Tiết trời đã sang Xuân, cánh đồng khoác thêm áo mới, nghe tiếng chim cu gáy gọi bạn làm tôi thêm nhớ tiếng chim cu gáy ở đảo Đá Tây A, trong chuyến công tác đến quần đảo Trường Sa cách đây chưa lâu…
QĐND – Tiết trời đã sang Xuân, cánh đồng khoác thêm áo mới, nghe tiếng chim cu gáy gọi bạn làm tôi thêm nhớ tiếng chim cu gáy ở đảo Đá Tây A, trong chuyến công tác đến quần đảo Trường Sa cách đây chưa lâu.
Hôm đó, trời nắng như đổ lửa, lại mặc áo phao đi biển, khiến tôi cảm thấy ngột ngạt. Vậy mà khi đặt chân lên đảo Đá Tây A, mệt nhọc như vơi đi rất nhiều khi các thành viên trong đoàn công tác nghe tiếng chim cu gáy êm đềm-âm thanh quen thuộc của đồng quê Việt Nam. Tiếng “cúc cù cu… cu… cu” lúc trầm, lúc bổng, hòa cùng tiếng sóng biển trở nên thật ấm cúng. Ai đó trong đoàn công tác chợt thốt lên: “Tiếng chim như bản nhạc hữu tình của đồng quê bên cánh sóng”.
Thấy mọi người lắng nghe tiếng chim cu gáy, Thiếu tá Đỗ Mạnh Quỳnh, Đảo trưởng, giải thích: “Trên đảo có 4 con chim cu gáy đã nuôi hơn 1 năm, do Đại úy Nguyễn Kim Dũng, Chính trị viên đảo và một số cán bộ, chiến sĩ về phép mua từ huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ. Anh em trên đảo yêu mến giống chim gắn bó với lũy tre làng nên đặt tên chúng theo chất giọng của từng con là: Thổ đồng, Thổ kim, Sấm thổ và Kim pha”. Ngày mới ra đảo, chim cu gáy chưa quen với khí hậu khắc nghiệt ngoài biển khơi nên chúng rất yếu, gáy nhỏ. Cán bộ, chiến sĩ cho chim ăn đất mối để tăng cường khoáng chất; ăn hạt cải, vừng, kê, đậu tương… để bổ sung dinh dưỡng; mỗi ngày cho chim tắm nắng 15 phút… Nhờ chăm sóc tốt nên chỉ sau một thời gian, cả 4 chú chim đều béo tốt, gáy khỏe.
Khi mặt trời vừa ló rạng, chim đã gáy đánh thức mọi người trên đảo bắt đầu một ngày mới. Khách đến thăm đảo, chim chào mừng bằng tiếng gáy vừa dịu êm, trong trẻo, mà lắng đọng như chính bản chất con người ở Trường Sa. Cán bộ, chiến sĩ Trường Sa luôn dành những thứ quý nhất trên đảo để đón tiếp khách; tại các âu tàu, bến đỗ, cầu cảng… luôn có một chậu nước ngọt để khách rửa tay, dù biết, nước ngọt trên đảo vẫn là của hiếm. Mỗi khi có bão lớn, chim không gáy mà thường dựng lông, vỗ cánh như muốn xua đuổi cái ác, cái dữ ra khỏi vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc…
Thường xuyên chăm sóc những chú chim cu gáy trên đảo, Trung sĩ Đào Thế Quang, Khẩu đội trưởng Khẩu đội pháo phòng không đảo Đá Tây A, tâm sự: “Nghe tiếng gáy của chim, tôi thấy bớt nhớ nhà, quên mệt nhọc sau những giờ huấn luyện căng thẳng, vất vả”. Còn Đại úy Nguyễn Kim Dũng, Chính trị viên đảo Đá Tây A thì ví von: “Tiếng chim cu gáy như tiếp thêm cho chúng tôi sức mạnh từ quê nhà, động viên cán bộ, chiến sĩ phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ”.
Bài và ảnh: MÈ QUANG THẮNG