Người chơi chim cu gáy thường nhốt cu gáy trong chiếc lồng trái đào. Nếu chẳng may sơ sểnh, cu gáy xổng ra là bay đi mất. Thế nhưng cũng có những chú chim cu gáy có thể nuôi thả được. Mấy anh em trong tiểu đội dân quân thường trực ở phường Mạo Khê (Đông Triều) có nuôi 3 con cu gáy và do sơ sểnh có 1 con bị xổng khỏi lồng. Mấy anh em ngẩn người tiếc vì đó là chú chim gáy hót rất hay…
Chú chim gáy xổng lồng vẫn về sân ăn thóc hàng ngày. |
Thế nhưng 3 ngày sau, chú cu gáy sổ lồng lại bay về, sà xuống sân ăn thóc cùng với mấy chú chim bồ câu và đàn gà tre cảnh. Rồi những ngày sau đó, mỗi khi anh em ném nắm thóc ra sân cho đàn chim bồ câu và gà tre cảnh ăn là chú cu gáy lại bay về, rón rén cùng ăn thóc. Ăn song, chú ta khi thì bay lên ngọn khóm tre ngà, lúc bay lên cành cây mít cao và khoan khoái cất tiếng gáy mộc mạc: Cúc cù cu… Ban ngày chú chỉ quanh quẩn trên cành cây mít, cây lộc vừng hoặc khóm tre ngà và cất tiếng gáy cùng các chú cu gáy đang nuôi nhốt trong lồng. Ban đêm, lúc chú ngủ ở cây này, lúc ở cây khác, không cố định ở tại một cây nào cả, nhưng không bay xa bao giờ.
Khi còn nhốt trong lồng, chú cu gáy bị cắt ngắn đuôi, sau hơn 1 tháng thì lông đuôi đã mọc dài ra rất đẹp. Anh Ngô Văn Kiên, một người ham chơi chim cu gáy ở Mạo Khê nói: Đó là chú cu gáy hay, bởi nó có dáng “đầu nhỏ, mỏ cong, cườm cao, giao cánh, ức nở”…
Chú chim gáy hàng ngày sà xuống sân ăn thóc khiến mọi người ai cũng thích. Bởi nó chẳng khác gì chim nuôi thả cả. Đặc biệt vào ngày nghỉ, mấy anh em thường mang các chú cu gáy nuôi trong lồng đến đây thi hót và chú cu gáy thả đứng trên cây cũng hoà vào dàn nhạc rất rôm rả.
Nuôi cu gáy hấp dẫn bởi tiếng hót của nó mộc mạc, khơi gợi tiếng vọng của đồng quê. Cu gáy ăn chủ yếu là thóc, thi thoảng cho ăn một ít thức ăn khác như đỗ xanh, vừng để bồi bổ cơ thể. Cu gáy cũng cần được tắm, nhưng không tắm nước mà là tắm cát và tắm nắng để loại trừ côn trùng ra khỏi bộ lông của mình…
Trung Hiếu(CTV)