Mới nghe cái tên Mai Thể từ diễn đàn “Hội những người yêu chim cu gáy Thái Bình” nhưng gặp anh chúng tôi mới ngỡ ngàng khi biết “nghệ nhân” Mai Thể năm nay mới 42 tuổi. Trò chuyện với anh về đề tài chim cu gáy, chúng tôi càng hiểu vì sao giới chơi chim cu gáy gần xa phong cho anh là “nghệ nhân”. Hơn 30 năm mê mẩn với tiếng chim cu gáy, anh Thể đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý để có thể lựa chọn những con chim hay có giọng độc, lạ, lối chơi bài bản…
Anh Mai Văn Thể và sản phẩm lồng nuôi chim cu gáy.
Một ngày mưa gió, trong căn nhà hai tầng khang trang của anh Thể, chúng tôi được nghe giàn cu gáy tuyển của anh đua tài. Nhấp chén nước trà xanh với khách, anh chỉ tay giới thiệu từng lồng chim và vanh vách kể về “lý lịch” của mỗi con chim. Anh Thể cho biết: Từ năm 13 tuổi tôi đã theo bố đi bẫy chim.
Những năm đầu đổi mới đất nước, cuộc sống thời mở cửa kinh tế thị trường không ai còn nghĩ nhiều đến chơi chim cảnh. Mỗi lần đi bẫy chim cùng với bố, tôi bị cuốn hút bởi loài chim cu gáy màu sắc giản dị, có vòng cườm trên cổ. Từ đó, tôi chọn những con chim gáy hay để nuôi. Cũng từ đó, tôi tự làm lồng để nuôi những con chim đó. Hiện nay tôi sở hữu hơn 40 con cu gáy có giá trị. Có những con giá trị cả chục triệu đồng. Đây là số chim tự tay tôi tuyển chọn, thế mạnh của từng con chim cu gáy tôi nắm rất kỹ.
Với anh, mỹ danh “nghệ nhân” mà những người chơi chim cu gáy trong tỉnh, ngoài tỉnh đặt cho mình chỉ vì họ coi trọng công sức, tâm huyết của mình qua những chiếc lồng quả đào, lồng mặt trống… đến với người chơi.
Mỗi chiếc lồng ra đời là một tác phẩm có giá trị thẩm mỹ, kiến trúc, phong thủy mà chỉ những người có chung niềm đam mê giọng hót thuần khiết của một loài chim trời.
“Để có được một chiếc lồng chim ưng ý là cả một quãng thời gian dài tôi say mê nghiên cứu, học hỏi ở các nơi. Tuy nhiên, để có được một tác phẩm của riêng mình, nhìn thấy nó người ta nghĩ ngay đến Mai Thể thì tôi đã tốn rất nhiều công sức, thời gian và tiền bạc. Tôi đã từng là thợ kim hoàn nên đó là một lợi thế”, anh Thể chia sẻ.
Nghề chơi lắm công phu
Từ những con chim hoang dã ngoài tự nhiên với đủ thứ âm thổ, đồng, son, kim… tùy vào từng người chơi lựa chọn âm, giọng mà lựa chọn theo sở thích.
Khi thú chơi chim cu gáy trở thành thú chơi tao nhã thì người chơi bắt đầu lựa chọn bài, lối, âm, dáng để thể hiện đẳng cấp. Theo anh Thể, có được con chim độc, lạ được xếp vào hàng chim quý thì như có được “vàng mười”. Có chim quý thì phải nhốt trong những chiếc lồng có giá trị mới xứng tầm nên nghề làm lồng chim cu gáy cũng phát triển theo.
Những con chim cu gáy tuyển chọn được anh Thể dày công thuần dưỡng.
Công việc làm lồng chim của anh được coi là một nghề bởi vừa làm lồng chim và kinh doanh chim cảnh, mỗi tháng anh thu nhập từ 10 – 15 triệu đồng. Mỗi chiếc lồng tùy vào nhu cầu của khách, anh làm từ 4 – 5 ngày thì xong. Một tháng anh làm từ 5 – 7 sản phẩm với giá thành từ 1,5 – 3 triệu đồng/lồng.
