẻ trứng, rất ít cặp chim chịu ấp và nuôi con cẩn thận như nhiều loài finch hay canary thuần hóa khác.

Trong thiên nhiên hoang dã, Gouldian Finch không đan bện tổ như một số loài chim thông thường, mà chúng chọn những hốc gây, bọng cây có sẵn để xây mái ấm. Những cái bọng cây bị sâu đục rỗng ruột, những cái tổ cũ của sóc hay vài loài thú trèo cây nhỏ, hoặc những cái ổ của loài vẹt đã bỏ hoang thường được chúng ưu tiên ngắm nghía lựa chọn.

Chim trống chịu trách nhiệm tha rơm, cỏ khô… về lót ổ, các mối bện thường cẩu thả và đơn giản. Chim mái chỉ đứng ngoài xem và cất tiếng kêu cổ vũ! Tổ xong xuôi, cô nàng chui vào đẻ, mỗi ổ trung bình có 3-7 trứng nhỏ, vỏ trắng tinh.
Trong điều kiện nuôi nhốt, người nuôi chim sử dụng các hộp gỗ hình vuông hoặc chữ nhật đơn giản để thay thế cho bọng cây thiên nhiên.
Như nhiều loài finch khác, cả bố mẹ Gouldian finch đều tham gia vào việc ấp trứng và nuôi con. Chim mái luôn luôn ấp trứng vào ban đêm, còn ban ngày thì thường nhiệm vụ ấp là của chim trống.

Gouldian finch thường ăn các loại hạt khô, như các loại hạt cỏ mọc hoang dại. Thời điểm chim sinh sản trong tự nhiên thường trùng với thời điểm bắt đầu mùa mưa, chúng ăn thêm những hạt cỏ nẩy mầm sau cơn mưa, và một ít sâu bọ nhỏ để làm thức ăn mềm bổ dưỡng mớm cho con.

Người đầu tiên phát hiện và đưa thông tin đến thế giới khoa học và người nuôi chim cảnh về loài chim này là nhà tự nhiên học John Gould – người Anh, đến Úc để nghiên cứu về hệ động thực vật của lục địa này.

Ngạc nhiên trước vẻ đẹp lộng lẫy, màu sắc rực rỡ của những con chim nhỏ tuyệt vời, ông đã đặt tên cho chúng là Lady Gould, để tôn vinh và tỏ lòng biết ơn đến người vợ của mình, người đã cùng ông rời xa quê hương bôn ba muôn dặm để nghiên cứu về các loại chim Úc châu.

Tại VN, Gouldian Finch đã có mặt từ khá lâu, luôn là mặt hàng khan hiếm và có giá trị cao trên thị trường chim cảnh. Người nuôi chim Việt Nam gọi chúng là chim Bảy màu, vì bộ lông của chúng có 7 mầu phân bố rõ ràng: đầu đỏ (hoặc vàng, hoặc đen), họng đen, ngực tím, bụng vàng, lưng xanh lá, gáy xanh lam, đuôi dưới trắng.

Như nhiều người nuôi chim ở các nước khác trên thế giới, người nuôi Việt Nam luôn phải sử dụng Society Finch (chim Sắc Nhật) – một loài Finch cùng họ, để ấp trứng và nuôi chim con thay cho chim Bảy màu.

Việc này dần biến Gouldian Finch trở thành loài chim ‘kiểng công nghiệp’ thực thụ, chỉ biết đẻ trứng nhưng không ấp trứng và mớm con, hoặc ấp mớm rất kém, khiến các thế hệ chim con về sau thoái hóa dần bản năng ấp trứng và nuôi con như tự nhiên hoang dã.

Tại các cường quốc chim cảnh Úc, Mĩ… song song với việc nghiên cứu chọn lọc giống để lai tạo ra màu sắc Bày màu mới, độc đáo, người ta vẫn rất chú trọng đến việc tạo điều kiện cho chúng sinh nở như tự nhiên, giúp chúng gìn giữ bản năng duy trì nòi giống. Việc này đòi hỏi sự nhẫn nại và chịu khó tạo điều kiện môi trường sống gần gũi tự nhiên cho chim. Giá thành Gouldian Finch khá đắt, trung bình tại Mĩ hiện nay từ 90 – 300 USD/con, còn tại VN là 1.000.000 VNĐ – 1.500.000 VNĐ/cặp với các màu lông tự nhiên và có thể lên đến 300 – 400 USD/ cặp với các màu lông lai tạo hiếm có.

Để nuôi tốt Gouldian Finch, cũng như nuôi các loài finch khác, cần đảm bảo cho chúng một hỗn hợp thức ăn hạt thật đa dạng, với các loại hạt khác nhau được bảo quản tốt, đủ thành phần dinh dưỡng, bao gồm Bột – Đạm – Béo – Vitamine và các yếu tố vi lượng khác.

Khá nhiều người nuôi Việt Nam thường chỉ cho Bày màu ăn hạt Kê – nghĩ rằng hạt kê bổ nhất và vì đây là chim quí nên phải cho chim ăn thứ hạt tốt nhất.

Song, thực tế ngoài tự nhiên các loài chim luôn có nhiều cơ hội lựa chọn và trải nghiệm các loại thức ăn khác nhau.
Mỗi loại hạt đều có những tỉ lệ dinh dưỡng riêng và việc phối hợp đa dạng các loại hạt (gồm cả hạt cỏ lẫn hạt ngũ cốc) là cần thiết để đảm bảo cho chim nuôi nhốt một chế độ dinh dưỡng đầy đủ

Tùy vào thời điểm phát triển của chim nuôi mà người nuôi sẽ có những chế độ ăn phù hợp cho chim. Mùa sinh đẻ, mùa thay lông, mùa nghỉ dưỡng phục hồi sức khỏe chuẩn bị cho kì sinh sản tiếp theo… đều có những đòi hỏi riêng về chế độ dinh dưỡng. Với các loại thức ăn mới: cần kiên nhẫn tập dần cho chim ăn. Bảy màu nổi tiếng ‘khảnh ăn’, và thường rất cần sự kiên trì để chúng làm quen và chịu ăn một loại thức ăn mới nào đó.

Chuồng nuôi Gouldian Finch cần rộng rãi, thoáng mát, đủ ánh sáng, sạch sẽ, ấm áp. Cần quan tâm đảm bảo độ khô ráo, tránh ẩm ướt, tuyệt đối chống gió lùa. Chuồng nuôi rộng, có cây xanh, có nắng sáng chiếu vào thì rất tốt – không những làm chim thoải mái vì được sống trong môi trường gần gũi tự nhiên, mà ánh sáng mặt trời là yếu tố quan trọng để tổng hợp Vitamine D – đảm bảo cho chim một hệ xương chắc khỏe, hệ lông bóng mượt, sặc sỡ.

Nếu không vì lí do kinh doanh, hãy để chim tự bắt cặp, tự chọn bạn đời ở tuổi thực sự trưởng thành – khoảng 2 năm tuổi: độ tuổi sung sức và viên mãn của chúng.

Khi ấy, có nhiều cơ hội để thấy chúng tự ấp trứng và tự nuôi con như ở ngoài thiên nhiên, thay vì gò ép chúng sinh sản sớm và đem trứng cho chim khác ấp nuôi giúp, biến Gouldian Finch thành ‘chim công nghiệp’.

Gìn giữ cho chim bản năng gốc biết tự duy trì nòi giống cũng là nhiệm vụ của người nuôi, yêu chim cảnh và tôn trọng tự nhiên.