Anh Thể tâm sự: Có lẽ ở Thái Bình chỉ duy nhất có tôi làm lồng chim cu gáy. Ngoài loại lồng quả đào truyền thống, tôi làm tất cả các loại lồng khi khách yêu cầu nhưng có loại lồng mặt trống là loại lồng đặc trưng do tôi sáng tạo ra. Nguyên liệu làm lồng chim cu gáy phải là tre dây được tuyển chọn từ các bụi tre trong làng.
Mây để làm khung lồng phải là loại mây già, gác bếp từ 3 – 5 năm. Ngoài ra cây lụi làm nan lồng tôi mua từ Ninh Bình. Tiêu chí đánh giá một chiếc lồng đẹp là phải có tầm nhìn thoáng, rộng, chim không bị khống chế, đi lại tự do, mẫu mã đẹp, 100% tinh mộc, không mối mọt… và được làm thủ công hoàn toàn. Có như vậy con chim mới có điều kiện trổ hết bài, lối của mình.
Bí quyết để làm ra những chiếc lồng cu gáy đáp ứng được thị hiếu của người mua cũng như từng bước xây dựng thương hiệu cho mình thì với Mai Thể, bàn tay tài hoa của người thợ làm lồng không cho phép mình ngơi nghỉ. Để có nhiều mẫu mã đẹp, anh tham gia tất cả các hội thi chim cu gáy do các tỉnh miền Bắc tổ chức. Ở đó, anh không chỉ đến để thưởng ngoạn những giọng hót của chim mà anh còn học hỏi được những kinh nghiệm, kỹ thuật, mẫu mã các lồng chim.
Không giống như những loại chim cảnh khác, thú chơi chim cu gáy từ xưa đến nay luôn hấp dẫn bởi sự tao nhã, mộc mạc, khơi gợi sức liên tưởng, hơi thở Phật giáo. Khi nghe tiếng chim cu gáy râm ran gọi bạn có thể liên tưởng đến một cánh đồng mùa vàng chốn quê, sự thanh bình của lũy tre làng. Đối với những người xa quê, nghe tiếng chim cu gáy là gợi nhớ đến cố hương… Vì thế, người chơi chim cũng luôn ý thức rằng, con chim cu gáy phải sống trong lồng gỗ, lồng tre để tôn thêm sự thanh cao, giản dị của một loài chim quanh năm chỉ ăn ngũ cốc.
Ước mơ
Hiện nay, lồng cu gáy của Mai Thể đã có mặt ở hầu hết các tỉnh phía Bắc và đang vươn tới các tỉnh phía Nam và cả nước ngoài. Với anh, đã là một nghề thì phải có tâm với nghề. Nếu như trước kia, khi cả làng Cự Phú đua nhau làm lồng chim chợ để bán thì giờ đây chỉ còn duy nhất anh Thể còn làm nhưng không phải lồng chợ mà là những chiếc lồng có giá trị cao.
Ấy cũng chính là sự đam mê với chim cu gáy để rồi nó vận vào cuộc sống của anh. Người này giới thiệu người kia, khách tìm về đặt mua lồng cu gáy càng đông. Và cứ thế, anh trở thành người cần mẫn xây tổ ấm cho chim.
Giãi bày với chúng tôi, anh Thể tâm sự: 30 năm qua, cũng có khoảng thời gian bỏ nghề làm lồng chim, gác lại niềm đam mê cu gáy để kiếm tìm một nghề mới. Tôi đã từng đi lao động nước ngoài, làm thợ kim hoàn… nhưng cuối cùng lại trở về với nghề làm lồng chim. Cái nghề này nó phụ thuộc rất nhiều vào người chơi nhưng với tôi, trước sau cũng phải làm một tác phẩm để đời, một tác phẩm có giá trị thẩm mỹ để xứng đáng với cái mỹ danh “nghệ nhân” Mai Thể mà bạn bè gán cho tôi.
Chúng tôi chia tay khi anh Thể đang mải miết hoàn thiện chiếc lồng cu gáy cho người khách trước ngày dự hội thi chim, vọng vang giữa tiếng chim cu gáy là tiếng cười nói, bình luận của những người cùng thú chơi đến với anh. Và ở đó, chúng tôi đã biết nhiều hơn về anh, người xây tổ ấm cho chim cu gáy. |